Chẳng biết tự lúc nào, trên vùng đất Nam Tây Nguyên, những bàn tay khéo léo của người dân đã ghè đẽo nên những bộ đàn đá - Thạch cầm. Trải qua bao cuộc "bể dâu", những bộ Thạch cầm được chôn vùi và lãng quên trong lòng đất đã trở về đầy tình cờ và mang theo nhiều điều bí ẩn.
Chẳng biết tự lúc nào, trên vùng đất Nam Tây Nguyên, những bàn tay khéo léo của người dân đã ghè đẽo nên những bộ đàn đá - Thạch cầm. Trải qua bao cuộc “bể dâu”, những bộ Thạch cầm được chôn vùi và lãng quên trong lòng đất đã trở về đầy tình cờ và mang theo nhiều điều bí ẩn.
|
Nguyên Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh thăm bộ đàn đá trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng. Ảnh: Đoàn Bích Ngọ |
Đá kêu
Những người già ở các buôn làng trên dải đất Nam Tây Nguyên không chắc chắn đàn đá có từ bao giờ. Chỉ biết rằng từ thuở xa xưa, ông cha họ đã biết tạo ra nhạc điệu từ đá. Trong những câu chuyện truyền lại của các buôn làng ở nơi này có chuyện nhắc rằng: Ban đầu khi phát hiện có những phiến đá bên bờ suối phát ra tiếng kêu, bà con đã lấy dây rừng buộc những hòn đá rồi lợi dụng sức nước của dòng suối làm cho chúng va đập vào nhau phát ra tiếng kêu vang vọng núi rừng, nhằm xua đuổi thú dữ, bảo vệ nương rẫy, mùa màng. Sau này, những phiến đá kêu ấy được bà con mang về buôn ghè đẽo và làm thành nhạc cụ. Để rồi từ đó chúng được sử dụng như một nhạc khí trong lễ hội cầu mùa, mừng lúa mới, nhà mới... Thạch cầm hòa với cồng chiêng tạo nên bữa tiệc âm thanh để bà con quây quần, nhảy múa.
Không phải đá nào cũng có thể ghè đẽo thành Thạch cầm. Bởi chỉ loại đá kêu (đá cát kết sừng hóa) mới có âm thanh bổng trầm, vang vọng, mới đủ du dương, lảnh lót. Một bộ đàn đá chỉ từ 3, 6 hoặc 9 thanh. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh, vang. Cũng bởi thế mà nhạc vang lên từ đàn đá người ta như nghe thấy tiếng vang vọng của cơn gió đại ngàn, tiếng chim rừng thánh thót vang xa, cũng có khi du dương như tiếng nước suối luồn qua khe đá. Đàn đá gợi nên những âm thanh như tiếng vọng của đại ngàn hấp dẫn nhưng cũng đầy bí ẩn.
Có lẽ bởi thế mà sau nhiều năm dày công nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về âm nhạc đã nhận định âm hưởng của đàn đá như biểu hiện tâm tư của con người, là yếu tố kết nối giữa vũ trụ, con người, thần linh.
Sự trở về
Trong hơn 200 thanh đàn đá tìm được rải rác từ nhiều tỉnh trên khắp Việt Nam, Lâm Đồng là địa phương phát hiện được nhiều nhất. Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang lưu giữ 6 sưu tập đàn đá với 100 thanh khác nhau. Riêng Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ 5 sưu tập - số lượng đồ sộ nhất ở Việt Nam.
Không ngẫu nhiên mà Bảo tàng Lâm Đồng sưu tập và sở hữu được bộ đàn đá đáng tự hào như vậy. Bởi đó là kết quả của những hành trình gian nan, có khi kéo dài cả nhiều năm trời của cán bộ Bảo tàng trong việc tìm về và xác định giá trị của đàn đá.
28 năm gắn bó với ngành bảo tàng và được xem như có duyên khi có mặt trong hầu hết những cuộc hành trình tìm các bộ sưu tập đàn đá, bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng vẫn nhớ như in những tháng ngày lặn lội theo tiếng Thạch cầm: Đó là câu chuyện tìm thấy bộ sưu tập đàn đá B’Nơm năm 2003 sau khi nhận được thông tin, gia đình ông K’Branh (thôn Bờ Nơm, xã Sơn Điền, huyện Di Linh) đào hố chứa phân tại vườn nhà tình cờ phát hiện các thanh đá lạ. Chúng được xếp cẩn thận trong lòng hố theo thứ tự dài trước, ngắn sau. Đoàn công tác của Bảo tàng xuống tận nhà thuyết phục ông K’Branh để cán bộ Bảo tàng đưa sưu tập nghi là đàn đá về thẩm định. Nếu đây đúng là đàn đá, Bảo tàng sẽ tiến hành các thủ tục để gia đình được nhận thưởng theo quy định tại Luật Di sản Văn hóa. Những tưởng được vợ chồng ông đồng ý thì mọi chuyện sẽ xong xuôi, nhưng ngờ đâu bà mẹ vợ của ông K’Branh - người có quyền quyết định cao nhất trong gia đình lại không đồng ý. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì thuyết phục, người phụ nữ ngoài 70 tuổi một thời từng tham gia cách mạng ấy đã đồng ý để các cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng đưa hiện vật về thẩm định. Đây là bộ sưu tập đàn đá B’Nơm với 20 thanh dài ngắn khác nhau; trong đó thanh dài nhất 151 cm, thanh ngắn nhất 43 cm.
