Giám thị

09:02, 28/02/2019

Tiếng chào gần như đồng thanh của tốp nữ sinh dưới tán phượng khiến chúng tôi bước chậm lại. Đối với các thầy trẻ, hai tiếng "thầy ạ" của các cô hình như có cái gì không bình thường. Tôi nhìn các em cười thay câu trả lời.

- Thầy ạ!
 
Tiếng chào gần như đồng thanh của tốp nữ sinh dưới tán phượng khiến chúng tôi bước chậm lại. Đối với các thầy trẻ, hai tiếng “thầy ạ” của các cô hình như có cái gì không bình thường. Tôi nhìn các em cười thay câu trả lời. Thế nào, trông các giám thị cũng không đến nỗi đáng sợ đấy chứ? Một cô nhìn tôi thật nhanh rồi dúi đầu vào gáy bạn cười rúc rích. Ngày mai chúng ta sẽ lại gặp nhau trong phòng thi, lúc ấy sẽ có kẻ khóc người cười. Một ý nghĩ thoáng qua, đi quá còn nghe rõ tiếng trầm trồ: “Ôi, thầy giáo dạy đại học gì mà trẻ thế”. Tiếng cười rộ lên xen lẫn tiếng vỗ vào lưng nhau thùm thụp.
 
Ta đã gặp em ở đâu? Cánh tay mềm ép chiếc nón lá nhẹ tênh bên hông, những ngón tay mơ hồ vương lấy quai nón màu huyết dụ. Nắng hè xuyên qua tán phượng đỏ rực, hắt lên khuôn mặt búp bê với mái tóc óng ả màu đồng. Lạ chưa, đi một ngày đường ô tô, trước mặt là cảnh rừng cọ đồi chè mà sao thấy như Hà Nội phảng phất đâu đây. Lại một ý nghĩ bâng quơ, thôi đi “ông giám thị”.
 
Đoàn coi thi chia thành từng nhóm về các gia đình cạnh trường cấp 3. Tôi và bác xét nghiệm viên già cùng bộ môn được bố trí nghỉ ở nhà bác thợ may ngay cổng trường.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Trăng lên, tán lá đung đưa trên vai áo cô con gái bác chủ nhà đang gập người trên thành giếng kéo gàu nước. Hình như cô gái ban chiều?
 
- Nhà ta năm nay có ai thi không cô? - Tôi hỏi.
 
- Có ạ. Thưa thầy em.
 
Định hỏi tên cô lại thôi. Cô đổ nước vào chậu tráng men dành cho tôi.
 
- Thưa thầy, các giám thị năm nay có “ác” lắm không ạ?
 
- “Ác” á? Hì... ì..., đã gọi là giám thị.
 
- Em ở phòng các thầy đấy!
 
- Ở phòng tôi? Số báo danh bao nhiêu?
 
Cô nói ngay: “SP...”, tôi nhẩm lại. Được, lát nữa sẽ tìm tên cô trong danh sách thí sinh.
 
- Cháu tên gì? - Bác xét nghiệm viên đang rửa mặt hỏi luôn.
 
- Thưa thầy, em tên Dung ạ.
 
- Dung. Gì Dung? - Tôi hỏi lại.
 
- Thanh Dung.
 
- Thanh Dung à? Tên hay đấy.
 
Trăng lên cao càng trong, gió dìu dịu mơn man, con đom đóm vẽ một đường xanh lè vòng vèo trong bóng tối huyền hoặc của đám cây vườn. Tôi mỉm cười cúi xuống chậu nước nhếnh nhoáng ánh trăng.
 
- Thế nào? - Bác xét nghiệm viên phất nhẹ khăn mặt bông vào lưng tôi. - Không run tay đấy chứ?
 
- Gì ạ?
 
- Lại còn gì... Thôi, không nói nữa.
 
- À... - Tôi làm như giờ mới vỡ lẽ. - Tất nhiên rồi, phải thẳng tay chứ bác.
 
Sau bữa cơm chiều chúng tôi say lâng lâng thả mình xuống những chiếc salon êm ái, mặc cho cảm giác no nê đến lười nhác xâm chiếm.
 
