"Miền sương khói" - giai phẩm về Ðà Lạt

07:04, 25/04/2019

Dưới làn sương dường như xuất hiện quanh năm là một "Ðà Lạt cả pho di sản về vẻ lãng mạn và sự tôn vinh tình yêu trong lòng đô thị hiện đại"...

Dưới làn sương dường như xuất hiện quanh năm là một “Ðà Lạt cả pho di sản về vẻ lãng mạn và sự tôn vinh tình yêu trong lòng đô thị hiện đại”. Có lẽ những “tố chất” ấy đã khiến cho nhà văn, thi sỹ, triết gia Phạm Công Thiện cho rằng “Thà làm ăn mày ở Ðà Lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài Gòn” được dẫn trong sách “Miền sương khói” - một giai phẩm về Ðà Lạt - do Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành và PHANBOOK tuyển chọn, gới thiệu phát hành nhân dịp kỷ niệm 125 năm khởi tạo Ðà Lạt.
 
Bìa cuốn sách “Miền sương khói”.
Bìa cuốn sách “Miền sương khói”.
 
Trong lời giới thiệu “Miền sương khói” - giai phẩm về Đà Lạt, PHANBOOK liệt kê ra những “phẩm cách” đặc biệt chứa trong lòng Đà Lạt đáng sống: “Một đô thị kiểu châu Âu trên cao nguyên miền Nam Việt Nam. Một thành phố mộng mơ và hoài niệm. Một xứ sở của cỏ hoa, đồi thông, khói sương. Một chốn nhàn du tươi đẹp... đáng sống. Và gì nữa?”.
 
Đó là những hình ảnh, cảm nhận được phóng chiếu qua cách nhìn và tình cảm của mọi người khi từng sống hay chỉ là lữ khách đến rồi đi mỗi khi nhắc nhớ về Đà Lạt. Đà Lạt với tư cách là một đô thị hiếm hoi, có một không hai trong chuỗi đô thị Việt Nam “có ngày sinh tháng đẻ” đàng hoàng trước khi hình thành lên diện mạo đô thị này. Ngay từ buổi bình minh khởi dựng Đà Lạt, thành phố đã được người Pháp sáng tạo ra câu slogan nổi tiếng “Cho người này nguồn vui, cho người khác sức khỏe” để rồi bản thân Đà Lạt từng là “Kinh đô nghỉ dưỡng mùa hè” của xứ sở Đông Dương thời thuộc Pháp, vang danh mang tầm đẳng cấp quốc tế. Một nhà báo kỳ cựu nói về cảnh quan kiến trúc của xứ sở ngàn thông Đà Lạt bằng cái nhìn tổng quát của người am hiểu về phố núi: “Giữa một châu Âu lộng lẫy là một hình thái văn hóa bản địa sống động. Không đối lập mà hài hòa. Không lọt thỏm quê mùa mà mạch lạc, sinh động”. Đà Lạt đẹp từ vẻ tự nhiên đến sự “tạo tác tài hoa” bề mặt phố thị và con người nơi đó “hiền như sương mai, như hạt mưa” nên thật dễ hiểu Đà Lạt được khoác lên những mỹ từ “tiểu Paris”, “thành phố ngàn thông”, “thành phố sương mù”, “thành phố ngàn hoa”, “thành phố tình yêu”, “thành phố mộng mơ”... là vậy.
 
Trở lại tác phẩm “Miền sương khói”, đúng như những gì PHANBOOK tuyển chọn và giới thiệu không hẳn là một hợp tuyển văn chương của các ngòi viết tài hoa mà được điểm thêm phần biên khảo mang lại cho người đọc như một “giai phẩm về Đà Lạt” trong dòng chảy của “ký ức, thời gian” đẹp, mộng, phác họa nên bức tranh sống động của đô thị đặc biệt trên cao nguyên này. Và trong từng trang sách những truyện ngắn, tản văn, dòng nhật ký, ghi chép hiện ra bằng sự biểu cảm của các tác giả, bởi họ “Mỗi người đến với Đà Lạt trong sự bừng nở của một nhân duyên, một sự hạnh ngộ trong đời. Họ viết về thành phố mà họ yêu mến, nâng niu với sự chắt chiu và cẩn trọng”.
 
