Chơi cồng chiêng và dệt thổ cẩm sau cánh cổng trường

09:01, 31/01/2019

Ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học phổ thông (THPT) tỉnh Lâm Đồng, học sinh không chỉ biết đến sách vở và bộn bề những bài học. Ở đó, các em còn hàng ngày được truyền cảm hứng với cồng chiêng và dệt thổ cẩm, bởi những nghề truyền thống này đã được trường đưa vào chương trình ngoại khóa...

Ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học phổ thông (THPT) tỉnh Lâm Đồng, học sinh không chỉ biết đến sách vở và bộn bề những bài học. Ở đó, các em còn hàng ngày được truyền cảm hứng với cồng chiêng và dệt thổ cẩm, bởi những nghề truyền thống này đã được trường đưa vào chương trình ngoại khóa. Đặc biệt, trường còn chủ động mời các nghệ nhân, nhạc sĩ đến tại trường để dạy học và truyền “ngọn lửa” đam mê đến với các em.
 
Cồng chiêng và dệt thổ cẩm là hai di sản quý báu của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, không những mang giá trị về mặt vật chất mà còn mang nhiều giá trị về mặt tinh thần. Đây được coi là những thứ linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cả buôn làng.
 
Học sinh cùng níu giữ thanh âm cồng chiêng. Ảnh: T.T.Hiền
Học sinh cùng níu giữ thanh âm cồng chiêng. Ảnh: T.T.Hiền
Duy trì nghề truyền thống
 
Một buổi chiều đầu năm, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng. Giữa cái nắng lạnh đặc trưng của Đà Lạt bỗng vang lên âm thanh quen thuộc của núi rừng - tiếng cồng chiêng Tây Nguyên. Và giữa những thanh âm ấy, những cô học trò đang ngồi nói chuyện vui vẻ trong khi đôi bàn tay vẫn miệt mài tạo ra những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc.
 
Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm và CLB Cồng chiêng là hai cái tên đã trở nên quen thuộc với cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh từ lâu. Bên cạnh dạy nghề cho học sinh THPT thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cũng là một trong những chủ trương đổi mới của ngành giáo dục theo định hướng phát huy năng lực học sinh, đó là lý do mà CLB Cồng chiêng và CLB Dệt thổ cẩm ra đời, nhằm tạo ra một sân chơi bổ ích và lý thú cho học sinh. 
 
Cô Phạm Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Cồng chiêng và dệt thổ cẩm không còn lạ với các em học sinh trong trường vì các em được tiếp xúc từ nhỏ, một số em còn may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời. Việc đưa nghề truyền thống vào trường học giúp các em giữ gìn nét văn hóa và nghề truyền thống của cha ông. Các CLB của nhà trường được giao cho các thầy cô giáo trong trường phụ trách. Ngoài ra, nhà trường đã mời các nghệ nhân cồng chiêng và dệt thổ cẩm về để hướng dẫn học sinh học tập. Qua đó, giúp các em rèn luyện kĩ năng, định hướng nghề nghiệp cho bản thân”.
 
Hàng năm, trong các cuộc thi, lễ hội hoặc vào các ngày lễ, ngày khai giảng,... Trường Phổ thông  Dân tộc Nội trú THPT tỉnh đều lồng ghép các hoạt động ngoại khóa liên quan đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cho học sinh. Đặc biệt, gian hàng trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của trường đã thu hút được nhiều sự chú ý khi tham gia các hoạt động hưởng ứng cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật toàn quốc khu vực phía Nam năm 2018. Trong lễ kỉ niệm 30 năm thành lập trường vừa qua, phần biểu diễn cồng chiêng của các em học sinh cũng tạo được hiệu ứng tốt và ấn tượng mạnh mẽ.
 
Miệt mài bên những khung cửi. Ảnh: T.T.Hiền
Miệt mài bên những khung cửi. Ảnh: T.T.Hiền
Truyền cảm hứng đến học sinh
 
Em Rơ Ong K’Him -  cô học trò nhỏ lớp 10 đang tham gia CLB dệt thổ cẩm bẽn lẽn chia sẻ: “Gia đình em có truyền thống dệt thổ cẩm từ rất lâu rồi. Khi biết nhà trường có CLB dệt thổ cẩm, em vui lắm và đăng kí tham gia ngay. Theo em, dệt thổ cẩm không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ và quan sát tốt”.
 
Cô Ka Thiên - giáo viên môn Địa lý, đồng thời phụ trách CLB dệt thổ cẩm tâm sự: “Là giáo viên người dân tộc thiểu số, tôi rất vui khi thấy các em học sinh ngày càng yêu thích những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hoạt động của CLB rất hay và thiết thực, bởi lẽ đây không chỉ là nơi để các em rèn luyện kỹ năng mà còn tạo điều kiện cho các em biết thêm một nghề, để khi ra trường các em có thể áp dụng vào cuộc sống của mình”. 
 
Ban đầu, việc đưa nghề dệt thổ cẩm và cồng chiêng vào dạy học trong nhà trường gặp nhiều khó khăn do một số học sinh không mặn mà đối với nghề truyền thống. Vì thế, nhà trường quyết định thay đổi phương pháp bằng cách tạo điều kiện cho các em đi thực tế và tiếp xúc với các nghệ nhân, xem các nghệ nhân biểu diễn,... Từ đó, truyền cảm hứng đến với các cô cậu học trò.
 
Là người được nghe tiếng cồng chiêng từ khi còn nằm trong bụng mẹ, biết nghe, biết chơi cồng chiêng từ lúc còn chưa biết đến con chữ, nhạc sĩ Kra Jan K’Đick (huyện Lạc Dương) luôn đau đáu hoài niệm về quá khứ mà buồn với hiện tại khi lớp trẻ không còn để ý tới văn hóa truyền thống, không còn biết chơi cồng chiêng, không còn mặn mà với dệt thổ cẩm. Suy nghĩ này đã thôi thúc nhạc sĩ luôn sẵn sàng cộng tác với các trường học, đặc biệt là Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng để hướng dẫn những thế hệ trẻ biết yêu quý và lưu giữ tiếng cồng chiêng của buôn làng. Ông chia sẻ: “Đây được gọi là nghệ thuật “cộng cảm”, tôi may mắn được tiếp xúc từ nhỏ và nhận thấy rằng mình cần có trách nhiệm và là sứ mệnh của bản thân để lưu giữ nghề cho thế hệ sau. Trường học là cái nôi tốt nhất để đào tạo ra một lực lượng thế hệ mới nhằm duy trì và gìn giữ nghề truyền thống của bản địa. Ban đầu các em vẫn chưa mặn mà nhiều, nhưng khi tiếp xúc lâu và có người hướng dẫn đã tạo ra sự hào hứng và bắt nhịp rất nhanh”.  
 
Khi mà nghề truyền thống đang dần có nguy cơ “mai một” dần ở các buôn làng Tây Nguyên thì tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng, những “con đò” vẫn đang thầm lặng chở những khung cửi, những bộ cồng chiêng để truyền cảm hứng giữ gìn và phát huy ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cho các thế hệ học sinh. Mai sau, ở các buôn làng Tây Nguyên, khi tiếng cồng chiêng ngân lên hay những tấm vải thổ cẩm được dệt ra, biết đâu đó là thành quả của cô trò Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng.
 
Còn bây giờ, đều đặn chiều thứ năm, thứ bảy hàng tuần, tiếng cồng chiêng lại vang lên và những bàn tay vẫn thích thú trên khung cửi, bởi chính những người chủ tương lai của mảnh đất Lâm Đồng.
 
THÂN THU HIỀN