Tôi đang ngửa mặt nhìn hàng chữ Nho trên nóc nhà thì bác chủ chìa bao thuốc ba số ra mời, bác xét nghiệm viên phải đập vào cánh tay tôi nhắc khéo. Vừa chợp đầu lọc lên môi, tay trái bác chủ đã bật lửa, ngọn lửa ga liếm đầu điếu thuốc, tôi nheo mắt nhả khói.
 
Chiều nay chúng tôi không ngần ngại từ chối bữa cơm tập thể ở ban chỉ đạo thi. Mấy hôm coi thi ngủ nhờ nhà dân, gặp được nhà sạch, mát mẻ, ít trẻ con là mừng, ai ngờ lại được chăm sóc thế này. Chủ nhà thật khéo dẫn chuyện:
 
- Ngày xưa, - bác thong thả - tết đến, chúng tôi mang chục cam, hộp mứt đi lễ thầy thì thấy nó vinh dự lắm. Vì nó là cái tình, cái nghĩa nên rất đường hoàng. Các cụ vẫn gọi là “tôn sư trọng đạo”. Nhưng ngày nay lại khác, người ta nghĩ thế này thế kia...
 
Không biết chủ nhà còn định nói nữa hay thôi, nhưng vừa dừng lại thì ông giáo cấp 3 cũng được mời đến, ngồi đối diện tôi, nhếch mép cười, nghe rõ hơi bật ra từ hai lỗ mũi:
 
- Ngày nay... “Sự học ngày nay...” - Ông lên giọng đọc nửa chừng câu thơ của Tú Xương.
 
- Nói thế chứ...- Bác chủ tiếp luôn. - Các bác có chữ các bác chán được, chúng tôi không có chúng tôi thèm lắm. Lại nhớ hồi nhỏ, ông cụ tôi vẫn nói, nếu con không hay chữ thì vợ đẹp con khôn cũng chẳng đến phần con.
 
- Giờ thì ngược lại hoàn toàn! - Bác xét nghiệm viên át đi. Chúng tôi không ai bảo ai, lướt mắt qua các đồ đạc đắt tiền trong nhà.
 
- Con bé cháu nhà tôi năm ngoái trượt, năm nay tôi vẫn cứ cho thi. - Chủ nhà vẫn thủng thẳng. - Tốn kém bao nhiêu thì tốn. Có thầy giáo đây phụ đạo, năm nay lại được các bác trực tiếp về coi thi, cháu đỗ đạt tôi không bao giờ quên ơn. Nếu cần thì... cũng xin là hết sức trong cái đà tiêu cực chung của xã hội.
 
Ông giáo nhìn chủ nhà rồi quay lại phía chúng tôi:
 
- Năm ngoái các thầy trường khác về đây coi thi. Có bác coi ở phòng thằng cháu nhà tôi, nhưng thi xong tôi mới nói. Bác ấy xuýt xoa: “Thế mà ông chẳng cho tôi biết trước”. “Nhưng biết trước thì làm gì được?”. Tôi hỏi, ông ấy cười vỗ vào đùi tôi: “Ông này... Không làm gì được thì tôi còn nói với ông làm gì!”.
 
Ông giáo cấp 3 kể, khi thì “bác” lúc thì “ông”.
 
- Chè ngon quá. - Bác xét nghiệm viên đặt chén xuống buông lời khen.
 
- Chè nhà sao đấy bác ạ, bác nghiện hôm về tôi biếu bác một cân.
 
- Không không, tôi gửi tiền bác.
 
- Thôi được, - Ông giáo cắt ngang, - Các bác ấy đã về ngay đâu mà...
 
Từ nãy, Dung mình một ngọn đèn ngồi học ở một góc nhà không thấy lật trang nào. Bà mẹ ngồi thùa khuyết bên con nhờ xâu kim rồi giục con đi ngủ để lấy sức mai thi.
 
Tôi góp ý:
 
- Cứ để Dung học bác ạ. Nhiều người cứ nghĩ là không nên học trước ngày thi nhưng theo cháu càng gần đến ngày thi càng phải học, có điều là cách học phải khác.
 
