Mười phút trong đêm giao thừa

08:01, 24/01/2019

Lan leo lên chiếc ghế đẩu cao, sửa lại mâm ngũ quả vốn đã được bày rất cẩn thận trên bàn thờ, thắp thêm mấy nén nhang thay cho những nén vừa tàn, nhìn ngó kỹ càng xem còn thừa thiếu gì không. Quanh quẩn thế nào rồi cuối cùng ánh mắt Lan lại hướng ra phía cửa. Ngoài kia dù đã gần 11h khuya vẫn nhộn nhịp người đi lại.

Lan leo lên chiếc ghế đẩu cao, sửa lại mâm ngũ quả vốn đã được bày rất cẩn thận trên bàn thờ, thắp thêm mấy nén nhang thay cho những nén vừa tàn, nhìn ngó kỹ càng xem còn thừa thiếu gì không. Quanh quẩn thế nào rồi cuối cùng ánh mắt Lan lại hướng ra phía cửa. Ngoài kia dù đã gần 11h khuya vẫn nhộn nhịp người đi lại. “Tối 30 tết nhà người ta thì vợ chồng con cái quây quần, nhà mình thì… chắc giao thừa năm nay rồi cũng chẳng về kịp đâu! Khổ công an với chẳng hình sự!”. Chặc lưỡi, rồi Lan cũng đành khép cửa quay vào bếp, đơm xôi bày gà làm cơm cúng giao thừa. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Tính cả giao thừa này nữa là năm. Năm cái tết thì có đến bốn tết Thành vắng nhà. “Năm nào cũng vậy, lực lượng công an đều huy động 100% quân số để ứng trực, sẵn sàng bảo vệ cho nhân dân đón giao thừa”. Lan đã nghe quen câu đó nên chẳng bao giờ gọi điện cho chồng vào những ngày lễ, tết. Nhưng như mọi người đàn bà khác, Lan không khỏi không cảm thấy tủi thân và cũng không bỏ được cái thói quen nhìn ra ngoài, ngóng bước chân chồng. Ừ, mà đàn ông con trai gì ngoài 30 tuổi, vợ con rồi lại là công an nữa, vậy mà vẫn giữ cái kiểu đi nhảy chân sáo như trẻ con ấy được. “Người như vậy là vô tâm lắm. Làm vợ nó rồi cũng đến khổ con ạ!”. Ngày xưa mẹ Lan thường nói thế. Mà thực ra làm vợ Thành sướng hay khổ nhỉ? Bao nhiêu năm không hiểu sao hôm nay Lan mới tự đặt ra câu hỏi ấy. 
 
Thành nhẹ nhàng nhanh nhẹn, hay cười, rất thương vợ, thương con. Hễ đi thì thôi về nhà là làm đủ trò để con và vợ vui. Một tuần ba buổi tối đi trực, chưa kể đi đánh án hoặc công tác đột xuất nên việc nhà Thành chẳng giúp gì được Lan, từ vấn đề to tát như xây nhà sửa cửa tới công việc nhỏ nhặt như dọn dẹp, dạy con. Lương, tiền làm án tháng nào anh cũng đưa đủ cho vợ nhưng mà lương thượng úy của anh thì được bao nhiêu. Bạn bè trêu:
 
“Lấy chồng dầu khí lương đếm mỏi tay 
Lấy anh công an lương trông mỏi mắt” 
 
Rồi.
 
“Em ứ lấy chồng công an đâu
Pháp luật luôn luôn ở trong đầu
Đêm về hai đứa đang yên giấc
Giật mình anh hỏi giấy tờ đâu?”...
 
