Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30 tháng 4 hàng năm, ông Thành lại sửa soạn mâm cơm làm giỗ cho đồng đội, những người hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm tháng ác liệt đánh giặc Mỹ xâm lược...
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30 tháng 4 hàng năm, ông Thành lại sửa soạn mâm cơm làm giỗ cho đồng đội, những người hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm tháng ác liệt đánh giặc Mỹ xâm lược. Ngồi bệt trên chiếc chiếu trải giữa nhà, mắt ông đỏ hoe, thẫn thờ nhìn dán vào từng bức di ảnh chân dung đồng đội. Những gương mặt thân quen, ánh mắt lấp lánh, trong sáng, hồn nhiên của các chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi. Lướt qua từng gương mặt, tới khuôn mặt trái xoan của Thảo Ly với đôi mắt sâu thẳm đen láy, nụ cười tươi rói như đóa hồng buổi sớm. Bao ký ức lại ào ạt ùa về trong ông như nó vừa mới xảy ra.
|
Minh họa: PHAN NHÂN |
Mùa hè năm 1972, khẩu đội đội pháo cao xạ của Thành vừa trải qua một trận đánh ác liệt với máy bay Mỹ, trong đó có pháo đài bay B52. Trận đánh diễn ra dữ dội, cả khẩu đội bảo vệ thành công đoàn xe chở hàng từ hậu phương vào tiền tuyến. Bọn giặc trời gặp sự đánh trả quyết liệt của bộ đội pháo cao xạ, chúng trút bom bừa bãi rồi vội vàng cuốn xéo. Tiếng bom nổ long trời vừa dứt, khói bom khét lẹt, đen đặc như những đám mây ma quái chưa tan hết. Những chiến sĩ khẩu đội pháo mặt mũi còn đen nhẻm, nhưng đôi mắt ai nấy đều ngời lên rạng rỡ khi nghe tin có đội văn công xung kích đến phục vụ. Đội văn công xung kích sẽ phục vụ bộ đội ngay tại trận địa. Sân khấu biểu diễn là bãi đất trống giữa rừng. Nhạc cụ của đoàn văn công chỉ là cây accordion, đàn guitar, sáo trúc và một cây đàn bầu, không có dàn âm thanh.
Đã mấy năm chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, Thành và đồng đội của mình chưa một lần được xem văn công biểu diễn nên ai nấy rất háo hức chờ đợi phút giây các chiến sĩ văn công tới. Khi đội văn công xuất hiện, mặc dù không ai trang điểm phấn son, nhưng những cô gái như những bông hoa rực rỡ, tất cả trong quân phục gọn gàng. Toàn - cậu lính trẻ vừa thấy các chiến sĩ nữ văn công liền hét lên: “Trời ơi, đúng là văn công, xinh quá!”. Thành cũng không rời mắt khỏi những cô gái. Buổi biểu diễn bắt đầu, các chiến sĩ văn công vừa hát vừa múa. Tiếng sáo, tiếng guitar, tiếng đàn bầu hòa quyện, lan tỏa khắp cánh rừng. Những ca khúc nối nhau được trình bày, song nhiều nhất vẫn là những bài ca về người lính như: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Cùng mắc võng trên đỉnh Trường Sơn... Tiếng hát của chiến sĩ văn công vang lên hào hùng rộn rã, Thành thấy khắp người rạo rực, miệng lẩm nhẩm hát theo. Trong tám cô gái, Thảo Ly là cây đơn ca chính của đội, mỗi khi cô hát, tất cả đều im lặng lắng nghe như nuốt từng lời bởi giọng hát mượt mà, truyền cảm. Có lúc tiếng hát vút lên trong vắt, cao vút bỗng chuyển đằm thắm dịu dàng. Có khi mạnh mẽ như thác đổ, dồn dập, ào ạt như những đoàn quân hừng hực khí thế tiến công. Rồi tiếng hát đẩy đến cao trào, sôi sục tới khi kết thúc. Nghe Thảo Ly hát, cả khẩu đội pháo như được tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin, tràn đầy khí thế sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.