- Cách học thế nào? - Bà mẹ hỏi ngay. - Thầy bảo em nó với, chúng tôi thì chữ nghĩa chẳng có, cũng chỉ biết giục nó học thôi. Em nó thì được cái hay làm còn học thì dốt lắm anh ạ.
 
Tôi lại chỗ Dung, bác xét nghiệm viên khôi hài:
 
- “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Xưa thế, nay vẫn thế, phải không các bác?
 
Mọi người cười thân mật, bác gái nghiêng đầu cắn chỉ nhìn tôi.
 
*
 
Tùng!... Tùng!... Tùng!...
 
Các em ngồi vào chỗ, tôi nhìn bao quát phòng thi một lượt. Dung ngồi bàn cuối, bác xét nghiệm viên là giám thị 2, kê chiếc ghế đẩu ngồi ngay bên cạnh, lưng tựa vào tường. Lại một tiếng trống, thí sinh giật thót nhìn nhau. Có tiếng suýt gió kéo dài như khi người ta run lên vì rét.
 
Sau 2 tiếng trống báo, các phòng bắt đầu đọc đề. Tôi đọc to, rõ, vừa đọc vừa viết lên bảng. Đề thi hóa năm nay dài quá, có lẽ viết hết bảng vẫn chưa xong. Thỉnh thoảng tôi lại phải thả tay xuống cho đỡ mỏi, ngửa cổ nhìn lên xem có nét nào chưa rõ. Bụi phấn rơi đầy mặt, ngạt thở. Phòng cạnh cũng đang đọc đề thi hóa, hai bên như nhại nhau qua bức tường. Tôi đi trước bên kia vài câu, vì các em có quyền làm bài ngay từ lúc này.
 
Chép xong đề thi lên bảng, ném mẩu phấn còn lại xuống đất, tôi đưa mắt nhìn Dung nhưng nói với tất cả:
- Có vậy thôi, “Người coi thi không được giải thích gì thêm”.
 
Nửa tiếng trôi qua.
 
Phòng thi im phắc. Hầu như chưa thí sinh nào lập được phương trình phản ứng. Một số em đưa mắt nhìn nhau lắc đầu. Tôi nhắc các em trật tự bằng cách đọc to lên số báo danh. Mấy cậu con trai đánh đầu quản bút giữa hai hàm răng, lơ đãng nhìn qua cửa sổ, có cậu ngủ gật. Lạ thật, giữa lúc căng thẳng thế này mà ngủ được. Tôi đến tận nơi, giấy thi mới chỉ được hai chữ “Bài làm”, còn giấy nháp thì vẽ lung tung: “Con trâu đi trước cái cày theo sau”.
 
Cũng phải xem “người của mình” làm đến đâu rồi, từ đầu đến giờ tôi không lại chỗ Dung để cô khỏi mất bình tĩnh. Giám thị 2 ra ngoài, ghế bỏ không, tôi ngồi xuống cho đỡ mỏi. Không nhìn tôi, Dung đẩy nhẹ tờ giấy nháp ra đầu bàn, phương trình phản ứng chưa cân bằng được. Cô đặt bút viết một hệ số rồi lại xóa đi, sau lại do dự định viết vào. Thực ra Dung viết đúng rồi, chỉ cần tôi nhắc chung cả lớp: “Các em nên tranh thủ thời gian, nháp xong thì chép ngay vào giấy thi kẻo hết giờ” là cô hiểu. Nhưng giám thị có quyền nhắc khéo không? Tôi cúi đầu bước chậm về phía bảng, rồi quay gót nhanh hơn lại chỗ cô, tỳ tay lên mép bàn. Dung dán mắt vào mấy đầu ngón tay tôi xem có gợi ý gì chăng, rồi đột nhiên ngước lên nhìn tôi chớp chớp. Cô cười, tôi cũng cười mắt đáp lại.
 
Lần thứ 3 tôi trở lại chỗ Dung. Phương trình còn nguyên trên giấy nháp. Dại ơi là dại, khó quá thì bỏ đấy làm câu khác. Mồ hôi rơm rớm, Dung quạt bằng giấy thi, búi tóc mai bay bay, mùi nước hoa kín đáo. Có nên khắt khe quá đối với cô con gái bác chủ nhà, năm nay là năm thi lại của cô?
 