Thật ra ngày xưa Lan chẳng quan tâm tới công an. Lan không thấy có mối liên hệ nào giữa họ với mình. Lan làm trong một công ty liên doanh với nước ngoài thật nhưng chẳng phải thành phần giàu sang gì để bọn trộm cướp nhắm vào. Công việc bình thường, không có cơ may gì để phạm tội cũng như không bần cùng đến mức phải sinh đạo tặc. Tóm lại Lan và bao nhiêu người như Lan vẫn nghĩ: Không dính dáng tới hai chữ tội phạm thì cũng chẳng dây dưa gì với công an, ngoại trừ công an giao thông. Tai nạn giao thông bây giờ xảy ra như cơm bữa, không chừa một ai. Ai cũng có thể vô tình trở thành nạn nhân của cái bọn hung thần đua xe lạng lách, rú ga, nẹt pô. Ghét mấy đứa ấy nhưng cũng giống như hầu hết những người tham gia giao thông, Lan luôn cảm thấy phải chịu rất nhiều những phiền phức từ những quy định về an toàn giao thông... Có lẽ vì vậy mà Lan yêu Thành. Trong khi hầu hết mọi người trong ngành chạy chọt để được ra đứng đường thì anh lại xin chuyển về đội hình sự, chấp nhận công việc đi đêm về hôm vừa nguy hiểm vừa ít tiền. Bị người thân, bạn bè phản đối, Thành chỉ cười. Sau này anh tâm sự với Lan: Anh bị ảnh hưởng của phim truyện, làm cảnh sát hình sự thì mới chống tội phạm chứ cảnh sát giao thông thì thường chỉ phạt được dân thường vi phạm thôi. Thoạt nghe Lan phá lên cười nhưng nghĩ sâu hơn một chút Lan lại thấy thương sự chân thành, giản dị đó ở anh. Ừ, mà nếu không chuyển sang hình sự, để đi điều tra vụ cướp cách đây bẩy năm thì chắc gì Lan đã quen rồi thành vợ Thành.
 
Hôm đó là ngày đi làm thứ hai của năm mới, chị Thảo, chị họ Lan, nhân viên thu ngân của trung tâm y tế đang chuẩn bị thu dọn đồ để ra về thì bị một tên cướp che kín mặt, tấn công. Hắn giằng co hòng cướp số tiền viện phí. Chị Thảo yêu cầu tên cướp thả lỏng tay để chị có thể mở két lấy tiền. Nhân lúc tên cướp sơ hở, chị kháng cự và hô hoán, mong tìm sự trợ giúp. Nhưng vì quầy thu ngân nằm ở góc khuất nên không ai nghe thấy. Trước sự kháng cự quyết liệt của chị Thảo, tên cướp đã dùng ghế đập vào đầu, vào người chị. Không lấy được tiền trong két, hắn giật túi lấy đi số tiền 15 triệu và chiếc điện thoại di động. 
 
Khi chị Thảo đến công an để trình báo sự việc, sếp của Thành bảo: Ngày tết đi hỏi han, truy tìm trộm cướp là người ta không thích rồi. Tâm lý kiêng kị đầu năm mới, không muốn gặp công an là bình thường mà để lâu thì cũng không được. Thôi tốt nhất để cho thằng Thành, nó tươi tỉnh đẹp trai… Thế là Lan và Thành gặp nhau. 
 
Khi đội của Thành phá được án, bắt được tên cướp thì hai người đã quen nhau. Thân với Thành, Lan mới quan tâm và thông cảm với nghề cảnh sát. Cái nghề lúc người ta ngủ thì mình thức, khi người ta chơi thì mình làm. Lan được nghe bao nhiêu chuyện như trên phim về việc bắt tội phạm. Từ việc ẩn núp ở ngoài đồng, bị muỗi và kiến đốt cho tịt cả người mà chẳng dám cọ cựa, khi cần gọi, nhắn ai thì phải giả tiếng ếch nhái, côn trùng, đến chuyện nằm rừng ở Tây Nguyên, Kon Tum cả tháng trời để rình tội phạm. 
 
