Nắng. Cái xứ quê tôi vốn có cái nóng, cái nồng oi đến thành thương hiệu "cát bỏng gió Lào", khiến bao người miền phố chợ lắm nơi chỉ tạt ngang một đôi bữa đã phát hãi. Lạ thế, nhưng nơi miền địa linh này lại không thiếu màu xanh của trù mật trong những tháng ngày oi ả.
Nắng. Cái xứ quê tôi vốn có cái nóng, cái nồng oi đến thành thương hiệu “cát bỏng gió Lào”, khiến bao người miền phố chợ lắm nơi chỉ tạt ngang một đôi bữa đã phát hãi. Lạ thế, nhưng nơi miền địa linh này lại không thiếu màu xanh của trù mật trong những tháng ngày oi ả.
|
Minh họa: Internet |
Mảnh vườn không gọi là lớn bởi từ ngày cha tôi còn chưa trăm tuổi, muốn trồng dăm bảy tán cây lưu niên ngõ hầu kiếm vài mươi trái ổi rồi bưởi cho lũ con lóc nhóc đã bị mẹ từ chối. Với bà, rau màu quy đổi rất thực hữu: một bị cói rau thơm muôn thứ quế, húng, thì là, thiên lý rồi hành ngò, bí đỏ... ra chợ làng mỗi buổi đầu phiên đã có thể đổi những gần vài ký gạo. Năm ba chục trái cà dừa do thằng con trưởng gùi ra chợ đã có đủ nước mắm, mỡ heo chiên nấu cho gần chục miệng ăn trong cả tuần lễ. Mẹ tôi thích trồng rau, đủ thứ rau và có lẽ những thứ người trồng đều có thể “quy đổi” ra thóc gạo cho gần chục đứa con trai gái lẫn lộn tuổi, tên và cùng sàn sàn như nhau của bà. Sau mỗi mùa thu, cây trái hay lá, hoa, những phẩm vật chỉ giúp phong phú cho ngành nội trợ của các bà, các chị, người mẹ tảo tần của chúng tôi chẳng bao giờ phải ra tiệm để tốn tiền mua giống. Người chăm chút từng mầm xanh, từng hạt giống với tâm niệm đủ cho vụ sau xanh hơn, ngon hơn vụ trước. Tôi hay đùa, “mẹ đã dùng hết sự thận trọng, chắt chiu hàng thế kỷ của dân Việt ta rồi!”. Bà cười móm mém: “Để không lệ thuộc con à”. Trong cả chục loại giống cây trồng để có thể “quy đổi” cơm gạo cho đàn con ở chợ làng thuở ấy, mẹ quan niệm không thể nào thiếu cây su su, một loài rau quả mà người dân chiêm trũng quê tôi vẫn gọi dân dã là “su - le”. Theo người, su - le là loài rau vô cùng thiết dụng, vì chưa có loài rau nào dễ trồng, chăm sóc như thế. Cả quả, lá và ngọn loài rau dây leo này đều có thể biến thành thực phẩm rất dễ chế biến, không cần dầu mỡ nhưng chống đói vô cùng thiết thực. Điều mẹ nói “vô cùng thiết thực” đó thì lũ con lóc nhóc của bà cảm nhận…hơn cả thiết thực nhất là vào những dịp ngày đông tháng giá ở miền quê đẹp nhưng nghèo đến rã rời đã sinh thành, dung dưỡng nên những đứa con bùn đất.
Một ngày mẹ vắng nhà, quá mệt mỏi vì đi mò tôm về tay không, lý do là con sông Giăng hiền hòa hôm đó lại quá đục nước, tôi nằm sõng soài ra vuông sân ngắm giàn su su ở tầm cao tay với tới nơi. Nắng, những đọt su su chun lại, phình to dính đầy sợi lông trắng như tơ nhưng không thể bò lan khí thế dưới độ oi nóng đến rát mặt người. Những sợi dây leo loài chống đói ấy rạc rài, teo tóp đi nhưng mỗi mắt lá vẫn ráng sức sinh ra một quả xanh nhỏ xíu. Những quả su ra đời nhờ sự chắt chiu, nuôi dưỡng của đám dây mẹ cỗi cằn đến vắt hết nhựa sống đó vẫn mang hình lục giác vẹn toàn, chỉ có điều teo tóp đến cả tuần lễ không lớn nổi là bao. Miên man, rưng rưng mắt, tôi ngồi bật dậy, thì ra nắng chói chang và hoàn toàn đúng quy luật ánh sáng đã xuyên qua dăm ba phiến lá su su rạc rời đâm thẳng xuống. Nhiều cụm lá nho nhỏ, buồn buồn không đủ để che sự thiêu đốt cho một trái con nho nhỏ... Liên tưởng khập khiễng nhưng chao ôi, cha mẹ tôi liêu xiêu hơn thế, mỏng manh hơn thế và cả ý thức về thân phận hẩm hiu hơn thế vẫn che chắn cho cả đàn con, không buộc đứa nào phải đầu hàng cảnh huống ư?
Ngày đủ “tam thập nhi lập”, không còn phải nuốt trái su luộc trừ bữa, tôi lạc bước hải hà và đã có dịp tham dự những bàn tiệc tại năm bảy nhà hàng phố thị, là những nhà hàng sang một cách đẳng cấp mới hay cái thứ ngọn su chống đói thuở ấy bây giờ lại được gọi là “đặc sản”. Đụng đũa vào đĩa su xào tỏi chỉ đáng vài lần quơ gắp có giá menu tương đương 15 ký lúa, mắt tôi cay ngấn lệ. Mẹ ở quê nhà đã sống gần trọn thế kỷ có còn ươm trái già để trữ giống su - le cho mùa tới hay không?
TRẦN SƠN TÙNG