Giám thị 2 trở lại, mồm ngậm điếu thuốc, tôi buộc phải đứng lên về vị trí của mình.
 
Ngoài sân, dưới chân cột cờ, mẹ Dung đang kê thùng nước uống. Nhà gần trường, bác giúp ban chỉ đạo thi đun nước cho thí sinh. Dung giơ tay xin phép ra ngoài uống nước, tôi gật đầu đồng ý, nhưng ngay sau đó đã thấy quay lại:
 
- Thưa thầy em vào. - Dung vừa nói vừa bước qua ngưỡng cửa không chờ tôi trả lời.
 
Không được. Tôi nghiêm mặt cảm thấy bị xúc phạm. Dung cười gượng, khựng ngay lại, mặt tái đi. Tôi lạnh lùng nhìn cô từ đầu đến chân. Dung luống cuống, hai tay vòng qua sau lưng, mảnh giấy nhỏ rơi xuống gót dép.
 
- Mời vào! - Tôi buông hai tiếng nặng nề.
 
Giám thị 2 úp mặt vào trang báo mở rộng. Tôi quan sát phòng thi rồi chậm rãi ra ngoài. Tôi đứng thẳng người, ngửa cổ nhìn lên trời, tay chắp sau lưng, gót giày làm như vô tình day nát chiếc “phao” Dung để tuột tay rơi ra ngoài.
 
- Thi hôm nay trời đẹp quá.
 
Tôi giật mình, giám thị 2 ngay sau lưng.
 
- Vâng. Rất đẹp
 
Sáng nay trong lúc ngái ngủ, tôi nghe chủ nhà bàn với bác xét nghiệm viên:
 
- Tốt nhất hay là tôi cứ nói thẳng với cậu ấy?
 
- Đừng! - Bác xét nghiệm viên gạt đi. - Nói với nó là hỏng. Thằng ấy còn trẻ nó chưa hiểu đời đâu. Ai chứ thằng ấy thì không đời nào nó chịu. Nó là giám thị 1, nó mà đưa ra ban chỉ đạo thi thì chỉ có chết. Thế ông đã nói gì với nó chưa?
 
- Chưa. Có gì tôi phải qua bác chứ.
 
Bác xét nghiệm viên vẫn đưa mắt tìm kiếm vật gì trên đất, còn tôi đứng chôn chân như cũ. Quả thật tôi không ngờ Dung lại gần thùng nước để nhận “phao” của mẹ. Song trước ánh mắt nghiêm khắc của tôi, cô hoảng hốt, thần hồn nát thần tính, “phao” rơi ra hoặc cố tình thả xuống.
 
*
 
Buổi trưa về đến nhà, tôi thấy cả ba người (bác chủ, ông giáo cấp 3 và bác xét nghiệm viên) ngồi ngây như tượng gỗ. Không biết nói gì tôi lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế salon còn lại. Nghe như có tiếng thút thít trong buồng.
 
- Mày giết tao đi! - Bác chủ bật khỏi ghế, lao về phía cửa buồng nói chõ vào. - Đây. Mày giết tao đi... i! Con kia... ia! Mày giết tao đi... i! Năm ngoái mày đã trượt, mày bảo nhà mình có cái “gien thi trượt”. Ừ thì tao dốt, bố mẹ tao dốt, thế thì mày đầu thai vào cái nhà này làm gì? Ai khiến mày đầu thai vào nhà tao? Tao đã phải nuôi báo cô mày suốt một năm. Mày đi thi - cả nhà thi, mày đỗ - cả nhà đỗ. Nhưng mà mày trượt... Mày trượt tức là cả cái nhà này trượt. Mày đã hiểu chưa. Hả?
 
Bác dừng lại, hít một hơi thật sâu nén trong lồng ngực. Tiếng thút thít chỉ còn rất khẽ. Qua khe cửa tôi thấy Dung gục đầu vào thành giường tóc rũ rượi.
 
