Vào Đà Lạt du xuân đầu Kỷ Hợi, Tạ Việt Anh tặng tôi tập "Những mảy vàng lấp lánh" (NXB Văn học, 12-2018, 272 trang, khổ 13,5x20,5 cm) gồm 12 truyện ngắn, 29 tản văn. Có thói quen khi nhận sách đồng nghiệp tôi thường đọc ngay...
Vào Đà Lạt du xuân đầu Kỷ Hợi, Tạ Việt Anh tặng tôi tập “Những mảy vàng lấp lánh” (NXB Văn học, 12-2018, 272 trang, khổ 13,5x20,5 cm) gồm 12 truyện ngắn, 29 tản văn. Có thói quen khi nhận sách đồng nghiệp tôi thường đọc ngay. Nhà báo làm thơ, viết truyện là chuyện thường song say sưa xem xong “Những mảy vàng lấp lánh”, tôi chợt nhận ra ở Tạ Việt Anh hữu duyên đối với tản văn vốn là thể loại văn xuôi hàm súc, trữ tình và kén người viết. “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (trong sách có người con gái sắc diện ngọc ngà” là vậy, tôi hình dung thấp thoáng trong từng tản văn như ẩn hiện một gương mặt thiếu nữ khả ái, nhân hậu có đôi mắt hạt na đen nhánh, lấp lánh sự thông minh và càng khiến cho nụ cười mỹ nữ thêm tươi tắn và rạng rỡ.
|
Bìa tác phẩm “Những mảy vàng lấp lánh” |
Nhắc đến Tạ Việt Anh, dường như đồng nghiệp báo chí cả nước đều biết. Anh sinh 1954 tại Hà Nội. Năm 1972 tham gia chiến đấu, phục vụ tại chiến trường Quảng Trị. Sau tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1982 làm báo tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi quyền Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2014. Tạ Việt Anh gieo ấn tượng trong lòng bạn bè bởi tâm tính cởi mở, dễ gần và chu đáo. Văn là người, vì thế đọc tản văn của anh đề cập tới những vấn đề sâu xa, dài rộng của Hà Nội, từ: Chén chè bình dân trên hè phố, Cây sấu Hà Nội, Quà sáng không chỉ phở, Thú chơi đào muộn... đến tết xưa, tết nay, Cũng là văn hóa người Hà Nội, Hà Nội và hoa, Ngõ nhỏ lối xưa hồn thu thảo, độc giả cảm nhận ở Tạ Việt Anh một giọng điệu thủ thỉ, nhẹ nhàng, mạch văn trữ tình, tinh tế, ý vị. Chưa hết, không như một số cây viết khi yêu thì khen thốc lên trời xanh, không thích thì chì chiết cho bõ ghét hoặc thường sa vào sự lý giải nửa vời căn nguyên hiện tượng, sự việc mình đề cập - Là người nhiều năm cầm bút và kinh qua các cương vị quản lý báo chí nên ở Tạ Việt Anh luôn luôn có sự tỉnh táo; nhìn xa, nghĩ rộng, tầm văn hóa cao; khen chê đúng mực; suy lý, giàu ý nghĩa xã hội... Tựu trung đề tài tản văn của anh luôn hướng về văn hóa, cái đẹp trong cuộc sống tuy nhiên không khỏi nỗi niềm day dứt giàu trách nhiệm. Đó chính là nỗi lòng như tác giả bộc bạch: “Ngót bốn mươi năm làm nghề không nhớ hết những gì mình đã viết ra. Chỉ nhớ rằng, rất nhiều điều, chỉ viết ra bởi trách nhiệm. Và cũng vì cái gọi là trách nhiệm mà nhiều khi không thể viết ra những điều trăn trở trong lòng. Những điều muốn viết, có thể viết, may mắn thay đã như cái neo giữ mình lại với nghề. Trong đó có những cảm nhận, tình yêu với Hà Nội...”.
