Người vẽ hoa văn trên gốm

07:05, 23/05/2019

Trong ký ức của Đạt, Hoạt là một người lính trẻ kỳ dị, ngang bướng. Hoạt mới có 17 tuổi 6 tháng nhưng đã cao 1m8, đi đứng lênh khênh như một cây sào. Người hắn gầy đã đành, bộ mặt xương xẩu trông càng khó coi. Hoạt chỉ được cái sức khỏe...

1. Trong ký ức của Đạt, Hoạt là một người lính trẻ kỳ dị, ngang bướng. Hoạt mới có 17 tuổi 6 tháng nhưng đã cao 1m8, đi đứng lênh khênh như một cây sào. Người hắn gầy đã đành, bộ mặt xương xẩu trông càng khó coi. Hoạt chỉ được cái sức khỏe. Ở vào thời bình, giá như gặp một anh huấn luận viên bóng rổ, hoặc bóng chuyền, những tạng người có ngoại hình cao to như Hoạt, hẳn hắn đã được lựa chọn chơi thể thao cho quân đội. Cuộc sống đã không cho Hoạt chọn nghề, bỏ mặc hắn lăn theo năm tháng. Thật tiếc cho Hoạt, giá như được chơi thể thao Hoạt có sẵn năng khiếu bẩm sinh. Ví như chùm trái xoài treo lúc lỉu trên ngọn lá xanh om, giữa những trái to, trái nhỏ, trái xanh, trái ưng ửng chín… Hắn chỉ cần cầm một hai miếng mảnh sành vỡ trên tay ngắm nghía một lát, chắc chắn có vài trái xoài đã rơi lộp bộp xuống đất, đủ để cho cả tiểu đội có một đĩa nhậu xoài xanh trộn với mực khô, cá khô ngồi lai rai cả chiều. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Còn cú đập bóng chuyền của Hoạt thì thật khủng khiếp. Vào mỗi buổi chiều, ngày đơn vị còn đóng quân ở Châu Đốc, bộ đội sau giờ tập luyện lại vào nhà dân, xuống ấp, xuống xã đi làm công tác dân vận. Đồng bào ở đây đa phần là người Khơ Me. Đám thanh thiếu niên ham thể thao, múa hát. Trên khoảng đất trống trước cửa văn phòng ủy ban nhân dân xã, bộ đội đã dựng một sân bóng chuyền, kêu gọi thanh thiếu niên đến chơi. Chiều nào cũng vậy, khoảng sân đất ồn ào như vỡ chợ vì những cuộc đấu bóng chuyền, bóng đá mini 7 người giữa thanh niên trong các ấp và bộ đội. Để cho cân bằng lực lượng, phát huy tối đa tinh thần đoàn kết quân dân, những trận đấu bóng không chia phe giữa quân với dân mà bộ đội và thanh niên hợp nhau lại làm một chia đều quân. Bên nào cũng có người giỏi, người kém. Mấy chục anh thanh niên trai tráng bất kể là bộ đội hay thanh niên ở làng chỉ mặc quần đùi, áo may ô, cởi trần chẳng còn nhận ra đâu là dân, đâu là lính nữa. Nhưng hễ Hoạt đứng ở phía bên nào dứt khoát bên ấy sẽ thắng, nên anh nào cũng mong được ở phe của hắn. Thế là đành phải “oẳn tù tì” để chia quân. Luật chơi đã định bên thắng ở lại thua ra. Thua liền ba ván mất độ phải đãi bia lúc kết thúc cuộc chơi. Hoạt cao lênh khênh hơn đám thanh niên cả cái đầu. Đôi tay của hắn dài như tay vượn. Mỗi khi đập bóng chỉ hơi nhón chân đã vọt qua mép lưới. Cánh tay của hắn giáng vào trái bóng mạnh như đánh búa tạ. Trái banh cắm xuống đất văng ra tận cánh ruộng mạ. Có lần trái bóng chuyền bật múi chỉ, ruột bóng lòi ra ngoài căng to như bụng bà có bầu 8 tháng. Sức đập mạnh quá, trái bóng nổ tung. Đánh bóng chuyền như thế ai chả khiếp! Còn chơi bóng đá muốn cản phá trái đường bóng của Hoạt đang rê dắt, định sút vào lưới, cách duy nhất có hiệu quả là 2, 3 thanh niên trẻ khỏe lao vào cái chân trái của hắn “chém”. Trọng tài có thổi thẻ đỏ cũng chơi, nếu không sẽ thủng lưới, mất độ. Độ cho một trận bóng đá cũng rẻ, bên thua phải chịu cho bên thắng mỗi người một ca bia rượu cỏ, chừng hơn lít. Chỉ có vậy mà làm náo loạn của làng. 
 