- Mang cái mảnh giấy ấy vào, - bác lại tiếp - thì may ra mày còn đỗ, bằng không thì mày trượt. Vậy thì tại sao, tại sao mày lại vứt nó đi? Mày nghĩ thế nào mà mày vứt mới được chứ? Mày vứt nó đi tức là mày vứt... Mày tưởng cái mảnh giấy ấy tự nhiên nó rơi vào tay mày chắc? Hừm... Đè... ẹp! Lại còn sĩ diện, mày sĩ diện với ai ở đấy? Tao thương mày nhưng mày có thương tao đâu. Thô... i... ôi! Mày đã không nghe tao thì cho mày chết. Cho-mày-chết!
 
Bác dằn từng tiếng, thả mình xuống ghế, mệt mỏi và chán chường, toàn thân rũ ra, úp tay lên mặt.
 
Ông giáo cấp 3 hạ thấp tay xuống dưới mặt bàn dúi cho bác xét nghiệm viên mảnh giấy nhỏ. Tôi kịp nhận ra đó là đề thi ban sáng. Thảo nào thí sinh vừa chép xong là bác vội cầm ra ngoài, khi cần đến đề bài tôi đã phải chạy sang phòng bên cạnh.
 
- Bác ạ, - Ông giáo nhìn chủ nhà ái ngại - Nó là con bác, nhưng cũng là học sinh của tôi, tôi phải có trách nhiệm. Cháu làm được bài thì còn gì bằng, chẳng may nó không làm được thì cũng thôi.
 
- Thôi là thôi thế nào? Chuyện nào nó đi chuyện nấy chứ bác. Con người nó còn có cái tình.
 
Cuối câu bác nhìn xói vào mắt tôi. Chẳng lẽ tôi không có tình sao? Tại sao phải lảng tránh ánh mắt ấy? Một bữa ăn, mấy điếu thuốc đã làm tôi mắc nợ ư?
 
- Các bác bảo, - Chủ nhà lại phân trần - Không lo cho con thì còn lo cho ai. Mình làm cha, làm mẹ mà không hết lòng rồi sau này chúng nó oán, chứ đồng lương bây giờ...
 
Để góp phần làm dịu không khí gia đình, bác xét nghiệm viên rót nước thay chủ nhà, lặng lẽ đặt trước mỗi người. Nhác thấy bóng người ngoài sân, bác chủ “A” lên một tiếng rõ to rồi chạy vội ra:
 
- Đây đây. - Bác kéo hai ông cháu nhà nào đang rụt rè ngoài sân. - Thôi, con bé nhà tôi không giúp được thì đành chịu. Nhưng trường hợp này, trường hợp này thì anh hết lòng cứu vớt, - Bác nhìn tôi và rồi tất cả đổ dồn vào tôi. - Nói đến ông cháu nhà này thì cả làng phải động lòng. Mẹ nó, à quên, bố cháu... cũng là liệt sĩ đấy. Nhưng mẹ cháu lại vừa đi lấy chồng, ông già 70 tuổi phải nuôi cháu ăn học. Hiếu học lắm, quyết tâm lắm, có phải đi ăn xin để học vẫn đi. Năm ngoái tết đến, tôi hỏi nhà bên ấy có gói bánh mang sang tôi luộc hộ. Sợ ông nó tủi, nó nói: “Ông ơi ông, cháu không thèm bánh chưng đâu, ông cứ nấu cho cháu nồi cơm tẻ thật đầy vào là được!”.
 
Từ hai tròng mắt bị lòa nước mắt cứ trào ra, ông lão không nói được lời nào. Cậu bé xanh gầy chẳng hiểu vì thiếu ăn hay vì quá lo thi mà đôi mắt nó to và sáng hơn bình thường. Đôi mắt ấy đang nhìn tôi chờ đợi.
Định giúp thì thiếu gì cách. Thí dụ biết số báo danh, số phách, nhớ nét chữ... và biết bài sẽ rơi vào tay ai chấm. Một vài điểm đối với sự nỗ lực của thí sinh quả là khó, nhưng cũng chỉ nằm trong giới hạn chấm rộng chấm hẹp mà thôi. Hơn kém nhau nửa điểm, kẻ lên đỉnh cao, người xuống vực sâu. Tuy nhiên nâng người này lên một tý cũng có nghĩa là dìm kẻ khác xuống một tý. Tôi bảo cụ, con liệt sĩ được cộng thêm điểm.
 
