Không chỉ mang nét đặc trưng riêng của vùng đất Tây Nguyên, các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian trên địa bàn xã Ðinh Lạc, huyện Di Linh còn góp phần giữ gìn và phát huy nhiều loại hình như dân ca, ca trù, cồng chiêng,… góp phần tích cực xây dựng đời sống tinh thần phong phú hơn ở địa phương.
Không chỉ mang nét đặc trưng riêng của vùng đất Tây Nguyên, các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian trên địa bàn xã Ðinh Lạc, huyện Di Linh còn góp phần giữ gìn và phát huy nhiều loại hình như dân ca, ca trù, cồng chiêng,… góp phần tích cực xây dựng đời sống tinh thần phong phú hơn ở địa phương.
|
Các CLB Hội Người cao tuổi xã Đinh Lạc, huyện Di Linh được xem là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của các vùng miền. Ảnh: T.Hiền |
Đinh Lạc được xem là một trong những địa phương có phong trào văn hóa quần chúng phát triển nhất ở huyện Di Linh. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân ngày càng tăng lên. Phong trào văn hóa, văn nghệ từ các làn điệu quan họ, ca trù,... được các hội viên Hội Người cao tuổi lưu giữ và phát huy rộng khắp, từ đó, đã thổi một làn gió mới vào đời sống tinh thần hội viên và người dân.
Theo đó, phong trào văn hóa, văn nghệ nơi đây phát triển mạnh mẽ, các CLB đội nhóm trong Hội Người cao tuổi lần lượt được thành lập và lan rộng trên địa bàn xã, nhằm phát huy hiệu quả của các CLB, để góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức hội. Nêu cao khẩu hiệu “Người cao tuổi - sống vui, sống khỏe, sống có ích”, các hội viên trong từng CLB đã làm cho cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa hơn thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích. Ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biết: “Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố đã quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các loại hình nghệ thuật dân tộc, đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Bên cạnh đó, các cấp cũng thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật nhân các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hoạt động thường xuyên như: cồng chiêng, ca trù, dân ca, người cao tuổi và sắp tới đây sẽ có thêm CLB ví dặm”.
Ông Phạm Văn Phượng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi cho hay: “Theo Luật Người cao tuổi và điều lệ của Hội phải tạo cho người cao tuổi có một cuộc sống vui, sống khỏe. Ngoài tạo vật chất cho người cao tuổi thì việc đảm bảo tinh thần cho người cao tuổi là rất quan trọng. Chính vì những điều đó mà chúng tôi đã xây dựng nhiều CLB để tạo sân chơi cho người cao tuổi sống có ý nghĩa hơn”.
Có dịp được tham dự buổi sinh hoạt với CLB của Hội Người cao tuổi tại thôn Đinh Lạc 2, xã Đinh Lạc, dù nhạc cụ chỉ là trống ban, đàn nhị, đàn bầu... nhưng các thành viên ai nấy đều hào hứng, chất chứa nhiều niềm vui phấn khởi.
Sau 14 năm kể từ ngày thành lập CLB thôn Đinh Lạc 2, hiện tại đã có 25 thành viên đang tham gia và thời gian sinh hoạt định kì là 1 ngày/tháng. Các hội viên trong CLB là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã có nhiều cống hiến cho địa phương. Bà Trần Thị Kim - một trong những thành viên đã gắn bó với CLB từ những ngày đầu chia sẻ: “Dù điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn và kinh phí còn nhiều thiếu thốn, nhưng vì lòng đam mê và muốn lưu giữ vốn văn hóa của dân tộc, chúng tôi những người đi trước vẫn luôn cố gắng duy trì với mong muốn thế hệ con cháu về sau sẽ tiếp nối và phát huy. Hầu như kinh phí để duy trì CLB là hội viên đều tự đóng góp, còn nhạc cụ, đồ dùng thì tự mình đi sưu tập”.
Tương tự, CLB ca trù cũng theo đó phát huy và được lưu giữ theo thời gian. Ông Hoàng Văn Lộc (90 tuổi, thôn Tân Lạc 3) - thành viên CLB ca trù tâm sự: “Ca trù nói khó thì không đúng, mà dễ cũng không đúng, quan trọng là mình có đam mê hay không. Bản thân tôi được tiếp xúc từ nhỏ nên đã thích và theo học của ông bà để lại. Khi biết tại đây có CLB ca trù thì hai vợ chồng tôi đều rất vui và cố gắng tham gia. Nhưng học ca trù không dễ vì để đào tạo được một ca nương đòi hỏi nhiều thời gian, thuộc lời đã khó nhưng hát hay lại biết gõ phách nhuần nhuyễn lại càng khó hơn”.
Ông Trương Quốc Phương nhấn mạnh: “Ngoài hai CLB c bộ trên thì câu lạc bộ cồng chiêng tại xã Đinh Lạc cũng hoạt động thường xuyên và được đánh giá rất cao”.
Với những làn điệu t quan họ, những câu vè,..mang đậm chất trữ tình, sâu lắng, những làn điệu chèo chứa đựng hồn cốt dân tộc và tiếng chiêng ngân vang… đang được gìn giữ nhờ những CLB văn hóa văn nghệ trên địa bàn xã Đinh Lạc.
THÂN THU HIỀN