Mùa xuân, mùa của nắng vàng mật ngọt, mùa của những cánh bướm dập dờn, mùa của những sắc hương rực rỡ, mùa của thơ thới yêu thương... Tất cả những cung bậc đó đều hiện diện khi đậm lúc nhạt trong các bức tranh nghệ thuật ghép bằng cánh bướm của nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh.
Mùa xuân, mùa của nắng vàng mật ngọt, mùa của những cánh bướm dập dờn, mùa của những sắc hương rực rỡ, mùa của thơ thới yêu thương... Tất cả những cung bậc đó đều hiện diện khi đậm lúc nhạt trong các bức tranh nghệ thuật ghép bằng cánh bướm của nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh.
|
Nghệ nhân tranh bướm Vũ Thị Nguyệt Ánh. Ảnh: T.Đồng |
Ghé thăm nhà nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Phú (xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) vào ngày đầu xuân, chị vẫn đang say sưa gắn những cánh bướm đã sấy khô để tạo ra một bức tranh nghệ thuật đẹp - độc - lạ. Tay nâng cánh bướm thật nhẹ, nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh tỉ mỉ đính từng cánh một vào khung tranh, trông thật kỳ công. Cứ cánh bướm nọ nối tiếp cánh bướm kia, chị đã tạo ra một bức tranh nghệ thuật hoàn toàn bằng cánh bướm, trước sự ngỡ ngàng của tôi:
Ngôi nhà gỗ nhỏ được nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh tạo tác từ cánh bướm cẩm thạch nâu nhung. Cánh của chú bướm bá tước đen ánh có điểm xuyến cả màu xanh da trời và màu xanh lá rất thích hợp cho việc phác họa mái nhà rêu phong. Góc vườn với những hàng cây lá đang độ thu sang được kết nối bằng cánh bướm chanh xen lẫn cánh bướm chóp cam. Tạo hình mấy hòn đá tảng nằm lăn lóc trong vườn thì sử dụng cánh của bướm quân vương là đẹp nhất. Mặt đất trải đầy lá vàng e chỉ có thể tạo ra từ cánh bướm hổ và cánh bướm vàng. Một góc bầu trời xanh xa kia hẳn phải được kết nối từ cánh bướm hoàng tử.
Thật là một tác phẩm kỳ ảo!
Tôi có nghe nhiều người nói và cũng đã đọc nhiều bài viết về những bức tranh từ cánh bướm của nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh nhưng khi trực tiếp nhìn ngắm những bức tranh bướm do chị tạo ra vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp độc đáo của loại tranh này. Tranh bướm của nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh không chỉ tạo ấn tượng mạnh về thị giác, còn đánh động đến tâm giác người xem. Mỗi bức tranh là một yến tiệc của màu sắc. Tùy theo ý tưởng nghệ thuật mà chị sẽ quyết định bức tranh là một con bướm, hay kết hợp hàng trăm cánh bướm vào một bức tranh. Tranh chỉ một con bướm cho ta thấy trọn vẹn sự kỳ ảo đến phi thực về màu sắc của những cá thể bướm nơi tự nhiên. Này bướm chóp cam màu trắng sữa có mảng cam đầu cánh. Này bướm chanh vàng rực, cánh trên viền đen lại thêm vài đốm đen. Này bướm hoàng đế trắng thanh tinh khiết biết làm duyên với vài đốm sẫm. Này bướm hoàng tử mướt rượt màu xanh biển biết làm duyên thêm với mấy đường gân trắng nhỏ. Này bướm cẩm thạch cánh nâu nhung với viền đen chấm đen huyền ảo. Này bướm hổ màu đen chen với sắc vàng huyền hoặc. Này bướm lá màu nâu cam nhìn là thấy thần sắc mùa thu... Tranh kết hợp từ hàng trăm cánh bướm lại ngầm khoe với ta về sự khéo léo của chủ nhân khi đã đan cài gam màu nóng xen lẫn với gam màu lạnh, nét đậm liền kề bên nét nhạt nhằm xõa ra sự biến ảo mơ ở trong thực, cái hữu hình nằm trong cái vô hình... Chính sự biến ảo trong đường nét của bức tranh đã tạo ra những đợt sóng, những nhịp điệu tình cảm khiến người xem tranh như bị hút vào ngợp trời những cánh bướm huyền ảo ấy.
Một mùa hoa nữa lại về trong bừng nở của những ngày xuân. Nhìn những chú bướm đang bay lên lượn xuống nơi muôn vàn cánh hoa, rồi ngắm những bức tranh bằng những cánh bướm lung linh kỳ ảo, tôi chợt nghĩ: có lẽ những con bướm bay tung tăng ngoài kia cũng không ngờ rằng trước khi chết đi theo quy luật sinh hóa chúng vẫn còn hữu ích khi là chất liệu đặc biệt cho con người sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.
T.ĐỒNG