Duyên nợ giữa tôi với Đà Lạt bắt đầu từ chuyến xe đò gần ba thập niên trước. Khởi hành chiều muộn từ Sài Gòn, quá nửa đêm xe mới ì ạch lên đèo Prenn. Đó là chiếc xe chạy dầu diesel, đại diện cho nỗi thống khổ giao thông của thập niên 1980; nó như con ngựa già chân chồn gối mỏi lại phải chở trên mình sự nặng nhọc của những phận người cần lao tha phương...
Duyên nợ giữa tôi với Đà Lạt bắt đầu từ chuyến xe đò gần ba thập niên trước. Khởi hành chiều muộn từ Sài Gòn, quá nửa đêm xe mới ì ạch lên đèo Prenn. Đó là chiếc xe chạy dầu diesel, đại diện cho nỗi thống khổ giao thông của thập niên 1980; nó như con ngựa già chân chồn gối mỏi lại phải chở trên mình sự nặng nhọc của những phận người cần lao tha phương. Hết đèo, vùng ánh sáng của đô thị tràn dài thung lũng đầy những cánh rừng thông mở ra cho tôi một khoảng không gian lạ lẫm. Cây lá trầm mặc trong màn sương ảo ảnh. Hồi đó, phố xá chưa bung vỡ như bây giờ. Những ngôi nhà cũ kỹ nép vào nhau như nương tìm sự chở che bên những triền đồi buốt giá. Tôi choàng tỉnh trong một cảm giác mới mẻ. Từ phút giây khởi đầu đó, tôi đã nghĩ mình sẽ là một phần nhỏ nhoi của đô thị này, cùng thức ngủ, buồn vui với xứ sở. Đó là nơi chốn lựa chọn lập thân sau một quãng ngắn hoa niên xê dịch.
|
Sương loang Đồi Cù buổi sớ m. Ảnh: Võ Trang |
Trong khoảng tuổi đời 126 năm thành phố Đà Lạt tính từ 1893, tôi cũng đã có gần 30 năm sống cùng xứ sở khói sương, mây gió thân thương này. Ký ức tôi dù chỉ như là chiếc lá thông mỏng mảnh vẫn là một thực thể trong không gian ký ức của đô thị. Tôi lặng lẽ thuộc về nơi này khi nào không biết và hình như hơi thở của đất đai, nước, mây, gió mưa phố núi cũng đã thuộc về tôi.
Thời gian tự nhiên đi qua. Những địa tầng quá vãng của đô thị cũng xuất lộ dần trong khao khát khám phá. Cảm xúc thì luôn dày hơn thức nhận. Với Đà Lạt gắn bó thân thiết, tôi không muốn đặt lên đó những dấu mốc để suy nghiệm; không muốn đắp những cái đập chắn ngang lưu thủy để so bì nông, sâu. Tôi không muốn khảo luận để phân kỳ lịch sử và đối chiếu những tiến trình. Tôi cảm nhận một dòng chảy xuyên suốt, không ngưng nghỉ, róc rách với thời gian. Tôi nhớ nơi này từ những hoài tưởng ngàn xưa, thời ánh trăng rừng lạc giữa miền hoang lạnh. Tiếng thì thầm những ngôn ngữ huyền bí của muôn loài giữa rừng già vô chủ, khi hoang dã chưa tiếp nhận sự có mặt của con người nên cứ thế hồn nhiên. Tôi nhớ nơi này bởi tiếng hú dài vọng giữa đại ngàn của những cư dân bản địa tâm tính tinh khôi như một phần của thiên nhiên mộng mị, những thực thể tồn sinh theo lý lẽ của rừng. Cái nơi chốn lạ lẫm và chứa đầy bí mật mà những bậc thức giả từ vài ba thế kỷ trước như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Dương Văn An chưa thể đặt chân đến mà phải ngẫm suy dò đoán từ xa để đưa vào trước tác của họ những khảo luận mơ hồ. Lịch sử đô thị cũng không quên Paul Doumer, Jean Decoux. Dù hồn phách những vị quan Toàn quyền xứ Đông Dương đã hòa trong đất sâu Paris nhưng dấu ấn tham vọng của họ về một “đỉnh cao đế quốc” thì khó phai nơi đô thị cao nguyên này.