Hoạt có sức khỏe nhất trong trung đội và cả đại đội. Chỉ có điều hắn chẳng giúp ai bao giờ. Chỉ tiêu giao cho mỗi người một ngày chặt đủ 3 khúc gỗ về lát hầm kèo chữ A. Hắn chặt đúng 3 khúc gỗ, mỗi khúc dài 1m8, nộp cho tiểu đội trưởng xong lỉnh đi tắm và chuồn vào chơi trong xóm tán gái. Giao thông hào tiểu đội yêu cầu mỗi người phải đào 2m. Người khác phải đào cả ngày. Hoạt đào trong một buổi sáng rửa cuốc xẻng sạch sẽ rồi biến. Hắn có cái xẻng Mỹ nhặt được ngày còn đóng quân ở Bến Lức, đi hành quân đến đâu cũng mang theo chiếc xẻng được lau chùi sạch sẽ như một vật thiêng, bó trong tấm vải đèo ở ba lô. Đã có lần trong cuộc họp tiểu đội, anh tiểu đội trưởng mang Hoạt ra phê bình thói ích kỷ, không biết tương trợ bạn. Hắn gân cổ cãi. “- Các anh thông cảm! Thầy bu tôi là dân thợ, chẳng được học nhiều. Từ nhỏ các cụ mỗi bữa ăn chia đều cho anh em chúng tôi từng bát cơm, củ lạc. Của ai người ấy ăn, việc ai người ấy làm…”.
 
Dưới con mắt và cách suy nghĩ của anh Huyện - chính trị viên đại đội, những người lính như Hoạt luôn là một kẻ bất trị, ngang bướng, phải dè chừng. Đạt vẫn còn nhớ trong cuốn sổ tay ghi chép của anh Huyện chẳng có một lời nào ưu điểm dành cho Hoạt. Chân dung Hoạt được anh Huyện tóm tắt như sau: “Thành phần con cái công nhân. Cha là thợ lò, mẹ là thợ gốm. Tư tưởng tự do vô kỷ luật, tính ương ngạnh. Đi họp không bao giờ đúng giờ. Bên mẹ có người là Việt kiều Thái Lan. Cần cảnh giác khi lâm trận dễ bỏ trốn theo địch…”. 
 
Nhưng với anh em trong tiểu đội, nhất là những anh bộ đội tân binh nhập ngũ sau ngày giải phóng 1975, đại bộ phận trong số ấy là thanh niên Nam Bộ, thua kém Hoạt một vài tuổi lại rất khoái hắn. Có Hoạt ở đâu, vui ở đấy, chuyện tầm phào nở rộ như pháo rang. Gặp lúc nhậu có Hoạt mới vui, hay kể chuyện tếu táo. Những người lính tân binh nghĩ đơn giản, Hoạt có tuổi quân hơn họ. Anh ta đã từng nếm mùi bom đạn ở phòng tuyến Thành Sơn, ở vành đai Xuân Lộc. Ngày 30/4 Sài Gòn giải phóng, Hoạt đã có mặt. Thế là lính chiến rồi. Nhất loạt đám lính tân binh gọi Hoạt bằng anh hai dù hắn chẳng hơn họ bao nhiêu tuổi và cũng chỉ mang lon binh nhất. Chỉ riêng cái việc Hoạt không được phong hạ sĩ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Hoạt nói toang toác trong tiểu đội. “- Chả sao! Tao binh bét càng hay. Nay mai trên cho giải ngũ, tao về quê nhanh, lấy vợ!”. Có người hỏi: “Mai mốt ra quân anh định làm gì mà sống?” Hoạt đáp tỉnh bơ. “- Tớ về làng đi vẽ tranh! Đây sợ đếch gì”. 
 
Từ năm 10 tuổi, Hoạt đã đi theo mẹ vẽ tranh cho các làng gốm ngoài Đông Triều. Hắn có hoa tay chỉ vài cái vẩy bút đã ra một bông hoa, nhành lá. Nguệch ngoạc vài nét đã ký họa xong một bức tranh cho người đang ngồi làm mẫu trước mặt, bất kể họ là ai. Mỗi khi đơn vị đóng quân ở đâu, gặp lúc rảnh rỗi, cao hứng Hoạt lôi giấy ra ngồi hý hoáy ký họa lúc thì cô gái Khơ Me con ông bà chủ, khi thì ký họa ông thầy chùa, rồi vẽ những ngôi chùa Khơ Me. Đám con nít trong ấp rất khoái chơi với chú Hoạt cao kều. Còn các cô gái Khơ Me nhìn hắn vừa ngại, vừa muốn làm quen để được hắn vẽ hình. 
 
