Ngày hôm qua, trước khi rời sân bay quốc tế Tao Yuan, Đài Loan trở về Việt Nam, em nhắn cho tôi: Em muốn ôm chị ngủ một đêm thật sâu. Mình cùng nhau đi chơi làng đào Nhật Tân nhé, em tìm mua một gốc, đem về trưng tết.
Ngày hôm qua, trước khi rời sân bay quốc tế Tao Yuan, Đài Loan trở về Việt Nam, em nhắn cho tôi: Em muốn ôm chị ngủ một đêm thật sâu. Mình cùng nhau đi chơi làng đào Nhật Tân nhé, em tìm mua một gốc, đem về trưng tết.
|
Hương vị tết quê. Ảnh: Internet |
Em ùa đến tôi, lần nào cũng thân thuộc, không rào đón như thế. Còn tôi, luôn nghĩ về cái cách em trở lại sau những hành trình “lang thang” tuổi trẻ. Nhớ năm nào giáp tết, mạng xã hội ồn ào bởi lời bày tỏ của một nhà thơ nổi tiếng nọ, rằng “ngày tết mà bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu”. Người ta “lên án” ông cổ hủ, lạc hậu, thời đại nào rồi mà còn tư duy nông nghiệp thế. Người thì bảo ông thẳng thật, câu nói ấy như một tiếng chuông thức ngộ đâu đó về sự lung lạc những giá trị cổ truyền, lối sống hưởng thụ, vô tâm của con người thời đại. Tết đoàn viên, tết sum vầy chẳng phải là điều chúng ta đã, đang được nghe, được thấy ra rả hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đấy ư? Có phải trong thẳm sâu mỗi người, nhà là nơi bình yên nhất?
Những ngày rộn ràng xuân gõ cửa, rất nhiều những mẩu quảng cáo và những thước phim ngắn trên truyền hình ra mắt, thông điệp cuối cùng luôn là “đón Tết cùng nhau”, “thêm tình trao Tết”... Cộng đồng mạng chia sẻ một clip trên Youtube, có người xa quê “đem về” đăng trên facebook cá nhân kèm dòng trạng thái: “Xem rồi khóc. Khóc và không ngủ được”. Tò mò, tôi nhấp chuột vào đường link. Đó là câu chuyện về một phụ nữ nông thôn lấy chồng phố thị, đã nhiều năm mà không có cơ hội về ăn tết với cha mẹ ruột. Ẩn trong đôi mắt buồn rượi của nàng là những hồi ức tuổi thơ, tuổi xuân lung linh, dung dị tình yêu, sự chở che, san sẻ nơi mái ấm quê nghèo... Nhờ sự thấu hiểu, cảm thông từ gia đình chồng, vợ chồng, con cái nàng cuối cùng cũng được về ngoại đón tết. Xem rồi thấy, niềm vui của nàng và cha mẹ nàng òa vỡ trong những nụ cười và cả những giọt nước mắt. Đấy có được gọi là một cuộc chơi xuân? Hay là tìm về nguồn cội?
Hôm nay em trở về, đơn giản là để tìm một nơi nương náu cho những vỡ nát của một cuộc tình suốt nhiều năm đấu tranh giành giật. Tình yêu rời bỏ em, hay em tự trọng mà rời bỏ? Em bảo, trong tình yêu, chỉ cần thiếu một trong hai điều: hạnh phúc, hoặc tin tưởng, thì dứt khoát nên dừng lại. Nước mắt rơi như một sự gột rửa, em trách mình đã buồn nản để tháng ngày trôi đi uổng phí. Con người ta đôi khi vì day dứt, dằn vặt và tự trách phạt bản thân quá nhiều, đến nỗi quên mất mình còn phải sống tiếp những dặm dài trước mặt.
Trở về nhà, dạo chơi trong vườn đào nhộn nhịp những tà áo dài xanh đỏ với bao nụ cười, ánh mắt xuân sóng sánh, mắt em bỗng tươi hồng màu đào bích đào phai. Ngang qua làng hoa, em sà xuống nói cười rổn rảng cùng chủ vườn, cẩn thận chọn lựa từng bông hồng bông cúc. Ôm trên tay bó hoa còn nguyên gốc tránh những cơn gió ngược, em cười thầm khi mường tượng về những góc nhà sáng bừng sắc hoa. Dù bận bịu, dù chẳng còn thèm thuồng món bánh chưng như tết xưa, thì cha và anh trai vẫn thức đêm gói ghém. Gói vào đó lòng hiếu thảo biếu ông bà nội ngoại, gói sự sẻ chia dành tặng những gia đình già cả neo đơn. Em cho phép mình thảnh thơi ngồi chải chuốt lá dong, lăng xăng đi tìm lá ổi bánh tẻ, ngọn đinh lăng để cha làm nem vùi. Gấp rút cùng mẹ làm vài mẻ mứt dừa; giặt giũ phơi phóng chăn ga gối nệm. Em trở nên cầu kỳ hơn trong mọi việc, cần sự sạch sẽ tinh tươm hơn gấp nhiều lần ngày thường. Tết thật bận, thật mệt, nhưng nếu không mải mê làm những việc ấy, thì lại không cảm nhận được thời khắc ấy là tết.
Nhiều năm trước khi ở Mỹ, em đã háo hức biết bao khi đón tết cùng cộng đồng người Việt ở bang Maryland. Có người đến đây vì mưu sinh, có người định cư theo chồng/vợ... Có một người phụ nữ theo chồng đã mười mấy năm không về Việt Nam ăn tết. Nhớ tết Việt, năm nào chị cũng gói bánh chưng, làm giò hoa, muối dưa hành... Ở đây, em bắt gặp nỗi nhớ quê hương xao xác trong những phận người. Họ nói về tuổi trẻ, về những khát khao lớn lao của cuộc đời. Mắt họ rớm lệ khi cầm tay em thành thật, rằng chỉ cần có thể được trở về, hãy trở về bằng mọi cách.
Em trở về, có thể dốc cạn thương yêu nêm vào cùng gia vị trong mỗi món ăn. Để rồi chỉ cần nhìn người ăn ngon miệng mà thấy thế giới nhỏ hẹp lại chỉ trong một gian bếp. Đêm cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, em bồi hồi nghe mẹ tiếc rẻ “ngủ được với mẹ đêm nay nữa thôi”. Anh trai đưa em ra sân bay, nhắc em rằng cửa nhà luôn mở rộng. Thứ em mang đi duy nhất là nụ cười, em đã luôn nói rằng “em ổn”.
Nhiều năm nay, em ở cạnh cha mẹ chưa được ba mươi ngày mỗi năm. Mải miết bận rộn với những chuyến đi, cứ nghĩ mình đang sống không hoài phí. Nhưng đâu đó khi đêm xuống, trở về căn nhà tạm ở một góc phố hun hút sâu, ngã vật lên giường vì những đua chen, thèm một bát cơm trắng trộn muối vừng mà chỉ có thể lục tìm trong ý nghĩ. Em nhớ điên cuồng những khó nghèo đã cũ. Những thông điệp truyền cảm hứng về tết luôn là sự trở về, đoàn tụ bên nhau. Thế nên em tin, những cuộc du hí trong những ngày tết không thực sự khiến lòng người thảnh thơi!
Em trở về, tôi không biết trong lòng em đã có bao nhiêu cơn bão. Món quà duy nhất tôi dành cho em là lắng nghe. Tôi không phải là chiếc túi hồ lô để em trút bỏ hờn giận, bi thương, hay cất vào đó những hoan hỉ góp nhặt. Chỉ thấy việc mình lắng nghe cũng là một đặc ân để thấu hiểu được rất nhiều. Những điều sâu thẳm nhất, rối ren nhất lại được nghe bằng cách thức của sự im lặng. Cả tôi và em đều lo sợ, sau tiếng gào thét, sau những nức nở, thanh âm vọng dồn về còn đầy chặt hơn, thì bức bối làm sao chịu nổi.
Em đã có những tháng ngày nổi sôi tuổi trẻ, sống và yêu, và hết mình cho tất thảy. Nhưng rồi đến cuối cùng, dù đi qua bao vùng đất, gặp gỡ bao nhiêu người, em vẫn lựa chọn trở về. Bởi vì với em, có một nơi để về, có một nơi để yêu thương, đó là nhà, là gia đình. Có được cả hai điều đó, là có được hạnh phúc tột cùng. Món quà tặng ba mẹ không cần là cao lương mỹ vị, không cần nhà cao cửa rộng, mũ áo xênh xang... Món quà tuyệt vời nhất, đó là chúng ta biết cách trở về!