Sống giữa đô thị nhuốm màu hoài niệm, nhiều khi bất chợt rưng rưng trước những rêu phong. Một dinh thự hoang phế vẫn ánh lên vàng son quá khứ. Một bức tường đá cũ nham nhở. Một ngõ dài hun hút những khóm hồng leo. Một rặng thông già mốc thân như thách thức. Một hồi chuông giáo đường ngân lên tiếng gọi lời Chúa. Một giọng cầu kinh văng vẳng chốn Phật từ bi. Cả lời rao hủ tiếu, bánh bèo, xôi khúc trong khuya cũng như vọng về từ cõi xa xăm. Gió thổi từ miền quá vãng. Ký ức đô thị miên viễn tự kể với chính mình. Hồn phố neo đậu trong hồn cư dân phố. Tôi là thực thể của đô thị này, và tôi cũng vậy. Có những lúc mủi lòng với những thời đã qua, những người đã xa, những biến động triều chính, những mảnh vỡ lịch sử. Người Pháp thực dân đã trở về với quê nhà của họ từ rất lâu rồi. Hoàng Đế cuối cùng triều Nguyễn tha phương lưu lạc rồi gửi thân xác tàn rũ xứ người. Gia tộc họ Ngô quyền uy cũng đã trở thành bóng ma lịch sử. Sông máu núi xương chất chồng, tất cả tan vào hư vô. Trâm anh thế phiệt và lam lũ bần hàn. Lâu đài tráng lệ và những túp lều cỏ. Sang hèn gì thì cũng đã về với nẻo xa mịt mù.
Ngước lên trời cao, ngọn thông đung đưa trước gió, hồ như rì rào kể những câu chuyện của buổi cũ, thời xưa…
* * *
Tôi hoài nhớ nơi chốn này bởi những ghi chép tả thực của Nam tước đại thần Đoàn Đình Duyệt trong Lâm Viên hành trình nhật ký. Tôi nhớ nơi chốn này từ nhật ký thám hiểm và những bản phúc trình của nhà bác học Alexandre Yersin. Tôi cũng nhớ những mô tả dấu chân dã thú, mùi khét của cọp bên triền cỏ tranh của bà Gabrielle. M.Vassal trong du ký Ba năm ở Annam khi lần đầu tiên nhà du hành này leo núi lội rừng từ bờ vịnh Nha Trang lên cao nguyên miền Thượng hồi đường sá chưa mở. Có đôi lúc thẫn thờ đi tìm những mảnh ký ức của đô thị như đi tìm chính những mảnh rời trong tâm hồn mình. Nơi nào Cựu hoàng Bảo Đại từng trao Bảo quốc Huân chương cho những nông phu xứ bắc đầu tiên vào đây mở nghề canh nông? Nơi nào Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng chủ trì Hội nghị Trù bị Fontainebleau để lo cho nền độc lập dân tộc? Nơi nào thi nhân Hàn Mặc Tử ôm trái tim rớm lệ co ro bên hồ lạnh lẽo để viết thi phẩm Đà Lạt trăng mờ? Nơi nào nữ sĩ Tương Phố khóc chồng như mưa Thu rả rích? Nơi nào thần đồng Phạm Công Thiện ngồi đếm lá thông rơi mà viết những tùy bút triết học lạ lùng? Nơi nào nhà văn Nhất Linh chơi lan rừng thổi nhạc tiêu chờ thời và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng danh ca Khánh Ly lên đồi uốn những nốt đầu tiên trong gia tài âm nhạc thăm thẳm thời gian? Và nơi nào thì Lê Uyên và Phương trao nhau nụ hôn đầu đắm đuối?...