- Chính sách nhà nước thì đã đành. Nhưng đây là người nhà với nhau. - Bác chủ đỡ lời cụ.
 
- Không được bác ạ. - Tôi buồn rầu trả lời.
 
- Không-được! - Bác đai lại, môi mím chặt, quay ngoắt về phía sau nắm lấy tay thằng bé đang nép vào ông nó. - Làm đếch gì phải thế, cháu! Đứng lên. Tao không muốn thấy thằng thanh niên nào quỳ gối trong nhà tao. Bác sẽ dạy cháu nghề may, cháu sẽ có tiền, sẽ sung sướng như bác. Chữ nghĩa thì làm cái quái gì, mang tiếng kỹ sư bác sĩ, đến bích kê cái mông quần cũng không có tiền trả.
 
Cả nhà bật cười, bác cứ nói vung như người say rượu.
 
Thực tình, những chuyện châm chước trong thi cử bao giờ chẳng có. Năm ngoái, con một ông phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch ban tuyển sinh, ngủ dậy muộn, ai lại người ta chép xong đề thi 15 phút rồi mới hớt hải chạy đến. Phải người khác thì chắc chắn là không được vào phòng, đằng này chẳng những cho vào còn lo nó không làm được bài. Rồi cũng có lập biên bản, nhưng mà ai xét. Nói đâu xa, cứ thẳng thừng thì thằng con ông chủ nhiệm bộ môn tôi là trượt. Nhưng bố nó ở trong ban chấm thi, bố nó kiện: “Theo parem thì bài của cháu ít ra cũng phải được 7 điểm!”. Yêu cầu chấm lại, cuối cùng đủ điểm đi nước ngoài.
 
Ấy là con ông chủ tịch, con vị giáo sư, còn như bác thợ may, ông lão mù lòa chốn làng quê heo hút này thì còn biết parem pariếc là gì. Chán vì sự nghiêm khắc của mình hình như lại gây thêm bất công. Tôi vẫn tự nhủ, ở đâu không biết, nhưng trong phòng thi này, giữa bốn bức tường này, 180 phút dưới quyền giám thị phải có công bằng. Tôi lang thang ra bãi cỏ sân trường. Bác xét nghiệm viên vỗ vai nói nhỏ:
 
- Này, đến cái tuổi nào ấy mà, con người ta nó trở nên dễ dãi. Quy chế, luật lệ... thôi thì do người ta đặt ra cả. Anh tưởng cứ thi là công bằng à? - Bác cười hì hì. - Ngày xưa tao cũng thế, giờ thì hưu đến nơi rồi. Ừ mà con người kể cũng xấu dần đi thật... Mày rồi cũng vậy thôi. Không giúp được người ta thì cũng cứ hứa sẽ lưu ý đến bài của cháu, mất gì?
 
Cả hai lặng im nghe gió thổi.
 
Biết bao vĩ nhân ở tuổi các em chưa tốt nghiệp phổ thông, thậm chí có nhà bác học còn mù chữ. Thiếu gì kẻ thi trượt vẫn thành đạt. Vậy thì tại sao ta nghiêm khắc, phải chăng muốn chứng tỏ mình không run tay trước những nữ sinh trẻ đẹp? Không, chính ta đã ngầm giúp cô gái bằng cách thu bài thi sau cùng, đã giẫm nát mảnh giấy “phao” mà lẽ ra phải lập biên bản. Có giám thị chờ cho thí sinh phạm lỗi rồi bắt quả tang. Ta nghiêm khắc ngay từ đầu để khỏi phải thi hành quyền lực, một khi quyền lực ấy gieo tai vạ cho kẻ khác.
 
