Có những người mà ta gặp đến chục lần nhưng chưa hoặc không để lại chút nào dấu ấn trong bộ nhớ của ta, nhưng có những người, ta chỉ gặp một lần đã làm ta thay đổi toàn bộ nhận thức và đường đi trước đó để rẽ sang một bước ngoặt mới dẫn đến thành công...
Có những người mà ta gặp đến chục lần nhưng chưa hoặc không để lại chút nào dấu ấn trong bộ nhớ của ta, nhưng có những người, ta chỉ gặp một lần đã làm ta thay đổi toàn bộ nhận thức và đường đi trước đó để rẽ sang một bước ngoặt mới dẫn đến thành công. Người mà tôi gặp một lần để rồi tôi được như ngày nay đó là ông - nhà báo lão thành Phan Quang. Đã gần 40 năm không gặp lại, nhưng ông vẫn hiện hữu trong tôi như mới hôm qua...
|
Nhà báo lão thành Phan Quang. Ảnh tư liệu |
Từ tháng 7/1975 đến tháng 4/1985, tôi làm việc ở Xí nghiệp Xây dựng số 4 tại tỉnh Bắc Thái, sau này là tỉnh Thái Nguyên. Năm 1978, tôi tập tọe làm thơ rồi viết báo. Nhưng viết đến trăm bài thơ, hai chục truyện ngắn, hàng chục bài báo mà không được đăng một bài nào, truyện nào. Tôi vẫn không nản, và vào tháng 3/1982 tôi đến cơ quan báo Bắc Thái gặp bác Hồng Dương, lúc ấy là Tổng Biên tập. Bác Dương đang tiếp một người khách nam, cỡ xấp xỉ năm mươi tuổi. Bác Dương bảo tôi chờ 15 phút sau đó gọi tôi vào. Bác Dương nói với người đàn ông kia, anh cứ ngồi, không ngại, đây là anh bạn trẻ muốn theo nghiệp báo của chúng ta đấy. Rồi quay sang tôi, bác nói đại ý: Truyện ngắn của cháu viết như báo, báo lại như truyện ngắn. Cái nào cũng dài dòng, thừa chữ, trùng từ. Ưu điểm là có chất liệu, số liệu v.v... Cố gắng nhé.
Đúng lúc đó, có một số phóng viên của báo đến gặp Tổng Biên tập. Tôi chào bác Dương quay ra, đến thềm đã thấy người đàn ông lạ đứng đó, ông chỉ vào cái ghế đá dưới gốc bàng ngoài sân nói:
- Anh bạn trẻ muốn làm báo à, ra kia chú cháu mình nói chuyện.
Tôi lưỡng lự thì ông giục:
- Đừng ngại anh bạn trẻ ạ.
Tôi đi theo ông và mạnh dạn ngồi xuống. Tim đập dồn dập, bởi tôi đoán ông là một nhân vật nổi tiếng nào đó.
Ông hỏi tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình của tôi. Tôi trả lời ngắn gọn, rành rọt từng câu. Ông nói với tôi khoảng 20 phút về văn và báo. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ như in từng lời của ông, xin tóm tắt như sau: Viết báo là để thông tin đến người đọc những sự kiện đã và đang diễn ra tại thời gian, không gian gắn với con người, sự vật một cách cụ thể. Ví dụ, một vụ cháy xảy ra tại thôn A, xã Y vào 10 giờ sáng tháng ba năm... Nguyên nhân xảy ra do dùng lửa bất cẩn hay chập điện... Một ví dụ nữa: Nhà máy X tỉnh K vừa hoàn thành những chỉ tiêu sản xuất nào, nguyên nhân, hướng phát triển tới ra sao, biện pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm (nếu có)v..v... Yêu cầu với nhà báo là trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
Về văn thì có thể hư cấu cả tên người, tên địa danh nhưng cũng phải hợp lý... Ông nói nhiều chuyện nhưng cũng đã khuyên tôi cần đọc nhiều báo, tạp chí và tác phẩm văn học. Nếu thực sự muốn viết báo phải chịu đi - đọc - học - viết, cần nhớ rõ công thức này. Ngoài ra có thể nhờ những nhà báo đi trước, hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ năng làm báo. Kết thúc, ông chủ động bắt tay tôi, nói một câu:
- Chúc anh bạn trẻ thành công. Nếu có duyên chúng ta còn gặp nhau.
Tôi thật xúc động bởi nghĩ mình chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt mà được nghe một nhà báo tên tuổi của nước nhà hỏi chuyện rồi chia sẻ những điều cần thiết về nghề. Ông có cách truyền đạt dễ nghe, dễ hiểu, dẫn chứng cụ thể, sống động dễ thuyết phục người nghe.
Ba mươi bảy năm đã qua, tôi chưa một lần được gặp lại ông bởi tôi đã vào Lâm Đồng lập nghiệp 30 năm nay. Nhưng lời ông thì tôi luôn nhớ và tôi đã làm theo. Tuy nhiên, có lẽ tôi không có duyên nợ với nghề báo nên chỉ làm việc ở đài huyện 7 năm rồi chuyển sang công việc khác. Nhưng may mắn là tôi còn duyên nợ với văn chương và đã thành công từ 24 năm nay, dù chất lượng những tác phẩm văn học chưa phải xuất sắc. Đó cũng là nhờ ông chỉ giáo từ bước đi đầu tiên trên con đường đã chọn cho đến ngày hôm nay.
THANH HƯƠNG