Tôi toàn sáng tác theo đơn đặt hàng!

03:05, 29/05/2019

(LĐ online) - Trong khi nhiều nghệ sĩ tuyên bố chỉ làm việc khi có hứng, thì nhạc sĩ Nguyễn Cường không ngần ngại xác nhận như trên. Bạn bè biết ông nói thật, rất thật! Với ông, hễ "bắt trúng mạch" là cảm xúc lập tức trào dâng, bất kể đó là đơn đặt hàng bạc tỉ, hay vô giá từ một lời gửi gắm tin cậy... 

(LĐ online) - Trong khi nhiều nghệ sĩ tuyên bố chỉ làm việc khi có hứng, thì nhạc sĩ Nguyễn Cường không ngần ngại xác nhận như trên. Bạn bè biết ông nói thật, rất thật! Với ông, hễ “bắt trúng mạch” là cảm xúc lập tức trào dâng, bất kể đó là đơn đặt hàng bạc tỉ, hay vô giá từ một lời gửi gắm tin cậy... 
 
Nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Nguyễn Cường
 
Trúng “bùa Tây nguyên”
 
Trong vài lần “cắm trại” giữa thảo nguyên M’drăk cùng nhiều bậc tài danh được doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ tụ hội từ hơn mười năm trước, tôi hân hạnh quen biết nhạc sĩ Nguyễn Cường, và ấn tượng với phong cách hừng hực sống, hừng hực viết của ông. Với “trai Hà Nội” này, ca từ lẫn giai điệu tác phẩm nào cũng đầy ắp sinh khí như chính bản thân tác giả: luôn gọn gàng nhanh nhẹn, lịch lãm, tràn trề năng lượng, bất chấp thời gian chất chồng tuổi tác. 
 
Nhắc tới các ca khúc nổi tiếng của Tây Nguyên, ai cũng nhớ Nguyễn Cường, dù sự nghiệp sáng tác của ông không chỉ bấy nhiêu. Mảng ca khúc về đồng bằng Bắc Bộ của Nguyễn Cường dày dặn đâu kém? Nói không ngoa, ông chính là nghệ sĩ đầu tiên kết hợp nhuần nhuyễn giữa học thuật kinh kỳ với chất liệu dân ca mộc mạc đơn sơ của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, để viết nên nhiều ca khúc quyến rũ, được công chúng bản địa và khán thính giả cả nước yêu thích, mở lối cho nhiều nhạc sĩ đàn em noi theo. 
 
Ngày đó, nếu ai đã được nghe Y Moan - giọng nam sang trọng bậc nhất đại ngàn - cất lời vang vọng với “Ơi M’Drăk”, “Thênh thênh oh ơi”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, “Tango Ê Đê”, “Em hát Arei”, “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”... ; hay Siu Black - giọng nữ dữ dội khó “đụng hàng” - vút lên với những “Đôi mắt Pleiku”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “HơJen lên rẫy” v...v... cũng đều dễ dàng cảm nhận được một tình yêu cao nguyên trọn vẹn, hào sảng một cách “rất Nguyễn Cường” rạo rực hòa khắp huyết quản.
 
Với trái tim nồng nhiệt nghệ sĩ, Nguyễn Cường vừa chạm được tầng sâu Tây Nguyên là lập tức say như điếu đổ, say như có thể quên đường về nhà. Trong vài cuộc trò chuyện, ông hài hước và nhũn nhặn chia sẻ: Hồi đó, người được ông Trưởng đoàn ca múa Đắk Lắk đặt hàng mời lên cao nguyên sáng tác là nhạc sĩ Trần Tiến, còn mình chỉ “bám càng, ăn theo”. Được vài hôm Trần Tiến trở về Sài Gòn, còn “cái thằng lặn lội từ Hà Nội vào” thì ở lại tới 7 tháng, khiến Trưởng đoàn phát ngán. 
 
“Sáng tác theo đặt hàng cũng cực nhọc lắm, nên kết thúc mỗi hợp đồng lớn, tôi đều thở phào như trút được gánh nặng. Những khoản tiền tỉ chốt trong hợp đồng tôi đều dành cho việc dàn dựng tác phẩm. Với tôi, việc đặt hàng chỉ giá trị ở chỗ thể hiện sự tín nhiệm của đối tác, đảm bảo đầu ra, thôi thúc mình tập trung toàn bộ tâm trí vào một chủ đề. Sinh hoạt thường ngày của tôi rất nhẹ nhõm về vật chất, tôi cần tiền mấy đâu? Nếu không bắt nguồn từ cái duyên, từ sự đồng điệu về văn hóa, cảm phục về tài năng và nhân cách của người đặt hàng, thì dù đó là cả núi vàng tôi cũng không nhận!”

Ai ngờ gã “da trắng mũi cao, đẹp trai như Tây” ấy lại có thể lặn lội điền dã khắp các buôn làng, mải mê ghi chép, lặng nghe đến thấm đẫm các sử thi Đam San - Xinh Nhã, rồi cắm đầu sáng tác như điên, tạo nên hiện tượng Nguyễn Cường bùng nổ hàng loạt ca khúc Tây Nguyên mới toanh mà ngây ngất, được yêu thích suốt hơn 40 năm qua, đến tận bây giờ. Sau này có dịp hàn huyên, Trưởng đoàn mới kể ngày ấy ông cứ tưởng Trần Tiến là cục thịt đã bỏ đi mất, Nguyễn Cường chỉ là mảnh xương rớt lại, “Ngờ đâu đó là mảnh xương vàng!” - Nghệ sĩ Quốc Cường áy náy thú nhận.

Hỏi sơn nữ nào đã níu chân, bỏ bùa khiến nhạc sĩ si tình cao nguyên này đến thế? Nguyễn Cường cười ngất, khẳng định chỉ Nàng Thơ Văn Hóa mới có thể bỏ bùa, cùng ông nuôi cuộc tình bền chặt đến chết, chứ đàn bà dù hay mấy cũng chỉ mê đắm dăm bữa nửa tháng thôi! “Với mình, Tây Nguyên vĩ đại lắm, văn hóa Tây Nguyên tuyệt vời lắm, kể mãi không hết, yêu mãi không chán!”.
 
Độc đáo những cuộc đặt hàng bạc tỉ
 
Nhâm nhi ca từ trong veo hồn nhiên mà Nguyễn Cường đã trao tặng vùng đất này, không khó nhận ra thấu cảm đằm thắm. “Ru em cánh võng trăng treo, ru em tiếng hát t’rưng reo/Chị thương lời ru suối ngàn, chị thương lời ru nắng vàng…”, “Vì một bình minh rừng thu sương tan, vì một trường ca, trường ca Đam San…”. Nhuần nhị đến mức hầu như người Tây Nguyên nào, dù dân tộc gì cũng biết, cũng thuộc ít nhất dăm bảy câu hát gần gũi, vui tươi của Nguyễn Cường, ví dụ như “Gái trai quê tôi, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa...”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, “Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên người ơi...”.
 
Trò chuyện cùng tôi, Nguyễn Cường tiết lộ một bất ngờ: Ca khúc “Ơi M’drăk” ông sáng tác từ năm 1984, khi chưa từng đặt chân đến, chỉ hình dung qua lời kể, các thước phim tài liệu và bản tin thời sự. Như duyên kỳ ngộ, gần 20 năm sau, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ mời ông đến “bốn-năm cùng” trong những căn nhà dài tứ bề lồng lộng nắng gió giữa trang trại rộng tới 600 hecta của tập đoàn Trung Nguyên giữa thảo nguyên M’drăk, ông mới nhận ra dường như mình đã trúng tiếng sét ái tình với con người lẫn sông núi nơi đây từ rất lâu rồi. 
 
“Một trong những người có cách đặt hàng khiến tôi rất cảm động là Đặng Lê Nguyên Vũ. Tôi sáng tác “Đại bàng giọt đắng” với sự kính trọng tình yêu đau đáu của cậu ấy với đất nước. Là doanh nhân nhưng Vũ lại khắc khoải đêm ngày với tình yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Lúc đặt hàng, Vũ đề nghị tác phẩm không cần nhắc tên doanh nghiệp hay tên cá nhân, chỉ cần thể hiện được một ý phát ra tự đáy lòng cậu ấy: Mở đầu ngày mới với ly cà phê dồn trí tuệ cho ta, cho quê hương, cho Việt Nam... Đất nước mình cần có nhiều doanh nhân tài giỏi, thiện lành, thiên về tính dương như thế, mới phát triển mạnh mẽ được!”

