Sự bùng nổ của tiểu thuyết lịch sử

08:12, 06/12/2018

Có thể nói, sau năm 1975, văn học Việt Nam đã mang trong mình những sắc màu mới. Một trong những diện mạo cho thấy khả năng bứt phá và nở rộ đó, theo chúng tôi là sự bùng nổ của tiểu thuyết lịch sử...

Có thể nói, sau năm 1975, văn học Việt Nam đã mang trong mình những sắc màu mới. Một trong những diện mạo cho thấy khả năng bứt phá và nở rộ đó, theo chúng tôi là sự bùng nổ của tiểu thuyết lịch sử...
 
Một số tiểu thuyết lịch sử
Một số tiểu thuyết lịch sử
Trong khoảng những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, ở Việt Nam đã có hàng chục tác giả cho ra đời hàng trăm bộ tiểu thuyết lịch sử lớn và có giá trị. Sự kiện này đã rất được sự chú ý của độc giả và giới chuyên môn. Theo như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử thì “Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thời đổi mới có rất nhiều tác phẩm đến được với lòng người, được người đọc trân trọng, yêu chuộng. Điểm đáng chú ý nhất là nó đã vượt qua mô hình cũ và tạo ra nhiều hướng phát triển có hứa hẹn”. Theo ông Sử, có hướng “văn chương hóa lịch sử” như Hoàng Quốc Hải với hai bộ trường thiên. Có hướng nghiêng về phương diện văn hóa, đối thoại văn hóa như Nguyễn Xuân Khánh, có hướng diễn giải lại lịch sử như Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy, có hướng “phi trung tâm hóa” như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, có hướng phi huyền thoại hóa lịch sử như Hội thề của Nguyễn Quang Thân, có hướng đối thoại với chính sử như Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, có hướng đổi mới cách nhìn như Biết đâu địa ngục thiên đường của Nguyễn Khắc Phê, có hướng viết “tiểu sử gia tộc” hư cấu, mà thực ra là viết lịch sử thời đại với con mắt giễu nhại trong Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, còn có hướng ngụ ngôn hóa lịch sử...”. 
 
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao tiểu thuyết thời kỳ này lại có sự phát triển mạnh mẽ như thế? Trả lời câu hỏi này đã có nhiều bài viết của những nhà nghiên cứu lý giải. Tác giả Phan Tuấn Anh trong bài Lịch sử như là hư cấu - quan điểm sáng tạo mới về đề tài lịch sử, đã cho rằng tiểu thuyết lịch sử phát triển rầm rộ là do những biến thiên của thế giới và Việt Nam “Quá trình ấy có thể lý giải từ nguyên nhân đầu thế kỷ XXI dân tộc trải qua nhiều mốc thời gian, sự kiện lịch sử quan trọng, hơn nữa, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng khiến vấn đề bản sắc dân tộc (national identity) đứng trước những thách thức cần khẳng định”. Còn nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài viết Suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử, lại cho rằng: “Đó là hiện tượng xuất hiện trong bối cảnh mối quan tâm về văn hóa ngày một gia tăng trong mấy chục năm qua”.
 
Tuy nhiên, theo chúng tôi ngoài những nguyên nhân trên đây thì còn có những nguồn mạch khác thúc đẩy tiểu thuyết lịch sử bùng nổ. Đầu tiên, chúng ta thấy rằng sau thời kỳ đổi mới (từ năm 1986), văn học Việt Nam có một cơ hội lớn để chuyển đổi từ cách vận hành theo mô hình “Trăm sông đổ về một mối” chuyển sang một sông được quyền lựa chọn cho mình một mối chuyển động riêng. Xu hướng này đã tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ có thêm nhiều cơ hội được tự do theo đuổi đam mê và sáng tạo. Thứ hai, sau thời kỳ hòa bình được lập lại, đất nước dần đi vào ổn định, các hoạt động tìm tòi, nghiên cứu và tôn vinh những vấn đề lịch sử được Đảng và Nhà nước đề cao và chú trọng góp phần cổ vũ lực lượng nghiên cứu và sáng tạo cho ra đời những công trình của mình. Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải và Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang... là những tác phẩm ra đời từ những hoạt động này. Một mặt khác, cũng trong thời kỳ lịch sử này, các loại hình sân khấu về đề tài lịch sử diễn ra ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi tỉnh đều có phương châm đề cao và xưng tụng những nhân vật lịch sử tầm cỡ của tỉnh mình. Chẳng hạn “sân khấu Ninh Bình đau đáu với việc dựng và diễn về danh nhân Đinh Bộ Lĩnh, Dương Vân Nga; các đoàn nghệ thuật Thanh Hóa nhiều năm qua trở đi trở lại xây dựng tiết mục về Khởi nghĩa Lam Sơn, rồi hình tượng Bà Triệu, Tống Duy Tân... Còn chèo, cải lương Nam Định hăm hở đưa lên sàn diễn hình tượng các vua nhà Trần... Sân khấu Bắc Giang thể nào cũng có tác phẩm về Hoàng Hoa Thám, còn Bắc Ninh thì miệt mài với vở diễn Cô gái kinh Bắc (nói về cuộc khởi nghĩa Cai Vàng)... Sân khấu Bình Định thì không quên đi về với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; còn sân khấu Đà Nẵng, Quảng Nam lại nỗ lực diễn tả những nhân vật lịch sử của quê hương mình như: Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân...; sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh, dồn nguồn lực dồi dào tạo dựng vở diễn hoành tráng về Tả quân Lê Văn Duyệt...”. Hai con đường này đã góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ lực lượng sáng tác tạo ra sản phẩm mới về lịch sử và đồng thời kéo đội ngũ tiếp nhận đến với đề tài lịch sử. 
 