Và cũng có những bộ đàn đá tưởng chừng như mất đi. Nhưng có lẽ nhờ mối lương duyên lớn mà những người cán bộ bảo tàng vẫn tìm về gần như nguyên vẹn. Đó là câu chuyện năm 2003, ông Nguyễn Văn Thắng (Thôn 8, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) khi đào hố trồng cà phê trong vườn đã phát hiện những thanh đá đẹp được xếp gọn gàng theo thứ tự lớn nhỏ. Ông đã đem chúng cho người quen ở Bảo Lộc và Vũng Tàu. Mãi đến năm 2008, khi nhận được thông tin, cán bộ Bảo tàng lập tức đến Hòa Nam nhưng tới nơi đã không còn gì. “Buồn và hụt hẫng, hai cảm giác đó đã thực sự xuất hiện trong tất cả mọi người của đoàn công tác Bảo tàng. Nhưng không thể bó tay khi chưa thử hết mọi cách. Chúng tôi thuyết phục ông Nguyễn Văn Trọng (con trai ông Thắng) cùng xuôi về nhà người quen ở Bảo Lộc để “thử vận may”. Có lẽ thật sự là có duyên khi chúng tôi tới Bảo Lộc thấy gia đình vẫn còn gác những thanh đá ở chuồng gà. Thế rồi, công tác thuyết phục lại tiếp tục để mang những thanh đá về Bảo tàng” - Phó Giám đốc Bảo tàng nhớ lại.
Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục về tận Vũng Tàu. Nhưng dẫu có thuyết phục bằng cách nào người bạn của ông Thắng ở Vũng Tàu vẫn khăng khăng “khi vận chuyển các thanh đá bị vỡ nên tôi vứt đi rồi”. Bảo tàng Lâm Đồng đành mang những thanh đá tìm được ở Bảo Lộc đi giám định. Và thật bất ngờ, sau này người bạn ông Thắng ở Vũng Tàu đã chủ động liên lạc và giao lại cho Bảo tàng số thanh đá còn lại. Để rồi đến năm 2009, bộ đàn đá Hòa Nam đã trở lại đầy đủ 47 thanh.
|
Nghệ sĩ Đỗ Lộc đang biểu diễn đàn đá. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Duyên
Đó là từ mà Phó Giám đốc Bảo tàng Đoàn Bích Ngọ nhắc đến nhiều trong hành trình tìm về những bộ đàn đá. Nhưng đó cũng là từ bà dùng để nói về việc người dân tìm thấy những sưu tập đàn đá trên vùng quần cư của họ.
Ở các địa phương khác, đàn đá thường được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ, di chỉ mộ táng nên rất dễ xác định chủ nhân và niên đại. Riêng ở Lâm Đồng, hầu hết các sưu tập đàn đá đều được người dân các địa phương phát hiện tình cờ trong quá trình canh tác trên nương rẫy. Chúng được chôn giấu cẩn thận trong lòng đất ở những vùng cư trú lâu đời của các dân tộc bản địa.
Đưa được các sưu tập đàn đá về bảo tàng mới chỉ là một nửa hành trình để xác định đúng những giá trị của nó. Các thanh đá sau khi được tìm về lại tiếp tục được đưa xuống thành phố Hồ Chí Minh để cán bộ kỹ thuật đo tần số, thang âm. Tiếp đó, Bảo tàng chịu trách nhiệm liên hệ với Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ để phối hợp thành lập Hội đồng khoa học giám định đàn đá. Trong đó, có các chuyên gia về âm nhạc, khảo cổ, bảo tàng. Giáo sư âm nhạc nổi tiếng về đàn đá Tô Vũ là người đồng hành với Bảo tàng Lâm Đồng trong nhiều lần thẩm định. Kết quả nghiên cứu, thẩm định là căn cứ để Bảo tàng làm hồ sơ cho các bộ đàn đá, đồng thời là cơ sở để tiếp tục tổ chức Hội đồng giám định giá trị đàn đá làm cơ sở xác định khung thưởng cho người có công phát hiện cổ vật theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.
Từ lúc tìm về cho đến việc đưa ra khung chi thưởng là cả một quá trình dài, nên những người cán bộ bảo tàng đôi lúc còn đùa nhau “mình như người mắc nợ”. Bởi có nhiều lúc đêm hôm khuya khoắt bà con vẫn gọi điện để “đòi nợ” Bảo tàng.
Những sưu tập đàn đá là sáng tạo nghệ thuật, là “tiếng nhạc rừng” của riêng Tây Nguyên. Trải qua bao thăng trầm biến động của thời cuộc, những bộ Thạch cầm trở về từ lòng đất lại vang vọng giữa đại ngàn, để các thế hệ sau và bạn bè nhiều nước trên thế giới biết về một giá trị độc đáo của cư dân trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Song, việc những bộ Thạch cầm được phát hiện nhiều tại Lâm Đồng, đặc biệt là vùng Di Linh đã khiến các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi phải chăng vùng đất này cũng là một trong những “chiếc nôi của đàn đá”?
NGỌC NGÀ