Níu giữ văn hóa cổ truyền Tây Nguyên (bài 1)

07:05, 23/05/2019

Ðã có nhiều chương trình và tâm huyết nhằm níu giữ những gì còn lại của hệ thống di sản văn hóa truyền đời trên vùng đất Tây Nguyên, nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi. Có lẽ, vận câu "không ai tắm hai lần trên một dòng sông" trong hoàn cảnh đang dần mai một, thất truyền, biến dạng văn hóa cổ của các tộc người bản địa trên miền cao nguyên phía Tây Tổ quốc cũng đúng. Nỗi buồn ấy không chỉ riêng đồng bào, không chỉ riêng những người làm văn hóa hay những ai đắm đuối với bản sắc độc đáo của các tộc người giữa rừng xanh núi đỏ.

Ðã có nhiều chương trình và tâm huyết nhằm níu giữ những gì còn lại của hệ thống di sản văn hóa truyền đời trên vùng đất Tây Nguyên, nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi. Có lẽ, vận câu “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” trong hoàn cảnh đang dần mai một, thất truyền, biến dạng văn hóa cổ của các tộc người bản địa trên miền cao nguyên phía Tây Tổ quốc cũng đúng. Nỗi buồn ấy không chỉ riêng đồng bào, không chỉ riêng những người làm văn hóa hay những ai đắm đuối với bản sắc độc đáo của các tộc người giữa rừng xanh núi đỏ.

[links()]
Nhận diện sự đổi thay
 
Vì sao mà nhiều giá trị văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang mai một, biến dạng, có nguy cơ thất truyền? Ðã có nhiều nghiên cứu lý giải, mà lý do quan trọng nhất là bởi các điều kiện thực hành văn hóa đang bị xâm hại. Không gian sinh tồn biến đổi, di sản văn hóa truyền thống không còn đất để nương tựa, để sống, để thăng hoa...
 
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Phan Nhân
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng
Tây Nguyên. Ảnh: Phan Nhân
 
Không gian văn hóa bị phá vỡ
 
Ngày nay, đi suốt mọi nẻo đường Tây Nguyên, nơi nào cũng khang trang, trù phú, đời sống của người dân khá lên từng ngày. Các vùng đồng bào dân tộc bản địa ngày xưa hiu hắt, đói nghèo, nay đã là những điểm sáng trên bản đồ phát triển. Nhiều buôn làng đã trở thành quê hương của những tỷ phú, triệu phú. Thế nhưng, sự nhạt nhòa vốn văn hóa cổ đã làm cho những miền quê có sự khởi sắc kinh tế - xã hội hao hụt dần bản sắc và thiếu sự hấp dẫn. Già làng Ywan R’tung, sống tại buôn Sa Luk của người Mơ Nông Gar bên dòng K’rông Ano (Đắc Lắc) nói với tôi như một tiếng thở dài: “Buôn làng giờ khá giả, nhưng mà buồn lắm! Ít khi được ngồi cùng nhau uống rượu cần hát kể Ot Ndrong, cùng đánh cái chiêng, thổi cái khèn bầu. Rừng không còn, nhà dài không còn, bếp lửa cũng không còn. Con cháu giờ lo làm ăn, ít nhớ chuyện xưa của ông bà...”. 
 
Tân Châu, xã Anh hùng thời kỳ đổi mới ở huyện Di Linh (Lâm Đồng), một trong những địa chỉ giàu có nhất vùng Tây Nguyên, bởi chuyên canh chè và cà phê. Ở xã có tới 64% đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không thiếu thứ gì của xã hội hiện đại, nhưng cái thiếu rõ nhất lại là một không gian văn hóa bản địa mà vùng đất đa sắc tộc này cần phải có như xưa từng có. Xã Lộc Bắc của người Mạ ở huyện Bảo Lâm cũng vậy. Xã vùng sâu này vốn là một hình mẫu về bảo tồn văn hóa cổ nhưng chỉ mấy năm quay lại, những ngôi nhà dài truyền thống đẹp như sử thi đã biến mất hẳn. Mấy cụ ông, cụ bà trong những lần điền dã trước từng thổi khèn bầu M’bướt cho tôi nghe nay đã về rừng Yàng và mang theo biết bao tri thức tộc người. Xã Đồng Nai Thượng của người S’Tiêng ở tận tít trên đỉnh núi Bờ Xa Lu Xiêng nơi đầu nguồn Đồng Nai ngày xưa đậm đặc hồn cốt núi rừng, nay thì những người trẻ cũng quên dần tên các vị Yàng trong tín ngưỡng đa thần... 
 
