(LĐ online) - Mới cuối tháng 3 gặp nhau khi Bùi Thanh Bình vào dự Trại sáng tác tại Đà Lạt do Liên hiệp Hội VHNT Phú Thọ tổ chức nên thấy tôi nhân Giỗ Tổ Hùng Vương 2019, từ Đà Lạt ra Việt Trì rồi tạt về thành phố Hòa Bình thăm Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông, nhà sưu tập thoáng chút ngỡ ngàng rồi niềm nở, vồn vã như lâu ngày mới gặp người thân.
(LĐ online) - Mới cuối tháng 3 gặp nhau khi Bùi Thanh Bình vào dự Trại sáng tác tại Đà Lạt do Liên hiệp Hội VHNT Phú Thọ tổ chức nên thấy tôi nhân Giỗ Tổ Hùng Vương 2019, từ Đà Lạt ra Việt Trì rồi tạt về thành phố Hòa Bình thăm Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông, nhà sưu tập thoáng chút ngỡ ngàng rồi niềm nở, vồn vã như lâu ngày mới gặp người thân.
|
Chủ nhân Bảo tàng Bùi Thanh Bình (mang máy ảnh) trò chuyện với du khách |
Trên đường rời điểm tham quan Bản Mường Giang Mỗ, Bình Thanh, huyện Cao Phong về Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, nhà thơ Lê Va - Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình cho biết: Bùi Thanh Bình - người con dân tộc Mường, sinh ra ở huyện Kim Bôi. Nặng lòng với truyền thống văn hóa của dân tộc, từ năm 1985 Bùi Thanh Bình bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu về các di vật, cổ vật của văn hóa Mường. Ông đã lang thang gần khắp các vùng Mường trong tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm di sản. Không chỉ vậy, còn lặn lội đến Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, và lặn lội vào Tây Nguyên tìm hiểu về văn hóa người Mường di cư vào Buôn Ma Thuột trước 1954. Không chỉ hao tâm, tổn sức mà tiền bạc cũng cũng lần lượt "đội nón ra đi" nhưng bù đắp lại là số lượng di vật, cổ vật văn hóa dân tộc Mường sưu tầm, thu thập được ngày càng nhiều, vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa Mường cũng được bổ sung. Sau gần 40 năm sưu tầm, hiện Bùi Thanh Bình lưu giữ khoảng 6.000 đơn vị hiện vật các loại... Năm 2014, Bùi Thanh Bình thành lập Bảo tàng Di sản văn hóa Mường.
Với diện tích trên 4.000 m
2 khuôn viên Bảo tàng Di sản văn hóa Mường tọa lạc ở phường Thái Bình nằm trên lưng đồi cao, có tầm nhìn thông thoáng. Bảo tàng gồm 6 ngôi nhà chính, mỗi ngôi nhà có công năng khác nhau. Nội dung chính của các phòng trưng bày là giới thiệu các nhóm hiện vật di sản văn hóa Mường nói chung và trưng bày di vật, cổ vật của nhà lang Mường xưa. Bảo tàng có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày về di sản văn hóa Mường. Đồng thời tổ chức thực hiện các dịch vụ văn hóa, ẩm thực nhằm bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa Mường truyền thống và hiện tại.
|
Giới mỹ thuật Hàn Quốc tìm hiểu về Lịch Đoi |
Đến Bảo tàng, các họa sĩ và nhà nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc trong đoàn chúng tôi thực sự say mê ngắm, tìm hiểu các hiện vật. Họ trầm trồ khi biết: Cho đến nay, Hòa Bình được coi là một trong những tỉnh phát hiện và lưu giữ trống đồng nhiều nhất trên Việt Nam. Năm 1887 thời Pháp thuộc, khi lấy được chiếc trống đồng tại nhà một viên quan lang người Mường ven sông Đà, Mulie - Phó Công sứ tỉnh Hòa Bình đặt tên cho trống là “trống đồng Sông Đà” và năm 1889 mang về Pháp trưng bày tại Hội chợ Quốc tế Paris. Đó chính là chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện tại Hòa Bình. Từ năm 1887 đến trước Cách mạng tháng 8/1945, ngoài trống đồng Sông Đà, tại Hòa Bình, người Pháp còn phát hiện thêm 19 trống đồng nữa. Từ sau 1945 đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm thêm 66 chiếc. Phần lớn trống đồng Hòa Bình là trống Heger loại II, được các nhà nghiên cứu chia thành 4 nhóm. Hai nhóm A, B là trống lớn, có hoa văn trang trí theo xu hướng hình học hóa, là những trống xuất hiện sớm nhất. Trống nhóm C có nhiều sáng tạo cả về tạo dáng lẫn hoa văn trang trí, nhóm D có kỹ thuật đúc “gờ ba góc” mỏng, dẻo, ít bị ôxy hóa theo thời gian… Văn nghệ sĩ "xứ Kim Chi" cũng trầm trồ trước bộ "Lịch Đoi" của người Mường có từ thuở "đất còn bạc lạc, đá thì mới đẻ", khi nghe hướng dẫn viên Bảo tàng thuyết minh: Lịch Đoi làm từ 12 thẻ tre dài khoảng 20 cm, rộng 3 cm, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, trên mỗi thẻ tre được khắc 30 khấc tượng trưng cho 30 ngày. Lịch phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao Đoi, hay còn gọi là sao Tua Rua. Sao Đoi chuyển động nhanh hơn mặt trăng. Vị trí giữa sao Đoi và mặt trăng tùy theo các tháng trong một năm. Dựa vào các ngày Đoi vào và sự chuyển dịch của sao, người ta phân biệt ngày, tháng, trong 1 năm. Lịch Đoi không thay đổi theo năm, 12 thanh tre được người Mường sử dụng trong suốt cuộc đời. Trên đó đục lỗ, cảnh báo những ngày làm ăn thua lỗ hoặc thất bại, tháng nào càng nhiều lỗ càng nên tránh và có những ngày đại lỗ không làm một công việc gì hết. Từ ngàn xưa, con dân Mường nhìn trăng đoán nắng, nhìn sao đoán gió, qua hàng trăm đời người mới làm ra được lịch Đoi. Theo lịch Đoi: Mỗi tháng được chia làm 4 tuần: tuần đoi, tuần cối, tuần cây, tuần lồm. Trong mỗi tuần, ngày nào sao Đoi đứng ớ phía trước mặt trăng là ngày nóng; đứng sau là ngày mưa; ngày trăng lặn, ngày sao mờ... là những ngày xấu. Khi sao Đoi đứng ở sát bên mặt trăng, ánh sao sáng rõ, nền trời trong thì là ngày tốt... Người Mường đi cày đi cuốc, bắt tôm mò cá, chọn ngày lành tháng tốt dựng vợ gả chồng dựa theo lịch Đoi mà làm...
Đến Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, nếu có thời gian, du khách còn được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về chiêng Mường, nguồn gốc - tổ chức và quyền lực của quan Lang "Nhà Lang" Mường. Trong lịch sử mấy ngàn năm hình thành nhà nước Việt Nam, Nhà Lang Mường xưa là hình thái tổ chức xã hội đặc thù của người Mường, là chế độ Lang Đạo - tục ngữ Mường có câu "Đất có Lang, làng có Đạo". Lang Đạo có quyền hành tuyệt đối được xem như vị vua xứ Mường, "Thượng ngọn cây hạ ngọn cỏ" đều là của nhà Lang. Lang Đạo thay mặt triều đình phong kiến Trung ương lãnh đạo và cai quản dân chúng...
|
Trống đồng Heger loại II ở Hòa Bình |
Trò chuyện với chủ nhân Bảo tàng, người đàn ông xấp xỉ thất tuần, cởi mở và hiếu khách tâm sự: Vốn có năng khiếu và đam mê ca hát nên 13 tuổi, được tuyển chọn vào học âm nhạc hệ chính quy 7 năm tại trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc. Tốt nghiệp, về Đoàn văn công Quân khu Tây Bắc. Sau đó, làm trợ lý phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ Công an tỉnh Hà Sơn Bình; phụ trách, trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và dàn dựng chương trình văn nghệ cho Công ty Du lịch Hòa Bình... và từng giữ cương vị Phó Giám đốc Công ty kiêm Giám đốc Khách sạn Sông Đà. Là người có duyên nợ, gắn bó và tâm huyết nghiên cứu văn hóa nên Bùi Thanh Bình có chuyên môn sâu, say sưa gìn giữ và phát huy nét đặc sắc âm nhạc Mường cổ truyền, đặc biệt là bộ môn cò ke, ống sáo. Ông có một số bài viết về bộ môn âm nhạc này và đang xây dựng đề cương nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc cò ke, ống sáo, đã tổ chức trình tấu để thu âm và phát hành đĩa DVD về các loại hình này. Ngoài ra, ông còn tham gia dàn dựng, đạo diễn trích đoạn “Lễ hội Khuống mùa”, “Đám cưới Mường xưa...”, “Lễ mừng cơm mới"... để công diễn và phổ biến rộng rãi. Ngoài hoạt động trưng bày tại chỗ, Bảo tàng đã tham gia và có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia các hoạt động Ngày hội VH -TT& DL các dân tộc vùng Tây Bắc năm 2013, 2014. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, Bảo tàng tham gia trình diễn, giới thiệu về văn hóa ẩm thực Mường tại Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, công chúng đánh giá cao.
Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong tương lai, Bùi Thanh Bình - Người giành phần lớn cuộc đời đăm đắm giữ hồn văn hóa Mường, chủ Bảo tàng tư nhân thổ lộ: Ước nguyện lớn lao của cuộc đời ông là tiếp tục gây dựng, làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa; gìn giữ, bảo tồn nền văn hóa đồ sộ, tinh túy của tổ tiên, cha ông để góp phần tô đẹp nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
ĐAN THANH