Biết tôi có chuyến công tác vào Tây Nguyên dài ngày, bà chị dâu ở trên quê vội đi xuống nhà nói xa xả như giao nhiệm vụ: Chú đi chuyến này phải cố tìm bằng được anh Phình cho chị. Người đâu mà cứ đi biệt tăm biệt tích, bỏ mặc nhà cửa mười mấy năm nay, có còn coi vợ con là gì nữa không biết?
Biết tôi có chuyến công tác vào Tây Nguyên dài ngày, bà chị dâu ở trên quê vội đi xuống nhà nói xa xả như giao nhiệm vụ: Chú đi chuyến này phải cố tìm bằng được anh Phình cho chị. Người đâu mà cứ đi biệt tăm biệt tích, bỏ mặc nhà cửa mười mấy năm nay, có còn coi vợ con là gì nữa không biết?
|
Minh họa: Phan Nhân |
Anh Phình là con ông bác của tôi đi bộ đội từ năm 1968 khi tôi mới 10 tuổi, lại ở khác làng khác xã, tôi lớn lên đi học rồi ra công tác xa nhà. Anh em tôi chỉ mới được gặp và nói chuyện với nhau một đôi lần vào năm 1980 khi anh về chịu tang mẹ, mà tôi gọi bằng bà bá. Nghe nói lần ấy anh chị cãi nhau về chuyện con cái. Bà chị thì bảo thằng Phán chính là con của anh Phình nhưng bà con hàng xóm lại nói là không phải. Anh Phình buồn bã bỏ nhà đi vào Tây Nguyên nơi chiến trường xưa anh từng chiến đấu.
Vào đến Buôn Mê Thuột, tôi tìm ngay đến Hơ Blem - người con gái Ê đê đang công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Tôi với Hơ Blem từng có những kỷ niệm đẹp suốt 5 năm học ở trường cấp 2-3 Nà Giàng. Những năm sơ tán, Trường dân tộc Miền Nam chuyển từ Chi Nê, Lạc Thủy, Hòa Bình lên đóng ngay cạnh làng tôi. Tôi hơn Blem một tuổi cùng vào học lớp 5. Cô Khương chủ nhiệm phân công tôi ngồi cạnh Blem, cô bảo để giúp Blem học thêm tiếng Tày, Nùng.
Người con gái Tây Nguyên có nước da rám nắng, đôi mắt sáng long lanh, cặp chân thon dài, luôn đoạt giải nhất truờng, nhất lớp trong các cuộc thi nhảy cao, nhảy xa, chạy cự ly ngắn, cự ly dài… Lên rừng lấy củi, hái măng nhanh như con sóc. Lần đầu tiên đi rừng, tôi với Blem cứ cãi nhau về tên gọi con dao - cái rựa. Chúng đều giống nhau có cái mũi cong cong, đỡ cho lưỡi dao khỏi chạm vào đá mỗi khi phát nương làm rẫy. Con dao quắm quê tôi to bản thân ngắn mà dày; còn cái rựa của Blem thân mảnh cán dài. Nói cho cùng thì nó cũng là con dao. Nhưng Blem khăng khăng cho rằng dao là dao, rựa là rựa không thể lẫn lộn. Có lúc chúng tôi đổi cho nhau dùng thử, nhưng cảm thấy lóng ngóng, không dễ gì thuần thục.
Tôi thông thuộc thổ địa, nên thường dẫn Blem đi vào những cánh rừng có nhiều cây mạy Tải sán, mạy Byoóc khao là thứ cây mọc ở khe đá thành từng khóm, thân cây trắng đục, thớ mịn, mềm dễ chẻ, vác nhẹ, lại mau khô làm củi đun rất cháy; nhà tôi vẫn thường chẻ nhỏ làm mồi nhóm bếp. Nó còn là loại cây có khả năng sinh trưởng đến kỳ lạ; năm nay vừa chặt, sang năm đã lại chồi lên những mầm mới to cỡ ngón chân cái, cao hơn đầu người. Chỉ cần hai ba khóm là lượm đủ gánh củi, thời gian còn lại tha hồ hái ổi, hái sung, bồ quân, mác kham... Mác kham là thứ quả xanh to bằng đầu ngón tay út có vị hơi chua chua chát chát, tóp tép nhai xong uống ngụm nước mát lại thấy vị ngọt ngọt lâng lâng.
Năm học cuối cấp 3 cũng như mọi lần trên đường từ rừng về hai đứa tôi lại ngồi nghỉ bên gốc cây gạo nơi đầu nguồn con suối. Dòng nước trong vắt mát rượi từ trong chân núi tuôn ra rì rầm, len lỏi qua những chỏm đá xanh rì. Người làng tôi đi đâu cũng mang theo nỗi nhớ và niềm tự hào về suối nước Nà Giàng quanh năm nước chảy tưới tắm cho cánh đồng quê xanh thắm bốn mùa. Dòng suối cho cây gạo cổ thụ cành lá xum xuê vươn cao lừng lững. Gốc cây choãi ra 5 cạnh vững chãi, 4-5 người ôm không xuể, bộ rễ to cuồn cuộn trồi trên mặt đất tạo nên những gờ, những mô tự nhiên thành chỗ ngồi cho biết bao chàng trai cô gái, lớp già lớp trẻ nghỉ chân hóng mát tâm tình…
Đang tiết tháng 3 hoa gạo đỏ rực cả một góc trời, gặp cơn gió nhẹ, những chùm hoa rơi xuống vi vu nhuộm đỏ cả lòng suối. Nhìn suối hoa bồng bềnh trôi theo dòng nước, tự nhiên Blem buột miệng nói: Sau này anh sẽ đi đâu? Câu hỏi làm tôi bất ngờ, bởi lần đầu tiên Blem thay đổi cách xưng hô gọi tôi bằng anh, tôi quay sang nhìn Blem rất nhanh, nhưng cũng kịp nhận ra đôi má người con gái ửng lên sắc hồng bẽn lẽn; một cử chỉ mà cũng là lần đầu tiên tôi thấy ở Blem. Tôi vội vàng trả lời theo lối sáo mòn pha chút bốc đồng thời ấy: Mình sẽ đi bộ đội chiến đấu giải phóng miền Nam! Có thật không? Lúc ấy em cũng sẽ về và đưa anh đi thăm buôn làng Ê đê, xem những cánh rừng đầy hoa Pơ lang. Anh có biết không đó chính là hoa gạo đang nở đỏ ngay trưóc mặt ta đấy… Rất nhanh và cũng rất tự nhiên Blem cúi xuống nhặt một bông hoa gạo xòe ra trước mặt tôi và khe khẽ hát: Lòng nhớ anh em chờ như đã bên bờ suối/ Đừng như cánh lá rừng theo dòng nước trôi xuôi. Giọng hát của Blem trong trẻo hồn nhiên… Một thoáng bối rối, nhưng bản ngã của chàng trai tuổi 18 giúp tôi hiểu rằng tình cảm của hai chúng tôi đã nảy nở những điều mới lạ.
Blem đang tuổi dậy thì, những đường cong mềm mại đã nổi lằn trên cơ thể săn chắc; thời gian gần đây ngày nào không gặp nhau chúng tôi cảm thấy bồn chồn thiếu vắng. Còn mấy bạn cùng lớp thì gán ghép: Hai chúng mày thật là đẹp đôi. Ôi! Trên đời này từ tình bạn thiếu niên, đến tình yêu đôi lứa liệu có ranh giới nào ngăn cách? Trái tim tôi đập mạnh, bàn tay hơi run run vụng về kéo tay Blem đứng dậy, bốn mắt nhìn nhau sâu thẳm đắm đuối… Nhưng bỗng có tiếng mõ trâu lốc cốc về làng, tiếng trẻ gọi nhau í ới ùa ra quanh gốc cây gạo nhặt hoa xâu thành từng chùm, xúng xính khoác lên cổ lên vai tạo thành những vòng tua rua rực rỡ.
Mùa xuân năm ấy thời gian trôi nhanh, nhiều sự kiện diễn ra dồn dập. Tháng 3 Tây Nguyên rồi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang,… tháng 5 Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn giải phóng. Bố mẹ Blem được lệnh trở về miền Nam. Blem ở lại vì đang dang dở kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 nên chúng tôi càng có dịp gần gũi nhau hơn. Sau đó tôi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, Blem đi Sư phạm Thái Nguyên. Tốt nghiệp ra trường khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vừa mới kết thúc, nhà cửa tan hoang, mẹ tôi thân già một mình dựng tạm túp lều ở ngay chân núi, ngày đêm khắc khoải mong chờ… Tôi phải về quê, mấy năm trời đằng đẵng vật lộn với bao công việc bộn bề hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định cuộc sống, gian khổ hy sinh có lúc quên đi cả chính mình.
Blem học ở Thái Nguyên một năm sau thì chuyển vào Tây Nguyên, ra trường về dạy học ở buôn làng nơi vùng quê xa lắc cuối huyện Krông Ana. Gần 10 năm sau người ta mới phát hiện BLem biết hai thứ tiếng dân tộc Ê đê và tiếng Tày. Cô có ngoại hình sắc nét và chất giọng truyền cảm nên mời về thành phố làm biên tập, kiêm phát thanh viên Đài Phát thanh - Truyền hình. Đến 35 tuổi mới lấy chồng là thương binh, bộ đội chuyển ngành, hơn Blem gần chục tuổi. Dẫu có một chút muộn mằn nhưng vợ chồng cũng đã kịp sinh được đứa con trai khỏe mạnh. Mái ấm gia đình được vun đắp dựng xây trong con hẻm nhỏ, bên phố Cù Chính Lan.
Gặp nhau sau nhiều năm dài xa cách, câu chuyện của chúng tôi tưởng chừng như không muốn dứt. Nhưng lại một lần nữa cũng rất tự nhiên và chủ động Blem ngước mắt nhìn tôi trìu mến, vẫn đôi mắt sáng long lanh thân thiện ngày nào: Anh nhớ không, người ta vẫn nói đời người có ai tắm được hai lần trên một dòng sông? Con người ta có long đong lận đận âu cũng là do duyên số. Thôi tạm gác chuyện mình đi, bây giờ ta bàn về chuyện của anh Phình. Em thấy khó đấy. Trước hết em sẽ giúp anh đăng tải thông tin trên Đài Phát thanh - Truyền hình. Nhưng nếu anh đã có ý trốn tránh thì cũng không hy vọng lắm đâu. Tôi hiểu câu nói lấp lửng của Blem có ý trách tôi một cách tế nhị nhẹ nhàng... Nhưng Blem nói tiếp: Còn một cách nữa là có thể lần theo các mối quan hệ thân quen. Anh còn nhớ chị Hơ Blang không? Chị cùng với anh Su Ra đóng phim Rừng Xà Nu dựng cảnh ở ngay làng anh đấy.
- Ờ nhớ chứ! Hồi ấy bọn mình còn đi xem dựng nhà Rông trên đồi Pò Lót và đốt đuốc cho cảnh quay ban đêm từ đèo Phya Đeng xuống, chị Blang đánh đàn Tơ rưng.
- Vâng chị Blang hồi đấy là hoa khôi. Chị lấy chồng ngoài Bắc, hiện đang sống ở Krông Ana, ta thử đến đấy hỏi thăm xem sao?
… Hết con đường trải nhựa lại đến đường đất đỏ, vượt qua những đồi cà phê lúp xúp chạy dài bên chân dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, chúng tôi đến buôn Đur Kmau - cái tên nghe lạ lẫm khó đọc… Tôi choáng ngợp khi đứng trước ngôi làng có 5, 6 ngôi nhà sàn Ê Đê sâu thăm thẳm 8-9 gian dài phải đến hơn hai chục mét, xung quanh có gần chục cây gạo cao vút xum xuê, làm cho không gian thêm vẻ trầm mặc huyền bí. Blem bảo cây Pơ lang đấy, người Tây Nguyên thường lấy cây Pơ lang làm cọc cắm cây nêu ngày tết, sau tết cây mọc mầm chồi lên nên buôn làng nào cũng có vài cây Pơ lang.
Theo sử thi Pơ lang là loài hoa tượng trưng cho tình yêu. Chuyện kể rằng ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau tha thiết, gần đến ngày cưới trời bỗng đổ mưa to cuốn trôi cả nhà cửa, lễ cưới xuống dòng sông Sêrêpốk. Chàng trai khóc ròng rã, dân làng thương tình dựng cho cây nêu cao vút để chàng leo lên hỏi ông trời. Trước khi đi chàng trai buộc vào cổ tay cô gái dải vải đỏ 5 tua thay cho lời thề hẹn ước... Lên trời chàng trai hỏi Ngọc Hoàng sao gây mưa nắng thất thường làm khổ hạ giới. Ngọc Hoàng hỏi Thần Sấm, Thần Sấm tâu: Trần gian rộng mênh mông thần coi không xuể, xin giữ chàng trai này ở lại để trông chừng mưa nắng. Ý trời đã định chàng không thể đổi thay. Ngọc Hoàng còn cho nâng trời lên cao hơn nữa, để người hạ giới không thể lên làm phiền.
Không thấy chàng về, cô gái ngày nào cũng trèo lên cây nêu than khóc… Ngọc Hoàng nghe chuyện thương tình bèn ban cho cô gái một điều ước. Nàng thưa xin biến cây nêu thành loài hoa đỏ có rễ sâu, thân thẳng, cành cao. Nói xong cô gái gieo mình từ trên cao xuống đất, cây nêu bỗng hóa thành cây Pơ lang. Hoa Pơ lang chính là biểu tượng của sơn nữ Tây Nguyên yêu kiều thủy chung… Theo dòng cảm xúc tôi bỗng buột miệng hát: Như cánh hoa Pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên/ Tây Nguyên ơi cây rừng bao nhiêu thứ…
Đến dưới sân một ngôi nhà sàn nằm bên một gốc cây gạo cao to, Blem cất tiếng gọi: Ơ chị Blang có khách nè. Một lúc sau cánh cửa chính phía đầu hồi mở ra, người phụ nữ có thân hình thon lẳn thanh thoát với chiếc váy lửng chớm đến đầu gối bước ra ngoài hiên. Ui cha Blem! Sao mấy năm rồi mới về, chị nhớ nhiều lắm đó lên nhà đi.
Tôi theo Blem nhẹ nhàng bước lên bậc cầu thang. Căn nhà lát sàn gỗ rộng thênh thang, bốn vách thưng bằng gỗ kín mít, xung quanh trổ những ô cửa sổ hình hoa năm cánh.
Nghe có khách đến người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn tự mình gẩy bánh đi ra, hai chân buông thõng mềm oặt, khuôn mặt khắc khổ suy tư... nhưng vầng trán dô và cặp lông mày rậm xếch thì vẫn y nguyên ngày nào. Tôi sững sờ và thảng thốt kêu: “Anh Phình, em là Trang đây”! Người đàn ông giơ ngón tay trỏ lên trán như để lục tìm ký ức: “Trang à… Trang ở Nà Giàng à”. “Vâng Trang Nà Giàng, con chú Thời Thiết đây”. “Ôi ngọn gió nào đưa chú đến đây!”... Tôi lao vào ôm chầm lấy anh, hai người đàn ông vỗ vai vỗ lưng nhau bồm bộp, tôi muốn òa lên khóc. Hai người phụ nữ hết nhìn nhau lại nhìn chúng tôi ngơ ngác… Phảỉ chăng hơi ấm của dòng máu mủ ruột rà đã cho tôi được gặp anh suôn sẻ đến thế!
Qua giây phút bất ngờ Blem mới có dịp lên tiếng: - Anh Trang cùng học với em từ hồi ở Nà Giàng, mấy hôm vào đây công tác nhân tiện ghé thăm anh chị luôn!
Chị Blang nhìn tôi thân thiện: - Từ lâu chị đã nghe anh nhắc đến tên em, bây giờ mới được gặp. Bao lần anh chị muốn ra Bắc thăm anh em họ hàng, nhưng lần nào cũng không thành bởi sức khỏe của anh thất thường, trí nhớ lúc tỉnh lúc không, mấy năm nay thì đôi chân liệt hẳn... Anh chị cuới nhau qua 20 mùa rẫy. Con trai lớn đã đi bộ đội đóng quân bên Lâm Đồng. Đứa thứ hai là con gái không may bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng từ bố bị nhiễm chất độc màu Da cam, cháu được nhà nước đưa vào trường nuôi dưỡng trẻ khuyết tật của tỉnh. Cuộc sống vật lộn với bao đau thương mất mát, càng làm cho anh chị thêm nặng lòng với nhau, có lẽ cũng là do duyên tiền định.
Nói đến đây chị lặng lẽ quay đi gạt dòng nước mắt, đứng dậy vào buồng trong lấy ra quyển sổ nhỏ bằng bàn tay, gáy bìa nhàu nát. Cầm quyển sổ trên tay, anh Phình bảo đây là cuốn sổ chị tặng anh nhân ngày nhập ngũ rồi anh giở trang đầu tiên cho tôi xem dòng chữ ngắn gọn:
Có thương nhau xin nhớ lời
Blang 3/6/1968
Những trang tiếp theo chủ yếu ghi chép ngày tháng, địa danh hành quân và những chuyện riêng tư, nét mực đã nhòe ra loang lổ. Lật đến trang ghi ngày 10/3/1975 với vài ký hiệu viết tắt: BMT B72 c2/198 kho Mai Hắc Đế. Anh Phình dừng lại nói với giọng trầm buồn: - Đây là ngày quân ta mở màn đánh vào Buôn Mê Thuột, Đại đội hỏa lực B72 Trung đoàn đặc công 198 có nhiệm vụ đột phá khu kho Mai Hắc Đế, mở cửa hướng Tây Bắc đánh chiếm căn cứ Sư đoàn 23 ngụy. Càng vào sâu địch càng phản kích quyết liệt, cả đại đội bị thuơng và hy sinh quá nửa, anh bị đạn pháo hất xuống hào tăng…
Mặt trời đã gần lên đến đỉnh cây gạo tỏa bóng mát xum xuê nghe rõ trên cành cao rúc rích tiếng chim gọi bầy. Hai người phụ nữ đi ra ngoài vườn nhặt rau chuẩn bị nấu cơm, tôi mới dám hỏi anh về chuyện vợ con ở quê theo đúng những lời bà chị đã nói lại. Anh bảo đấy là chuyện rắc rối phức tạp hơn cả chiến tranh. Đúng là gia đình có làm đám cưới, dù anh không đồng ý vẫn phải làm lành, phó mặc cho số phận trong vòng có 10 ngày phép. Rồi anh lại giở quyển sổ nhật ký chỉ rõ các mốc thời gian: - Đây chú xem, ngày 20/9/1968 anh đi Nam; 26/12 vào đến Tây Nguyên… Ở nhà tháng 9 năm sau bà ấy mới sinh con thì sao có thể nói là con anh được, chuyện nầy đã làm cả nhà anh rất đau buồn. Năm 80 anh ở trại điều dưỡng về chịu tang mẹ và giải quyết việc gia đình, bà ấy khăng khăng không chịu…
Nói đến đây thì hai người phụ nữ trở về với rổ rau và bó củi trên tay. Chị Blang lượm thêm củi chất vào bếp, bếp đang đượm than hồng nên ngọn lửa bén rất nhanh reo lên phần phật. Bỗng tôi có cảm giác hình như Blem đã nói cho chị Blang biết câu chuyện về chuyến thăm của tôi. Nhưng có lẽ với bản lĩnh của một người phụ nữ từng trải chị rất bình tĩnh, chủ động và cuộc hội ngộ tự nhiên càng trở nên thân tình ấm áp. Chị tôi bắt đầu câu chuyện...
Anh chị cũng học với nhau ở Nà Giàng, giữa năm anh đi bộ đội thì cuối năm chị đi học Trường Y. Ra trường được phân công theo một trạm phẫu thuật tiền phương vào miền Nam, cùng ở chiến trường Tây Nguyên nhưng cũng chỉ gặp nhau qua thư từ… Ngày 12/3/1975 (tức là 2 ngày sau trận đánh mở màn), trạm phẫu thuật chật ních thương binh. Khi đưa anh Phình vào chị không thể nhận ra, vì từ đầu đến ngực quấn băng trắng toát trong trạng thái mê man bất tỉnh, người ta bảo anh mới được bới lên từ dưới đất. Ba ngày sau anh mới mở mắt và được tháo băng, nhận ra anh chị đã khóc…
Những năm sau giải phóng Trạm phẫu thuật chuyển thành Trung tâm điều dưõng thương binh, anh bị chấn thương sọ não nặng được giữ lại ở trại. Mấy năm đầu cứ ngơ ngơ ngác ngác không biết gì, đến năm 79 mới dần bình phục. Năm 1980, anh ra Bắc, một tháng sau trở về cứ thẫn thờ như người mất hồn, hóa ra là vì chuyện gia đình... Cấp trên cho phép chị đưa về phòng riêng chăm sóc, một năm sau thì làm lễ cuới, đám cưới đơn giản được tổ chức ngay trong trại. Năm 90 chị được nghỉ chế độ mới lại đưa nhau về quê đây. Ngôi nhà này cũng do anh em ở trại và bà con trong buôn giúp làm... Lặng đi một lúc chị mới nói tiếp: - Em về ngoài ấy cho anh chị hỏi thăm và xin lỗi bà con cô bác, anh em họ hàng. Đi qua chiến tranh có muôn vàn đau thương mất mát, gây ra bao cảnh chia ly, nhưng cũng làm cho nhiều nguời biết cảm thông chia sẻ và gần gũi nhau hơn…
Cả bốn chúng tôi đều cúi đầu tỳ hai tay gục lên đầu gối im lặng chỉ có tiếng ngọn lửa reo phần phật vô tư… Bất giác tôi ngẩng lên nhìn Blem, như một luồng điện vô hình cô cũng ngước lên nhìn tôi rất nhanh, rồi cúi xuống nhúc nhắc những thanh củi đang lụi dần gẩy nhẹ vào bếp. Trong ánh lửa đôi má Blem ửng hồng… Hình ảnh đêm cuối thu lại hiện về với cây cầu nhỏ bắc ngang con suối Nà Giàng. Cây cầu được gắn biển mang tên Công trình kết nghĩa Bắc - Nam do Trường Dân tộc Miền Nam dựng làm kỷ niệm trước khi về Nam. Trên cây cầu ấy chúng tôi đã trao cho nhau những nụ hôn nồng nàn cháy bỏng với bao lời ước hẹn…
Chiều về Blem đưa tôi ra bên dòng sông Sêrêpốk, bên kia doi cát giữa dòng sông có cả một rừng cây Pơ lang. Lại đúng tháng ba, ở ngoài Bắc quê tôi lúc này hoa gạo vẫn đang nở đỏ. Còn ở đây hoa đỏ đã rụng hết, nhưng diệu kỳ thay thứ hoa tượng trưng cho tình yêu ấy như luôn muốn nở hết mình. Hoa đỏ rụng đi vẫn còn kết lại những bông gòn trắng phau trên cành lá biếc. Một cơn gió nhẹ khiến những chùm bông gòn bay lất phất như phủ một màn sương giăng trên dòng sông lấp loáng nắng chiều.
Blem lại khe khẽ hát: Anh ơi em sẽ là Pơ lang hoa đẹp nhất, thứ hoa buôn làng quý… Tây Nguyên này bao nhiêu cô gái đều là hoa Pơ lang?
Tôi lặng nhìn theo doi cát giữa dòng sông, nơi mấy đứa trẻ thơ ríu rít tranh nhau nhặt bông gòn, quê tôi gọi là bông gạo. Bông gạo trắng muốt mịn màng, các cô gái vẫn hay lấy về nhồi làm gối bông tặng người yêu.
Trại sáng tác Đà Lạt tháng 3/2019
Truyện ngắn: LÃ VINH