Nhưng số lính không cho Hoạt giải ngủ sớm. Vì hắn mới nhập ngũ chưa được một năm nên trở thành nòng cốt để xây dựng đơn vị và rèn giũa đám tân binh. Hoạt phải mất thêm nhiều năm nữa để gắn bó với cuộc đời quân ngũ. Bắt đầu là những ngày tháng đi rà gỡ mìn. Các bãi mìn sau chiến tranh sao mà nhiều vậy? Đi đến vùng nào cũng có mìn! Đi rà gỡ mìn chưa xong đơn vị lại được điều động đi quy tập mộ liệt sĩ. Thêm vài ba tháng huấn luyện cho lính, vậy là hết năm. 
 
Thống nhất đất nước chưa được bao lâu, bát cơm ngày vui chưa tàn, giặc dã vùng biên, nạn Fulrô quấy phá ở Tây Nguyên. Những người lính lại ba lô súng đạn lên đường. 
 
Cho đến một ngày, đơn vị của Hoạt dừng chân ở đất An Giang, Châu Đốc chi viện cho các đơn vị bộ đội tấn công quân Pôn Pốt sang quấy phá biên giới. Đã có nhiều toán quân Pôn Pốt vượt qua biên giới vào đốt nhà, giết hại dân lành gây nên tội ác khủng khiếp cho nhân dân trong vùng.
 
2. Đơn vị của Đạt đến được Bẩy Núi thì quân Pôn Pốt chiếm đóng Ba Chúc đã bị bộ đội đẩy lui về phía bên kia biên giới. 
 
Đứng từ đỉnh Ngọa Long Sơn nhìn chưa hết tầm mắt qua những vườn dừa, vườn thốt nốt và cánh đồng cỏ lau, cỏ lác đã có thể thấy những xóm ấp của người Campuchia. 
 
Xã Ba Chúc có năm ấp là An Hòa, An Định, An Bình, Núi Nước và Thanh Lương. Ấp nào cũng bị quân Pôn Pốt đột nhập vào triệt hạ nhà cửa, sát hại bà con bất kể họ là người Kinh, người Hoa hay người Khơ Me. Hơn nửa tháng trời đơn vị của Đạt phối hợp cùng với các đơn vị công binh, bộ đội địa phương, dân quân du kích đi thu gom các xác người chết, xác thú vật bị thối rữa nằm rải rác khắp nơi, dọn dẹp tu sửa lại những ngôi nhà dân bị giặc đốt cháy, cướp phá. Lịch sử của Ba Chúc sẽ không bao giờ quên được chỉ trong 11 ngày giặc Pôn Pốt chiếm đóng đã sát hại 3.157 mạng người. Bất kể họ là đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ. Có người phụ nữ mới mang thai 7, 8 tháng cũng bị quân Pôn Pốt giết hại. Chúng giết người không chỉ bằng súng, lùa dân ra bãi bắn tập thể mà còn nhẫn tâm dùng dao búa đánh vào đầu, vào gáy, cắt cổ, xé xác, dập đầu vào gốc cây…Đi quanh các xóm ấp đâu đâu cũng gặp cảnh nhà cháy, máu đọng thành từng vũng trên mặt đất, máu khô cứng bết trên những bức tường trát xi măng. Những xác người, xác súc vật bị vất xuống giếng, vũng nước sâu, ném vào trong các hang đá bốc mùi hôi thối tanh nồng…
 