Tôi đi tìm bóng hình của những người lừng lẫy, rồi lại đi tìm dấu chân của bao người vô danh. Chính những người không ai quen mặt nhớ tên đã làm nên ký ức nền của thành phố. Họ là dấu lặng, nốt trầm trong bản giao hưởng đa thanh của xứ sở từng trải qua lắm thăng trầm biến vi. Có những buổi hoàng hôn dần buông, tôi thả ánh mắt và tâm hồn mình về dãy núi mờ xa. Phía cuối chân núi ấy là những buôn làng Thượng. Những tộc người thiểu số đã an lành giữa chốn thiên nhiên, nhưng tôi biết, họ nhớ lắm nơi này. Thỉnh thoảng đâu đó giữa trung tâm thành phố, tôi lại gặp đôi ba dáng hình lưng còng gùi nặng đứng lặng ngắm mặt hồ như muốn soi về ký ức của dòng suối Lat, nơi ngày xưa cha ông họ từng chôn nhau cắt rốn, khi “người lạ” chưa tới. Cảm giác như trong dòng tâm thức của những người con của núi đang có sự “trở về”. Tôi cũng đã giẫm lên dấu chân những nông phu đầu tiên từ miền xa được quan quân tuyển mộ đến đây. Buổi đầu ngơ ngác, bơ vơ giữa đất trời lạnh giá để rồi không lâu sau đã trở thành chủ nhân của xóm làng, vườn tược, đất đai, cây trồng, chợ búa, phố xá. Tôi vẫn thường lang thang vào những hẻm vắng và lặng ngắm những ngôi nhà cũ để thả hồn cho trí tưởng tượng. Những ngôi nhà từng ấm áp qua bao thế hệ với bếp củi thơm mùi gỗ ngo, siêu trà sôi tí tách, hình ảnh cha ngồi đọc sách, mẹ đan len, chị gái chơi đàn, em trai giỡn bi. Họ là những cư dân thành phố, những con người cất lên tiếng nói và hành vi ứng xử giao hòa thân thiết với nhau, gần gũi với tháng gió năm sương. Bước chân tha hương nặng tình cố xứ, cảm thức lưu dân nơi đất lạ xứ xa đã tạo nên những nét tính cách khác biệt. Đó là một phần vô cùng đáng yêu của đô thị nơi tôi đang sống.
Tôi đã gặp, đã sẻ chia và vẫn mãi đi tìm như lần lại những giá trị xưa cũ có nguy cơ nhạt phai bởi nhiều kết cấu đang diễn tiến đổi thay...
* * *
Không chỉ là lữ khách, tôi đến đây, đã ở lại nơi này. Năm tháng mới xảy ra gần thôi nhưng đi qua rồi vẫn giăng mắc trong lòng một nỗi hoài nhớ. Nỗi nhớ, trên xứ sở này, đôi khi là những thực thể hiện hữu rõ ràng, đôi khi mơ hồ như là ảo giác. Ai đã cùng tôi run run nhìn một giọt sương mai tan dần trên lá cỏ. Ai đã cùng tôi ngắm một nụ hoa không biết tên vươn lên từ thảm lá thông rụng mục dày. Ai đã cùng tôi lặng trước rặng quỳ vàng nở rạo rực bên triền núi lạ. Có đôi khi vẳng từ căn nhà gỗ lưng chừng triền dốc tiếng dương cầm thánh thót gợi một mỹ cảm sang trọng và xao xác buồn. Những tòa tháp chuông Thánh đường, Phật đường vươn lên bầu trời, những chiếc lá thông nhọn tụ thành những tán cây hình kim. Ở xứ sở này, ngay cả tiếng chuông từ nơi dưỡng tâm hình như khởi sinh đã hướng thượng. Ânh thanh hoang liêu của chốn linh nghiệm hòa trong sắc màu thiên nhiên tạo nên điệu hoàn vũ thiện lành.
