"Ðất Ngàn Hoa" dạt dào tình cảm

09:12, 27/12/2018

Nhân dự Trại sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức với đề tài 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2018), nhà thơ Phan Hữu Giản đã nảy sinh ý tưởng, hăm hở bắt tay thực hiện và xuất bản tập thơ mà ông ấp ủ đôi năm nay.

Bìa tập thơ “Đất Ngàn Hoa”
Bìa tập thơ “Đất Ngàn Hoa”
Nhân dự Trại sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức với đề tài 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2018), nhà thơ Phan Hữu Giản đã nảy sinh ý tưởng, hăm hở bắt tay thực hiện và xuất bản tập thơ mà ông ấp ủ đôi năm nay. “Đất Ngàn Hoa” (NXB Văn học 2018), lượng in tới trên 2.000 bản, gồm 69 bài thơ được Phan Hữu Giản sáng tác trong khoảng hơn 15 năm gần đây, 5 bài thơ của tác giả được các nhạc sĩ Trần Hoàn, Nguyễn Ngọc Thiện, Sóng Trà, Đình Nghĩ, Vi Quốc Hiệp phổ nhạc. Với phần lớn thơ hướng cảm xúc về Đà Lạt, “Đất Ngàn Hoa” cũng trân trọng giới thiệu bài thơ “Nụ cười Đà Lạt” của nhà thơ Hải Như được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc. Tập thơ trình bày trang nhã, in màu một số tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, thư pháp của văn nghệ sĩ quen thuộc với công chúng Lâm Đồng: Đặng Ngọc Trân, Vi Quốc Hiệp, Nguyễn Văn Lại, Phan Văn Gái, Hà Hữu Nết, Lê Mưu. 
 
 Ở tuổi 77 “xưa nay hiếm”, nhà thơ Phan Hữu Giản bên cạnh là nhà lãnh đạo, quản lý có nhiều đóng góp cho Vùng Kinh tế mới Hà Nội, huyện Lâm Hà, thành phố Đà Lạt và Lâm Đồng, ông đã có trong tay 2 tập thơ “Hương đất tình người” (NXB VHNT và Hội Nhà văn Hà Nội - 1999), “Lâm Hà trong tôi” (NXB Văn học - 2011) và chủ biên, có tác phẩm in chung trong 6 đầu sách khá bề thế. 
 
“Thời gian thấm thoắt thoi đưa”, tôi quen biết nhà thơ Phan Hữu Giản cũng ba thập niên. Biết rằng làm lãnh đạo, làm quản lý và nhất là hoạt động trên lĩnh vực chính trị ắt bận bịu nhiều việc, tư duy bộn bề những vấn đề kinh tế - xã hội... cộm cán, gai góc, thế nhưng sau những cuộc họp “nóng bỏng, gay cấn” - có những cuộc tưởng chừng khó ăn mất ngủ, ông vẫn dành một khoảng lặng cho thơ và dĩ nhiên là những vần thơ chở nặng nỗi niềm thế sự. Thi sĩ Phùng Quán từng viết “vịn câu thơ mà đứng dậy”! Tôi nghĩ, tác giả chắc ít trải qua những trạng huống ấy, thế nhưng tin rằng đến với thơ, ông đã cảm nhận những tình cảm tin yêu và tinh thần lạc quan hơn trong cuộc đời. Từ đó thêm vun bồi cao hơn, chắc hơn trách nhiệm công dân - nhà thơ! 
 
