Giữ giai âm buôn làng

09:01, 01/01/2019

Phải khẳng định chắc chắn rằng công nghệ làm thay đổi cả thế giới chứ không riêng gì mảnh đất nào, nhưng trong sự đổi thay đó vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên cũng là một kỳ công.
 

Phải khẳng định chắc chắn rằng công nghệ làm thay đổi cả thế giới chứ không riêng gì mảnh đất nào, nhưng trong sự đổi thay đó vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên cũng là một kỳ công.
 
Già Ya Dương say đắm bên chiếc khèn bầu nơi miệt Nam Tây nguyên. Ảnh: Đ.Tú
Già Ya Dương say đắm bên chiếc khèn bầu nơi miệt Nam Tây nguyên. Ảnh: Đ.Tú

Tà Hine (huyện Đức Trọng) chiều mây trắng, nắng vàng và những hạt cà phê phơi quanh ngôi nhà sàn truyền thống chứng tỏ cuộc sống no ấm của bà con. Già làng Ya Dương đôi chút tản mạn nhớ về một thuở hồng hoang, khi đất trời giao thoa trong tiếng “sấm” cồng chiêng, đục trong của kèn bầu, vang chói của phèng la, rồi trai gái tình tứ bên những vũ điệu ngợi ca con người, ca ngợi quê hương, đất nước rạng rỡ tiết xuân.
 
Già Ya Dương tuổi đã ngoại thất tuần. Nhưng đôi tay còn nhanh nhẹn, ánh mắt còn tinh anh và sức vóc thì cứng cỏi như núi rừng vậy. Có được điều đó là vì một thời oanh liệt, già đã cống hiến cho đất nước, cho đất mẹ Việt khi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời đó, già thuộc đơn vị K67, Quân khu 6. 
 
Niềm vui chiến thắng, thống nhất đất nước hân hoan, già Ya Dương trở về thôn Tà In (xã Tà Hine) với vai trò một cựu chiến binh gương mẫu trên các mặt trận. Từ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến giúp đỡ bản làng phát triển kinh tế. Phải nói rằng đối với già, tình cảm bản làng, đoàn kết dân tộc là “thương nhau chia củ sắn lùi”. Biết bao nhiêu gia đình ở thôn này thầm cảm ơn già vì tình nghĩa, khi mà già trực tiếp giúp đỡ nhiều hộ dân qua cơn đói khổ.
 
Để rồi, bây giờ bằng sự hăng say lao động, một lòng với Đảng, cuộc sống người dân được cải thiện, con em địa phương được ăn học tử tế. Qua rồi cơn thống khổ, đến thời no ấm, vui hưởng xuân hồng, già Ya Dương lại đau đáu giữ hồn cốt bản làng. 
 
Già Ya Dương chơi được nhiều nhạc cụ của người đồng bào DTTS vùng miệt Nam Tây Nguyên này từ cồng chiêng, phèng la đến khèn bầu. Năm 2010, già làm nhiệm vụ “đứng lớp”, làm “người thầy không bục giảng” để truyền dạy về cách thể hiện nhạc cụ cho thế hệ trẻ của toàn xã. Đến nay, đã có trên 10 học trò của già chơi thành thạo các loại nhạc cụ và tham gia biểu diễn trong các dịp văn nghệ, liên hoan, lễ, Tết. 
 
Già cười hiền khô: “Gần mười năm mà có mười người nhưng chắc chắn từ số mười này sẽ có nhiều hơn nữa người biết chơi cồng chiêng, phèng la, khèn bầu vì có được bước đệm thì dễ đi tới lắm”.
 
Trong thâm tâm của già Ya Dương, con người nơi núi rừng, sinh ra nơi núi rừng, rồi lại về với núi rừng. Nhưng cốt lõi nhất là phải lưu giữ truyền thống tốt đẹp của cha ông. Già đưa ra một lý lẽ, thẳng như cây thông mọc thẳng rằng: Tại sao Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại mà con cháu chúng ta lại thờ ơ với nó? Già rất nhạy cảm và bắt kịp cuộc sống khi mà già đề cập đến câu chuyện dùng “cái face” để mà hội nhập, lưu giữ, giao thoa văn hóa truyền thống, nhất là con trẻ. Vì những ưu điểm những tính năng của mạng xã hội già đã được con cháu già ngay tại thôn này cho già được “mục sở thị” lắm lần rồi.
 
Mặt trời vất vả bò qua rặng núi, bóng chiều như chực nghỉ ngơi ở Tà Hine. Trên bậc cầu thang nhà sàn, già Ya Dương đắm chìm trong tiếng khèn bầu bay xa. Nếu có ý thức gửi gắm tiếng kèn ấy trong thời kỳ kỷ nguyên số, có thể ghi lại, lưu giữ hay phát trực tiếp theo kiểu “Live stream” để người đời biết giữa rừng núi còn có thứ âm thanh bay bổng đặc trưng Tây Nguyên vang cùng gió ngàn.
 
ÐỨC TÚ