Hát trên đỉnh tiền tiêu Lũng Cú

09:02, 15/02/2019

Tôi cứ ngỡ nhạc sĩ Lê Huy Cầm - một "người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố" Đà Lạt chỉ biết mơ mộng với sương mờ và sống với những ký ức rong rêu thuở nào của Đà Lạt xưa, nhưng thật bất ngờ bởi ẩn chứa trong con người nghệ sỹ thuần phác này là ký ức đẹp đẽ về một thời từng mang tiếng đàn, tiếng hát của mình phục vụ cho bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và trên đỉnh tiền tiêu vùng biên giới phía Bắc những năm đầu 1980.

Tôi cứ ngỡ nhạc sĩ Lê Huy Cầm - một “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” Đà Lạt chỉ biết mơ mộng với sương mờ và sống với những ký ức rong rêu thuở nào của Đà Lạt xưa, nhưng thật bất ngờ bởi ẩn chứa trong con người nghệ sỹ thuần phác này là ký ức đẹp đẽ về một thời từng mang tiếng đàn, tiếng hát của mình phục vụ cho bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và trên đỉnh tiền tiêu vùng biên giới phía Bắc những năm đầu 1980.
 
Nhạc sĩ Lê Huy Cầm (đứng giữa khung hình) cùng đoàn văn công tỉnh Lâm Đồng và bộ đội ngay đỉnh Lũng Cú - Hà Giang trong chuyến lưu diễn cách đây gần 40 năm
Nhạc sĩ Lê Huy Cầm (đứng giữa khung hình) cùng đoàn văn công tỉnh Lâm Đồng và bộ đội ngay đỉnh Lũng Cú - Hà Giang trong chuyến lưu diễn cách đây gần 40 năm
Ngồi quán cà phê trong nắng chiều xuân Đà Lạt, người nhạc sĩ bước vào tuổi 60 nhớ lại “thời hoa đỏ” của mình với đợt lưu diễn kéo dài nửa tháng phục vụ bộ đội các tỉnh vùng biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc. Nhạc sĩ Lê Huy Cầm vẫn lưu giữ bức hình quý giá tuổi 20 chụp cùng đoàn văn công và bộ đội ngay đỉnh Lũng Cú - Hà Giang. Anh chia sẻ: “Nhân loạt bài của báo Tuổi Trẻ viết về 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979, tuy tôi không trực tiếp cầm súng nhưng vẫn thấy tự hào khi dùng tiếng đàn của mình phục vụ những người chiến sĩ dùng tính mạng mình để gìn giữ biên cương. Hình chụp ngay tuyến đầu Tổ quốc, đỉnh Lũng Cú, không biết những người trong hình ai còn ai mất, xin thắp nén hương cho những người đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”.
 
Là học sinh của trường Lasan, với tố chất âm nhạc, anh Cầm thi vào lớp bồi dưỡng hạt nhân năng khiếu nghệ thuật của tỉnh vào những năm sau giải phóng và đầu quân vào đoàn nghệ thuật nhân dân Lâm Đồng, sau đó, anh tham gia vào đội thông tin lưu động thuộc Phòng Thông tin cổ động của Sở Văn hóa Lâm Đồng. Thời kỳ ấy, ngành Văn hóa tỉnh tập trung những nhân tố văn nghệ xuất sắc hình thành một đội văn công, trong đó, anh Huy Cầm 2 lần tham gia đoàn lưu diễn phục vụ cho bộ đội tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia và là nhạc công tham gia đoàn lưu diễn phục vụ các chiến sĩ cắm chốt ở tiền tiêu biên giới phía Bắc những năm đầu 1980. 
 
Nói về bức ảnh quý giá mà anh đã cất giữ kỷ niệm gần 40 năm chuyến lưu diễn chụp cùng bộ đội ở đỉnh Lũng Cú, anh Cầm cho biết: “Khi đó, đoàn Lâm Đồng tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng ở Hà Nội, sau đó, đi lên biên giới biểu diễn phục vụ bộ đội. Thành phần trong đoàn của tỉnh có tôi, nhạc sĩ Trọng Thủy (đã mất), ca sĩ Krajan Dick, ca sĩ Ka Thiếu, do ông Phan Vũ (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh) làm trưởng đoàn… 
 
Hồi đó, chúng tôi đi lưu diễn xuyên qua các tỉnh vùng biên giới phía Bắc, chứng kiến thành phố, làng mạc vùng biên tan nát bởi pháo kích của Trung Quốc. Tôi nhớ mãi hình ảnh một anh bộ đội đã 2 năm đứng chốt trên núi nhìn xuống thấy ngôi nhà của mình nhưng 2 năm trời đằng đẵng mới được về thăm nhà được một lần rồi lên cắm chốt ngay nên gặp lúc đoàn chúng tôi lên biểu diễn. Tôi rất thích chiếc áo bộ đội nên ngỏ ý muốn đổi chiếc áo quý của mình do một người bà con ở Úc gởi về tặng tôi mặc đi biểu diễn, nhưng anh bộ đội không đồng ý vì là quân trang của lính chiến đấu. Theo đúng lịch dự kiến vào buổi tối chúng tôi mới biểu diễn phục vụ bộ đội, nhưng trong tình thế chiến tranh biên giới, các chiến sĩ luôn cắm chốt ở tiền đồn, cầm chắc tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc nên cứ ban ngày, hễ gặp nhóm bộ đội nào là đoàn chúng tôi đàn hát biểu diễn văn nghệ phục vụ ngay. 
 
Tôi nhớ mãi không khí lưu diễn lúc ấy, đương nhiên bộ đội rất thích rồi, bởi các anh đang ở trận chiến, hàng ngày cắm chốt trên núi không về được, không biết sống chết thế nào, lời ca tiếng đàn của chúng tôi là món quà tinh thần tiếp thêm nghị lực, ý chí chiến đấu cho bộ đội ta. Chuyến lưu diễn nửa tháng dọc biên giới, với mục tiêu phục vụ bộ đội chiến đấu trên các tiền đồn biên giới, đoàn lưu diễn của chúng tôi đã cháy hết mình với những bài ca đi cùng năm tháng, cổ vũ tinh thần chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, như một bài hát đi hát lại mãi không dứt: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới/ Quân xâm lược bành trướng dã man/ Đã dày xéo mảnh đất tiền phương/ Lửa đã cháy vào máu đã đổ trên khắp dải biên cương...”.
 
DIỆU HIỀN