Vào một buổi chiều khi đại đội điểm duyệt quân số, trung đội 1 báo cáo lên không tìm thấy Hoạt. Cả trung đội, tiểu đội chia nhau đi tìm, coi thử có chuyện gì xảy ra với Hoạt. Họ quay trở lại từng căn nhà, từng góc vườn nhưng không thấy Hoạt đâu cả. Những ngày này quân Pôn Pốt dù đã bị đuổi về phía bên kia biên giới, nhưng từng toán nhỏ lẻ vẫn bí mật luồn sang các xóm ấp, ẩn nấp đâu đó trong các hang động, tìm cách bắn tỉa, bắt cóc thủ tiêu bộ đội, cán bộ du kích địa phương… Tìm cho đến tận chiều tối vẫn không thấy Hoạt, nhiều người cho rằng Hoạt đã bị địch bắt sống và bí mật đưa đi. Cho đến trưa hôm sau, trong lúc cả đại đội đang tập trung ở sân chùa Tam Bửu ăn cơm vắt, bất ngờ mọi người nhìn thấy Hoạt đi ra từ trong một vạt rừng dừa. Không còn ai nhận ra Hoạt nữa. Áo quần bê bết bùn đất và cả máu. Người Hoạt vốn cao to, lêu đêu như một cây sào, chỉ mặc trên người mỗi chiếc quần đùi với chiếc áo bộ đội vải Tô Châu bị rách nhiều chỗ. Trên vai Hoạt vác một khẩu B40, tay còn lại cầm thêm khẩu AK. Sau lưng hắn đeo một chiếc gùi tre, như thể có đựng vật gì bên trong. Lúc Hoạt hạ chiếc gùi tre xuống bất ngờ từ trong chiếc gùi nhẩy ra một con chó con với màu lông đen tuyền, trên trán chú chó mực có một chỏm lông trắng. Mọi người hỏi ra mới biết vào lúc chiều tối hôm qua, mải bám theo con chó mực, Hoạt đã đi lạc đường sang vùng núi Tượng. Đây là một ấp trù phú có những vườn xoài, vú sữa và mít rộng hàng chục hécta xen kẽ với những ngọn núi thấp có nhiều hang động. Con chó mực tinh khôn đã dẫn đường cho Hoạt đến một địa điểm mà khi lần đầu nhìn thấy Hoạt không khỏi kinh hãi. Trong một hang đá nhỏ, giặc Pôn Pốt đã giết hại hàng chục người, chúng vất những xác người chết chồng chất lên nhau. Đi loanh quanh vùng núi Tượng một lúc Hoạt tìm được đơn vị bộ đội địa phương đang đóng quân ở gần đấy. Hoạt và con chó mực đã dẫn bộ đội đến hang đá lấy xác của đồng bào đưa về nơi quy tập tử sĩ. Công việc làm xong thì đêm đã khuya. Theo lời khuyên của mấy anh bộ đội địa phương, Hoạt nghe cũng bùi tai đành ngồi lại với họ ăn cơm và uống rượu, đến sáng mới tìm về lại được đơn vị.
 
Từ lúc con chó mực được Hoạt cứu sống, nó không rời hắn một bước. Hoạt đi tới đâu con chó mực cứ lẵng nhẵng bám theo, như thể hắn là chủ của nó. Nhìn con chó nhỏ nhắn, tinh khôn, Hoạt quyết định đem con chó về nuôi. Một chân sau của con chó bước hơi khập khiễng. Hắn bế con chó lên coi thử, mới biết con chó cũng bị thương. 
 
Hẳn con chó mực bị đói lâu ngày, lúc Hoạt đưa cho nó một bát cơm to trộn thêm ít nước thịt hộp đựng trong chiếc bát B52 của bộ đội, chỉ một loáng con chó đã đả xong. Hoạt tắm rửa cho con chó, cưng nựng nó như là một đứa trẻ nhỏ. Nhìn kỹ mới thấy con chó có vóc dáng đẹp. Con chó giống lai của Thái có một màu lông đen tuyền, nhưng bốn chân lại là màu lông trắng trông chẳng khác nào một đứa trẻ con đang đi tất. Ngay giữa trán con chó có một chùm lông trắng ăn loang ra hai mí mắt. Nhìn con chó ăn, tung tăng chạy nhẩy quấn quýt bên Hoạt và những người lính, cả tiểu đội đều thích. Ai có gì ngon đều dành phần cho con chó. Lúc tiểu đội phải chuyển nhà, con chó mực lũn cũn chạy theo. Con chó mực khoang trắng trở thành tài sản chung của cả tiểu đội. Ai cũng có thể cho con chó ăn, tắm táp và hôn nựng nó. Lúc đi chốt gác ở ngoài bìa vườn, con chó lững thững theo người lính gác. Chỉ duy nhất lúc đi ngủ con chó không chịu gần ai cả mà rúc đầu vào chân Hoạt, hoặc nằm phủ phục ngay dưới chiếc võng, vừa ngủ vừa canh chừng. Một tiếng động nhỏ cũng làm cho con chó mực mở bừng mắt, nghiêng tai nghe ngóng. Khi phát hiện ra kẻ lạ, con chó gầm gừ trong cổ họng, có ý dọa. Và một khi nó đã cất tiếng sủa, lao ra khỏi chỗ nằm thì kẻ gian có chạy đằng trời cũng không thoát.
 