Dù ở Đắc Lắc, Đắc Nông, Kon Tum, Gia Lai hay Lâm Đồng; dù ở vùng người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Chu Ru, Cơ Ho, S’Tiêng hay Mạ…thì hình ảnh nhạt nhòa văn hóa cổ đều hiện ra rõ nét. Sự mất dần căn cốt núi rừng thể hiện từ văn hóa vật thể đến phi vật thể. Nhiều vùng bây giờ thật khó phân biệt đó là không gian sống của các dân tộc bản địa hay của người Kinh và các dân tộc mới di cư đến. Tôi đã từng dừng chân ở những buôn Mơ Nông bên rừng già, sông lớn đẹp như mơ bởi lối kiến trúc đại ngàn độc đáo nay chỉ còn là những dãy nhà bê tông nối liền nhau “đồng phục” vô hồn. Tôi đã từng lạc vào những khu “rừng ma” Ba Na đầy huyền bí với nhà mồ, tượng gỗ, nay thì đã hoàn toàn bị xi-măng hóa. Những ngôi nhà dài Ê Đê soi mình bên bến nước thiêng các dòng sông K’rông Ana, K’rông Ano cũng đã vắng bóng, nghi lễ cúng bến nước chỉ còn được “diễn” thưa thớt trong các lễ hội không phải do người dân tự thân tổ chức. Cũng như cồng chiêng mất dần không gian diễn xướng tự nhiên trong các lễ hội cổ truyền và nghi lễ vòng đời mà chủ yếu phô diễn “sân khấu hóa” trong các liên hoan và hoạt động du lịch, các hình thức nghệ thuật diễn xướng và biểu diễn nhạc cụ cổ truyền đang có nhiều biến đổi. Những đêm kể sử thi, những nhạc cụ dân tộc và các hình thức dân ca, dân vũ đang được cố gắng duy trì qua phong trào văn nghệ nhưng lại thiếu linh hồn. Những yếu tố tích cực của hệ thống luật tục không được phát huy. Nghề thủ công truyền thống như rèn, đan lát, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần cũng tồn tại lay lắt trước khi biến mất. Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VH-TT và DL Gia Lai, nhận định: “Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một và mất dần theo thời gian. Số lượng nghệ nhân am hiểu văn hóa cổ trong cộng đồng ngày một giảm sút. Mặt khác, những yếu tố bên ngoài tác động vào khiến nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số thay đổi sâu sắc...”. 
 
Lý giải nguyên nhân 
 
Ngày ấy đâu rồi?!... Cái ngày tôi muốn nhắc đến là ký ức về những năm tháng bản sắc Tây Nguyên còn nhiều hoang dã, đậm đặc sắc màu, huyền bí và hấp dẫn. Cái thời mà Tây Nguyên như một nơi chốn mà các nhà dân tộc học trong và ngoài nước coi là vùng đất hứa của những khám phá. Sự mê hoặc bởi những khảo cứu, những phát hiện khảo cổ và dân tộc học từ nơi này đưa ra cho thế giới một kho tàng lạ lẫm. Tây Nguyên từng như một hình mẫu bản sắc làm cho người ta choáng ngợp và đôi lúc phải lý giải bằng những lý thuyết mang tính huyền bí. Thế mà, cuộc xâm lấn của các dòng đối lưu đã làm cho di sản văn hóa Tây Nguyên biến dạng, bào mòn chỉ trong một thời gian ngắn. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự đổi thay? 
 
Sự biến đổi không gian sinh tồn, phương thức mưu sinh và tác động của các tín ngưỡng du nhập là những lý do quan trọng nhất dẫn đến sự phá vỡ một không gian văn hóa bản địa vốn hình thành trong môi trường thiết chế xã hội bộ tộc và kéo dài sang xã hội hiện đại. Trong đó, những dịch chuyển kinh tế - xã hội có tác động sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy nhiều loại hình văn hóa dân gian. Chẳng hạn như sự thay thế canh tác cây lúa bằng cà phê hoặc các cây công nghiệp khác, đã làm mất hoàn toàn các chuỗi nghi lễ nông nghiệp. Điều này kéo theo các hệ quả khác. GS-TS Tô Ngọc Thanh, GS-TS Ngô Đức Thịnh và nhiều nhà nghiên cứu Folklore khác mà tôi có dịp hỏi chuyện đều có chung lý giải như vậy. 
 
Địa sinh thái nông nghiệp của đồng bào Tây Nguyên từng là cây lúa. Dưới không gian rộng lớn của núi rừng, cây lúa chi phối gần như toàn bộ đời sống. Lúa và cuộc canh nông ruộng rẫy quy định lối sống, kiểu sống, phép ứng xử với thần linh, thiên nhiên và cộng đồng. Lúa không chỉ mang đến cái ăn mà còn là ý niệm thường trực về các Yàng (thần linh). Ý niệm ấy trở thành căn tính của các nhóm người thiểu số, họ luôn lấy đó làm trung tâm để giải thích các hiện tượng tự nhiên, tìm cách ứng xử phù hợp: từ chọn đất lập ruộng, chế tác nông cụ, phương thức canh tác, bảo vệ mùa màng, được mùa hay mất mùa. Theo họ, tất cả đều do đấng thần linh sắp đặt, nên người trồng lúa ở Tây Nguyên có chung một sự biết ơn: ơn Yàng! Trước Yàng, đồng bào vun bồi tâm tính biết ơn, hiểu sâu sắc và yêu thương nguồn cội, núi rừng, ruộng rẫy và cộng đồng. Khi trồng lúa, ứng với quá trình sinh trưởng loài cây nuôi sự sống là một chuỗi nghi lễ xuyên suốt: chuỗi nghi lễ nông nghiệp. Tôi về với vùng Đồng Đò của người Cơ Ho Srê, một tộc người từng giỏi nghề trồng lúa. Già K’Brịt kể rằng, ngày xưa, cái thời “trồng lúa”, buôn làng có hẳn một quy trình nghi lễ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa: Lễ cầu mưa trước khi xuống giống; lễ mừng gieo sạ (Nhô sih srê), lễ mừng rửa chân trâu (Nhô rào jơng rơpu); khi lúa trổ đòng lại cúng lễ Nhô wèr cầu cho lúa dày bông; đến ngày lúa lên bông thì lại có lễ Nhô lir bờkao. Lễ Nhô lềrbong uống mừng mùa vụ kết thúc, đó cũng là lúc người Cơ Ho Srê đón mừng năm mới. Người ta nói, Tây Nguyên “ăn năm uống tháng” bởi vậy...
 
Sống trong ý niệm ơn Yàng, chuỗi nghi lễ nông nghiệp vừa là tạ ơn và cậy nương thần linh, vừa là quá trình ôn lại tri thức dân gian và thực hành văn hóa bản địa. Thông qua việc tổ chức các nghi lễ, người già truyền lại cho cháu con phương cách ứng xử. Đặc biệt, đó là không gian để đồng bào trình diễn các giá trị văn hóa như dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ, cách thức bài trí cây nêu, sửa sang nhà rông, thưởng thức ẩm thực và rượu cần truyền thống... Nay cây lúa ở Đồng Đò và cả vùng Tây Nguyên chỉ còn thưa thớt, cà phê và những cây công nghiệp khác lên ngôi cùng với sự biến mất dần các chuỗi nghi lễ. Đó là lý do làm cho cơ hội thực hành các giá trị văn hóa suy giảm. Sự thay đổi cơ cấu cây trồng cũng khiến cho môi trường diễn xướng, truyền dạy các tri thức cổ truyền dẫn đến tiêu vong...
 
Bên cạnh sự thay đổi phương thức mưu sinh thì làng (thiết chế xã hội cổ truyền) tan rã và rừng (không gian sinh tồn) bị phá vỡ, tác động không nhỏ đến sự mai một vốn văn hóa cổ. Làng ở Tây Nguyên là một đơn vị cơ bản trong xã hội cổ truyền và còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay. Theo nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc: “Người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng. Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững và quy củ. Làng được điều hành bằng hội đồng già làng, tập hợp những người hiền minh nhất của làng. Hội đồng già làng quản lý, điều hành mọi hoạt động của làng bằng một hệ thống luật pháp cổ truyền đặc biệt: luật tục.” Làng Tây Nguyên là một kết cấu “làng rừng” - một không gian thực hành văn hóa và tín ngưỡng lý tưởng cho các tộc người, nó bao hàm: một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu và lợi ích, một cộng đồng tâm linh, một cộng đồng văn hóa. Đó là một không gian văn hóa. UNESCO hết sức tinh tế khi không phải công nhận “cồng chiêng” hay “âm nhạc cồng chiêng” là di sản Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại mà công nhận “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Không gian đó là rừng và làng. Bởi lẽ, khi không còn không gian thực hành đó nữa, văn hóa cồng chiêng cũng như những giá trị văn hóa quý giá khác sẽ khó có điều kiện bảo tồn, phát huy. 
 
Rừng với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, không chỉ là hệ sinh thái mà chính là cội nguồn của đời sống tâm linh. Trong thẳm sâu tâm hồn của họ, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng với rừng. Người Tây Nguyên sống theo đạo đức của rừng, vươn tới sự hoàn thiện, hiền minh như rừng. Rừng là không gian sinh tồn, theo nhà dân tộc học George Condominas, rừng còn là “không gian xã hội”. Mất rừng thì con người và cộng đồng mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất của mình, trở nên tha hóa, mất gốc, mất cội nguồn. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng. Khi không còn rừng thì tất yếu văn hóa rừng sẽ mai một và dẫn đến biến mất. 
 
Kết cấu làng có nguy cơ tan rã. Rừng đang dần mất. Các dòng sông bị chặn. Cơ cấu dân cư đảo lộn. Tập quán sống dựa vào tự nhiên ít dần cùng với sự thay đổi phương thức canh tác. Đó là những nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ khó cưỡng về văn hóa truyền thống bản địa. Khi nói đến văn hóa Tây Nguyên, người ta thường nhắc hệ thống các lễ hội, nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ... Đó là những thực hành văn hóa gắn chặt máu thịt với không gian rừng và thiết chế làng. Mất rừng và làng, hệ thống giá trị đó không còn biết bấu víu vào đâu. Sợi dây thắt chặt một cộng đồng văn hóa hình như đang lơi lỏng, đang tuột dần theo nhịp sống hiện đại. Mất bản sắc, những tộc người bản địa sẽ sống trong trạng thái cô đơn trên chính quê hương ngàn đời của chính mình…
 
(CÒN NỮA)
 
UÔNG THÁI BIỂU