Công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Ðà - Công trình thế kỷ của thế kỷ XX xây dựng. Hàng vạn người dân các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình đã vĩnh viễn trao lại quê hương bản quán của mình cho hồ nước mênh mông. Trong cuộc di dân tứ tán ấy của bà con, một lượng đông đảo người dân tộc Mường đã vào với Tây Nguyên. Sau gần một phần ba thế kỷ xây dựng quê mới, bà con làng Mường tại xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng, đã có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng…
Công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Ðà - Công trình thế kỷ của thế kỷ XX xây dựng. Hàng vạn người dân các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình đã vĩnh viễn trao lại quê hương bản quán của mình cho hồ nước mênh mông. Trong cuộc di dân tứ tán ấy của bà con, một lượng đông đảo người dân tộc Mường đã vào với Tây Nguyên. Sau gần một phần ba thế kỷ xây dựng quê mới, bà con làng Mường tại xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng, đã có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng…
|
Người Mường Hòa Bình xã Hòa Nam, huyện Di Linh duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống. Ảnh: NDong Brừm |
Những ký ức chưa xa
Khi chưa có đập thủy điện Hòa Bình, bà con người Mường, huyện Đà Bắc sống ở ven sông Đà thuộc các xã Vầy Nưa, Hiền Lương, Hào Tráng, Tiền Phong, Tân Lập, Dân Lập, Yên Hòa, Đồng Ruộng… Đời sống của họ chủ yếu dựa vào ruộng nước, trồng lúa nương và trông chờ sản vật tự nhiên từ rừng núi. Thời điểm đó nơi đây hoàn toàn chưa có nghề rừng. Chưa có sản xuất hàng hóa. Bởi, Nhà nước vẫn đang trong cơ chế bao cấp còn người dân thì tự túc, tự cấp là chính.
Là người trong cuộc được chứng kiến trọn vẹn công cuộc chuyển dân chưa có tiền lệ thời ấy, người viết bài này càng thấy sự vất vả, hy sinh vô bờ của bà con chuyển khỏi vùng hồ. Chuyển khỏi vùng ngập lòng hồ sông Đà khi ấy quả là chưa có tiền lệ. Nhà nước lo cho dân chuyến xe vận chuyển nhưng phương tiện lại vô cùng khan hiếm. Nhà cửa tháo ra đắp đống chờ xe, người dân thì được cấp lương thực trong một thời gian nhất định… Số gia đình chuyển hẳn đi nơi khác khó khăn đã đành một nhẽ. Nhưng những gia đình ở lại phải chuyển dần theo cốt nước hồ mà khi đó gọi là chuyển vén lại khó khăn gấp bội. Nếu chuyển ngay lên cốt an toàn thì không thể đi lại được vì độ dốc cao, đường đi lối lại không có. Đặc biệt là chạy nước mà lại khát nước. Người lớn đã vậy, trẻ nhỏ học hành ra sao? Lúc khỏe đã vậy, lúc ốm đau bệnh tật giải quyết thế nào? Chính vì thế, người ở lại chuyển vén không chỉ chuyển một lần mà phải chuyển đến vài ba lần. Ngôi nhà sàn gỗ to đẹp, bề thế, sau mỗi lần di chuyển được gỡ ra, kéo ngược đồi đến chỗ dựng lại phải tự thu hẹp dần. Và cứ thế, đến lúc tạm yên chỉ còn là cái nhà tạm. Nhớ lại thời kỳ chuyển dân ấy, trong một bài thơ tôi đã viết:
Nhớ thủa/ Tháo khớp nhà sàn vác ngược/ Gối bong, cột kèo lạc hơi/ Mái tranh sưng sỉa cãi gió/ Tóc như bứa mọc trên đầu/ Chưa ấm chỗ/ Người và nhà lại rã rời vượt thác lên mây/ Cột sứt mộng/ Kèo mẻ mang/ Trườn khỏi tay người/ Nghênh ngang tìm đường đòi về quê cũ…
Thực tế không ít hộ sau nhiều lần chuyển vén hay hàng chục năm sau chuyển vén cố bám quê cũ cũng lại phải tìm đường đi nơi khác vì điều kiện sống quá khó khăn. Đó là nguyên nhân sâu xa mà một bộ phận người dân Hào Tráng đã có mặt tại các tỉnh Tây Nguyên cho đến nay. Dân tộc Mường đã được xem như người Việt cổ và họ có mặt ở vùng núi Hòa Bình từ khởi thủy. Vậy việc người Mường rời nơi dân tộc họ sinh ra để đến vùng đất mới cách hàng ngàn cây số quả là việc không thể đừng.