Yêu Thành, Lan cũng hiểu và thương cái nghề khô khan cực nhọc, nhiều áp lực của ngành cảnh sát. Thành không mấy khi có điều kiện đưa đón, chăm sóc Lan nhưng anh cũng chẳng bao giờ ghen tuông, hờn dỗi, tra hỏi như các anh chàng khác. Lúc nào anh cũng “Em thích đi đâu thì đi làm gì thì làm”. Có lúc Lan tự ái bảo: “Có phải anh không yêu em nên mới không ghen chứ gì?”. Thành cười: “Trời ơi! Theo dõi tội phạm đã chẳng đủ thời gian nữa thì làm gì còn có thời gian theo dõi người yêu nữa?”. Nói thì tếu táo thế nhưng giống chuyện thi vào ngành công an hay chuyển từ giao thông sang hình sự vậy, Thành đều có những suy nghĩ giản dị mà sâu sắc. Anh bảo: Yêu là tin. Công việc của anh đi suốt. Nhiều lúc làm án phải tới những nơi tai tiếng, bá vai, quàng cổ cô này cô kia, nếu như vợ không thông cảm thì chỉ có nước bỏ nghề.
 
Quen nhau hai năm thì quyết định kết hôn. Nhớ tới vụ cưới xin, Lan bất giác mỉm cười: Nghĩ mà khiếp! Các thủ tục cưới xin với các cặp bình thường cũng đã mệt mỏi lắm rồi. Lấy chồng công an lại còn gánh thêm cái vụ thẩm tra lí lịch. Kết hôn mà khai đi khai lại mấy lần, toàn viết tay, mỏi rã rời. Đưa cho Thành đọc, lúc thì anh vò đầu bứt tai: Ối, anh em ở Đức thì làm sao đi thẩm tra được bây giờ. Biết bao giờ mới có người sang đấy cơ chứ. Thôi để anh đi hỏi kinh nghiệm của các anh trong đội đã. Rồi “Ối, bác Hà ở tận Hải Phòng ah? Thôi có lẽ cũng phải bỏ đi. Mấy anh nói không đi xác minh được đâu”. Rồi: “Em ạ, có lẽ đừng ghi tên cơ quan em bằng tiếng Anh. Mọi người lại tưởng đi làm cho công ty tư bản là phải giải trình mệt lắm đấy!”.
 
Kết quả là sau gần chục lần viết lại lí lịch và một chầu giận hờn rồi xin lỗi vụ đó mới tạm ổn. Sau đó là hành trình thẩm tra ba ngày quê ngoại, ba ngày quê nội. Đủ thứ rích rắc. Tức mình bố Lan gào lên: “Nhà tao tử tế đàng hoàng, có phải tội phạm đâu? Lấy thì lấy, không lấy thì thôi. Không thẩm không thẻo gì hết”.
 
Cuối cùng thì cũng lấy nhau. Thành được phân căn hộ chung cư nhỏ này. Ban ngày cả hai đi làm. Những tối rảnh hiếm hoi, hai vợ chồng chở nhau đi học thêm. Rồi Lan sinh con Thơm, cuộc sống vất vả hơn. Khi mới sinh, con bé hay quấy khóc mà Thành thì thường xuyên vắng nhà. Có lần đang đêm con bé bị lồng ruột, gọi cho Thành thì máy ò e í, không dám làm phiền ai, một mình Lan ôm con đi bệnh viện. Tức giận và tủi thân, Lan khóc mãi cho tới khi chị Thảo vào thăm nhớ tới vụ án năm xưa mới thôi. Ấy là chưa kể vụ chẳng bao giờ ngày lễ, ngày nghỉ vợ chồng con cái được dập dìu chơi bời thỏa thuê bên nhau. Rồi có khi ban ngày chồng ngủ thì vợ đi làm, vợ về thì chồng biến mất, cả hai cùng ở nhà thì con khóc quấy. Cả tuần chả được bên nhau một đêm. 
 
Được cái Thành thương vợ và rất tình cảm, luôn an ủi động viên vợ. Lúc rảnh, anh viết bài cho chuyên mục an ninh kiếm thêm nhuận bút cho vợ. Những câu chuyện tiếu lâm về ngành nghề cảnh sát khiến Lan có muốn cáu cũng chẳng được.
 
Lại một cái tết nữa đến gần. Đã quen với việc chồng luôn vắng nhà, Lan chẳng hỏi nhưng hôm trước Thành lại hứa tết nay anh sẽ mời bạn bè trong đội đến đón giao thừa ở nhà, nhân việc anh mới lên hàm đại úy. Lan mừng lắm. Cô tất bật cả ngày 30 tết, chuẩn bị cơm rượu tinh tươm để đón cả đội.
 
Lan nhìn vào giường. Con bé Thơm vẫn ngủ ngon lành. Tội nghiệp con bé. Bố hay về muộn, mẹ hay thức khuya nên con bé quen với việc ngủ một mình. Lúc tối Lan đã cho con bé ngủ sớm để nếu Thành về sớm, hai vợ chồng sẽ cho nó đi đón giao thừa, xông đất nhà người thân như bao gia đình khác.
 
11 giờ 45 phút. Lan thất vọng bưng mâm cơm cúng đặt lên bàn thờ. Giờ này mà anh chưa về thì chắc lại lỗi hẹn rồi. 12 giờ. Tiếng pháo hoa, tiếng chúc tết, tiếng nút sâmpanh… Những âm thanh rộn ràng vang vọng của ngày tết làm căn phòng nhỏ vắng vẻ của vợ chồng Lan cũng sôi động lên. Con bé Thơm cựa mình. Lan vội ôm lấy con, xoa xoa lưng mong nó ngủ tiếp nhưng con bé đã dụi mắt, ngồi dậy. Lan thay cho con bộ đồ mới, dắt nó ra phòng ngoài, dặn con bé ngồi đó xem ti vi rồi vào phòng trong dọn đồ cúng xuống. Nhìn mâm cơm đầy ắp đủ cả giò nem, ninh, mọc, bánh chưng, gà luộc, Lan hơi ấm ức. Không về được thì thôi còn bày đặt hứa hẹn!
 
- Ba! Ba Thành về!
 
Tiếng con bé Thơm hân hoan ở phòng ngoài làm Lan luýnh quýnh, đánh rơi chiếc lồng bàn trên tay xuống nền bếp. Úp vội chiếc lồng bàn vào mâm cỗ, Lan chạy ra ngoài. Thành với bộ quần áo công an mới tinh nhưng thấy rõ là không vừa, nhảy chân sáo vào nhà. Sau Thành là bốn, năm chú cảnh sát trẻ măng, quần áo có người còn lấm lem cũng ngượng nghịu bước vào. Tiếng chúc mừng năm mới vang lên rộn ràng. Con bé Thơm nhảy ra ôm cổ ba. Các chú lính trẻ tíu tít vây lấy nó. Thành đến bên vợ.
 
- Chúc mừng năm mới đồng chí vợ, đừng giận! Anh vẫn giữ đúng lời hứa mà!
 
- Nhưng vẫn trễ 20 phút đồng chí công an ơi!
 
- Vì bọn anh vừa truy đuổi và bắt sống một trong ba tên tổ chức cướp ở đường Huyền Trân. Anh ghé qua cơ quan mượn đồng phục mới kẻo năm mới về nhà em lại chê.
 
- Anh về nhà là em mừng rồi. Đang lo cỗ bàn của em ế cả đây này. Để em lấy sâmpanh và dọn cơm cho mấy anh em! Chắc là quần nhau với tội phạm mấy chú mệt và đói lắm.
 
Thành, nhìn xuống đôi giày vẫn đi ở chân, nói khẽ:
 
- Lan! Anh xin lỗi bọn anh mới chỉ bắt được có một tên…
 
Lan lặng người. Một phút sau, cô lẳng lặng bước tới bàn, dồn vội mấy thứ đồ ăn vào trong bịch nilon. Bên ngoài mấy chú lính trẻ vừa luýnh quýnh bước ra vừa nhìn Lan bối rối như có lỗi.
 
Lan dúi bịch đồ ăn vào tay chồng, khẽ khàng:
 
- Mấy anh em mang theo đói thì ăn đỡ!
 
Thành ôm hôn vợ. Lúc đó kim phút đồng hồ chỉ đúng con số 6.
 
Truyện ngắn: BÙI ÐẾ YÊN