Đó là cuốn sách "Quy hoạch Đà Lạt, một thời trăn trở" của ThS. KTS Trần Đức Lộc do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hành tháng 12/2018. Với hơn 130 trang, 14 bài viết và tham luận chủ đề đô thị Đà Lạt đã trình bày tại các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia và trong tỉnh trải dài trong 10 năm, tác giả đưa đến người đọc một cuốn sách thực sự giá trị từ nội dung đến hình thức.
Đó là cuốn sách “Quy hoạch Đà Lạt, một thời trăn trở” của ThS. KTS Trần Đức Lộc do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hành tháng 12/2018. Với hơn 130 trang, 14 bài viết và tham luận chủ đề đô thị Đà Lạt đã trình bày tại các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia và trong tỉnh trải dài trong 10 năm, tác giả đưa đến người đọc một cuốn sách thực sự giá trị từ nội dung đến hình thức.
|
Bìa cuốn sách “Quy hoạch Đà Lạt, một thời trăn trở”. Ảnh: M.Đ |
Tác giả Trần Đức Lộc là một trong những kiến trúc sư có mặt sớm nhất ở Đà Lạt sau 1975 và gắn bó với lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc của thành phố này cho đến lúc nghỉ hưu (2017). Với cương vị từng là Trưởng phòng về Quy hoạch và Kiến trúc của Sở Xây dựng Lâm Đồng trong nhiều năm liền, tích lũy nhiều vốn hiểu biết sâu và rộng, anh luôn trăn trở với sự hình thành - phát triển đô thị Đà Lạt như chính đầu đề cuốn sách. Năm 2000, anh ra đầu sách “Đà Lạt trong tôi” (NXB Trẻ) với 20 bài, và năm nay tiếp tục cuốn sách này chứng tỏ nội lực lớn, tâm huyết sâu nặng của anh về quy hoạch Đà Lạt.
“Quy hoạch Đà Lạt, một thời trăn trở” được tác giả chia sẻ, mục đích nhằm khẳng định một lần nữa tính tất yếu của việc quản lý quy hoạch đô thị Đà Lạt không thể không trải qua tính học thuật được đúc kết qua những hội thảo mà bản thân anh tham gia. Có thể chưa thỏa mãn như kỳ vọng, nhưng với những kiến giải khá đa chiều, tác giả hướng đến đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo, cho tỉnh những trải nghiệm bằng sự nghiên cứu nghiêm túc từ các hội thảo khoa học có uy tín, mang tính phản biện độc lập của nhà khoa học.
Những vấn đề về “Quy hoạch Đà Lạt” mà tác giả Trần Đức Lộc “trăn trở” đó là Đà Lạt cũng như các đô thị ở Lâm Đồng đang có cơ hội phát triển, nhưng cũng không khỏi đối diện những thách thức như: quản lý di sản; tầm nhìn chiến lược trong vấn đề phát triển đô thị; giữ gìn quỹ biệt thự kiến trúc Pháp; bảo vệ môi trường; đô thị sinh thái; kiến tạo cảnh quan du lịch từ đô thị đến nông thôn... Cấu trúc khoa học, diễn đạt lớp lang, cẩn trọng, mỗi bài viết trong cuốn sách được soi chiếu bằng những nhãn quan và triết lí của học thuật; đồng thời gửi gắm những thông điệp mới và riêng. Tôi rất thích cách lập luận vấn đề của Trần Đức Lộc, vừa chặt chẽ về lý luận, xâu chuỗi logic; vừa đề đạt những giải pháp, kiến nghị cụ thể, rất trách nhiệm và thuyết phục.
Cuốn sách có bản sắc sẽ “giúp thế hệ sau những ai làm quản lý, những người quan tâm đến đô thị Đà Lạt lĩnh hội những lượng thông tin tương đối chính xác, có thẩm định và cơ sở khoa học. Nó cũng giúp nhà đầu tư, kiến trúc sư, nhà báo, nhà quản lý có cái nhìn về quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị”. Đó là ý niệm rất chân thành, nghiêm túc và trách nhiệm của tác giả Trần Đức Lộc. Cần nói thêm, “Quy hoạch Đà Lạt, một thời trăn trở” là tập hợp nhiều bức ảnh hoàn hảo từ bố cục đến ánh sáng của chính tác giả, cũng là thế mạnh bởi anh là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Cuốn sách in đẹp, bìa cứng, khổ 20,5 x 20,5 cm cùng trình bày ấn tượng bởi tác giả Hoàng Thảo. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả nhân dịp Đà Lạt kỷ niệm 125 năm hình thành và phát triển (sách có bán tại Văn phòng Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng, Hội Nhà báo Lâm Đồng và Công ty Tư vấn Kiến trúc Ngọc Hiền... Giá 200.000 đồng/cuốn).
PHAN TĨNH XUYÊN