Cuộc đổi thay ngoạn mục
Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên lần này, tôi hăm hở tìm đến nơi những gia đình người Mường Hào Tráng vốn thân quen một thủa giờ đang sinh sống tại xã Hòa Nam, Di Linh chứ trước đây tôi hoàn toàn chưa biết gì về cuộc sống của họ ở cao nguyên này.
Khác với núi rừng phía Bắc (nhất là với Đà Bắc), Cao nguyên Di Linh tương đối bằng và đất đai mầu mỡ. Cơn mưa chiều kéo đến rất nhanh, mưa to rồi tạnh hẳn. Bầu trời trở lại trong xanh. Hai bên đường bạt ngàn cà phê và đã chớm mùa thu hái. Giữa bát ngát màu xanh thấp thoáng những ngôi nhà xây, nhà mái bằng càng tôn lên vẻ thanh bình và phóng khoáng của cao nguyên - địa danh mà đa phần người Bắc được nghe từ thời đất nước chưa thống nhất: Cao nguyên Di Linh.
Đến đây, tôi được biết: Thời gian đầu, người Mường Hòa Bình ở thành một xóm rồi dân số phát triển nay chia ra thành hai thôn là Thôn 5 và Thôn 10 với trên 60 hộ và trên 700 nhân khẩu. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên đến sững sờ trước hết là bà con làng Mường giờ đã thông thạo với kỹ thuật canh tác cây cà phê. Nói chính xác là bà con không chỉ trở thành chủ nhân thật sự của đất đai mà còn là chủ nhân của quá trình sản xuất hàng hóa. Nhìn những vườn cà phê ngút mắt với hệ thống tưới tiêu bằng máy bơm và đường ống đan xen, những máy xát vỏ cà phê, những sân xi măng phơi cà phê hệt như sân phơi lúa, phơi ngô quê Bắc mà thấy rưng rưng.
Ông Đinh Công Nhậy (Thôn 10) cho biết: Mấy năm đầu khi chưa có thu nhập đáng kể, bà con phải ăn vay (trong này gọi là ăn thiếu) của một số người đầu tư, đến mùa trả bằng sản phẩm. Thấy bà con ta chịu khó lại sòng phẳng, các cơ sở thu mua cà phê và chè sẵn sàng cho vay nhiều hơn, dài hơn. Đến nay, đa số bà con vay đầu tư cho sản xuất thông qua Ngân hàng Chính sách huyện Di Linh. Số tiền bà con vay hàng năm lên tới nhiều tỷ đồng nhưng hoàn toàn không có nợ đọng, nợ xấu. Đời sống ngày một đổi thay: Hiện 100% các gia đình có nhà xây, nhà gỗ khang trang. Thu nhập bình quân đầu người ở hai thôn Mường năm 2018 là 52 triệu đồng/năm. Một số gia đình mua được xe tải và xe hơi đắt tiền.