Buổi biểu diễn kết thúc khi trời sụp tối, đội văn công xung kích tíu tít vây quanh các chiến sỹ khẩu đội pháo để giao lưu. Các chiến sỹ hỏi tình hình ngoài Bắc, hỏi tên, địa chỉ của các nữ văn công. Thật bất ngờ, Thành và cây đơn ca chính xinh đẹp, duyên dáng nhất đội văn công có tên Thảo Ly lại là người cùng quê. Nhà hai đứa cách nhau một dòng sông nhỏ và học chung một ngôi trường cấp hai. Thảo Ly học sau Thành hai lớp nên không biết nhau. Khi nhận ra là người cùng quê, Thảo Ly và Thành không rời nhau nửa bước cho tới khi đội văn công lên đường. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng tình cảm họ dành cho nhau như đã gặp từ lâu. Với miệng cười tươi như hoa, mùi hương từ cơ thể Thảo Ly khiến Thành ngây ngất. Nhìn sâu vào mắt Thảo Ly, Thành nhận thấy ánh mắt ấy như muốn nói với Thành những điều thân thương khiến trái tim Thành thổn thức. Nó như một lời hẹn ước lúc chia tay.
Với Thành cũng vậy, khi vừa thấy Thảo Ly, Thành đã cảm thấy trái tim mình run lên. Từ con người đến cử chỉ của cô, Thành đều thấy yêu. Khi Thảo Ly biểu diễn, Thành chỉ muốn buổi biểu diễn sớm kết thúc để gặp cô. Buổi biểu diễn kết thúc, Thành và Thảo Ly đã không rời nhau cho tới khi đội văn công xung kích lên đường.
Thời còn là sinh viên, Thành là tay khắc bút nổi tiếng. Chưa đầy hai phút, chiếc bút máy Thành rất quý, luôn mang theo bên mình được Thành khắc lên dòng chữ: Hẹn gặp em ngày Thống Nhất. Nhận chiếc bút từ tay Thành, đôi mắt Thảo Ly chớp liên hồi, cố kìm dấu cảm xúc. Thảo Ly nắm tay Thành rất lâu, giọng nói nhẹ như hơi thở: “Hãy chờ em anh nhé”.
- Ta đi thôi Thảo Ly ơi, muốn làm dâu lính cao xạ thì đợi tới ngày giải phóng. - Giọng đội trưởng đội văn công xung kích thúc giục. Hai người bịn rịn chia tay.
Sau lần gặp gỡ ấy, hình bóng Thảo Ly theo Thành vào cả giấc ngủ. Thành mơ thấy ngày đất nước thống nhất, Thành chạy như bay tìm Thảo Ly. Gặp nhau, Thành ôm chặt lấy cô, thổn thức, vui mừng cùng niềm vui đất nước sạch bóng quân thù, rồi Thành làm chú rể. Ngày cưới, đồng đội và các chiến sĩ văn công của đội xung kích tới dự rất đông. Họ hát vang những bài ca về Trường Sơn, những bài hát một thời hoa lửa...
Sau đêm biểu diễn cho các chiến sĩ pháo cao xạ, đội văn công xung kích tiếp tục đi sâu vào phía nam. Các chiến sĩ văn công vào mặt trận, mang tiếng hát của mình động viên các chiến sĩ đang ngày đêm trực tiếp chiến đấu trên dọc tuyến đường Trường Sơn.
Khẩu đội pháo của Thành bước vào những ngày chiến đấu ác liệt bởi máy bay Mỹ liên tục oanh tạc, bắn phá. Chúng trút bom không ngưng nghỉ, không kể ngày đêm. Song, khẩu đội pháo do Thành chỉ huy vẫn đứng vững. Mỗi lần chỉ huy khẩu đội chiến đấu, Thành như nghe thấy tiếng hát của Thảo Ly, như thấy Thảo Ly đang đứng bên cạnh tiếp thêm nghị lực cho mình.
Một buổi chiều, khi hoàng hôn dần cạn, đỏ ối miên man, cả cánh rừng im lặng đến lạ lùng. Máy bay Mỹ cũng không đánh phá. Giây phút hiếm hoi được nghỉ thì bất chợt Dũng - khẩu đội phó hớt hải chạy tới, giọng nói nghẹn lại: “Anh Thành...! Thảo Ly… Chị Thảo Ly ở đội văn công xung kích... chị ấy... hy sinh rồi!”. “Hả! Thảo Ly hy sinh? Trời ơi... sao lại thế được... Thảo Ly ơi!”.
Hai tay ôm lấy đầu, Thành đứng không vững. Dũng chạy tới đỡ Thành, giọng lo lắng: “Anh có sao không? Anh hãy bình tĩnh, chiến tranh mà anh, sao có thể tránh được hy sinh. Anh và em cũng vậy, hôm nay chiến đấu, nhìn thấy nhau đây nhưng ngày mai liệu có...”.
Bỏ lửng câu nói, Dũng ngồi bệt xuống nền rừng, đôi mắt đỏ hoe. Không chỉ Thành, cả khẩu đội cao xạ ai cũng yêu mến Thảo Ly, mặc dù thời gian gặp gỡ giữa khẩu đội pháo và đội văn công rất ngắn ngủi.
