Tranh biệt thự Vi Quốc Hiệp: Thật và mộng

08:12, 13/12/2018

Thật và mộng, ẩn và hiện, mơ và phai, ưu ấp và dự cảm... là "mã nghệ thuật" được Vi Quốc Hiệp đưa vào tranh vẽ về những ngôi biệt thự cổ ở Đà Lạt của mình.

Thật và mộng, ẩn và hiện, mơ và phai, ưu ấp và dự cảm... là “mã nghệ thuật” được Vi Quốc Hiệp đưa vào tranh vẽ về những ngôi biệt thự cổ ở Đà Lạt của mình.
 
Vi Quốc Hiệp bên một bức tranh về biệt thự cổ Đà Lạt. Ảnh: T.Chu
Vi Quốc Hiệp bên một bức tranh về biệt thự cổ Đà Lạt. Ảnh: T.Chu
Ai đã xem tranh Vi Quốc Hiệp hẳn sẽ không thể nào quên được cái cảm giác bị dẫn dụ vào thế giới những ngôi biệt thự cổ ẩn hiện giữa trập trùng đồi dốc, rừng thông, mây núi. Càng không thể nào không ám ảnh bởi những hình, những sắc đó lại được khởi tạo từ tâm cảm người nghệ sĩ nặng niềm đam mê, nhiều trăn trở. “Theo tôi, quỹ biệt thự Pháp ở Đà Lạt là một kho báu kiến trúc mà chúng ta cần có trách nhiệm gìn giữ. Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó những ngôi biệt thự cổ biến mất?”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp chia sẻ.
 
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp, sinh năm 1948, người Tày, tại Lạng Sơn. Mới 12 tuổi, Vi Quốc Hiệp đã được tuyển vào lớp năng khiếu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1971, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Vi Quốc Hiệp xung phong lên Hà Giang để vẽ, rồi tiếp tục đến Thái Nguyên công tác. Năm 1978, Vi Quốc Hiệp được Bộ Văn hóa cử vào TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng công tác 3 năm. Sau đó, họa sĩ Vi Quốc Hiệp xin Bộ Văn hóa ở lại Đà Lạt sống và vẽ cho đến nay. Vi Quốc Hiệp có tranh tham gia triển lãm rất sớm, từ năm 1972, và nổi tiếng với những bức tranh vẽ phụ nữ đẹp, đặc biệt về biệt thự cổ ở Đà Lạt.

Tâm cảm ấy thôi thúc Vi Quốc Hiệp cầm cọ để níu giữ, bảo tồn nét kiến trúc xưa đã trở thành giá trị căn bản của Đà Lạt. Tuy nhiên, nếu chỉ lưu giữ nét xưa Đà Lạt theo kiểu sao chép, tức mô tả trực tiếp theo mắt nhìn thấy, thì Vi Quốc Hiệp chẳng khác nào nhà nghiên cứu chuyên ghi chép, tìm hiểu, thu thập tư liệu về kiến trúc biệt thự cổ Đà Lạt. Cái làm nên dấu ấn cá nhân Vi Quốc Hiệp với tư cách họa sĩ nằm ở chất mộng mị rất nhạc và rất thơ nơi những bức tranh. Chính cái chất mộng mị mơ hồ ấy đã phá vỡ sự logic toán học của những kết cấu cứng mang tính khuôn thước trong các công trình kiến trúc đô thị mà người Pháp tạo dựng tại Đà Lạt khiến những tranh vẽ biệt thự của Vi Quốc Hiệp như đẹp hơn, ám gợi hơn và cũng quyến rũ hơn. Biệt thự cổ ở Đà Lạt, qua mắt nhìn Vi Quốc Hiệp, không đơn thuần chỉ là nơi che mưa tránh nắng, nó còn là cõi mộng mơ ẩn chứa nhiều dự cảm sâu lắng. Mỗi ngôi biệt thự trong tranh Vi Quốc Hiệp mang một dáng nét riêng, một vẻ đẹp riêng về xúc cảm, bố cục, hình sắc. Này là ngôi biệt thự trong xa thẳm rừng thông thấp thoáng sương giăng. Đây là ngôi biệt thự ngập tràn màu vàng nắng mimosa. Kia là ngôi biệt thự chín rộ sắc mai anh đào như môi người thiếu nữ. Nọ là ngôi biệt thự xôn xao trong nắng thu... Rồi thì những chiếc cầu thang gỗ thật duyên, những mái ngói nâu trầm, những khung cửa sổ ngơ ngác, những mái hiên vắng đợi người, những ống lò sưởi vương khói... cứ bừng lên, vây riết, bồng phiêu trong cấu trúc từng bức tranh vẽ về biệt thự cổ ở Đà Lạt của Vi Quốc Hiệp có sức ám gợi ghê gớm. Nó như một giấc mơ chờ mong điều hoài vọng, một tinh thần của ký ức về nét đẹp xưa.

 
Một lần nữa, qua mắt nhìn Vi Quốc Hiệp, biệt thự cổ ở Đà Lạt lại mở ra trước mắt người xem tranh. Từ những bức tranh vẽ biệt thự cổ khi thì mơ màng, lúc nguy nga, có khi lại e ấp của Vi Quốc Hiệp, người xem tranh thấy được rằng: Đà Lạt đã đánh mất những gì. Theo định hướng cái đẹp cứu rỗi thế giới mà Dostoyevsky - nhà văn nổi tiếng người Nga - từng nói, người xem tranh nhận ra một Vi Quốc Hiệp đầy trách nhiệm công dân qua việc tụng ca nét đẹp của những ngôi biệt thự cổ ở Đà Lạt để gióng lên hồi chuông lo sợ cái đẹp đó sẽ biến mất trong nay mai, nếu chúng ta cứ tiếp tục thờ ơ, lãnh đạm.
 
Đà Lạt 125 năm & 40, tên của một cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Vi Quốc Hiệp chuẩn bị diễn ra vào trung tuần tháng 12 năm 2018 này, là sự kiện chào mừng 125 năm bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt và đánh dấu chặng đường 40 năm Vi Quốc Hiệp đến Đà Lạt công tác và sau đó thì quyết định chọn đô thị miền cao nguyên này để định cư. Triển lãm trưng bày 125 bức tranh, bao gồm biệt thự cổ, thiếu nữ, tĩnh vật và Yersin.
 
TRỊNH CHU