Con chó mực khoang trắng trở thành người bạn đồng hành của Hoạt và tiểu đội trong chuyến hành quân ngược đường ra Bắc đánh giặc. Dạo ấy biên giới Tây Nam đã tạm yên, nhưng khói lửa lại mịt mù nơi ải Bắc. 
 
Trong một trận đánh giữ chốt ở Tràng Định, Đạt bị thương. Vết thương nặng buộc lòng phải đưa anh về tuyến sau điều trị. Lúc đưa Đạt xuống chỗ xe cứu thương, Hoạt đi theo khiêng cáng. Con chó mực bám theo sủa ăng ẳng. Chiếc xe chuyển bánh, Đạt còn nghe rõ Hoạt nói. “- Anh Đạt đi khỏe nhé!”.
 
Những ngày nằm ở viện quân khu, hàng ngày Đạt vẫn cố gắng theo dõi tin tức đơn vị đang trụ bám ở Lạng Sơn. Một lần Đạt nhận được tin trong trận đánh giữ chốt, đơn vị của Hoạt được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba sau khi chặn đứng một tiểu đoàn địch. Ít ngày sau lại có người bị thương về nằm viện đưa tin cả trung đội của Hoạt đã bị xóa sổ bởi trận pháo của địch bắn trả. Lại có người nói thằng Hoạt cao kều ở trung đội 1 chỉ bị thương, rồi bị địch bắt sống đưa về bên kia biên giới.
 
Sau gần 8 tháng nằm viện điều trị vết thương, Đạt được xuất ngũ chuyển ngành về quê. Từ dạo ấy anh không còn hay biết gì về Hoạt nữa.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
3. Mùa xuân 2005, Đạt được nghỉ hưu.
 
Để thưởng công cho nhiều năm làm một anh công chức, công đoàn tổ chức cho Đạt đi tham quan vào dịp lễ hội ở Yên Tử. Lúc đi hào hứng, thích thú bao nhiêu, nhưng đến khi tới cổng chùa nhìn con đường nhớp nháp lầy lội sau những ngày mưa xuân rả rích và nhìn dòng người tấp nập, xô đẩy, chen lấn, tiếng người nói, tiếng chào mời mua quà bánh nhộn nhạo… Đạt thấy ngợp, sợ bấy nhiêu. Vài năm trở lại đây sức khỏe yếu đi, bệnh tình như nặng hơn, nhìn chỗ đông người, ồn ào, nhăng nhố, Đạt thấy hãi. 
 
Lúc đoàn tham quan lên được đến chùa Hoa Hiên, Đạt thấy mệt và choáng váng đầu óc. Anh nói với chị chủ tịch công đoàn cho riêng mình dừng lại ngồi chờ mọi người ở đây. Đoàn đi tham quan đồng ý ngay, họ bớt phải đèo thêm một anh ốm yếu, không leo được dốc đá. Còn Đạt thì cảm thấy sung sướng khi tách ra được khỏi đoàn người rồng rắn đang bám đuôi nhau leo lên núi. Anh sẽ có vài ba tiếng được tự do, thư thái một mình, tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của đám người đi hội đang xô đẩy, chen lấn nhau để leo lên cửa Phật. Đạt khoác chiếc túi nhỏ đi sâu vào phía sau chùa tìm cho mình một chỗ yên tĩnh dưới tán cây, ở đấy đã có sẵn một chiếc ghế đá ngồi hít thở không khí trong lành của núi rừng Yên Tử.
 
Hình như Đạt chợp mắt được một lúc. Chợt anh giật mình, như thể có một vật đang liếm nhẹ vào gan bàn chân. Anh mở bừng mắt ra. Kinh ngạc nhận ra ngay dưới chân mình có một con chó to, đen tuyền ngồi chồm chỗm. Nửa đầu con chó có chùm lông trắng. Con chó gương đôi mắt nhìn Đạt thè cái lưỡi đỏ hỏn và bộ răng trắng nhởn nhưng không có ý đe dọa. Đạt trấn tĩnh, ngồi ngắm nghía con chó một lát. Anh nghĩ ngay tới chú chó mực có khoang trắng của Hoạt ngày nào nhặt được ở Ba Chúc. Chỉ có điều con chó mực này không có được 4 chân trắng như con chó mực ngày trước.
 
Tao trông chú mày quen quá… Đừng cắn nhé… Ngoan nào! Có ổ bánh mì lát nữa tao sẽ chia cho một miếng. 
 