Nguyễn Cường kể: cuộc đặt hàng đầu tiên đến với ông từ hơn 40 năm trước chính là mẩu giấy Trần Tiến viết nguệch ngoạc đặt trên chiếc piano, lệnh: “Hãy dừng ngay việc sáng tác những ca khúc “tán gái” để viết về cuộc chiến tranh biên giới!”. “Khi ấy mình đang là sinh viên nhạc viện. Lũ bạn coi đó là lời trêu đùa, nhưng mình cảm nhận đây thật sự là cuộc đặt hàng của lịch sử. Ngay hôm sau mình viết hoàn chỉnh ca khúc “Rừng biên cương âm vang điệu then mới”, được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn phát, được lãnh đạo Đài khen vừa có tính dân tộc, vừa hiện đại...”.

Thế rồi Nguyễn Cường trở thành cái tên quen thuộc với rất nhiều cá nhân, đơn vị cần chọn mặt gửi vàng để đặt hàng sáng tác “tỉnh ca”, “ngành ca”, “công ty ca”. Theo ông, các đơn hàng chính là thước đo biểu hiện giá trị của người viết. Và sức hấp dẫn của nó đối với ông hoàn toàn không phải là tiền, mà là vẻ đẹp của đề tài cần được thể hiện. 
 
Đặng Lê Nguyên Vũ là người gửi gắm nhạc sĩ Nguyễn Cường lời đặt hàng trị giá bạc tỉ đầu tiên. Cuộc “hôn phối” này đã cho ra đời một bản giao hưởng được dàn dựng công phu, ra mắt công chúng trong đêm khai mạc Festival Cà phê Buôn Ma Thuột gần nhất sau đó. “Ý tưởng của bản giao hưởng này nảy sinh khi nhà thơ Lưu Trọng Văn cho tôi xem tổ khúc “Đại bàng và giọt đắng” ngợi ca những người trí thức đã phải chịu nhiều đau đớn để mang lại sự tiến bộ cho nhân loại. Hai anh em đã bàn luận sôi nổi, rồi thống nhất là tôi sẽ viết một hợp xướng Đại bàng - Giọt đắng gồm 3 chương. 
 
Chương một, có tên là Ngọc đen, kể về truyền thuyết của con đại bàng bật lên từ lòng đất, bay lên và bốc cháy. Giọt nước mắt của nó thành viên ngọc đen rơi xuống đất đỏ bazan, nở thành những đồi hoa cà phê trắng muốt ngát hương khắp các lũng đồi. Chương 2 là Giọt đắng, trong đó có câu hát thâm thúy được nhắc đi nhắc lại “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen”. Chương 3 Thiên đường có dàn đồng ca thiếu nhi hát một câu trong bản giao hưởng thứ 9 nổi tiếng của Beethoven phổ thơ Schiller, ca ngợi niềm vui của nhân loại “Bao đau buồn trong trái tim người sẽ lụi tàn trong ánh dương ngời. Uống từng giọt đắng. Uống từng giọt đắng…”. 
 
“Để dàn dựng và đưa tác phẩm này ra công diễn cần đến 200 diễn viên, dàn nhạc giao hưởng khoảng hơn 100 người và 50 em thiếu nhi phụ họa tập trong vòng một tháng, để tác phẩm đủ sức lan tỏa, được công chúng cảm nhận và rung động”. Nguyễn Cường kể. Tiếp đó, là bản giao hưởng “Mặt trời trên đỉnh Chư H'Drông” 4 chương do lãnh đạo tỉnh Gia Lai đặt hàng với chi phí gấp đôi. Riêng đơn hàng “Đà giang đại hợp xướng” nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình chốt giá vài tỉ, ông đã mất cả năm trời chuyên tâm nghiên cứu mới viết được. Rồi 2 cuộc đặt hàng của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo mời ông viết giao hưởng cho cả 2 kỳ đại lễ Vesak diễn ra tại Ninh Bình lần trước, Hà Nam lần này, khiến ông phải vắt cạn tâm lực, sút tới 5-7 ký để viết, và được các bên công nhận “rất hài lòng, rất thành công”. 
 
Ký sự: HOÀNG THIÊN NGA