Ngồi trên cỏ tựa lưng vào gốc cây phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn trời đất vẫn là thói quen sở thích của nhiều người. Đằng này hắn ngồi đối diện với gốc thông chằm chặp nhìn vào nó. Có gì đâu, vẫn lớp vỏ mốc thếch, xù xì nứt nẻ...
Ngồi trên cỏ tựa lưng vào gốc cây phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn trời đất vẫn là thói quen sở thích của nhiều người. Đằng này hắn ngồi đối diện với gốc thông chằm chặp nhìn vào nó. Có gì đâu, vẫn lớp vỏ mốc thếch, xù xì nứt nẻ. Nếu là thôi miên cũng phải dừng lại chớp mắt khi thấy đám mây mơ hồ như khói kéo đến lờn vờn. Kẻ thôi miên cũng không lặng yên nhìn lâu đến vậy. Hình như hắn thấy cả thời gian, thấy gốc thông nở dần, nở dần và lớp vỏ áo chật chội đang giãn ra nứt... nứt...
|
Minh họa: P.Nhân |
Hắn là một nhà văn miệt rừng không tên tuổi. Thời nay nghe nhà văn nhà thơ đã có cái gì không bình thường, nếu không nói là hài hước. Hắn thường lấy xị rượu đựng trong cái vỏ chai nước khoáng nhờ nhờ ở quán cóc kế bên rồi ngồi tách riêng ra, mặc cho đám đông đàm tiếu.
- Tiên tửu đấy(!). - Có kẻ lên giọng.
- Tục tửu thì có.
Chủ quán nhìn hắn lắc đầu: Một con sâu rượu. Cứ nửa buổi lại la cà vào quán. Chiếc áo khoác ngoài màu đất mua ở cửa hàng đồ cũ đã bốc mùi, lên nước sừng ở cổ, trời nóng thì đánh chiếc áo ba lỗ màu cháo lòng đến nhấc xị rượu ghi sổ. “Lĩnh nhuận bút trả”. Hắn nói thế chứ biết bao giờ có nhuận bút. Rượu hắn mua chịu do vợ nấu bỏ mối, không cho hắn uống. Cất được mẻ nào lập tức nhét can vào tủ khóa lại. Được cái chưa bao giờ hắn tự ý phá khóa mở tủ. Chỉ có tội là thức khuya, phí tiền điện. Thơ với chả văn, chữ nghĩa làm cái gì, có gặm ra mà ăn được không. Nhiều lần vợ hắn phàn nàn với chủ quán, kết thúc câu chuyện bao giờ cũng bằng một tiếng thở dài ngao ngán.
Hắn vẫn nhìn vào gốc thông như muốn bổ nó ra bằng ánh mắt. Vầng trán nhăn như dòng kẻ nhạc, má hóp nát nhàu, da xám ngoét, thân hình mảnh khảnh gió thổi bay. Tôi ngang qua vỗ vai hắn.
- Mày là thằng biên tập chứ gì? - Hắn ngoái lại.
- Phải. - Tôi gật đầu.
- Mày tả cho tao cái gốc thông Đà Lạt. Nên nhớ là “gốc thông Đà Lạt” chứ không phải một gốc thông bất kỳ nào.
Có vấn đề rồi đây. Quả là không đơn giản. Đã có lần hắn nói với tôi, mày đã từng ở Hà Nội, vẽ cho tao cô gái Hà Nội ngồi ăn phở. Nhớ là “cô gái Hà Nội ngồi ăn phở”. Tôi lấp liếm chào thua.
Mình chưa hiểu hắn, mặc dù hàng xóm của nhau đã hơn chục năm. Trước tết hắn đến nhà tôi, ngước lên bàn thờ rồi ngúi xuống chép chép miệng. Sau tết hắn lại đến:
- Này, tao hỏi thật, thế mày định cúng đến bao giờ?
- Cúng gì? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Cúng rượu kia kìa.
Trời ạ, tôi đâu biết uống rượu. Người ta biếu từ trước tết vẫn cứ để nguyên đấy, mà không biết còn để đến bao giờ nếu như hắn không quở.
- Anh thích hả?
- Còn phải hỏi. Thằng này chẳng tế nhị chút nào.
Tôi hạ xuống dồn cả vào túi nilon giục hắn mang về, dặn trả lại vỏ vì tôi sưu tập vỏ chai rượu. Người thích ruột kẻ thích vỏ, thế cũng là được một việc.
Vợ con, hàng xóm coi hắn là đồ bỏ, riêng tôi rất phục. Phải là người dễ dãi cho qua rất nhiều thứ mới dám khắt khe, nghiêm khắc đòi hỏi cao về một cái gì đó cho riêng mình. Cái gì cũng nghiêm túc, cũng chỉn chu đổ đồng thì e rằng khó có cái nghiêm túc thực sự.