Đạt chưa kịp mở chiếc túi vải đeo bên mình để lấy ra ổ mì ăn trưa chia phần cho con chó, anh lại giật mình một lần nữa bởi nghe phía sau có tiếng người.
 
Bác nhận ra con chó này là bác còn nhớ tới em…! Em hỏi khí không phải, bác có phải tên là Đạt không? Bác ngày trước ở đại đội 3, đoàn Thất Sơn? 
 
Đạt ngỡ ngàng nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt, mặc bộ quần áo nâu sòng, cao lêu đêu như một cây sào. Người đàn ông có một bộ mặt thật đáng sợ, da sạm đen có một vết sẹo dài trên má. Râu tóc dài bờm sờm phủ quá vai trông chẳng khác nào nhân vật Robinson sống trong rừng.
 
Bác là ai mà biết tên tôi? - Đạt vẫn còn lưỡng lự không nghĩ chẳng lẽ đây là Hoạt? 
 
Thế là đúng rồi! Em là thằng Hoạt ngang ngạnh đây…! Thủ trưởng không nhận ra em sao? 
 
Đạt ôm lấy người lính cũ nhìn kỹ gương mặt già nua qua bao năm tháng, lông mày cũng có nhiều sợi bạc. Chỉ có ánh mắt của Hoạt là không khác mấy, vẫn linh lợi ánh lên chút láu lỉnh… “- Hoạt à… Đúng là cậu rồi… Bao năm nay tôi cứ tưởng cậu đã hy sinh ở Tràng Định. Ngày tôi nằm viện có người nói với tôi như vậy”.
 
Đạt nhìn rõ những giọt nước mắt ứa ra ngân ngấn trong tròng mắt Hoạt. Hắn nói mà như khóc. 
 
Cũng tưởng chết thật bác ạ! Giời còn cho em sống… Hoạt nói và chỉ tay vào con chó mực - cũng nhờ có nó… Không, nhờ có mẹ của con chó này mà em còn sống đến ngày hôm nay, may mắn sao lại còn được gặp bác.
 
Sao bây giờ Hoạt lại ở đây? - Đạt hỏi.
 
Dạ em đi làm công quả cho chùa. Các thầy trong chùa có việc nhờ em giúp sửa chữa tu bổ lại cho mấy bức hoành phi và dặm lại mấy viên ngói sau chùa bị vỡ. - Hoạt cầm chặt tay Đạt - Em không biết bác đi với ai, bây giờ bác làm gì em cũng kệ, đêm nay bác phải ở lại đây với em… Anh em ta hàn huyên uống rượu. 
 
Căn nhà nơi Hoạt trú ngụ, gọi là lều cũng được, không nằm trong xóm dân cư dưới chân núi mà lui sâu vào mé chân rừng. Một gia đình nông dân có rẫy rộng, thương ông thầy chùa nửa vời, không nhà, không vợ con cho cất tạm một mái lều ở nhờ. Nhà trát vách đất, lợp tôn chỉ đủ kê một cái sạp nứa. Ngay cạnh đầu sạp là một chiếc thùng gỗ thông đựng mấy chiếc xoong, bát ăn cơm lẫn với ống đựng giấy vẽ bút lông, mực. Có lẽ sang nhất là chiếc bếp ga cá nhân để ở góc nhà. Ba bốn khúc gỗ tròn dùng làm ghế ngồi dành cho những vị khách đi chùa ghé qua xin thầy chữ, hoặc ký họa chân dung. Hôm nào gặp khách sang, có tiền họ mua một vài bức tranh của Hoạt vẽ theo lối thủy mạc. 
 
Hóa ra, Hoạt đã không chết cùng với cả tiểu đội trong đêm giữ chốt ở Tràng Định. Chuyện Hoạt và tổ chốt bộ binh của hắn được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba là có thật. Cả một tiểu đoàn địch xông lên chiếm chốt của đại đội 3 nhưng không nổi. Chúng bị bộ đội ta bắn trả quyết liệt, bị tiêu hao nặng phải dạt xuống chân núi và gọi pháo bắn hủy diệt. Sang ngày hôm sau các mũi tấn công của địch chuyển hướng không đánh vào tổ chốt của Hoạt nữa. Tưởng mọi chuyện đã yên, bất ngờ sang ngày thứ 4 một đại đội thám báo của địch bí mật bò vào chốt đánh lén. Trước đó pháo 130 li đã bắn vào trận địa suốt cả một ngày trời. Bộ đội phần bị thương bởi pháo, sập hầm. Lúc đại đội thám báo mò lên chốt quân ta không còn đủ sức đánh trả. Tiểu đội của Hoạt người bị thương, người hy sinh bị bật về tuyến sau. Hoạt ngã xuống một hẻm núi đá nằm kẹt giữa những bụi tre gai, cây rừng bất tỉnh tưởng chết. Con chó mực, chiến lợi phẩm duy nhất ở Ba Chúc đã không bỏ rơi ông chủ. Lúc Hoạt ngã xuống chân núi, con chó liều chết bám theo. Suốt một ngày trời nó quẩn quanh bên Hoạt tha tới cho hắn chiếc khăn mặt bông sũng nước. Nhờ những giọt nước từ chiếc khăn bông ấy mà Hoạt dần dần hồi tỉnh. 
 
