Ði xa để nhớ

07:06, 27/06/2019

Từ thành phố Đà Lạt, chúng tôi, mười lăm văn nghệ sĩ tỉnh Lâm Đồng lên đường ra Nhà sáng tác Đại Lải của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đóng ở miền Trung du Vĩnh Phúc. Những kẻ ngụ cư trên mảnh đất Nam Tây Nguyên mỗi người một quê: Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định...

“Quê hương là gì hở mẹ 
Mà cô giáo dạy phải yêu 
Quê hương là gì hở mẹ 
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
….
Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương có ai không nhớ…” 
 
(Đỗ Trung Quân)
 
Đoàn văn nghệ sĩ Lâm Đồng và các đại biểu tại Lễ bế mạc Trại sáng tác. Ảnh: T.Xuyên
Đoàn văn nghệ sĩ Lâm Đồng và các đại biểu tại Lễ bế mạc Trại sáng tác. Ảnh: T.Xuyên
 
Từ thành phố Đà Lạt, chúng tôi, mười lăm văn nghệ sĩ tỉnh Lâm Đồng lên đường ra Nhà sáng tác Đại Lải của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đóng ở miền Trung du Vĩnh Phúc. Những kẻ ngụ cư trên mảnh đất Nam Tây Nguyên mỗi người một quê: Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... Mỗi người mỗi họ tộc, nhưng nỗi nhớ quê hương bản xứ thì chỉ một, có khác chăng chỉ ở mức độ đậm đặc, ở lay động, ở từng trải, ở trạng huống...
 
Nhà văn Chu Bá Nam, nhà thơ Vương Tùng Cương quê ở Bắc Ninh, Bắc Giang; nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm quê ở Thái Bình; nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thùy quê Hải Phòng; nhà văn Nguyễn Thượng Thiêm, nhiếp ảnh gia Phạm Bình quê Hà Tây cũ; nhà thơ Lê Minh Hiếu quê Bình Định; nhà báo, nhà văn Tĩnh Xuyên (Phan Minh Đạo) và họa sĩ Nguyễn Hoàng Khai quê Hà Tĩnh; nhà thơ Diệp Vy quê Lạng Sơn; nhà thơ Vĩnh Nguyên quê Đà Nẵng... Tất cả đều mang nỗi nhớ quê hương, chẳng có đầu có cuối, chẳng màu mè, như con sông lắng hạt phù sa...
 
Chúng tôi đi thực tế qua dòng sông Như Nguyệt, nơi gắn bó với tuổi ấu thơ của nhà thơ Vương Tùng Cương. Anh hào sảng giới thiệu với mọi người trận đánh ở Như Nguyệt giang của 9 thế kỷ trước, nơi Lý Thường Kiệt đọc thơ Thần “Nam quốc sơn hà”, bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam. Dòng sông hôm nay, những con thuyền neo đậu đôi bờ, vẫn dặt dìu chở nặng tình quê... Những con sóng chở mặt trời đi xa... Ánh sáng lấp lánh gợi nhớ tuyến phòng thủ đặc sắc về mặt quân sự của thời cha ông đánh đuổi vạn quân phương Bắc ra khỏi giang sơn vào cuối năm 1075. Theo biến cải, sông hôm nay thu lại, nhưng đời Như Nguyệt giang vẫn nặng nghĩa phù sa cho những cánh đồng sen dâng hương với đời. Sen trải dài nối những con đường, sen dìu nhau nối đến cổng làng, sen đưa mỗi tâm hồn đi xa... Sắc hồng của sen đung đưa với gió, đủ để gợi lên trong ký ức của họa sĩ Hoàng Khai đang ngồi bên tôi về một miền ký ức văn hóa trà... Nhà thơ Vương Tùng Cương chậm rãi đọc: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Sông núi nước Nam Vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời). Đó là bài thơ thuộc loại hay nhất và cổ nhất, ra đời năm 1076, tác phẩm của dòng văn học khi viết về văn học dân tộc, thuở còn tên Đại Việt. Nhưng bồn chồn nhất là nhà thơ Vương Tùng Cương. Anh chỉ về phía phải để giới thiệu dãy núi Nham Biền, gắn với truyền thuyết 100 con chim đại bàng, một con bay đi còn 99 con ở lại thành 99 ngọn núi nằm lại bên nhau, kéo dài đến 12 km. Ở đó, đỉnh cao nhất là Non Vua, hơn 300 m; ở đó, mỗi ngọn núi mang một huyền tích khác nhau: Hòn Giữa, Cột Cờ, Ông Đống, Trói Trâu, Đèo Kim, Ổ Gà, Con Voi... Ở đó, có con sông Thương, “núi và sông dìu nhau tận biển” (thơ Vương Tùng Cương)... Cùng quê quan họ với anh là nhà văn Chu Bá Nam, đang ngồi bên cạnh. Có một dòng sông tuổi thơ chảy về trong họ. Đau đáu và thân yêu... Anh Chu Bá Nam 76 tuổi, người có nhiều truyện ngắn rất thành công. Anh có người anh trai là nhà văn Đỗ Chu, cây truyện ngắn và ký nổi tiếng được vào Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi 20. Quê mẹ Bắc Ninh, quê cha Bắc Giang, nhà văn Chu Bá Nam cho biết, gom lại những năm tháng ở quê, anh chỉ được khoảng 10 năm, bởi sinh ra vào cái thời chạy loạn đói kém. Còn nhà thơ Vương Tùng Cương 73 tuổi nói: “Em có 13 năm ở quê...”. Rồi hai vị cao niên đọc những vần thơ của Vương Tùng Cương đã “viết thơ để trả nợ làng” như anh và bạn bè nói. Những vần thơ thực sự đóng góp về đề tài làng quê trong văn chương nước nhà, giúp anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như là quả ngọt: “Cần nước giếng nhà cánh tay đón đợi/Mảnh vườn xưa trăng sáng bồn chồn”; “Nâng bát cơm cháy mùi rơm rạ/Bếp mẹ cời lửa thức trước rạng đông”; “Rơm thóc oi nồng nhặm vào giấc ngủ/Làng ra đồng gặt với sao Mai”, hay “Than gộc tre tan giá giấc khuya làng”... Những câu thơ anh viết tặng chính nhà văn Chu Bá Nam: “Có một Bắc Ninh đêm ấy/Xôn xao gió sông Cầu/Run rẩy vầng trăng ngần ngại/Lời khuya thủ thỉ trao nhau”... Lần “Về” này (tên bài thơ), Vương Tùng Cương cảm thức hơn một lần sâu đằm hơn, viết để sám hối trước quê anh: “Tháng năm phiêu bạt nổi chìm/Bước quê lặn lội ta tìm lại ta” và “Dẫu muộn màng vẫn cầu mong/Cho con xin lạy tổ tông quay về/Ở đâu cũng chẳng bằng quê/Xóm làng bầu bí dãi dề có nhau”.
 
Tôi nhớ, trước chuyến đi này hơn một tháng, nhà văn Chu Bá Nam chia sẻ: “Tôi đăng ký dự trại lần này như một chuyến đi dối già...”. Vâng, đời vô thường mà. Dịp này anh tranh thủ nhoáng về Bắc Ninh, để gặp lại quê, gặp lại mình, để thăm họ hàng, rồi thắp hương nhà thờ họ, đi tảo mộ, dù không phải là dịp Thanh minh, thắp hương những người đã khuất... Cũng là mong để vơi đi nỗi niềm thương nhớ... Anh còn đến thăm mấy thầy cô đã ở tuổi 90, những bạn bè trang lứa còn sống. Kết thúc chuyến về quê, anh bắt xe thồ hai cây số ra quốc lộ chờ đoàn hơn 4 giờ đồng hồ. Nhưng vẫn không rời cái bịch bánh đa nhà quê để mời đoàn. Tôi nghĩ, tổ tiên và làng quê đã độ cho anh ý chí, nghị lực đến ghê gớm...
 
***
 
Chúng tôi bám theo Quốc lộ 1A. Với tôi, huyết mạch xương sống chạy dọc Tổ quốc này, đã có mặt ở cột mốc cuối phương Nam, mũi Cà Mau. Hôm nay, cùng đoàn được đến với cột mốc đỉnh đầu phương Bắc. Lạng Sơn gian khổ, Lạng Sơn “xứng đáng là phên dậu của đất nước” như chia sẻ của nhà báo “bác cả Hoàng Tiến” với tôi. Chúng tôi đến “ải Nam Quan” xưa, nay là cửa khẩu Hữu Nghị. Bên cột mốc 1.116, Thiếu tá bộ đội biên phòng Lê Công Minh với cảm xúc tự hào, dọng nói khẳng khái, truyền cảm, đã giới thiệu về cột mốc 1.116 biên giới Việt Nam - Trung Quốc cho chúng tôi. Đó là cột mốc 1116 biên giới Việt Nam - Trung Quốc. “Tại đây, 40 năm trước, ngay địa điểm này, người ngã xuống đầu tiên, hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới của Việt Nam là Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh...”, Thiếu tá Minh nói. Khi tôi viết mấy dòng trên kèm theo tấm ảnh đoàn văn nghệ sĩ Lâm Đồng đứng cùng Thiếu tá Minh bên cột mốc lên facebook, mấy phút sau, bạn bè khắp nơi đã viết lời bình. Anh Nguyễn Hữu Thắng là Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng ngồi ở Đà Lạt nhắn tin: “Tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh đây. Chúc chú có chuyến đi vui vẻ nhé”. Bạn cùng học đại học với tôi, người dân tộc Thái, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là Lương Thế Trung viết: “Bạn ơi, nơi đó 40 năm trước, chúng tôi đã từng chiến đấu tuổi đời mới mười chín, đôi mươi, bao đồng đội đã ngã xuống”... Hình ảnh đã gợi những cảm xúc mạnh ở mỗi người về hai chữ Quê hương - Nước Việt. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Đặng Bá Tiến, cùng quê Hà Tĩnh với tôi, Tổng Biên tập Tạp chí Yang-Ly của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk bình tiếc nuối: “Cột mốc đã lùi xa cột mốc thời nhà Thanh lắm rồi”. Nhà thơ Túy Tâm ở Lâm Đồng thì viết: “Đã mất ải Nam Quan”; cựu nhà giáo Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, anh Trần Quyết Thắng lại trắc ẩn: “Cột mốc có chắc chắn không chú?”. Câu hỏi hôm nay, lời nhắc nhở ngày mai. Thế mới thấm cái tình yêu đất nước, yêu quê hương người Việt Nam thiêng liêng và đau đáu đến nhường nào! “Nước chúng ta/Nước những người chưa bao giờ khuất/Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về!” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).
 
Lên Lạng Sơn, chúng tôi còn được các bạn đồng nghiệp Báo Lạng Sơn dẫn đi dọc phố Đồng Đăng, có sông Kỳ Cùng, có động Nhị Thanh, Tam Thanh... để hơn một lần yêu thương tiếng Việt. Và hơn một lần, tôi và các cô giáo Nguyễn Minh Hà ở Phú Yên, Nguyễn Thị Dần ở thành phố Hồ Chí Minh cùng dặt dìu nhớ về ca dao qua facebook: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh/Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/Tay cầm bầu rượu nắm nem/Mảng vui quên hết lời em dặn dò”... Động Tam - Nhị Thanh ở làng Vĩnh Trại, huyện Thoát Lãng. Ở đây tuy không kỳ vĩ như Phong Nha - Kẻ Bàng tại tỉnh Quảng Bình tôi từng đến, nhưng cái đặc biệt là trên vách đá có bức phù điêu khắc tạc hình chân dung trí thức, một tính cách hào hoa, một tâm hồn nhạy cảm trước cảnh đẹp quê hương, đó là Hoàng Giáp Ngô Thì Sĩ. Cùng bức họa là bài văn “tự tán” (tự khắc họa tính cách, phong cách của ông) vào cuối thế kỷ XVIII.
 