“Đây mới là nơi làm việc”. Tôi chữa ngượng cho vợ hắn khi cô ta quơ vội chiếc chăn chiên giẻ rách thu vào một góc giường mời tôi ngồi xuống. Giá sách vây quanh mình bằng gỗ thùng không chịu nổi sức nặng có thể sụp bất cứ lúc nào. Trên giường bản thảo bề bộn, những xấp giấy photo một mặt và tờ lịch xé nham nhở đầy chữ viết tay. Từ đây, từ cái góc bẩn thỉu này, biết đâu sẽ chẳng đẻ ra cái gì đó. Tôi thu lại tất cả vào mắt mình và bước ra. Nhiều lần đến thấy anh nằm như chết trên chiếc giường ọp ẹp kê ở xó tối đó và hằng đêm cửa sổ nhỏ không nhắm mắt.
Lại nhớ hai câu thơ của anh: “Ta muốn hồ Xuân Hương biến thành ao rượu/ Để suốt ngày ta say... say... và say!”. Nơron thần kinh phải rung động thế nào mới đẻ ra câu thơ ấy. Không thích rượu như tôi sao có cảm xúc đó. Tôi không tin rượu làm hư người, mà thường người làm hỏng rượu. Phàm những kẻ nói năng xằng bậy khi rượu vào thì lúc tỉnh cũng chẳng ra gì. Anh thắp lên ý nghĩ và đốt cháy cảm xúc bằng rượu. Anh sẽ đốt bao nhiêu xị rượu nữa để tỉnh thức, đẻ ra một cái gì…
Mấy hôm sau, hắn hớt hải đến tòa soạn.
- Yên chí. - Tôi trấn an. - Đã nhận được bản thảo, đang dựng makét.
- Ấy chết, cho tôi xin lại.
Tôi đưa hắn sang phòng vi tính, nghe đâu nhờ xóa giúp một chữ. Cô đánh máy phàn nàn khổ quá, thêm một chữ bớt một chữ có là cái gì, ai đọc, mà có đọc chưa chắc họ đã phát hiện ra. Tác giả nào cũng cho mình là khuôn vàng thước ngọc. Mấy anh bạn của anh đến đây đều là không bình thường. Cô nói làm tôi phì cười: “Thì bình thường nó đã chẳng cầm bút”. Hình như nghe thủng lời tôi, đã khuất dạng trong khung cửa hắn quay lại trợn mắt:
- Anh vừa nói cái gì?
- Tôi bảo: In thì cứ in không có lần sửa cuối cùng đâu.
- Thế thì còn được! - Hắn soi vào mắt tôi như nhìn gốc thông nọ rồi mới chìa tay ra bắt.
Có ông bác sĩ ngồi uống nước ở “Quán cây thông” thấy nhà văn miệt rừng lắc đầu: “Trầm cảm điển hình”.
- Chữa thế nào anh? - Vợ nhà văn lo lắng.
- Bây giờ nhiều thuốc tốt, cứ đưa anh ấy đến phòng mạch của tôi.
Vợ nhà văn kể lại, tôi khuyên: “Viết là một phương pháp trị liệu. Mỗi ngày cô nên đưa cho ông ấy một xị rượu”.
Ít lâu sau có người gọi điện cho ban biên tập hỏi số điện thoại và địa chỉ của tác giả truyện ngắn “Tiếng kêu cứu của rừng”.
- Tôi là một thiền sư. Tôi đã đọc rất kỹ truyện ngắn ấy. Tả cái tiếng kêu phát ra khi cây bị đốn hạ sao mà đúng mà hay đến thế.
- Vâng vâng, xin cám ơn anh… Rất hay, rất ám ảnh.
Tôi cũng phụ họa theo chứ thực ra có nhớ gì đâu. Sau đó, vội lật lại trang tạp chí vừa ra số trước.
Hắn, nhà văn miệt rừng hàng xóm của tôi viết là:
“Ặc - ặc - ặc...! Ác!... Ác!... ác ác ác! Òa... à!”.
Độc giả, thiền sư đã mở mắt cho biên tập viên là tôi: Cây bị đốn hạ, như người bị hạ sát, tiếng “ặc ặc” khi bị chọc tiết đứt đoạn, dứt khoát. Rồi những thớ gỗ như da thịt lần lượt bị căng đứt cất tiếng tố cáo: “Ác... ác ác ác” nhỏ dần, nhỏ dần khi cây từ từ ngả xuống. Tán lá đổ òa, trút hơi thở cuối cùng của một sinh linh trở về đất mẹ.
Tôi chạy ngay đến nhà anh báo tin vui thì thấy lửa bốc lên ngùn ngụt, khói đen nghi ngút. Ngọn lửa từ lò rượu của bà vợ vô tình đã hóa vàng tủ sách của chồng, trong đó có những tác phẩm mới viết. Tôi nói với anh:
- Nếu con chữ có hồn vía thật thì nó sẽ bay lên, bằng không chỉ có xác chữ trên xenlulô thì mặc cho nó cháy.
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM