Cảm ơn bố có mặt trong tuổi thơ con

09:06, 13/06/2019

Sáng nay, khi bạn bè trên Facebook rục rịch nói về ngày của bố (chủ nhật thứ ba của tháng sáu) thì tôi không thể ngừng rơi nước mắt khi xem một phim tài liệu ngắn vài phút về những đứa trẻ thiếu bố ở bãi giữa sông Hồng...

Sáng nay, khi bạn bè trên Facebook rục rịch nói về ngày của bố (chủ nhật thứ ba của tháng sáu) thì tôi không thể ngừng rơi nước mắt khi xem một phim tài liệu ngắn vài phút về những đứa trẻ thiếu bố ở bãi giữa sông Hồng. Ba đứa trẻ lớn lên cùng nhau trong sự chăm sóc của bà ngoại. Mẹ bỏ đi làm ăn, rất hiếm khi ở nhà, mỗi đứa có một ông bố, bà ngoại cũng không biết bố chúng là ai. Để rơi vào cảnh ngộ ấy, theo lí giải của bà ngoại, vì mẹ chúng muốn có nơi nương tựa khi về già. Theo chúng, “vì nhà nghèo quá nên bố không ở cùng”.
 
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
 
Đám trẻ, cười nụ cười hồn nhiên, với ánh mắt long lanh như chưa từng biết buồn phiền. Chúng gọi hết thảy những người thường cho bim bim, bánh kẹo là bố, là ba, vì như bà ngoại nói, người ta cho và kêu nó “gọi bố đi”. Chúng vô tư khoe bố nó “có nhiều tiền lắm” vì có nhiều tiền thì “nhà bố” mới mua được rất nhiều thứ: xe máy để đi, ti vi để xem, bánh kẹo, bim bim… để cho chúng. 
 
Đó là những ông bố ảo vọng trong tâm tưởng những đứa nhỏ không nhà không cửa, không một mảnh giấy tờ nối từ đời bà, đời mẹ qua đời con. Quan trọng hơn cả là chúng không hề có một ông bố khi sinh ra trong cuộc đời này. Chỉ có con thuyền chật chội chòng chành như chính phận đời nổi nênh của chúng. Bà ngoại nói, chúng nhỏ chưa biết gì, nhưng rồi khi lớn lên, bà cũng chẳng biết chúng sẽ ra sao…
 
Tôi tự hỏi, những đứa trẻ ấy, có nét gì hao hao giống bố chúng không? Có người đàn ông nào đó từng có những đêm mặn nồng với người đàn bà bãi giữa sông Hồng, có chạnh lòng khi nhìn những gương mặt hao hao giống mình không, nếu vô tình xem đoạn phim đầy thân phận này?
 
* * * * * 
 
Có một khoảng thời gian ngắn trong tuổi thơ tôi có bố. Đó là tầm tuổi lên 4, mẹ mang bầu, sinh em gái, bố mang theo ra Hà Nội, nơi bố công tác. Hai bố con ở trên căn nhà tập thể bé xíu, tầng 4. Mỗi sáng vẫn nhìn thấy máy bay bay qua xa xa, mỗi đêm, kể cả khi bố… đi vệ sinh, con gái cũng đòi bám theo vì rất sợ ở một mình, đứng đợi bố phía ngoài nhìn đèn trên cầu Thăng Long sáng thành một dải mờ ảo. Khi đứng chờ, cách nhau cánh cửa, bố vẫn hỏi chuyện, con gái trả lời, để con không sợ. Bố chẳng bao giờ để tôi ở một mình. Và rồi, những chuyến máy bay ngang căn hộ nhỏ, những vệt sáng trên cầu Thăng Long thành những vệt nhớ trong tôi, dù đã hàng chục năm trôi qua. Khi có dịp ra Hà Nội, đôi khi tôi vẫn bất giác mỉm cười nhìn những chung cư cũ sập sệ, và nghĩ tới căn phòng nhỏ tuốt tầng 4 ngày nào bố vẫn cõng con gái nhỏ leo lên leo xuống.
 
Tuổi thơ tôi chẳng thiếu những ngày vất vả, bê than tổ ong, lượm ve chai tới mòn tay, toát mồ hôi giữa trời đông giá. Đó là giai đoạn bố không có mặt trong cuộc sống của mấy mẹ con, nếu có chăng chỉ là những kỷ niệm ngọt ngào mà tôi và mẹ vẫn nhắc lại những ngày thơ bé. Lúc ấy, bố làm ăn thất bát nơi xứ người xa xôi và vì nhiều lí do, không một dòng thư từ, một cuộc điện thoại bố gọi về nhà. Có người nói bố mày tệ, để vợ con khổ sở thế. Nhưng thực lòng chưa bao giờ tôi thấy bố tệ. Tôi chẳng bao giờ trách gì bố khi ông đã cho con mình những ngày tháng tuổi thơ ngọt ngào tới vậy.
 
Có khi tôi nghĩ, chỉ cần bố có mặt trong những năm tháng tuổi thơ của con cái. Dù sự có mặt ấy ngắn thôi, nhưng những tình yêu bố dành cho con thì có khả năng nối dài mãi những tháng ngày sau này. Như tôi đã từng có vậy. 
 
* * * * *
 
Một người bạn của tôi, làm mẹ đơn thân. Bạn giỏi giang, giàu có, quản lí nhà hàng, khách sạn nhưng bản thân bạn mãi mãi là một cô bé dễ vỡ. Tuổi thơ bạn có bố, có mẹ, đủ đầy hạnh phúc. Hạnh phúc ngưng lại khi có người đàn bà thứ hai đến cùng một cô bé nhỏ bằng tuổi bạn. Sự có mặt của người đàn bà ấy khiến những cuộc cãi vã giữa bố mẹ bạn dày đặc hơn, bố ít về nhà hơn, mẹ âm thầm khóc trong đêm nhiều hơn. Ngày kia, cô bé nhỏ con riêng người đàn bà ấy khoe khi gặp bạn trên đường về: “Ê, hôm qua bố mày mua cho tao con búp bê đấy”. Bạn bất ngờ cầm cục đá ném thẳng cô bạn nhỏ đang nhìn với thái độ thách thức. Cục đá trúng đầu, may không vào chỗ hiểm nhưng cũng khiến cô bạn chảy máu.
 
Sau màn trả thù ấy, bố bạn về trói con lại đánh nhừ tử rách da thịt và gói ghém quần áo sang nhà bên kia. Mẹ không níu giữ. Mẹ con bạn làm quen với cuộc sống không bố, vật vã mãi vài năm mới quen nổi. Nhưng quá khứ về con búp bê mình chưa từng được bố mua cho mà con bé kia dám khoe khoang vẫn ám ảnh bạn. Nó biến bạn thành một con bé dễ nổi loạn, dễ vỡ… Với tính cách ấy, cố mấy bạn cũng không thể giữ cho con mình một mái ấm tròn trịa. Và dù nỗ lực học giỏi, thành công tới đâu để mẹ vui lòng thì bạn cũng không thể xóa đi ký ức để trở về là con bé trong veo như trước. 
 
Tôi nhớ câu chuyện anh Minh Mẫn, người lập chương trình Sân chơi học đường cho con.  Anh kể, có hai việc mà dù bận mấy anh cũng không thể không làm, đó là trò chuyện và hôn tạm biệt con trước khi con đi ngủ, đưa con đi học và hôn tạm biệt con khi con vào lớp. Có mất thời gian cho những việc ấy không? Không hề, chỉ mươi mười lăm phút, quá lắm là nửa tiếng. Trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ bất cứ ông bố nào cũng có mỗi ngày, không thể có bất cứ lí do nào để bạn ngụy biện “vì bận quá” mà không làm được những điều bé nhỏ ấy.
 
Thực tình những điều bé nhỏ ấy chẳng hề bé nhỏ. Nó gắn kết bố con hơn nhiều. Những đứa con không ngại chia sẻ những niềm vui nỗi buồn cho bố. Ông bố cũng thêm phần hứng khởi để nỗ lực làm nhiều điều có ích hơn cho mình và xã hội. Và dĩ nhiên sẽ không hề bất ngờ tiếc nuối đã ngó lơ tuổi thơ của con mình.
 
Anh Mẫn kể tôi nghe về một doanh nhân nổi tiếng sáng chế ra vạch sơn trên sân cỏ. Chỉ với sáng chế này, ông trở thành một trong những người giàu có, nổi tiếng thế giới. Nhưng khi phỏng vấn ông nghĩ gì? Ông bảo, nếu thời gian quay lại ông không nghiên cứu sản phẩm ấy. 9 năm mới thành công một sản phẩm trong khi ấy con ông đã bước qua tuổi thơ mà không có mặt bố.
Tuổi thơ của bất cứ đứa con nào, tôi tin, cũng cần có bố…
 
VÕ THU HƯƠNG