Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam, giúp cho dân tộc ta, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với thế giới, văn hóa là tấm "hộ chiếu" của từng dân tộc.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam, giúp cho dân tộc ta, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với thế giới, văn hóa là tấm “hộ chiếu” của từng dân tộc. Nằm trong phạm trù văn hóa rộng lớn, theo quan niệm của Đảng: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Đặc trưng, nội dung của văn hóa Việt Nam là nền văn hóa dân tộc, hiện đại và nhân văn. Văn hóa đương nhiên là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, có quan hệ chặt chẽ với chính trị, có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất được UNESCO tôn vinh khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng...”.
|
Vũ điệu Tamya của người Chu Ru. Ảnh: Phan Nhân |
Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một nền văn hóa mới, văn hóa cách mạng Việt Nam; sáng tạo ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của nền văn hóa dân tộc. Chính bản thân Người, cuộc sống của Người là hiện thân của nền văn hóa mới Việt Nam, là mẫu mực của con người mới Việt Nam. Từ năm 1923, nhà thơ Ôxíp Manđenxtam (Nga) đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”. Nhà thơ Rơ-nê Đô Pê-tơ-rơ (Ha-i-ta) cảm nhận: “Cuộc sống của Người là một bài thơ đầy nét anh hùng ca”. Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới Rômét Chanđra viết:
“Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao
Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý,
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao
Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một
Thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh
Và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Năm 1990, trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, tiến sĩ M. Atmét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO một lần nữa khẳng định lý tưởng cao cả mà Người đã hiến trọn cuộc đời: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và văn nghệ, Bác nhiều lần nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến và kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng”, “Văn hóa với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau”. Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều phải được “coi là quan trọng ngang nhau”. Hơn nữa, “văn hóa nghệ thuật cũng như các hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế, chính trị”, gắn liền với đời sống lao động sản xuất...
Theo Hồ Chí Minh, đối tượng của văn nghệ là cuộc sống và con người, là “sinh hoạt thực tại của con người”. Nó phải phản ánh “cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn” những cái đúng, cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái thiện trong con người và cuộc sống, để hướng con người về với chân, thiện, mỹ, đồng thời đấu tranh nhằm loại bỏ cái giả, cái ác, cái xấu vẫn thường có trong cuộc sống của con người. Văn nghệ phải đánh thức được tình người, ý hướng thiện của con người, ít nhiều đều có trong mỗi người. Nếu văn hóa văn nghệ là một mặt trận, và các văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy, thì “ngòi bút của văn nghệ sĩ” cũng là “những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính diệt tà”,... Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, Hồ Chí Minh còn đề cập đến nhiều vấn đề rất quan trọng, như mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức, giữa phổ cập và nâng cao, giữa kế thừa và cách tân, giữa sáng tạo của quần chúng và sáng tạo của văn nghệ sĩ,...
Nhận thức rõ vai trò của văn hóa, gần 90 năm qua, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng. Những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ được hình thành và phát triển trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, dân chủ, nhân văn của dân tộc ta. Cùng với thực tiễn văn hóa, thực tiễn cách mạng và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo; Đảng ta đã đúc kết, hoàn chỉnh các quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trước yêu cầu mới. Trong các quan điểm rường cột đó, nổi bật là quan điểm mà chúng ta cần quán triệt, tiếp tục khẳng định và thể hiện nhuần nhuyễn trong quá trình sáng tạo, đó là: Văn hóa văn nghệ là một bộ phận khăng khít của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời tiếp tục: “Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”. Đây là một đòi hỏi cao và mới đối với văn hóa; tất yếu cũng là nhiệm vụ của VHNT trong giai đoạn mới của cách mạng - đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Trong công cuộc đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay, thiết nghĩ những lời dạy đối với văn hóa, văn nghệ nước nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, văn nghệ sĩ phải khắc ghi điều mong mỏi của Người: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau... Trong thời kỳ quá độ, bên cạnh những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ... Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn... Nói tóm lại: phải có khen cũng phải có chê. Nhưng khen hay chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thu... Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích... Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân. Chúc mọi người đồng lòng chung sức xây dựng văn nghệ của ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng với cả dân tộc đang anh dũng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.
NGUYỄN THANH ÐẠM