(LĐ online) - Đã hơn pmột tuần thi nhân Nguyễn Trọng Tạo đi xa. Xin được ghi vài dòng ký ức về anh, như một nén tâm nhang thắp muộn…
(LĐ online) - Đã hơn pmột tuần thi nhân Nguyễn Trọng Tạo đi xa. Xin được ghi vài dòng ký ức về anh, như một nén tâm nhang thắp muộn…
Người đàn ông xứ Nghệ đa tài, đa tình, đa đoan, cả một đời làm “kẻ ham chơi” ấy đã cất bước chu du đến miền xa thẳm. Không biết anh về “úp mặt vào sông quê” để mãi mãi đắm chìm trong “đôi mắt đò ngang” hay anh đã “chia” tất cả những đắm say, những cay đắng, những day dứt, những trăn trở nhân tình thế thái cõi người để “tôi về héo khô” khi “trời chang chang nắng”. Người phiêu lãng đã về với miền phiêu linh. Ít khi mà sự ra đi của một thi nhân đã để lại nỗi niềm trong lòng người cõi thế nhiều đến vậy. Tôi đã đọc, đã xem, đã nghe rất nhiều những lời ngợi ca anh, tiếc thương anh, da diết nhớ anh. Còn tôi, cậu bé em của anh trong làng văn chương, đã từng có với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vài đôi kỷ niệm, xin được nhớ về bậc cao nhân ấy theo dòng ký ức riêng mình…
Đó là những ngày đầu Thu 1995. Khi mà Trường Viết văn Nguyễn Du vẫn là một “cõi riêng”, nơi học hành sang trọng của giới văn chương, chúng tôi được triệu tập về dự một lớp học mang tên “biên tập văn học”. Nhìn vào danh sách học viên của lớp tôi đã choáng, khi bản thân chỉ mới tập tọe văn chương mà “bạn học” của mình toàn là những tên tuổi đã to đùng như những cái đình, trong đó có nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo mà khi chưa gặp tôi ngắm ảnh đã thấy thích: dáng người nho nhã, mái tóc xoăn phiêu bồng, đôi mắt tinh anh, nụ cười hào hoa, qua hình dong đã thể hiện chất lãng tử hết sức tự nhiên. Anh Tạo mà tôi vẫn thường ngân nga “Làng quan họ quê tôi” từ thưở thiếu thời mà mãi sau này mới biết anh là người mượn lời thơ của Nguyễn Phan Hách để ghi giai điệu. Anh Tạo viết “Tản mạn thời tôi sống” xoáy sâu vào nỗi đau thời cuộc, đổi mới trước cả đổi mới mà thời sinh viên tôi thuộc nằm lòng những câu: “Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng. Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá…” hay “Thời tôi sống có rất nhiều câu hỏi. Câu trả lời thật không dễ dàng chi.” Rồi sau này là những tập thơ “Sóng thủy tinh”, “Thư gửi trên máy chữ”, “Đồng dao cho người lớn” và những ca khúc da diết, đẫm hồn xứ Nghệ như “Khúc hát sông quê” (phổ thơ Lê Huy Mậu) hay “Đôi mắt đò ngang”…
Lớp chúng tôi chừng hơn ba chục người, là những kẻ yêu quý chữ nghĩa đến từ nhiều ngõ ngách báo, văn trong nước. Bài giảng của các vị thầy danh giá như đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, GS-TS-NSND Đình Quang, họa sĩ - NSND Vũ Giáng Hương; các giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Khái Vinh, Phạm Vĩnh Cư; các nhà thơ Huy Cận, Trúc Thông, Vũ Quần Phương, Ngô Văn Phú…thực sự đã mang đến những điều hữu ích. Nhưng điều đặc biệt khác, đó là dịp mà tôi thực sự được mon men bên không gian tình thân của những đàn anh văn nghệ mà tôi ngưỡng mộ. Khi có những Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Quốc, Trúc Phương, Nhất Phượng, Thu Loan…“lai kinh đèn sách” thì khu ký túc xá Trường viết văn Nguyễn Du mấy tháng ấy trở thành hội quán văn nghệ. Hầu như giới tinh hoa nghệ thuật Hà Thành thay nhau có mặt và nhiều tay nải rượu đã được mang đến: Đó là các nhạc sĩ Phú Quang, Nguyễn Cường, Nguyễn Thụy Kha…; các ca sĩ Thanh Hoa, Thu Hiền, Quang Thọ, Thúy Hường…; các nhà phê bình văn học Đoàn Hương, Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ…; các thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Sĩ Đại…Nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Minh Tuấn thì xuất hiện thường xuyên vì là đồng đội của nhà thơ Lê Minh Quốc từ thời chiến trường K. Nhà văn Tạ Duy Anh và nhà thơ Dương Thuấn là những người quản lý lớp thường phải trực đêm để nhắc mọi người “nghỉ sớm, mai còn lên lớp”. Cậu bé em là tôi được các đàn anh thương nên thường cho ngồi chung chiếu. Trong lúc các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, ảnh sĩ cao đàm khoát luận thì kẻ hậu nhân hóng chuyện, học hỏi, nhập tâm thêm nhiều điều thú vị.
