Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Việt Nam và thế giới càng nhận rõ tầm vóc cao cả của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, nhà tư tưởng hiện đại và mang cốt cách hiền triết phương Ðông...
Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Việt Nam và thế giới càng nhận rõ tầm vóc cao cả của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, nhà tư tưởng hiện đại và mang cốt cách hiền triết phương Ðông... Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một văn kiện có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Ðảng và Nhân dân ta coi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô giá, xứng đáng được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa tinh thần của dân tộc. Qua 50 năm thực hiện lời dặn dò của Người đã cho thấy những giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc ngày càng được khẳng định và vẫn tươi nguyên giá trị.
|
Ảnh: Tư liệu |
1. Ở tuổi 75 khi “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, với nhiều hoạt động cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay viết “Di chúc” để dặn dò lại những người kế tục sự nghiệp cách mạng phòng khi Người về với thế giới người hiền, “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Mặt khác, tình hình thế giới và trong nước đang đặt ra những vấn đề khó khăn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam cũng là một nhân tố quan trọng thôi thúc Bác viết Di chúc. Vì lẽ đó, vào 9 giờ sáng 10/5/1965, tại nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc, Người gọi đây là tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Tài liệu ba trang do chính Người đánh máy, được Bác viết xong ngày 15/5/1965 có chữ ký chứng kiến của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn.
Sau đó, cứ vào dịp tháng 5 năm 1966 và 1967, Người đọc lại, suy ngẫm, cân nhắc kỹ những điều đã viết ra nhưng không sửa chữa gì thêm. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, thế trận miền Nam có một số thay đổi, sức khỏe của Bác càng yếu thêm, Người đã bổ sung một số đoạn gồm 6 trang viết tay. Trong đó, Hồ Chủ tịch viết lại đoạn mở đầu và đoạn “nói về việc riêng”. Đó là những đoạn nói về những việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn thắng lợi. Ngày 10/5/1969, Người chỉnh sửa và viết lại hoàn chỉnh Di chúc. Nội dung Di chúc là sự kết tinh lý tưởng cộng sản và niềm tin sắt đá vào lý tưởng cao đẹp ấy, của tình cảm cách mạng sâu sắc và trí tuệ cách mạng sáng suốt, của lương tâm trong sạch và lối sống thanh cao, của lòng yêu nước thương dân và tinh thần quốc tế vô sản. Khẳng định giá trị của bản Di chúc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Bản Di chúc tuy ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau”.
2. Nội dung cơ bản Di chúc của Bác gồm 7 phần chính: Trước hết nói về Đảng; Vấn đề bồi dưỡng thế hệ trẻ; Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Về phong trào cộng sản thế giới; Về việc riêng và phần cuối Bác dành những tình cảm tốt đẹp nhất gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè năm châu, đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Tình cảm này được thể hiện: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng... Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh thiếu niên nhi đồng quốc tế”. Có thể khẳng định: Bản Di chúc của Hồ Chí Minh thấm đẫm tính nhân văn như chính bản thân cuộc đời, trái tim Người mà nhà thơ Tố Hữu từng ngợi ca trong bài “Bác ơi!”: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Chính vì thế, ta không ngạc nhiên khi Người dạy về tình đồng chí: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.
Về tính nhân văn của Di chúc, trong bản bổ sung tháng 5/1968, ngay sau khi nói về chỉnh đốn Đảng, Bác viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Nặng lòng lo “sữa để em thơ, lụa tặng già” và “để đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” là nỗi lòng canh cánh, mối quan tâm lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc ăm ắp tình yêu thương của Người đối với tất cả các tầng lớp người trong xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm nhận thấy thân thiết từ lâu”. Theo Bác, cán bộ và đảng viên phải luôn lấy con người làm trung tâm của mọi sự suy tư và chủ đích của mọi hành động. Trong giai đoạn 1942-1943 bị giam cầm trong lao tù của Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch tại Quảng Tây - Trung Quốc nhưng tâm trí Người không chỉ nghĩ cho riêng mình mà còn rung động, sẻ chia, cám cảnh trước sinh linh nhỏ bé: “Cha trốn không đi lính nước nhà/ nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/ phải theo mẹ đến ở nhà pha” (bài Cháu bé trong ngục Tân Dương, tập Nhật ký trong tù)... Không chỉ trong Di chúc, mà chính cuộc đời Người luôn đặt trọn niềm tin vào sức mạnh và vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước. Với ước nguyện “Tự do cho mỗi đời nô lệ”, Bác căn dặn Đảng phải không ngừng chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống, khoan thư sức dân, bảo đảm việc làm, học tập, thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với từng đối tượng thương binh; liệt sĩ; gia đình thương binh, liệt sĩ; những người trẻ tuổi đã tham gia kháng chiến; phụ nữ; các nạn nhân của chế độ cũ... Thực hiện được như vậy chính là khích lệ tất cả mọi người đều có điều kiện phát huy hết năng lực của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Trong Di chúc tình cảm của Người không chỉ dành cho những người con dân Việt mà còn trải bao la dành cho cả thanh niên, nhi đồng quốc tế. Bác yêu cầu Đảng và Chính phủ vừa “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Không chỉ quan tâm một chiều mà phải làm sao giáo dục bồi dưỡng, nâng con người lên. Đối với thế hệ trẻ, Bác đã lưu ý: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bác yêu cầu: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”...”. Tư tưởng nhân văn của Người được nhà chính trị học Mỹ Rôbớt Uyliam cảm nhận: “Nếu nước Mỹ chúng tôi có được một vị lãnh tụ đầy lòng nhân đạo và quyết tâm như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn nước Mỹ sẽ đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp của nhân loại”.
3. Tính nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua Di chúc cho thấy rõ sự quan tâm của Người tới động lực phát triển con người và phát triển xã hội. Đó là động lực lợi ích vật chất và tinh thần, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, giải phóng sức dân, phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân và tiết kiệm sức dân.
Di chúc Hồ Chí Minh mang tầm vóc của trí tuệ, tư tưởng, tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh có sức mạnh cổ vũ, thúc đẩy đối với Đảng và Nhân dân ta, đối với mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ vững chắc một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
NGUYỄN THANH