Tâm sự của người viết thể hiện rõ nét ở sự trân quý những vẻ đẹp của cốt cách văn hiến ngàn năm Thăng Long. Trong “Sen tàn cúc lại nở hoa”, bàn về sen song cũng nhân thể tinh tế luận về lòng người: “... Có họa sĩ đã lấy cái sắc xanh trong của trời, của nước mà đặc tả những thân, những lá sen đang khô xác, sẫm đen in trên gương nước tĩnh lặng của trời thu. Bức họa ấy khiến ta nghĩ tới sự hy sinh thầm lặng rất sẵn và cũng rất khó thấy trong cuộc sống này. Mấy ai trong tiết se lạnh cuối thu, nhấp ngụm chè sen thơm ngát mà nghĩ tới những thân sen, lá sen đang dần khô xác. Thế mà vào độ ấy, đầm sen Hồ Tây vẫn cứ tỏa hương, một cách nồng nã, kín đáo sau cả một mùa hạ dâng hiến đến hết mình...”. Trong văn Tạ Việt Anh, đời thường và thế sự hòa quyện vào nhau, tác động qua lại để tôn lên vấn đề tác giả muốn gửi gắm vào con chữ. Nói về loài hoa giản dị nhưng lại bàn về nét đẹp của Gốm Chi được người Hà Nội ưa chuộng một thời bao cấp: “Gốm Chi khá kén người chơi... Gốm Chi xem ra chỉ hợp với những loài hoa mộc mạc, giản dị... Một chiếc lọ gốm với dáng thanh thoát, gợi hình ảnh một thiếu nữ với cái eo thon và khuôn ngực căng tràn, chỉ cần dăm bảy bông đồng tiền đỏ thắm, mấy chiếc lá xanh mềm mại, thêm nhành violet tím đậm là đã có lọ hoa đẹp trên bàn khách gia đình, đa số là đơn sơ hồi ấy... Dù với loài hoa nào người Hà Nội cũng nhìn thấy vẻ đẹp của nó, để mà yêu, mà nhớ”. Hoa xứng đáng để tụng ca rồi song từ hoa, tác giả nâng lên thành vấn đề lớn lao của thời cuộc: “Đã có lúc, người Hà Nội tưởng như quên bẵng mất những loài hoa giản dị, gắn bó một thời như đồng tiền, thúy cúc, violet, thược dược... Nhưng thật là may, như một quy luật muôn đời, sau khi choáng ngợp trước những điều mới mẻ, hào nhoáng, giàu có..., bình tâm lại ta lại nhận ra những vẻ đẹp đơn sơ, giản dị một thời, hay đúng hơn là có đủ sự chiêm nghiệm, bản lĩnh mà nhận ra vẻ đẹp ấy, như người ta đã đi khắp chân trời góc biển lại chợt nhận ra và nuối tiếc vẻ bình dị của làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, lại nhớ đến nao lòng nồi cơm gạo mới cùng niêu cá kho ủ trấu... Những đồng tiền, thược dược, thúy cúc... vẫn còn để thỏa mãn lòng người yêu hoa Hà Nội, hòa sắc cùng những loài hoa mới làm mùa xuân Hà Nội càng thêm đẹp, thêm tươi... Ấm lòng hơn, cùng với sự trở lại của những loài hoa một thời mai một, sự chia sẻ, quây quần một thời của người Hà Nội dường như cũng đã trở lại”. Hoài cổ nhưng không bo bo bảo thủ, níu kéo cái cũ, mặt khác tâm niệm muốn phát triển phải có sự đổi thay nhưng vấn đề đặt lên bàn nghị sự chính là tư duy đổi mới như thế nào”? - Trong “Hà Nội và hoa”, Tạ Việt Anh day dứt: “Làng hoa Ngọc Hà chỉ còn trong tâm tưởng của những người yêu Hà Nội. Đó là một thực tế đáng tiếc của một thời kỳ mà những giá trị văn hóa không mấy được quan tâm, gìn giữ. Nếu người viết bài này không nhầm thì có lẽ thời điểm mà những làng hoa Ngọc Hà, Dinh đào