Điều ngạc nhiên tiếp theo là trong lúc bà con xa quê hương cả ngàn cây số như thế, cuộc sống sản xuất, canh tác thay đổi là vậy nhưng phong tục, tập quán, hay nói cách khác là bản sắc văn hóa lại được giữ gìn một cách có ý thức. Đang ngồi nói chuyện với ông Đinh Công Nhậy, ông Đinh Công Hùng, thấy cháu nội các ông mới trên hai tuổi, chưa đến ba tuổi đều tập nói và bi bô với các ông bằng tiếng Mường. Người trong gia đình nói với nhau, khách đến nhà (nếu là người Mường) đều nói tiếng Mường thân quen. Thật là thú vị khi chúng tôi được biết, con dâu của ông Đinh Công Nhậy tuy là người con gái Bến Tre nhưng nay đã nghe được hết tiếng Mường và đã bắt đầu nói được những tiếng thông thường. Lại được biết, mỗi phụ nữ ở đây đều có váy, áo, khăn... trang phục Mường. Những dịp lễ, tết, văn nghệ chị em bao giờ cũng mặc trang phục Mường để thể hiện những bài hát Mường. Cũng như ngoài quê Hòa Bình, ngoài Tết Nguyên đán, bà con người Mường duy trì Tết Độc lập 2-9 và Tết Khai hạ mồng 5 hoặc mồng 7 tháng Giêng. Những dịp này, các sinh hoạt của bà con người Mường gây được sự chú ý của Nhân dân không chỉ trong xã Hòa Nam với 12 ngàn dân thuộc 51 tỉnh, thành cả nước sinh sống mà còn thu hút rất đông dân cư trong vùng.
Nói về Mo Mường, ông Đinh Công Nhậy cho biết: Vào dịp lễ Khai hạ hàng năm, bà con thường tập trung đến nhà người già nghe diễn xướng Mo Mường. Rất tiếc một hai năm nay, người biết mo do tuổi cao lại bị tai biến nên không mo được nữa. Việc này, bà con đang loay hoay. Nay thấy tỉnh Hòa Bình tôn vinh các nghệ nhân Mo Mường thì đây cũng là một gợi ý để người Mường xa quê như chúng tôi tìm cách khôi phục lại Mo Mường. Với lòng khát khao của bà con, cộng với sự quan tâm của lãnh đạo huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, làng Mường ở đây đã có đủ bộ chiêng Mường và thành lập Câu lạc bộ chiêng Mường để thể hiện trong các sinh hoạt văn hóa. Trong dịp tổ chức Trại sáng tác tại TP Đà Lạt tháng 3/2019, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình đã tới thăm bà con người Mường Hòa Nam. Nghệ sỹ Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, thành viên trại sáng tác đã dành thời gian trao đổi, hướng dẫn và bổ sung một số bài chiêng Mường với Câu lạc bộ Chiêng Mường Hòa Nam. Các văn nghệ sỹ khác, bằng cảm xúc của mình đều ghi lại những thông tin mong có những sáng tác về cộng đồng người Mường Hòa Bình trên Cao nguyên Di Linh.
Những con người làm nên sự đổi thay
Để có được thành quả như ngày nay là biết bao sức lực và trí tuệ của bà con người Mường Hào Tráng cộng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự yêu thương đùm bọc của bà con sở tại, bên cạnh đó là vai trò tiên phong của những người “mở đất”. Chưa gặp được đầy đủ lớp người tiên phong ấy, song trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được đề cập tới một số nhân vật. Thứ nhất là ông Đinh Công Tích năm nay đã 78 tuổi là người có uy tín không chỉ của cộng đồng người Mường Hoà Nam mà còn là người có uy tín của huyện Di Linh nói chung. Sau nhiêu lần loay hoay chuyển lên, chuyển xuống, chuyển xuôi, chuyển ngược, ông Đinh Công Tích, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Hào Tráng nghỉ chế độ theo dạng mất sức rồi cùng một số người vô Nam. Các ông từng cắm sào tại vùng nước nổi Long An. Thấy cảnh trời nước mênh mông không phù hợp với tập quán sản xuất của người miền núi, ông Tích lại đau đáu tìm vùng đất mới. Thế rồi năm 1991, một lần ông Tích gặp ông Nguyễn Đình Chiến người ở xóm Kiến Bình cùng xã Hào Tráng xưa. Khi ông Tích làm phó Chủ tịch UBND xã thì ông Chiến làm Chủ nhiệm HTX mua bán, các ông lại sinh hoạt cùng chi bộ Đảng với nhau. Cũng do phải chuyển khỏi vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình mà gia đình ông Chiến (nguyên từ Thái Bình lên Đà Bắc xây dựng kinh tế mới) phải bỏ quê mới ra đi. Người quen tìm người quen, ông Chiến vào Di Linh tỉnh Lâm Đồng – nơi có một số dân Thái Bình quê ông vào xây dựng vùng kinh tế mới từ đầu những năm 1980 rồi gia đình ông tái định cư tại đó. Ông Chiến gặp ông Tích và từ đó hai cái tên Chiến Tích thực sự đặt nền móng cho chiến tích Làng Mường Hòa Bình tại Di Linh ngày nay. Dời Long An tới Di Linh, ông Tích đã ngoài 50 tuổi. Một thời gian sau ông Tích được tín nhiệm bầu làm Đại biểu HĐND xã Hòa Nam. Ông nhận đất, khai hoang, lập xóm rồi nhiều đợt đưa bà con đến lập nghiệp. Trong số đó có cả các hộ từ Long An lên, có các hộ từ Hòa Bình vào. Sau đó, ông Đinh Công Tích lại được bầu làm Trưởng ban Mặt trận xã, rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi đến nay.