Hơn một ngày sau bộ đội ta chiếm lại được chốt mới phát hiện ra Hoạt và con chó mực đang nấp ở dưới lòng khe đá tránh pháo. 
Con chó mực mẹ ấy đâu rồi? - Đạt hỏi.
 
Nó chết rồi anh ạ! - Hoạt đáp buồn bã. Hắn nói câu này nhiều năm sau Đạt vẫn còn nhớ mỗi khi nghĩ về người lính cũ. 
 
Con chó cùng với em thoát chết bom đạn bao phen. Em có được thưởng tấm huân chương chiến công thì phần con chó cũng một nửa. Ấy vậy mà khi hòa bình rồi hai thầy trò em tưởng yên hàn, con mực của em lại chết về tay mấy thằng buôn lậu anh ạ… Thật khốn nạn!
 
Chuyện là như thế này. Sau lần Hoạt bị thương hắn được đưa về viện quân khu để điều trị. Sức khỏe yếu, Hoạt được giải ngũ, thương binh hạng 2 trên 4. Những năm 1980 giặc giã vùng biên ải đã tan, cơ quan nào cũng thiếu người. Hoạt là thương binh, bộ đội phục viên, hắn được ưu tiên nhận vào làm việc ở đội quản lí thị trường của một huyện miền núi. Ngày đó biên giới cửa khẩu chưa thông. Cuộc sống vất vả thiếu thốn trăm đường. Người dân vùng giáp biên sống nhờ vào hàng buôn lậu. Chỉ cần đưa được hàng qua biên giới là có tiền. Các cán bộ quản lí nhà nước, công an, bộ đội biên phòng, thuế vụ, quản lí thị trường là đối tượng không được ưa chuộng của những kẻ buôn lậu, của những tay đâm thuê chém mướn. Chúng không từ một thủ đoạn nào, tìm mọi cách để mua chuộc, tìm các ngả đường trong rừng để đưa hàng lọt qua biên giới. 
 
Bọn buôn lậu thù ghét chúng em đã đành, chúng oán hận luôn cả con chó mực. Con chó tinh khôn thính nhạy phát hiện ra tụi buôn lậu đi trên những con đường xuyên rừng, hàng lậu giấu ở chỗ nào, nó tìm ra được cả. Có lần nó còn đánh hơi được cả hàng quốc cấm. Tụi buôn lậu tìm mọi cách giết con chó. Chỉ một mồi thuốc bả con chó mực lăn ra chết. Vài tháng tiếp theo đến lượt Hoạt và những người đồng đội của hắn trong tổ quản lí thị trường. Trong một đêm mưa gió, Hoạt bị những kẻ xấu đột nhập vào nhà trùm chăn, bịt mắt, trói gô đánh cho thừa sống thiếu chết. Chúng tổ chức cướp hàng, đánh lại cán bộ.
 
Sau trận chiến kinh tế ấy, Hoạt không còn đủ sức khỏe và cả nhiệt huyết để bám trụ vùng biên. Hắn xin nghỉ việc về quê nối lại nghề cũ của bà mẹ già truyền lại là đi vẽ thuê cho các lò gốm trong vùng. 
 
Hoạt ép Đạt phải uống với hắn một chén rượu. 
 