Qua “bác cả Hoàng Tiến”, chúng tôi đến Tổng Công ty Lương thực Cao Bắc Lạng, có người quen là anh Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trưởng đoàn, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm giới thiệu từng thành viên... Đây là nhà thơ Diệp Vy, người dân tộc Tày, quê ở Đồng Đăng, Lạng Sơn... Chị là Lý Minh Khiêm sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng, cha họ Lý, mẹ họ Bế. Năm mươi tư tuổi, đây là lần thứ 2 Diệp Vy được về quê, lần đầu vào năm 1982 khi mới 16 tuổi... Nhà văn Nguyễn Thanh Đạm chưa dứt lời thì Diệp Vy đã giàn giụa nước mắt, cảm xúc dâng lên nghẹn lời cô: “Em cảm động quá. Quê hương chỉ biết qua lời bố mẹ kể nhưng đến lần này… Cảm ơn Trưởng đoàn - anh Thanh Đạm, cảm ơn anh...”. Căn phòng của Chủ tịch Phong chùng xuống... Diệp Vy xin phép ở lại một ngày để tìm về nguồn cội. Hôm sau, cô lủng lẳng xách túi bánh ngải về mời đoàn. Thứ đặc sản này được người Tày làm bằng bột nếp giã nhỏ cùng lá ngải, nhân là đậu, vừng, đường... Diệp Vy kể say sưa: Em đi bộ khoảng 4 cây số để hỏi tìm về bản Tàng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc. Đường mòn, xe thồ không đi được, cheo leo bên sườn núi. Mọi sinh hoạt ở đây còn thiếu thốn rất nhiều so với bản Tày nơi gia đình cô ngụ cư ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Diệp Vy kể, vẫn chưa hết cơn sóng xao xuyến bồi hồi: “Họ hàng đến rất đông, thấy em nói được tiếng Tày, họ rất mừng. Nói chuyện với nhau đến gần sáng. Mà cũng chả ngủ được, vì nôn nao với quê và vì cả vô số... rệp cắn khắp người anh ạ... Em đi viếng mộ, thắp hương tổ tiên... Không vì tình thân thì không thể đi được”. Có thế thì mới “Trắng đêm thức với ngàn sao/Tình thâm ấp áp lệ trào rung rung” (Ngày về). 
 
Trong đoàn có nhà thơ Lê Văn Hiếu thuộc những dị biệt. Anh là người xứ An Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi có nước Bàu Đá tinh cất nên đặc sản quý rượu Bàu Đá, trong như mắt mèo rừng, nung đỏ họng và nông rộng hai hốc mũi khi uống, nhờ nồng độ và hương vị. Hiếu lập nghiệp tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, vùi trộn sắc đỏ ba-zan và khí trời khoáng đạt cao nguyên để trồng trọt và đắm với thi ca. Hai mốt tập thơ, hơn 500 bài, hàng trăm tác phẩm đăng báo chí, giao du rất rộng với dân văn chương khắp nước mấy chục năm nay. Thế mà, gã râu ria lởm chởm ngút ngàn sương gió ấy lần đầu tiên ra miền Bắc, lần đầu tiên được ngồi máy bay để ngắm thảm mây bông của giang sơn nước Việt mình: “Xuyên qua bầu trời/Xuyên qua đám mây/Bỗng dưng ta nhớ chiếc bánh xốp ta ăn từ thuở nhỏ/Nhớ cốc sữa, cốc kem có nhân đào” (Uống cạn đám mây). Gã khát cháy khám phá, cảm xúc càng thêm mãnh liệt. Hiếu nhận xét trong sự đánh thức và so sánh với gốc gác Bình Định: “Nông thôn miền Bắc khác nhiều so với miền Trung, đó là nhà ống nhiều...”. Những thi tứ “đọa đày” tâm trạng, ám ảnh Lê Văn Hiếu để hẳn có tập thơ “Ngực núi” 49 bài. “Ta hít sâu men lá/Hít sâu hơi thở rừng/Cái bụng ta no đầy rượu và sữa/Cứ căng tròn đôi vú héo, đến chon von” (Ngực núi)...
 
Cũng là lùi ra xa để nhớ, để thêm một lần chiêm nghiệm những góc khuất của những vùng quê, chỉ có trắc ẩn ở người cầm bút nhiều mới cảm nhận được. Đó là trường hợp nhà văn Nguyễn Thanh Đạm. Những ngày anh trở lại miền Bắc là những ngày nhà văn ngẫm về Đất và Người quê hương thứ 2: Đà Lạt - Lâm Đồng, nơi mà anh dứt vùng lúa Thái Bình để gắn bó 43 năm, để bươn chải lập nghiệp, để ngụp lặn thăng trầm. Lúc này, anh hoàn chỉnh tập truyện ngắn “Đốm lửa hồng” với tác phẩm dự kiến xuất bản trong năm 2019. Có thể độc thoại, đối thoại, nhưng đây là những khuôn mẫu ở xứ Nam Tây Nguyên bước vào trang văn để trở thành những nhân vật điển hình với những số phận. Họ là nhà báo, nghệ sĩ, kỹ sư, nhà giáo... luôn trăn trở, khắc khoải vượt lên cái xấu, cái ác, cái tầm thường để hướng tới điều tốt đẹp, sự nhân ái... 
 
***
 
Tôi ở cùng phòng với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thùy. Anh quê ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Một hôm, chuông điện thoại anh reo, anh cầm máy rồi “Dạ... dạ... Con biết ạ, con nhớ ạ...”. Những thanh âm vừa ngọt vừa mềm đến lạ. Sau này tôi biết đó là cuộc thoại giữa anh với người bố vợ ở Hải Phòng... Anh không về vì mới thăm cụ trước tết. Nguyễn Xuân Thùy là Thượng tá quân đội nghỉ hưu, một tâm hồn luôn trong trẻo nhờ cuộc sống âm nhạc bồi đắp. Có lẽ chuyến hơn một tháng ấy tạm đủ những câu chuyện để anh nhấp nháp và yên lòng những tháng ngày ở trại viết với tư cách phó đoàn của chúng tôi. 
 
Còn tôi và họa sĩ Nguyễn Hoàng Khai đã quyết định sau ngày bế Trại sẽ về lại quê Hà Tĩnh. “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” kia mà! Trong mấy ngày, biết tôi ra Bắc, phía kia, bờ quê, các bà chị gái, bạn bè đã nhắn tin đón đợi... Bà chị kế Phan Thị Hoàng Thảo ở Vinh nhắn: “Xong công việc cậu về quê chơi nhé...”. Con gái của bà chị là Lê Thị Thanh Thủy cũng nhắn: “Về Vinh chơi đi cậu ơi”... Cô bạn Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương, có quy mô nuôi tôm trên cát lớn và hiệu quả nhất tỉnh nhắn: “Hà Tĩnh sẵn sàng đón tiếp anh nhé”,... Nhà văn Trần Quang Ngân quê Quảng Ngãi thì tranh thủ thăm ông anh con bà cô ruột ở Hà Nội. Anh Ngân kể: Ông ấy nguyên là Vụ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đã 93 tuổi, tập kết ra Bắc thời kháng chiến, định cư quê mới ở Hà Nội, lâu lâu hồi hương xứ Quảng thăm thú bà con. Anh nói: “Mấy hôm nay con ông điện mời chú ra thăm. Mình ra không thăm vô tình quá...!”.
 
Những ngày ở miền Trung du Vĩnh Phúc, sơn thủy giao hoan, thủy chung mặn mà. Không gian xanh của núi rừng cùng khu vực hồ - rừng núi Đại Lải có tổng diện tích hơn 30 km2 đã trở thành nơi chốn cho mỗi tâm hồn neo đậu, để lắng lòng với quê hương. Mặt trời nâng tán rừng, quanh trại viết của chúng tôi, lá Ngọc Lan, Lát hoa, Sấu, Thông... rơi xuống đánh thức lối cổng. Ve sầu nổi bè gọi hè. Nắng chảy xuống hồ. Gió rì rào thảm thực vật. Hình như, tiếng sáo diều vọng lại nơi chúng tôi đang ở, lấp lánh điệu hồn “lá rụng về cội”...
 
Đại Lải - Đà Lạt tháng 6/2019
 
Ký: TĨNH XUYÊN