Người thứ hai là ông Đinh Công Nhậy 65 tuổi. Thời chưa phải chuyển lòng hồ sông Đà, ông Nhậy đã là Huyện đội phó Huyện đội Đà Bắc khi mới ngoài 30 tuổi. Thế mà ông Nhậy phải xin phục viên để gánh vác gia đình. Sau khi từ Long An theo ông Tích về Di Linh, ông Nhậy đã tích cực cùng ông Tích mở mang và giữ đất cho bà con. Vì đầu những năm 1990, công cuộc đổi mới bắt đầu đi vào cuộc sống, cơ chế thị trường hình thành, một số người có chút quyền hành đã định giữ đất để “trao” cho người đã có đất nhằm kiếm lợi cho riêng mình. Áp lực ấy được tạo ra và họ đã gây sức ép với bà con người Mường mới đến. Với bản lĩnh và kinh nghiệm của mình, ông Đinh Công Nhậy tìm mọi cách đấu tranh giữa đất. Ông Nhậy từng tuyên bố “Nếu phải hy sinh 21 năm tuổi Đảng để giữ đất cho bà con thì tôi cũng sẵn sàng”. Kết quả ông Tích, ông Nhậy không những giữ được đất cho bà con mà còn gây dựng được uy tín của mình. Liên tiếp 16 năm, ông Đinh Công Nhậy từ Trưởng Công an xã, Chủ tịch xã rồi Bí thư Đảng ủy xã Hòa Nam. Ông Nhậy là người cán bộ xã Hòa Nam đầu tiên được hưởng lương hưu vào tháng 4/2014.
Người thứ ba là ông Đinh Công Hùng 60 tuổi nguyên cán bộ Công an huyện Đà Bắc. Cũng do chuyển lòng hồ mà một cán bộ đầy triển vọng của Công an như ông Hùng phải xin thôi việc. Từng qua hết chỗ này, chỗ khác, việc này, việc khác, kể cả qua biên giới sang Cămphuchia buôn thuốc lá… Khi có tín hiệu từ ông Nhậy, ông Hùng quyết định đưa cả gia đình từ Long An về Di Linh. Từ bới đất lật cỏ, đốt than, làm thuê chạy ăn từng bữa, các ông đã “lấy ngắn nuôi dài” phá hoang trồng cà phê. Thế rồi, ông Đinh Công Hùng cũng được tín nhiệm bầu vào Đảng ủy và giữ trọng trách Trưởng Công an xã Hòa Nam.
Tiếp nối truyền thống cha anh, hiện nay anh Đinh Công Trường sinh năm 1981, con trai thứ 7 của ông Đinh Công Tích từng là Phó Chủ tịch UBND xã, nay là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hòa Nam. Được biết ngày 25/4/2020, bà con người Mường ở Hòa Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày người Mường Hòa Bình đặt những bước chân đầu tiên lên đất cao nguyên Di Linh - Lâm Đồng.
Ký: LÊ VA