Nhà thơ - nhạc sỹ - nhà giáo Phạm Công - Phạm Cao Hoàng, một tên tuổi góp phần vinh danh diện mạo văn hóa của vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng từ thập niên 70.
Nhà thơ - nhạc sỹ - nhà giáo Phạm Công - Phạm Cao Hoàng, một tên tuổi góp phần vinh danh diện mạo văn hóa của vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng từ thập niên 70.
|
Vợ chồng Phạm Cao Hoàng cùng học trò |
Gần 20 năm rời xa quê nhà và định cư tại tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ), người nghệ sỹ và nhà trí thức ấy vẫn nồng nàn một tình cảm đặc biệt dành cho thành phố sương mù Đà Lạt. Kể từ thời điểm 1974 đến năm 2017, anh đã có rất nhiều sáng tác thơ - nhạc, trong đó có 10 tác phẩm thi ca dành riêng cho Đà Lạt…:
“Mới đó mà đã gần 20 năm. Mọi việc cứ tưởng chừng như vừa mới hôm qua. Tôi và Hoa đã nghỉ hưu. Ba cô con gái đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Nơi tôi đang sống là tiểu bang Virginia...”. Đó là dòng tự bạch ngắn ngủi của Phạm Cao Hoàng qua địa chỉ email mà sau nhiều lần thất lạc và dò hỏi, tôi mới tìm lại được đúng tối ngày 20/11/2018 - Ngày Nhà giáo Việt Nam. Phạm Cao Hoàng có lẽ cũng rất bất ngờ và anh nhanh chóng gửi ngay loạt thơ kèm theo hình ảnh “Phạm Cao Hoàng Mười bài thơ cho Đà Lạt”, được sắp xếp theo thứ tự bài mới nhất trước (2017), bài cũ sau (1974). Nghĩa là trong suốt 43 năm sống và làm việc cật lực dù ở quê nhà hay nơi xứ người, anh luôn dành dụm một góc tình yêu riêng cho Đà Lạt. Cho nên, dù sắp đặt hay chọn lọc lại thời điểm trước hay sau, đó vẫn là một giọng thơ - một hồn thơ hồn hậu và dung dị mang tên Phạm Cao Hoàng. Viết trong ngày sinh nhật vợ vào tháng 6/2017 - chị Cúc Hoa, anh có bài
“Chiều đi ngang qua thung lũng Fox”, một nơi có quang cảnh tuyệt đẹp của bang Virginia khiến anh không thể không nhớ về Đà Lạt thân yêu:
“Một hôm mây trắng tôi về,
Qua thung lũng Fox, lòng nghe ngậm ngùi
Nhớ Đà Lạt quá, em ơi!
Và mây trắng với những đồi thông xưa
Chờ nhau, mấy giọt cà phê
Nhìn nhau, một nụ hôn vừa trao nhau”
Đà Lạt - D’ran là cả một trời kỷ niệm của chàng sinh viên, chàng thi sĩ nghèo lãng tử Phạm Công thuở nào trước khi gặp gỡ cô gái nữ sinh dịu hiền đoan trang đúng chất Đà Lạt - Cúc Hoa. Cuộc tình của họ đã trở thành một giai thoại đẹp trong làng văn nghệ Đà Lạt thập niên 70, được nhiều người ngưỡng mộ và chúc phúc vì nó quá đẹp, quá trong trẻo, dẫu có lúc gập ghềnh gian nan - nhất là trong giai đoạn cả hai buộc phải giã từ Đà Lạt sang Mỹ làm lụng rất vất vả cực khổ để chăm lo cho các con ăn học nên người, trong một môi trường quá sức tưởng tượng. Người tình lãng du thuở nào - nay là một người đàn ông đã quá dày dạn trước giông bão cuộc đời, đúc kết:
“Bây giờ, bốn mươi năm sau
Tôi về, mây trắng trên đầu bay ngang
Vẫn cùng em đi lang thang
Vẫn yêu em đến vô vàn, biết không?
Vẫn yêu Đà Lạt vô cùng”
Dù sinh ra tại Phú Yên, nhưng Đà Lạt mới chính là miền đất miên viễn ôm ấp trọn một thời khởi nghiệp của Phạm Công, trước khi nghệ danh Phạm Cao Hoàng được nhiều người mê thơ - nhạc biết đến và yêu mến. Bao quát, tinh tường nhưng lại đầy khiêm cung - tế nhị. Sâu sắc, kiên định nhưng luôn nhẹ nhàng và đơn giản. Đó là tất cả những yếu tố làm nên chân dung hài hòa nhưng không trộn lẫn của một trí thức - nhà thơ - nhà giáo và nhạc sỹ Phạm Cao Hoàng - tức Phạm Công. 10 bài thơ dù quả là gia tài tinh thần khiêm tốn được viết bằng một phong cách dung dị và nhất quán; kèm theo một số hình ảnh tư liệu vợ chồng anh chụp tại Đà Lạt - Thung lũng Fox - Rừng Scibilia; phác thảo chân dung của các họa sĩ nổi tiếng cũng từng gắn bó thân thương với Đà Lạt (Đinh Cường - Nguyễn Trọng Khôi), các photo vang bóng một thời trên Phố Núi (Mỹ Dung, Lê Chỉnh)... Tất cả tạo nên một sự cộng hưởng giàu ân nghĩa, đủ để chúng ta hiểu thêm về con người thực của tác giả.
Nhưng giới yêu thơ và làm thơ ở Đà Lạt nói riêng, miền Nam trước đây nói chung, ấn tượng mãi với giọng thơ chân thực - hiền lành mà lại rất chất của lãng tử họ Phạm trong bài “Nhớ Cúc Hoa”:
“Đất anh ở và rừng anh thở
Sáng anh đi chiều lại trở về
Rừng vi vút những đêm gió thổi
Bóng anh chìm với bóng hư vô
Anh đi qua rừng cao quá đỗi
Anh đi về rừng quá đỗi cao
Anh thu mình như con sâu nhỏ
Nằm rung rinh giữa đám lá rì rào”
Đà Lạt nói chung, triền đất Xuân Trường - Xuân Thọ nối dài xuống tới tận D’ran xưa đúng là quá hoang vu đến mức choáng ngợp. Trong nỗi nhớ người yêu - cô nữ sinh Cúc Hoa hiền dịu, chàng lãng tử nối tiếp dòng phác họa sự cô liêu rợn ngợp bằng mấy câu thơ rất đắc:
“Và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
Núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
Núi ngó anh và anh ngó núi
Núi đụng trời, anh đụng nỗi đìu hiu”
Chẳng rõ tự bao giờ, thiên nhiên - đất trời - không gian hoang vu xanh thẳm nhưng hiền hòa của Cao nguyên đã lặn vào hồn thơ, giọng thơ của Phạm Cao Hoàng “Núi ngó anh và anh ngó núi, núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu”... Cái đắc địa và đặc sắc trong ngôn ngữ thơ Phạm Cao Hoàng không phải là sự dụng công - cách tân hay cầu kì trong xây dựng hình tượng thơ, cũng không phải là việc lạm dụng vào các thủ pháp mang tính thông thuộc, thường dễ nhìn thấy trong bút pháp của nhiều tác giả làm thơ cùng thế hệ...mà nó nằm ngay ở mạch ý trực tiếp của lớp ngôn từ xem chừng rất nhẹ nhàng và giản lược. Điều này cũng xuất hiện trở lại trong tác phẩm thơ - nhạc
Gửi em, Đà Lạt... được nhiều người yêu thích. Song điểm nhấn đặc biệt ở tác phẩm này chính là giọng điệu trong trẻo nhưng chân tình của chàng thi sĩ đang lần gót và dõi bước đi theo bóng dáng của cô nàng xinh tươi Đà Lạt.
Sáng nay
Mưa đã về
Rừng thông xao xuyến khách phương xa
Hỡi cô em Đà Lạt
Về đâu?
Tôi muốn theo về
Với người
Trót yêu người rồi nên phải yêu luôn cả mưa của đất trời Cao nguyên thênh thang phủ giăng tứ hướng vậy. Cái lạ từ bài thơ này là ở chỗ: tác giả có lẽ là người đầu tiên hoặc thuộc vào số ít những nghệ sĩ sáng tác tụng ca âm vang - hình khối và sắc màu rất riêng của… đặc sản Mưa Đà Lạt.