 Đọc “Đất Ngàn Hoa”, ta thấy tình cảm tác giả ngân lên ở nhiều cung bậc rung động từ những xúc cảm sâu sắc, chân thành với quê hương, đất nước. Từ vùng đất Việt Bắc, Tây Bắc mà ông gắn bó một thời sinh viên, một thời trai trẻ, đã lưu luyến mãi trong cuộc đời: “Mình ra Việt Bắc quê nhà/ Cho ta làm hạt phù sa về nguồn/... Đồi trăng say nụ hôn đầu/ Con đò bến nước neo câu hẹn hò/ Mấy mươi năm đợi, tháng chờ/ Mong ngày gặp lại... Câu thơ một thời” (Bình Ca bến đợi). Đó cũng là cảm xúc gần 60 thập niên trước được đón Bác Hồ về thăm Nông trường Sông Lô - Tuyên Quang: “Mùa xuân 61 - Nông trường/ Được vui đón Bác yêu thương dặn dò/ Nức lòng tuổi trẻ Sông Lô/ Sẵn sàng đi khắp bến bờ ngược xuôi/ Mưa bom, bão đạn dập vùi/ Không ngăn nổi lớp măng chồi tươi xanh”... Cảm xúc như mạch nguồn trong trẻo tuôn trào sóng lòng trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người hào hùng hoặc sự trở trăn cảm thông mỗi khi thăm lại những địa danh gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: Hà Giang, Điện Biên, Hà Nội, Nam Định, Quảng Bình, Huế, Tây Nam bộ... Thơ là sự thăng hoa tình cảm và cũng là sự trầm tích của tâm tưởng suy lý. Vì vậy, chùm thơ “Viết dưới tượng đài chiến thắng” với cảm xúc từ “Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tác giả đúc kết bằng “Đôi điều suy ngẫm”: “Thành, bại, hưng, vong... ngẫm thế thời/ Xa, gần, huyết sử... lệ đầy vơi/ Đã nguyền Trung Nghĩa vì Dân Nước/ Sao để gian tham hại giống nòi”... Với Lâm Đồng - Đà Lạt là quê hương thứ hai yêu dấu, nơi tác giả gắn bó và trưởng thành, nhà thơ Phan Hữu Giản đã trải lòng say đắm, tự hào: “Như những mâm vàng trải khắp cao nguyên/ Hoa quỳ nở ấm làng buôn nắng lên/ Mỗi mắt lá - một quả tim xanh/ Thắm tình yêu đất/ Cho lúa trĩu bông/ Chiêng cồng múa hát/ Cà phê nảy hạt/ Vòng bạc tay mềm” (Với Dã quỳ), “Đất lành đã hóa quê hương/ Rừng, trời, biển mở rộng đường vào xuân/ Đón mời tri kỷ, tri âm/ Nhân tài hội tụ nâng tầm Ngàn Hoa” (Tôi yêu Đà Lạt), “Dạt dào như nước Đạ Dâng/ Mênh mông sóng lúa mượt đồng Đinh Văn/ Bồi hồi lưu luyến Nam Ban/ “Thân tằm dẫu thác vẫn còn vương tơ”/ Ươm mầm Xuân, dệt ước mơ/ Về đây vợi nhớ Thủ đô quê nhà” (Nhớ Lâm Hà), “Khắp vùng miền, người trước rước người sau/ Tây Nguyên gọi, hợp nhau xây quê mới/ Cuộc sống nảy mầm, đơm hoa, kết trái/ Đến hôm nay, ta say hội chiêng cồng” (Thức với Đam Rông)... Yêu Đà Lạt bao nhiêu thì nỗi trở trăn giàu trách nhiệm với hiện tại, tương lai và kỳ vọng với “Thành phố “Rừng thông”, “Ngàn Hoa” thắm tươi” càng cao bấy nhiêu. Chính vì vậy, tác giả sẻ chia, gửi gắm tới độc giả: “Thuận lợi, khó khăn đan xen “Thời hội nhập”/ Cần đội ngũ vững vàng, “Khai sơn phá thạch”/ Chọn đúng Người đứng đầu “Yêu nước - Thương dân”/ Có đạo lý, tầm nhìn, phong cách, tài năng/ Giữ nguyên tắc, kỷ cương “Tập trung dân chủ”/ Biết trọng máu xương của bao thế hệ/ Để “Đất lành” nhân sức mạnh, thế trường sinh”... 
 
 Hồn thơ của ông tỏa về nhiều phương - nhiều đề tài song tứ thơ vẫn hướng tới khách thể trung tâm là Con người. Thơ viết về ông Năm Yersin 125 năm trước có công phát hiện ra Đà Lạt, về Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ có nét tương đồng với tác giả “Công người mở cõi ngàn thu tạc/ Nợ nghiệp văn chương vạn kiếp sầu”, về đại thi hào Nguyễn Du “Ngắm Sao Khuê/ Nhớ thương Người/ Anh hùng, nhân nghĩa/ Gặp thời đảo điên...”, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Sống trọn vẹn Đời Nhân Trí Dũng/ Thác anh linh Hồn Kết Tâm Đồng”, về nữ sĩ Tương Phố “Văn tài một thuở lưu truyền mãi/ Đức hạnh trăm năm vẫn sáng ngời”, về nhạc sĩ Trần Hoàn “Sống, chết, lợi, danh không đánh mất mình/ Cây đàn gỗ, đường gập ghềnh, hăm hở/ Lặn lội rừng sâu, biển khơi sóng vỗ/ Tình ca quê hương ấm lửa, say lòng” (Người ươm “Mùa xuân nho nhỏ”)... Và ông viết về nhà thơ Hải Như sáng tác nhiều bài thơ cảm động về Hồ Chí Minh (có bài “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” được phổ nhạc nghe thao thiết lòng người), hay về Liệt sĩ CAND Nguyễn Văn Nhiên hy sinh khi làm nhiệm vụ “Máu đỏ trang đời hai mươi bốn tuổi xuân/ Thắm đất Ngàn Hoa anh yêu quý muôn phần”... Không những thế, Phan Hữu Giản còn có những tứ thơ khá cảm động, chân thành về những con người “quanh ta” rất đời thường, bình dị: “Em vừa tròn tuổi sáu mươi/ Chúng mình bốn chục năm trời có nhau/ Tóc xanh giờ bạc mái đầu/ Bao nhiêu kỷ niệm thắm màu thời gian” (Thắm màu thời gian), “Đôi mắt lá răm/ Như nguồn nước mát/ Thấm đất cao nguyên/ Dịu lòng anh khát” (Mải nghe chim hót), hay bài thơ “Nhớ cháu”: “Yêu đời trẻ lại bên nôi/ Nâng niu chăm lứa măng chồi tươi xanh/ Mong sao khôn lớn trưởng thành/ Nên người có ích, thơm danh giống nòi”.
 
Gấp lại hơn 110 trang thơ, trong tôi bộn bề mỹ cảm. Có người nhận xét thơ của Phan Hữu Giản còn nghiêng về chính luận, và có lẽ vì vậy ngôn ngữ chưa giàu hình tượng, nhạc điệu. Vâng, có thể đúng nhưng theo tôi chính luận hay trữ tình thì đều không thể thiếu cái mạch tình cảm dạt dào được gửi gắm trong “Ý tại ngôn ngoại” làm rung động, tạo mối “tương lân”, đồng cảm giữa tác giả - độc giả. Theo tôi, nhà thơ Phan Hữu Giản đã làm được việc này một cách đáng trân trọng!
 
ÐAN THANH