Số em đứng chân ở cửa Phật, anh ạ! Em nhớ đâu năm “chín bẩy” hay năm “chín tám” gì đó... Dạo ấy đang vào mùa đông. Trời rét như cắt ruột. Em đang loanh quanh dưới chân núi bỗng gặp một đoàn nhà sư đang tìm đường lên thăm chùa. Đoàn nhà sư nhìn thấy em nhanh nhẹn nhờ em dẫn đường. Ai ngờ hôm ấy em được vị sư già hỏi chuyện. Anh có biết vị sư già ấy là ai không? Hòa thượng Thích Thanh Từ đấy! Cụ hòa thượng nói giọng Nam, nghe bảo từ Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt ra đang xin với Trung ương xây cất lại chùa Yên Tử. Cụ hòa thượng ở lại chùa nửa tháng trời, bới đất vạch cỏ đi xem lại từng vị trí các ngôi chùa cũ như tìm về chốn xưa. Sau chuyến đi ấy cụ hòa thượng cho em theo về Đà Lạt. Em hầu cụ được hơn một năm. Một ngày thấy nhớ quê, nhớ núi… Đến khi các ngôi chùa ở vùng Yên Tử này được xây dựng lại, em xin với cụ cho về quê…
 
Sao cậu không lấy vợ, cho có người đỡ đần tuổi già? 
 
Đạt nhìn Hoạt mà thấy thương. 
 
Hoạt ôm con chó mực vào lòng xoa đầu nó. Con chó liếm láp bàn tay đen đúa, chai sần của hắn. Hoạt cho con chó miếng thịt gà. 
Em có con chó bầu bạn là vui rồi! Vợ con chi nữa? Ở tuổi này thương tật đầy người. Còn sống được ngày nào em nương cửa Phật ngày ấy. Anh Đạt có biết sao em có lại được con chó này không?...
 
Hoạt kể cho Đạt nghe ngày trở về thăm lại Ba Chúc. Hắn tìm được gia đình người Khơ Me, chủ nhân của giống chó lai có màu lông mực đen tuyền. 
 
Con chó mực bầu bạn với Hoạt bây giờ là thế hệ thứ 3. Trong những ngày quân Pôn Pốt tràn sang giết hại người dân Ba Chúc con chó mẹ đang mang bầu, nghe tiếng pháo, tiếng súng hoảng loạn, con chó chạy vào trong khe núi không kịp mang theo đàn chó con. Đàn chó lai 4 con, 3 con chết cháy trong nhà. Con thứ 4 sống sót đi theo Hoạt. Nghe Hoạt kể chuyện chiến công anh hùng của con chó mực khoang trắng gia đình người Khơ Me rất cảm động, tặng cho hắn con chó mực thế hệ F4. Hơn 10 năm nay con chó mực tinh khôn bầu bạn với Hoạt đến bây giờ. 
 
4. Một đôi lần vào kỳ hội xuân, rảnh rỗi Đạt tìm cách đi Yên Tử. Vui hội thì ít, Đạt hy vọng được gặp lại Hoạt. Chỉ vài năm vùng rừng Đông Bắc đã đổi khác. Đường đến cửa Phật bây giờ ít vất vả, cheo leo. Cáp treo đã đưa người đi hội vượt qua những dốc đá, những cánh rừng hiểm trở lên tới gần đình chùa Đồng. 
 
Đạt tìm vào xóm trại sát chân núi hỏi thăm tìm người vẽ tranh. Khu đồi hoang ngày trước trồng sắn, trồng mía, nơi có căn lều của Hoạt trú ngụ bây giờ đã được sang nhượng cho cánh buôn bất động sản ở Hà Nội, Hải Phòng. Họ đã cho máy ủi san phẳng cả một vùng rộng, cạo trọc đồi hoang, san suối, lấp khe để chuẩn bị xây nhà hàng, khách sạn. Người tứ phương tập trung về đây đông đúc. Có hỏi cũng không còn ai nhớ tới ông thầy chùa nửa mùa cao lênh khênh như một cây sào luôn dắt theo một con chó mực ngồi vẽ tranh trước cổng chùa. 
Hoạt như một hạt bụi biến vào trong không trung. 
 
Đạt hỏi một vài vị thầy chùa cũng không còn mấy ai nhớ đến Hoạt. Có người lại nói, Hoạt đã đi theo các thầy về chùa Tây Phương, lúc đi vô Đà Lạt,…
 
Có một chị chuyên bán hương hoa cho khách đi cúng chùa quả quyết. 
 
“- Cái ông thầy vẽ đã dắt theo con chó mực vào núi ở ẩn”.
 
Đạt ngơ ngác chả biết tin ai, hỏi ai? 
 
Anh ngước lên chỉ thấy trập trùng những ngọn núi giữa đại ngàn Yên Tử, về chiều mây mù đang che phủ. 
 
Và tiếng cáp treo đưa người rít kèn kẹt trên cao.
 
 
Truyện ngắn: ÐỖ KIM CUÔNG