Mưa cho đôi má em hồng
Mưa cho đôi mắt em buồn
Mưa bay qua cõi vô cùng
Và tôi bay giữa mênh mông
Mưa âm vang
Suốt bên trời
Mưa lang thang
Mấy phương trời
Mưa qua
Như dáng thu người
Đời vui thêm tiếng em cười
Rõ ràng, chủ thể Em - người yêu Đà Lạt dù hiện hữu đấy nhưng vẫn không che lấp được một chủ thể bao trùm hơn Mưa - thế giới mưa mang dáng hình của riêng Đà Lạt... Sự hài hòa giữa hai chủ thể này được đúc lại bằng nét thăng hoa bay bổng chứ không u buồn - uẩn ức như vẫn thường bắt gặp trong rất nhiều sáng tác thơ nhạc cùng thế hệ:
và tôi bay giữa mênh mông… đời vui thêm tiếng em cười.
Trong các bài thơ khác như:
Cũng may còn có nơi này, Đà Lạt và câu chuyện về khu vườn thi sĩ, Ngày tôi trở lại miền Đông, Chia tay Đà Lạt, Đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù, Thức cùng em đêm nay, Người thi sĩ ấy không còn làm thơ... Phạm Cao Hoàng vẫn vẹn nguyên một phong cách nhuần nhụy, giản lược và trong sáng qua từng mạch thơ hay ý thơ cô đọng. Dù không có tuyên ngôn nào cho gia tài thi ca nói chung, thơ viết cho Đà Lạt nói riêng... nhưng người đọc vẫn nhận ra một nỗi nhớ đến tận cùng trong thơ anh - nỗi nhớ mang tên Đà Lạt. Đà Lạt theo anh đi khắp nẻo trời xa xôi nơi xứ người. Đà Lạt len vào trong giấc mơ hay trong từng dòng suy tưởng. Đà Lạt vẫn hiện hữu trong những tháng ngày của dòng đời phiêu bạt. Đà Lạt mãi hằn lên như từng vết cắt của thời gian nhòa lẫn vào trong từng nỗi nhắc nhớ... Hãy nghe:
Mười năm và mười mùa đông
Người thi sĩ ấy không còn làm thơ
Còn chăng là tiếng ngựa thồ
Thở khi lên dốc bụi mờ mịt bay…
Nỗi nhớ của 10 năm đầu cách xa Đà Lạt thì là như thế. Nhưng được về thăm lại Cao nguyên vào dịp tháng 1/2012 chỉ có vài ngày, nỗi nhớ ấy dường như cũng chẳng hề vơi cạn:
Thức cùng em hết đêm nay
Chia nhau hơi ấm chờ mai lên đường…
Là khi chia tay Langbian
Chia tay những đám mây bàng bạc trôi
Là khi từ biệt núi đồi
Những con đường của một thời thanh xuân
Là khi ngấn lệ tần ngần
Đứng bên con dốc Nhà Làng ngẩn ngơ…
Và còn đây nữa, khi Đà Lạt như là một nơi chốn yên bình đủ sức chữa lành những vết tích hằn trên tháng năm qua:
Rồi có lúc trở về chốn cũ
Đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù
Quên đi một đoạn đời lận đận
Quên đi những ngày khốn khó gian nan
Giật mình khi điểm lại những câu thơ của Phạm Cao Hoàng khi anh khắc họa nỗi nhớ quê hương trong dặm dài hành trình xa xứ:
Đi cùng tôi nhé, Cúc Hoa
Trên con đường mịt mù mưa xứ người
Và xin cảm tạ đất trời
Đã cho em lại nụ cười hồn nhiên
Đi cùng tôi giọt sương đêm
Nhẹ nhàng như nhạc và hiền như thơ…
Như một giấc mơ gọi ban mai trở về. Như một hành trình ngược xuôi để níu giữ thời gian và kỷ niệm... 10 tác phẩm thơ viết cho Đà Lạt của Phạm Cao Hoàng làm ta yêu hơn, quý hơn con người và đất trời Đà Lạt vốn rất hiền hòa... Từ một ngã ba Chùa, con dốc Duy Tân, con đường Hai Bà Trưng, một chút mưa bay cho tới một nụ hồng cao nguyên - một khu rừng lạnh - tiếng chim gọi đàn - hồ Thạch Thảo - gió núi Langbian - hay một chiều Thủy Tạ - từng giọt sương đèo Prenn... Tất cả phải chăng đã gom về thành cả một trời thương nhớ của cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt?!