Ðầu năm, chợt nghe mấy ông bạn tếu táo: Kỳ này nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã có trình độ "trên" tiến sĩ. Thì ra, vợ anh - nhà văn Trần Thị Huyền Trang vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn hóa học "Võ Bình Ðịnh từ góc nhìn văn hóa dân gian". Ðúng là "con gái Bình Ðịnh múa roi đi quyền"!
Ðầu năm, chợt nghe mấy ông bạn tếu táo: Kỳ này nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã có trình độ “trên” tiến sĩ. Thì ra, vợ anh - nhà văn Trần Thị Huyền Trang vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn hóa học “Võ Bình Ðịnh từ góc nhìn văn hóa dân gian”. Ðúng là “con gái Bình Ðịnh múa roi đi quyền”!
|
Nhà văn Trần Thị Huyền Trang và con trai. Ảnh: Đ.T |
Khảo quật đất võ
Nghe “tiến sĩ võ” vinh quy, tôi điện Nguyễn Thanh Mừng “sợ chưa?”, thì vẫn giọng cười hề hề: “Mỗi ngày sợ vợ một lần / suy đi tính lại phải cần sợ thêm...”.
Nhà văn, tiến sĩ Trần Thị Huyền Trang sinh năm 1964, quê quán huyện Phù Cát (Bình Định); hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện làm việc tại Văn phòng HĐND tỉnh Bình Định. Sách đã in: Một lứa bên trời (Tập truyện ngắn), Hàn Mặc Tử - hương thơm và mật đắng (Chân dung văn học), Nhạn thần cô (Truyện ký lịch sử); các tập thơ Những đêm da trời xanh, Muối ngày qua,… Giải A của Liên hiệp VHNT Việt Nam, Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ, nhiều Giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn. |
Theo nhận xét của các thành viên hội đồng chấm luận án, công trình “Võ Bình Định từ góc nhìn văn hóa dân gian” có nhiều đóng góp mới về mặt khoa học và thực tiễn. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về võ Bình Định từ góc nhìn văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiến tạo bản sắc con người và vùng đất Bình Định thông qua quá trình hình thành và phát triển của võ. Cùng với việc khám phá, hệ thống hóa những khía cạnh biểu hiện của văn hóa võ (qua phong tục, sinh hoạt, lễ hội,...) trong mối quan hệ tổng thể với đời sống văn hóa dân gian vùng Nam Trung bộ, luận án khẳng định giá trị của văn hóa võ trong việc xây dựng bản sắc miền đất võ, dự báo xu hướng phát triển sắp tới của võ Bình Định. Luận án còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và những người quan tâm nguồn tư liệu mới, có giá trị về lịch sử văn hóa địa phương; gợi mở hướng nghiên cứu tổng thể lịch sử văn hóa vùng thông qua nghiên cứu một hiện tượng văn hóa dân gian có sức lan tỏa trong thời gian và trong không gian văn hóa mang đậm bản sắc vùng.
Lâu nay, ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, vợ chồng Huyền Trang đã “làm ăn chung” nhiều công trình khá đồ sộ. Tuy nhiên, trong chuyện học hành thì chính Thanh Mừng tự nhận, gã thuộc tạng “lêu lổng, ham vui” nên chỉ dừng “cử nhơn”, còn vợ gã thì chuyên cần danh hiệu thủ khoa. Này nhé, từ đại học đã loại giỏi, tốt nghiệp cao học ở Viện Nghiên cứu văn hóa với luận án “Chàng Lía” đạt điểm 10/10. Thường thì sau cao học, các học viên thi chuyển tiếp nghiên cứu sinh chỉ cần đăng ký nâng cấp tiếp cái đề tài cũ lên từ thạc sĩ thành tiến sĩ. Thế nhưng đề tài của Huyền Trang đã đạt điểm tuyệt đối rồi nên không còn tư liệu, lý luận và lý do gì để mà nâng cấp nữa! Thế là chặng đường thạc sĩ kéo dài từ 2006 - 2009 chuyển qua chặng đường tiến sĩ 2010 - 2015; tổng cộng nữ sĩ đất võ đã “bay bay vạt áo thấm gió sông Hồng” chẵn 10 năm. Chưa hết, trong khoảng thời gian ấy, Huyền Trang còn tham dự khóa học Chuyên viên Hành chính Cao cấp ở Hà Nội và thi đỗ thủ khoa ngay, thế là lương tăng... vọt chồng!
Nấu rượu, làm thơ, luyện… chồng
|
“Võ Bình Định, nhìn từ tâm thức dân gian”, cuốn sách mới nhất của Trần Thị Huyền Trang |
Có hồi, lọt vào tay tôi cái tin nhắn của bạn thơ Vân Hiền: “Hoan hô cụ Nguyễn Thanh Mừng / đã đời bia rượu tưng bừng thơ văn / lại còn có đủ tài năng / làm phu quân một nhà văn lẫy lừng”. Tôi bèn phỏng vấn gã về “đặc điểm con gái Bình Định?”, gã trả lời tắp lự: “Biết nấu rượu, biết làm thơ và biết đánh võ”! Vậy còn đặc điểm trai Bình Định, gã phán luôn: “Hưởng thụ thành quả trên, nghĩa là biết uống rượu, biết nghe thơ và biết... chịu đòn”! Thiệt tình, đến giờ tôi cũng chẳng biết văn sĩ vợ có nghề võ và nấu rượu hay không, cùng khả năng “chịu đòn” của thi sĩ chồng cỡ nào. Chỉ biết, những ngày Huyền Trang cắp cặp đèn sách Hà Nội, gã chồng “thừa lệnh” chợ búa cơm nước nuôi ba đứa con... coi cũng được. Bên cạnh đó, gã cũng ít khi bỏ qua các cuộc “tỉ thí” bia rượu với bạn bầu! Thế nhưng có lúc “say quá”, gã ghé tai tôi thẻ thọt: Cha con mình có được như hôm nay đều nhờ một tay lo toan của Huyền Trang...
Trò chuyện với tôi, “bà nghè võ thuật” lại luôn khoe chuyện chồng con. Nào là, anh Mừng viết được cái này cái kia, ba đứa con đều thi một lần đỗ ngay ở các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, hai đứa lớn đã tung cánh đi làm xa, đứa út đang học hệ Cử nhân tài năng năm thứ 3,... Ấn tượng trong tôi những ngày kham khó tụ tập trong căn nhà nhỏ của gã, lúc nào cũng thấy cô vợ văn sĩ hiền lành khéo thu vén bưng lên các dĩa mồi và chạy đi mua rượu. Nhiều lúc, gã nhiệt tình uống quá, anh em chúng tôi cũng lo gã… chịu đòn hổng nổi mà “nốc ao” thì gay go! Thế nhưng chắc Huyền Trang “nương tay” nên rồi vẫn thấy gã cười hê hế và nâng ly đều đặn. Tôi biết, sóng gió đến với gia đình họ cũng không ít, nhưng rồi vẫn thấy họ bình tĩnh vui tươi. Huyền Trang vẫn tảo tần công việc và đi học; còn Thanh Mừng thì “bùng nổ” với hàng trăm bài lục bát hào sảng. Mấy anh em lại đưa ra thắc mắc: “Không hiểu Huyền Trang tài cỡ nào mà Thanh Mừng còn làm được thơ nhiều đến thế (?!)”.
Nhiều người biết, văn chương Huyền Trang còn nổi tiếng trước cả Thanh Mừng. Từ năm 1983, khi còn là sinh viên Tổng hợp Huế, chị đã in nhiều thơ trên Tạp chí Sông Hương với ý tứ da diết “Sao trời chỉ lấp lánh / những đêm da trời xanh / mắt em còn xa vắng / nếu đời không có anh”. Năm 1998, chị đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ với truyện “Một lứa bên trời” mà nhiều sách luôn tuyển đi tuyển lại. Đến lúc này này, Huyền Trang đã có gần chục tập văn xuôi, nghiên cứu văn hóa và 3 tập thơ; cùng nhiều giải thưởng danh giá. Tôi vẫn hay trêu Mừng, nếu không “đánh sâu” vào thể loại lục bát thì anh cũng khó “ăn nói” với nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang, và gã gật gù gật gù...
ÐÀO ÐỨC TUẤN