Thứ ba, nhìn từ góc độ chất liệu của thể loại này, chúng ta thấy “lịch sử là một dạng hiện thực đặc biệt”. Trong lịch sử luôn chứa đựng những vấn đề của tụng ca, bi ca và cả hài ca..., thêm vào đó trong loại hiện thực này luôn có tính ổn định tương đối về mặt thông tin, về sự chiêm nghiệm, nó không giống với những loại hiện thực đang diễn ra vốn khó nhìn nhận một cách toàn cục và bao quát. Chính vì thế, hiện thực từ lịch sử là một chất kích thích cho người nghệ sĩ khám phá và sáng tạo. Thứ tư, nhìn từ góc độ của đội ngũ sáng tác. Có thể nói chưa bao giờ đề tài lịch sử lại thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới sáng tác đến như vậy. Điều gì làm nên cái lớn lao này? 
 
Theo chúng tôi, mỗi một nhà văn Việt luôn mang trong mình một lý tưởng sống, trong quá trình sinh sống họ đã có những chiêm nghiệm, những đúc rút về lẽ nhân sinh và đặc biệt bản thân mỗi nhà văn ít nhiều đã chiêm nghiệm những nổi chìm trong cõi trầm luân. Hơn nữa, họ là những con người vốn đã được trau dồi kinh sử qua một nền giáo dục vốn chú trọng văn - sử bất phân. Có lẽ chính vì những điều này mà trong tiềm thức, trong ý thức của họ luôn có những khoảng đồng vọng với quá khứ, với những con người của lịch sử. Kết hợp những điều này lại đã làm nảy sinh trong tâm thức của mỗi nhà văn một khát vọng sáng tạo ra một cái gì đó để gửi gắm, để trút bỏ, để giãi bày, để nhắn nhủ những dự báo, những chiêm nghiệm, những tư tưởng của mình cho độc giả, cho hậu thế. Và điều cuối cùng, theo chúng tôi, công cuộc “cởi trói” cho sáng tạo văn học bao giờ cũng có công rất lớn của những con người miệt mài với công tác lý luận. Nền văn học nước nhà trong khoảng mấy mươi năm trước đổi mới chuộng thi ca, lý thuyết và trải nghiệm về tự sự nhất là mảng tiểu thuyết chưa được chuyên chú. Sau những năm đổi mới, những lý luận phải tạm gác giờ có cơ hội được mang ra lại và trải nghiệm, những lý luận vốn dĩ bị ngăn cách bởi những khoảng cách về địa lý, về lập trường giờ đã được níu lại gần hơn. Chính vì điều đó, những thế hệ nhà văn thời kỳ này đã có một cơ hội vàng trong việc tiếp cận và vận dụng những lý thuyết văn học vốn đã tạo ra những công trình rực rỡ ở tầm thế giới. Lực lượng sáng tác này khi đã có những công cụ về lý luận văn học thì cũng là lúc họ đưa mũi khoan khám phá mạnh và khỏe của mình vào lớp trầm tích của lịch sử dân tộc để đưa lên mặt đất những giá trị của sáng tạo.
 
Như vậy có thể thấy rằng, qua những nhìn nhận trên đây chúng ta thấy được niềm yêu nghệ thuật của người Việt chưa bao giờ vơi cạn, đồng thời chúng ta thêm tin tưởng và tự hào vì dù ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào thì trách nhiệm của những người cầm bút với non sông đất nước luôn được họ chú trọng và trau dồi.
 
Bài viết có tham khảo những tư liệu sau:
1. Lịch sử như là hư cấu - quan điểm sáng tạo mới về đề tài lịch sử (2013) Tạp chí Sông Hương số 298 trang 12-13
2. Trần Đình Sử (2013), “Suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử”, Nguồn https://trandinhsu.wordpress.com/2013/04/03/suy-nghive-lich-su-va-tieu-thuyet-lich-su/
3. Nguyễn Văn Thành Tạp chí VHNT số 344, tháng 2/2013.
 
NGUYỄN VĂN DŨNG