Trong những ngày ấy, thường thì những lần góp mặt “thi - ca - tửu” như thế, Nguyễn Trọng Tạo như một một trung tâm, dù anh không có ý thức làm người cầm chầu. Rất tự nhiên, khi có mặt anh Tạo nơi nào thì cuộc chơi nơi ấy trở nên thanh tao và sang trọng hẳn lên. Tôi đã nghe và rồi đã thấy, anh luôn là người biết cách gieo cảm hứng hướng thượng cho những người mà anh quý mến, dù là người chập chững hay những bậc đã là tài nhân trong trường văn, trận bút. Sức hấp dẫn và sự lay động của Nguyễn Trọng Tạo chính là sự hiểu biết sâu rộng, sự hào hoa, tinh tế, thông minh, hài hước ẩn dấu phía sau những ứng xử bình dị, nghĩa tình. Ở anh không có cái cao đạo thường tình của người chiếu trên. Anh kính cẩn với những cao nhân gặp nhiều bất trắc trong nghiệp trong đời như Văn Cao, Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần. Anh chân tình với bạn hữu đồng lứa. Anh hòa mình trong đám mục đồng chữ nghĩa. Giới trẻ trong văn chương, âm nhạc biết bao người đã nhớ từng được anh dẫn dắt, truyền cả tri thức lẫn cảm hứng, cả phương cách thể hiện lẫn ứng xử giữa cuộc đời. Ai từng gần anh đều cảm nhận rất rõ ràng điều đó…
Đêm mưa ấy trong ngôi nhà cổ ở giữa làng Lim (Từ Sơn, Bắc Ninh), với sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà Folklore học - TS Nguyễn Hùng Vĩ, chúng tôi đã đắm mình trong một canh hát quan họ tuyệt vời. Giữa chiếu rượu bên bờ sông Cầu lắng nhịp đàn, tiếng phách, Nguyễn Trọng Tạo như đang lên đồng, ánh mắt anh long lanh và hình như có nước, khi những làn điệu quan họ cổ cất lên vang rền nền nẩy qua giọng móm mém của nghệ nhân già Hoàng Thị Đối, rồi các liền anh, liền chị Tư Vinh, Ba Trọng, Qúy Mùi, Lan Hương, Thúy Cải, Thúy Hường. Liền anh Hai Lẫm, người đóng vai Hai Chi trong phim “Đến hẹn lại lên” cùng NSND Như Quỳnh thì chuốc rượu liên miên cho ông nhạc sĩ xứ Nghệ, người đã viết một ca khúc về miền quê quan họ tràn đầy, trọn vẹn cảm xúc như thế. Nguyễn Trọng Tạo lại một lần nữa trở thành nhân vật trung tâm của canh hát đắm say khi người Kinh Bắc lần đầu gặp anh. Một tiết lộ vui trong đêm hôm ấy đã khiến cho hôm sau tôi phải viết ngay bài báo ngắn “Tác giả Làng quan họ quê tôi…lần đầu tiên đến làng quan họ”. Khi bài đăng lên tạp chí Sóng nhạc, tôi mang một cuốn trân trọng tặng anh, anh Tạo đọc xong cười hiền: “Chú mi bêu xấu tau!” Rồi tôi viết bài thơ “Ngẫu hứng Lim” như ghi lại đôi dòng cảm xúc từ chuyến trải nghiệm không gian quan họ ấy, anh Tạo đã khen chân thành, rồi sửa cho tôi một vài sạn nhỏ trong bài. Từ đó đến sau này, mỗi lần đọc được gì đâu đó của tôi, người anh tài hoa ấy lại gọi điện nói vài câu động viên…
Hơn một tuần thi nhân Nguyễn Trọng Tạo đi xa. Tôi xin ghi vài dòng ký ức về anh, như một nén tâm nhang thắp muộn. Bạn hữu, công chúng, những người yêu quý anh trong mấy ngày qua âm thầm ngân nga giai điệu và ngôn ngữ của anh. Còn tôi, tôi lại nhớ biểu cảm Nguyễn Trọng Tạo khi anh đứng giữa xe vừa rưng rưng cảm thức vừa sang sảng ngân nga “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm khi xe chúng tôi trôi qua dòng sông ấy lên với miền Kinh Bắc. Hình ảnh đẹp như thi ảnh về một niềm đồng cảm, một góc tri âm của hai người thơ thuộc hai thế hệ…
UÔNG THÁI BIỂU