Nhật Tân... biến mất cũng trong giai đoạn người ta quyết định bóc đường tàu điện Hà Nội, phá bỏ Tòa Thị chính cũ, Nhà Bưu điện để thay thế bằng những khối bê tông lừng lững bây giờ... Giá như chúng ta bình tĩnh hơn, chắc giờ chí ít cũng còn một góc làng hoa Ngọc Hà được bảo tồn để du khách có chỗ mà bỏ tiền hòng thưởng lãm một làng nghề cổ Hà Nội, hấp dẫn và lý thú không kém so với làng rau Trà Quế - Hội An, thậm chí có phần thơ mộng hơn. Cũng như vậy, giá như chỉ một đoạn đường xe điện quãng từ chợ Đồng Xuân, qua Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào đến Bờ Hồ, qua tháp Hòa Phong được giữ lại thì bây giờ người Hà Nội đến Vienna, Milan... không phải ngắm những chuyến tàu điện của họ leng keng phố cổ mà nuối tiếc. Mà ai có thể nói đó là những dịch vụ không thu hút du khách, cũng có nghĩa là không hái ra tiền”.
Bên cạnh những tản văn như “Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya” viết công phu về mặt tư liệu; “Bia hơi Hà Nội bây giờ” ăm ắp tình người, tình đời, Tạ Việt Anh dành phần lớn các bài viết cho câu hỏi trong thời kinh tế thị trường, hội nhập làm sao giữ gìn cốt cách thanh lịch của người Tràng An đã hội tụ từ ngàn năm. Trong “Những mảy vàng lấp lánh”, tác giả suy tư: “Đã có một thời, người Hà Nội coi việc con trẻ khoanh tay chào người lớn là “phong kiến”, là hình thức. Giờ thì chúng ta đang phải cố gắng để tìm lại điều đó trong từng gia đình và cả xã hội. Bởi hơn ai hết, sau bao năm xem nhẹ, chúng ta dần hiểu ra rằng những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy lại là từng hạt cát bồi đắp cho một nền tảng mà trên đó luân thường đạo lý, trật tự kỷ cương xã hội được xây dựng củng cố. Không phải ngẫu nhiên mà các cụ xưa đã dạy: “Tề gia, trị quốc...”, thật khó tin những người không dạy bảo được con cháu mình sống trung thực, hiếu đễ lại có thể quản lý được một cơ quan, đơn vị, rộng hơn là một cộng đồng sống có trật tự, kỷ cương, có tình người”. Từ thực trạng sự tiếp biến văn hóa đan xen cũ - mới, tốt xấu như hiện tại, là người có điều kiện đi lại trong nước cũng như nước ngoài, tác giả suy tư: “... những điều to tát như xây dựng những thiết chế văn hóa thì nhà nước, cộng đồng có thể lo, còn những điều nho nhỏ như nét ăn, nết ở của mỗi con người, mỗi gia đình, không ai có thể làm thay và nó chỉ thực hiện một cách có hiệu quả khi chính những người trong cuộc coi đó là cứu cánh cho cuộc sống của mình như trong những gia đình, cộng đồng người Hà Nội mà tôi đã chứng kiến”. Và tác giả rung nhẹ một tiếng chuông: “Liệu có phải là quá lo xa và cả nghĩ khi cho rằng đến một lúc nào đó, muốn phục dựng những nề nếp trong gia đình Hà Nội xưa, mà là những nề nếp vô cùng đáng trân trọng, người Hà Nội tương lai phải tìm đến những gia đình, những cộng đồng người Thăng Long - Hà Nội xa xứ, gom lại những mảy vàng lấp lánh ở nơi xa, như tôi đã từng thấy, từng khâm phục và xúc động đến nghẹn ngào”.
|
Nhà báo Tạ Việt Anh (bìa trái) cùng đồng đội trước lúc vào Quảng Trị - tháng 3/1972 |
“Những mảy vàng lấp lánh” của Tạ Việt Anh đã được thử lửa, được khẳng định qua ngàn năm và hiện đang đối mặt với những thách thức nhưng anh vẫn kiên nhẫn tin tưởng chất “vàng” của người Hà Nội sẽ được giữ gìn, phát huy, tỏa sáng vì nó không chỉ đơn thuần là nét đẹp người Thủ đô mà còn là phong cách, bản lĩnh người Việt Nam. Trong “Nhớ những ngày tháng Chạp”, anh thể hiện: “Tháng 11 năm 1972, tôi bị thương ở chiến trường Quảng Trị bởi 2 quả “dính cánh” của trận bom B52 rải xuống hậu cứ của tiểu đoàn công binh cầu phà chúng tôi bên dòng sông Cam Lộ. Sau khi điều trị ổn định..., đầu tháng 12 tôi được chuyển ra Bắc theo đường dây 559 để tiếp tục điều trị và an dưỡng”. Tác giả hồi tưởng: “Đoàn ra đến Hà Nội cũng là lúc không lực Hoa Kỳ đã tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang... Dù đã quá quen với những trận B52 rải thảm nơi chiến trường, nhưng chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng người Mỹ lại có thể phạm tội ác man rợ, hèn hạ đem bom rải thảm xuống những đường phố, những khu tập thể, xuống những người dân vô tội, cả những người bệnh đang nằm điều trị”... Trong hoàn cảnh ấy, tác giả cảm nhận: “trong suốt những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, trong bom rơi đạn nổ, giữa cái sống, cái chết, người Hà Nội vẫn giữ thái độ bình tĩnh”, nhường nhịn giúp đỡ nhau... “Không những thế, còn xuất hiện biết bao tấm gương chiến đấu dũng cảm, biết bao nghĩa cử cứu người, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ nhà cửa thậm chí nhường nhau chỗ cuối cùng trong hầm trú ẩn... Phải chăng tất cả những điều đó đã góp phần cùng những Sam 2, những Mig 21, những pháo phòng không tầm cao, tầm thấp, những súng máy, súng trường... đánh bại không lực Hoa Kỳ trong 12 ngày đêm năm ấy... Và có lẽ, nếu lúc ấy có ai bảo sẽ có lúc chúng ta, một dân tộc khi đó được cả thế giới ngưỡng mộ, coi là lương tri của thời đại, lại nghiêng mình, trầm trồ thán phục, thậm chí coi như một điều gì xa vời, khó vươn tới... trước cách ứng xử đầy nhân văn của người Nhật Bản trong cuộc thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011, chắc chắn chúng ta đáp lại họ bằng nụ cười ngạo nghễ...”. Suy ngẫm rồi, Tạ Việt Anh gửi gắm: “Những ngày này, nhớ lại những kỷ niệm trong tháng Chạp năm ấy, với chúng ta, ngoài ý nghĩa nhớ lại một chiến công hào hùng, còn có giá trị củng cố cho niềm tin chắc chắn về một tương lai tốt đẹp hơn của dân tộc, đất nước chúng ta, một đất nước đã và đang có vị trí đáng tự hào trong con mắt bạn bè thế giới”.
Đọc xong phần tản văn thôi, tôi thầm nghĩ Tạ Việt Anh đã là một trong những “mảy vàng lấp lánh” trân quý của Hà Nội. Trước những vấn đề anh viết về Hà Nội, thấy có nét tương đồng với thực trạng đang đặt ra với Đà Lạt trong quá trình quy hoạch, xây dựng thành phố thông minh và phấn đấu trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn của Đông Nam Á, nhất là làm gì để gìn giữ, phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch và mến khách” trong giai đoạn hội nhập hiện nay! “Những mảy vàng lấp lánh” - một cuốn sách được viết với tinh thần trách nhiệm cao, rất đáng đọc.
NGUYỄN THANH ĐẠM