*
 
Ầm ầm tiếng trống. Các em thảng thốt sợ hãi, cuộn giấy trắng trong tay chạy ngược xuôi trên sân. Buổi chiều Dung thôi không thi tiếp môn cuối cùng. Chỗ cô bỏ trống, con số báo danh viết vội trên bàn. Tôi ngồi trên bục ngắm ảnh cô trên phiếu báo dự thi.
 
Lại tiếng trống hết giờ làm bài.
 
Cầm trên tay tập bài thi vừa mới thu của thí sinh, tôi định chúc các em một mùa hè thoải mái, nhưng chợt nhận ra các em chẳng còn mùa hè nào nữa, mùa hè với đầy đủ ý nghĩa của tuổi học trò. Tiếng trống tựu trường năm học mới không còn là tiếng trống của các em, nó chỉ đánh thức bao kỷ niệm. Vào lúc ấy, trên cánh đồng trường làng, người nông dân trẻ ngơ ngác dừng tay, anh tân binh đứng lặng trên chốt biên giới. Vào lúc ấy, ở khu kinh tế mới xa xôi, em đang vui hay đang buồn, đang hăng hái tự tin hay hoài nghi mỏi mệt? Nếu được vào đại học, em sẽ dự những giờ giảng của các giáo sư nổi tiếng trong giảng đường lộng lẫy. Nhưng đó đâu phải là ngôi trường đơn sơ, ấm cúng như mái nhà xưa nơi em chào đời. Đâu có những vóc dáng thân quen, những giọng nói đã đi vào tiềm thức của thầy giáo, cô giáo cũ. Em sẽ còn qua bao trường lớp, nhưng vẫn không phải là học trò. Sẽ làm quen với bao thầy cô đồng nghiệp nữa để rồi quên đi. Và giống như những bài học thuộc lòng đầu tiên, còn lại vẫn chỉ là thầy cô cũ, bạn cũ, những người hình như suốt đời vẫn bên em, nhưng có thể không một lần gặp lại.
 
Kìa, các em đang chen nhau ra cổng trường. Đừng vội, hãy ngoảnh lại nhìn mái trường thân yêu một lần nữa! Em sẽ lên đường với vốn liếng ít ỏi của mười năm phổ thông, với quá khứ sáng trong của một thời niên thiếu. Quá khứ sẽ dẫn dắt, ám ảnh em. Đừng, đừng mang trong ba lô cái gì không phải là của mình. Kẻ lữ hành cô đơn của tôi, em vẫn còn hơn nửa thế kỷ nữa để tự khẳng định mình. “Hạc vàng, bao giờ ngươi bay lên mà chẳng được!”. Ừ, con người nó cũng xấu dần đi thật, nhưng nó còn trong sáng được ngày nào thì cứ để nó trong sáng.
 
*
 
- Thầy ạ!
 
Kìa!... Dung đứng trước mặt tôi, hai má đỏ bừng. Tiến thêm mấy bước nữa, cô chìa tay đưa cho tôi cái gì đó:
 
- Em gửi thầy!
 
Cô quay ngoắt. Đồng 2 hào nằm im trong tay tôi. Thế này là thế nào? Đồng tiền ấm trong tay cô giờ lại nóng lên trong tay tôi. Thì ra là như thế. Cô trả 2 hào tiền giấy thi trực tiếp cho giám thị theo quy định của hội đồng thi năm nay. Và, “đoạn ân tuyệt nghĩa” là cái giá phải trả cho sự quang minh chính đại của tôi! Tôi bật cười thành tiếng, hai tay chắp sau lưng đếm bước trong phòng thi không người. Một làn gió ùa vào khung cửa sổ, buông câu hát bâng quơ của đứa trẻ chăn trâu ngoài cánh đồng:
 
“Giám thị nhìn em giám thị cười
Em nhìn giám thị nước mắt rơi”.
 
A ha! Tôi cười lớn. Hàng ngàn con ve ung ung trong đầu. Tiếng cười xóa hết những gì đã xảy ra trong mấy ngày coi thi vừa qua. Tiếng cười nhấc bổng tôi lên trời xanh, bồng bềnh trong mây trắng, và lấp lóa màu đỏ của cánh hoa phượng vĩ.
 
Vĩnh Phú 1979  
Đà Lạt 2019
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM