Đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí – công trình nghệ thuật tự tôn văn hóa Việt

05:03, 05/03/2019

(LĐ online) - Từ ngày 29 tháng Giêng (05/3) đến ngày 02 tháng 02 âm lịch, như mỗi năm, nhân dịp ngày giỗ Cương quốc công Nguyễn Xí, tại đền thờ cổ có 552 tuổi, Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia (ở xã Nghi Hợp thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), Lễ hội được tổ chức long trọng và thu hút hàng ngàn lượt người khắp mọi miền cả nước tham dự.  

(LĐ online) - Từ ngày 29 tháng Giêng (05/3) đến ngày 02 tháng 02 âm lịch, như mỗi năm, nhân dịp ngày giỗ Cương quốc công Nguyễn Xí, tại đền thờ cổ có 552 tuổi, Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia (ở xã Nghi Hợp, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), Lễ hội được tổ chức long trọng và thu hút hàng ngàn lượt người khắp mọi miền cả nước tham dự.  
 
Lễ hội Thánh tổ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí rợp trời cờ xí, rền vang trống hội trong của kiệu rước uy nghiêm; của tà áo tứ thân duyên dáng thôn nữ ở lễ mời trầu cánh phượng; của màn đối đáp giao duyên phường vải tình tứ và ý nhị; của trò chơi dân gian vinh quy bái tổ sinh động thu hút hàng ngàn người… Phần lễ như rước thần, yết cáo, đại tế… do các lớp con cháu đại tộc Nguyễn Đình thực hiện; phần hội do chính quyền địa phương chủ trì tổ chức. Trang nghiêm, thành kính, biểu hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc; góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ. 
 
Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) ở làng Thượng Xã, huyện Chân Phúc, nay là xã Nghi Hợp. Ông là một trong số đệ nhất khai quốc công thần, vị tướng tài ba, dũng cảm, mưu lược, có công lớn trong Khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược ở thế kỷ XV, giúp vua Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Ông cũng là đại thần phụng sự đắc lực cho 4 đời vua Lê (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông) trong công cuộc bảo vệ đất nước, có nhiều đóng góp quan trọng việc hình thành nhiều làng xã ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XV, kiến thiết phát triển đất nước buổi đầu Lê Sơ.


Năm 1465, sau khi Nguyễn Xí qua đời, nhà vua vô cùng thương tiếc đã truy tặng Nguyễn Xí tước “Thái sư Cương quốc công, đặc ai khai quốc, Thụy nghĩa vụ”. Thi hài ông được nhà vua cho bảo quản ở Điện Kính Thiên, tổ chức lễ tang theo nghi lễ như một quân vương, sau đó chuyển linh cữu về quê nhà (xã Nghi Hợp hiện nay) mai táng và giao cho con cháu dòng họ cùng nhân dân lập đền thờ phụng, khắc văn bia tưởng nhớ muôn đời. Hai năm sau (1467), vua Lê Thánh Tông cho xây dựng đền thờ làm nơi thờ tự Nguyễn Xí trên một khu đất cao, đến nay đã có tuổi 552 năm. Năm 1990, đền thờ được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 
 

Đền thờ có tổng diện tích khuôn viên thờ tự 137m x 61m và khuôn viên 184m x 96m gồm cây xanh hoa trái cùng mộ hai cha con Nguyễn Hội, Nguyễn Xí. Đền hướng phương nam; tựa vào phương có quần thể núi như núi Mão, núi Gươm, núi Cồn Thông, núi Voi. Trải qua thăng trầm thời gian nhưng nay đền vẫn giữ được nét uy nghi, tráng lệ với lối kiến trúc cổ kính mà gần gũi, giản dị mà độc đáo, đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử oai hùng của thời nhà Lê. 
 
Cổng tam quan của đền đồ sộ, cao 12 m, hai cột đèn ngũ sắc to, chạm rồng phượng hoa văn rất tinh xảo. Tả môn và hữu môn xây dựng theo cấu trúc chồng diêm, mỗi cửa dài 2,40m, rộng 1,60m, cao 4,50m, nối liền từ phía trong của hai cột đèn bởi hệ thống tường bao, mỗi bên dài 4m. Cửa ra vào xây theo kiểu vòm cuốn, cao 2,20m, rộng 1m. Chính môn (cửa chính) cũng cấu trúc theo hình chồng diêm 3 tầng, cao 8m, rộng 3m, dài 4m: tầng dưới có 4 cột trụ xây liền tường và cũng theo hình vòm cuốn cao 2,50m, rộng 2,95m; tầng 2 cao 2m, tạo dáng giống tầng 1. Phía trong của lầu tầng có đặt bàn thờ rộng 0,80m, dài 0,85m. Lầu trên cũng là bộ phận cổ diêm, cao 1,2m, dài 1,4m, rộng 0,80m, có mái và bờ nóc ở trên. Trên cùng, chính giữa tầng lầu là biển chữ nhật khắc 4 chữ Hán “Thiên khai cấm sắc” (trời mở sắc đẹp). Nối liền với tả hữu môn là tường bao gấp khúc hình chữ chi, được đắp các con vật uy nghiêm như ngựa, sư tử, rồng, chim phượng, chim hạc, rùa…hòa trong thiên nhiên mây trời và hoa lá…rất sinh động và đặc sắc. Nhìn chung tam quan là một công trình nghệ thuật trang nghiêm, mỹ lệ vào loại hiếm có trong các đền đài còn lại ở các vùng quê Việt Nam. 
 

Qua khu vực Hoa biểu, khoảng 30m là khu cầu ao. Cầu bắc qua cao 3m, trụ cao 1,2m hình cầu vồng, có lan can. Dưới cầu, hai ao bán nguyệt thông nhau, mỗi ao dài 12m, rộng 8m, sâu 1,2m. Qua tam quan, là sân lễ và nhà bái đường. Nhà bái đường có tổng chiều dài 12,2m , gồm 3 gian chính, 2 gian phụ, với 5 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang bằng gỗ lim, mít, dạ hương. Mái lợp ngói vẩy, hai đầu hồi là tường xây; hệ thống cửa gỗ lim và mít. Trong bái đường có treo hoành phi, câu đối và cuốn thư; gian chính có hai con hạc cao lớn đứng chầu hai bên. Qua sân lát gạch Bát Tràng diện tích 7 x 6m, có bể cạn được đắp nổi 4 loại cây tùng, cúc, trúc, mai là Trung điện được kết cấu giống Khuê văn các ở Văn miếu Hà Nội và trang trí rất công phu, sáng tạo như là công trình nghệ thuật rất đặc sắc. Ở đây có bức hoành phi “Nhạc Giáng Thần” (Khí thiêng của núi đã giáng vào vị thần này) do vua Lê Thánh Tông ban tặng; có gác chuông đắp 3 chữ Hán “Vạn tư niên” và gác khánh đắp 3 chữ “Kinh hữu thổ”. 
 
Hạ điện có 3 gian, đều có bàn thờ những thân nhân và là các bậc tài danh được nhà vua truy tặng: ở giữa thờ Thái Bảo Đình Quận công Nguyễn Hội và Quận phu nhân Vũ Thị Hạch (cha và mẹ Nguyễn Xí); bên phải thờ Ba Tổ Thái Phó Nghiêm Quận công Nguyễn Biện (anh trai Nguyễn Xí); bên trái thờ Nguyễn Xí và Quốc phu nhân Lê Thị Ngọc Lân. Nhà Thượng điện (nằm trong cùng hệ thống Đền thờ và thềm cao nhất, cao 0,80m, dài 7m, rộng 6m; gian giữa rộng 2,6m, hai bên mỗi gian rộng 2,20m), là nơi lưu giữu nhiều hiện vật quý giá có lịch sử gần hàng trăm năm bằng đồng, sứ, đất nung, gỗ, ngà, kim loại, vải thêu và bằng giấy.
 

Nhà Tả vu và Hữu vu (nơi thờ 16 người con trai của Cương quốc công) với những bàn thờ tôn nghiêm, kiến trúc hợp lý, chạm khắc đặc sắc. Ở giữa có khoảng không gian thông với bầu trời đón khí tiết vũ trụ. Một số bia đá khắc bằng bằng chữ Hán, ghi công trạng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí.
 

MINH ĐẠO