Ký ức đô thị qua những trước tác văn chương đi cùng dấu mốc thời gian của “Đà Lạt xưa qua cái nhìn lữ khách” và “Đà Lạt - đứa con của tham vọng” trong phần Biên khảo có thể là những nhấn nhá làm “giọng chủ” cho giai phẩm này. Bên cạnh đó là những truyện ngắn mới, cũ đưa người đọc về không khí Đà Lạt với sự chậm rãi, tĩnh lặng... được thể hiện qua những truyện ngắn mà ở đấy ta bắt gặp “Nhà có hoa mimosa vàng” của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, “Một vệt mây qua” của Hạ Tuyên, hay “Tên của một người” của Đoàn Thạch Biền... Đó còn là những tản văn thấm đẫm trạng thái xúc cảm “day - dứt - tình - tứ”... với “Thành phố của tôi, sách cũ, dốc đồi xưa” qua ngòi bút Phan Dũng, “Theo dòng ký ức” của Uông Thái Biểu, “Một giấc mơ dài đầy sương khói” của Minh Tự, hay “Cưới một thành phố” của Trương Gia Hòa, hoặc “Lữ thứ bên hồ phố lạnh” của Nguyễn Hàng Tình... làm nên “thứ ẩn ngữ hoài niệm” trong khung cảnh lãng mạn riêng có, rất Đà Lạt. 
 
Bạn đọc cũng sẽ nhận diện ra một Đà Lạt mộng, đẹp, đầy mê hoặc từ sự cảm nhận về một “Đà Lạt xưa qua cái nhìn lữ khách” từ thuở hồng hoang ban sơ hình thành đến những năm tháng được mệnh danh “Thủ phủ Đông Dương”, đất “Hoàng triều cương thổ” hay những tháng năm thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, bởi những trích đoạn từ nhật ký, ghi chép về những “cuộc gặp gỡ của tình yêu, sự gắn bó lạ lùng của lữ khách với xứ sở này”. “Núi Lang Biang sừng sững ở chân trời phía tây bắc cao nguyên, làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh quan và tạo nên hậu cảnh tuyệt mỹ” - Nhật ký của bác sỹ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin (Đà Lạt, 21/6/1893); để rồi 24 năm sau khi Alexandre Yersin phát hiện “hậu cảnh tuyệt mỹ” thì Hành trình nhật ký của Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt (Đà Lạt, 1917) ghi: “Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc... Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được... Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ”. Còn Hồi ức của nhà thơ Quách Tấn (Đà Lạt, 1933) đấy là “Mùi nhựa thông ban đêm bay ngát cả không khí. Thỉnh thoảng mùi hoa mimosa, mùi hoa violet trộn lẫn vào tạo thành một hương vị đặc biệt, hít vào nhẹ cả châu thân”; hay “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt...” - Hàn Mặc Tử; Đà Lạt trăng mờ (Đà Lạt, 1933) và “Thành phố sạch sẽ, nhà cửa xinh xắn, dân chúng Đà Lạt ăn mặc lịch sự bốn mùa” - Hồi ức của sư Huyền Không (Đà Lạt, đầu thập niên 1940). Đối với ca sỹ Khánh Ly - người từng ca hát ở Đà Lạt viết trong hồi ức của mình rằng: “Đà Lạt là nơi người ta dễ đến gần nhau, dễ yêu nhau và cũng là nơi để người ta chạy chốn và tìm quên”. Và nữa “Điều chắc chắn phải nói là người Đà Lạt hiền” để rồi Khánh Ly ví von người Đà Lạt hiền như mưa, như nước suối, như cây trái tốt tươi, như hoa, như gió và như tiếng thông reo bốn mùa.
 
Hồ Xuân Hương và cầu Ông Đạo mờ mờ ẩn hiện trong sương. Ảnh: Nguyên Thi
Hồ Xuân Hương và cầu Ông Đạo mờ mờ ẩn hiện trong sương. Ảnh: Nguyên Thi
 
Như đã nói ở trên “Đà Lạt - đứa con của tham vọng” trong phần Biên khảo của ấn phẩm “Miền sương khói” có thể là những nhấn nhá làm “giọng chủ” cho giai phẩm này. Thực vậy, dưới ngòi bút của nhà báo, dịch giả Trần Đức Tài đã dựng lại toàn cảnh về sự hình thành Đà Lạt, cung cấp cho công chúng một “hồ sơ - tư liệu” đầy đặn, quý giá về quá trình tạo tác lên Đà Lạt bằng những đồ án quy hoạch của các kiến trúc sư tài hoa dưới thời kỳ thuộc Pháp. Đi từ “Tương lai tưởng tượng”, “Đô thị hoang vu”, rồi “Tham vọng đại đô thị”, “Hài hòa tuyệt đối” đến “Mâu thuẫn thẩm mỹ” và “Vãn hồi trật tự” diễn ra trong quá trình xây dựng Đà Lạt. Tựu trung “Đồ án của nhà quy hoạch nào cũng có khoảng cách giữa viễn kiến tương lai với hiện trạng quản lý và xung đột lợi ích cá nhân, nhưng nếu không có ý chí của người Pháp thì sẽ không thể có di sản Đà Lạt” - như lời dẫn của tác giả loạt bài “Đà Lạt - đứa con của tham vọng” từng đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ.
 
Nói như Eric T.Jennings “... bản thân Đà Lạt là câu chuyện hấp dẫn và nhiều gợi nhớ...”, nên giai phẩm “Miền sương khói” mang đến cho bạn đọc một phần hấp dẫn ấy.
 
XUÂN TRUNG