Ngồi tựa lưng vào công sự, mắt Thành nhắm nghiền, trái tim như tan vỡ, miệng liên hồi gọi tên Thảo Ly: “Thảo Ly ơi… sao em đi nhanh vậy? Em đã quên lời hẹn với anh…”.
***
- Có phải anh là Thành?
Thành choàng mở mắt khi nghe tiếng hỏi đột ngột. Trước mặt Thành là đồng chí lái xe. Đặt chiếc ba lô xuống, giọng anh ta nghèn nghẹn - Thảo Ly gửi chiếc ba lô của cô cho anh… Thảo Ly nói… sau này đất nước giải phóng, nếu anh trở về, hãy mang tư trang cá nhân của cô ấy về cho mẹ cô và nói với mẹ, hãy tha lỗi vì Thảo Ly không thể về bên mẹ được nữa. Song, mẹ hãy tự hào vì con gái của mẹ, bởi Thảo Ly đã hoàn thành nhiệm vụ của một người chiến sĩ.
Tai Thành ù đi, lùng bùng khi nghe đồng chí lái xe kể giây phút cuối cùng của Thảo Ly: Buổi trưa hôm ấy, đoàn xe vận tải của chúng tôi dừng chân nghỉ ở binh trạm thì đội văn công xung kích tới. Cánh lái xe ào ra vây kín đội văn công. Biết sự mong chờ, háo thức của cánh lái xe, không kịp nghỉ ngơi, Thảo Ly và cả đội văn công ngay lập tức biểu diễn phục vụ bộ đội. Thời điểm ấy, máy bay Mĩ không tới đánh phá nên toàn bộ cung đường của binh trạm chỉ còn tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo và tiếng vỗ tay rầm rập của những chiến sĩ sau mỗi tiết mục. Vinh dự với các chiến sĩ lái xe là được hát cùng Thảo Ly. Thời gian biểu diễn vừa kết thúc cũng là lúc lũ giặc trời ào tới. Mọi người vừa kịp vào công sự, tiếng bom đã nổ tứ bề. Toàn bộ cung đường chao đảo, đất đá bay ào ào. Những đám cháy loang nhanh. Mấy chiếc xe chở hàng bắt lửa cháy bùng lên dữ dội. Bất chấp lũ giặc trời vẫn điên cuồng quần đảo trên không, liên tục trút bom, toàn bộ các chiến sĩ có mặt và đội văn công lao ra dập lửa cứu xe. Chiếc xe cuối cùng được dập tắt lửa, một chiếc F4 lại bất thần bổ nhào. Hai trái bom nổ cách mọi người chỉ vài mét. Đất đá bay trùm kín tất cả. Hơn chục đồng chí bị thương, bốn đồng chí hy sinh, trong đó có… Thảo Ly. Thảo Ly bị mảnh bom xuyên vào ngực... Giây phút cuối cùng, Thảo Ly kịp dặn tôi: “Nhờ đồng chí mang tư trang cá nhân của Thảo Ly tới khẩu đội pháo cao xạ, đưa cho anh Thành, anh là người thân của Thảo Ly…”. Nói tới đó, Thảo Ly thoáng nở nụ cười như lời chào cuối cùng rồi nấc liên hồi… mắt khép lại, và... cô ấy ra đi!
***
- Sao ông cứ ngồi thần ra thế? Nhang cháy hết rồi kia kìa! - Bà Hảo, vợ ông Thành từ phòng trong đi ra lên tiếng làm ông giật mình. Ông quay qua nói với bà:
- Bà biết không, đã hơn bốn mươi năm trôi qua, nhưng tôi không sao quên được những đồng đội đã cùng mình trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân thù. Tôi không sao quên được bà có biết không?!
Nói với bà Hảo xong, mắt ông lại dán vào những bức di ảnh liệt sỹ. Nước mắt ông lại trào ra. Mặc cho dòng nước mắt lăn dài, tràn xuống khuôn mặt khắc khổ. Ông cứ ngồi đờ dẫn, trong đầu thầm ước “Giá có phép màu làm cho đồng đội sống lại, có thể bước ra từ những tấm ảnh kia, cả Thảo Ly nữa, người con gái vừa tròn đôi mươi, với tuổi xuân phơi phới đã tình nguyện ra mặt trận. Em là hiện thân của người lính, mang tiếng hát át tiếng bom, hát cho cả nước hành quân ra trận. Trong bản đại hợp xướng của dân tộc, em đã và mãi mãi là một trong những nốt nhạc xanh mãi ngân vang, cao vút”.
Truyện ngắn: DUY LƯU