Cuộc vật đổi sao dời chóng vánh. Chỉ mới gần ba thập niên thôi mà tôi đã phải nhớ về Đà Lạt những ngày đầu đặt chân tới như nhớ về một miền ký ức. Nỗi nhớ của tôi quay về với những bữa tiệc sương tràn trề. Sương giăng mờ thung lũng Trại Hầm trước ngõ nhà tôi. Sương đọng trên mái tóc học trò. Sương đẫm mi mắt, ướt đầm má bồ quân của mấy cô bạn đồng nghiệp mỗi sáng. Sương phủ lên những rừng thông, ẩm ướt những mái nhà ngái ngủ. Cái lạnh thì tái tê. Trước ly cà phê nóng mỗi sáng, chúng tôi đan tay vào trong bít tất len mà khớp xương buốt nhức. Mùa mưa thì bớt lạnh hơn nhưng Đà Lạt đã mưa thì đến xót trời rầu đất, cả mấy tháng ngắm mưa người cứ nhũn ra. Thời đó, Đà Lạt chưa phải là vùng có nhiều dự án, chưa đào núi, ủi đồi, chặt cây, lấp hồ. Đà Lạt hồi đó nhiều xanh, bởi chưa bị bọc bởi nhà kính, nhà lưới. Đà Lạt hồi đó lưa thưa bởi công trình xây dựng chưa mọc lên điệp trùng như bây giờ. Đà Lạt hồi đó những cánh rừng nguyên sinh len cả vào nội ô, nơi nào cũng có cây và thảm cỏ. Tuyền Lâm vẫn là hồ nước long lanh trầm mặc không có tiếng động cơ. Rừng đêm tĩnh mịch, tiếng chuông Thiền viện Trúc Lâm lan qua khói sóng mặt hồ rồi tan vào hư vô. Ký ức của tôi là những buổi sáng đường phố Đà Lạt lưa thưa bóng người. Phành phạch đôi chuyến xe Lam-brơ chở rau, hoa ra chợ. Trễ nải những vòng quay xe đạp. Bước chân ai phì phò đẩy xe lên dốc. Thành phố nhỏ, dáng dắt xe đạp mỗi ngày cũng quen đến nỗi dù là người lạ mà vắng thì vẫn thấy nhớ. Ký ức của tôi còn là ngôi biệt thự đã gần như hoang phế được biến thành khu tập thể mà chúng tôi đã gửi trọn tuổi thanh xuân nơi đó. Ngôi Biệt thự số 14 trên triền đồi thông già ở đường Hùng Vương này ngày xưa là nơi ở của bà Thứ phi Mộng Điệp mà ông Cựu hoàng Bảo Đại thương yêu. Sau những bận rộn triều chính, đây là nơi mỗi khi đêm về Cựu hoàng hào hoa vẫn thường đến với một trong những người tình của mình. Bởi lịch sử của nó, ngôi nhà này chứa trong mình nhiều câu chuyện lạ kỳ về một thời là tổ ấm của những người đặc biệt quyền quý. Còn thời tôi sống, với công năng một “khu tập thể” thì Biệt thự 14 đường Hùng Vương lại là nơi ghi dấu những năm tháng gian khó của những người làm báo tỉnh lẻ lương thấp, nhuận bút quèn nhưng ấm áp nghĩa tình, mở lòng chia sẻ. Ngôi nhà mốc rêu, sàn mục, mái dột, cửa long này cũng là nơi chúng tôi đón nhiều tao nhân mặc khách mọi miền. Có những người bây giờ danh tiếng như cồn nhưng thuở hàn vi khi xưa đến đây thì đói quay đói quắt. Nhiều hảo hán nổi trôi hết nơi tá túc cũng từng chọn số 14 đường Hùng Vương gửi thân một quãng…
Không biết tự lúc nào tôi đã trộn lẫn đôi dòng kỷ niệm của cá nhân mình vào dòng chảy ký ức thành phố. Cũng phải thôi, vì bản thân đã tự nguyện làm kẻ vô danh dự phần vào lịch sử của đô thị này. Là một thực thể nhỏ nhoi nhưng tôi được cùng vui buồn, sướng khổ, cùng chia gió, sẻ mưa với mọi nhịp điệu đời sống của Đà Lạt thân thương.
“Và như thế tôi sống vui từng ngày…”, (Trịnh Công Sơn).
Tùy bút: UÔNG THÁI BIỂU