Người Chu Ru là một trong những dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc ngữ hệ Mã Lai - Ða Ðảo ở miền Nam...
Người Chu Ru là một trong những dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc ngữ hệ Mã Lai - Ða Ðảo ở miền Nam. Ở Lâm Ðồng, dân số Chu Ru có gần 17.000 người, cư trú tập trung ở xã Tu Tra (huyện Ðơn Dương), một số xã thuộc huyện Ðức Trọng và một số ít sống rải rác ở một số xã thuộc huyện Di Linh. Người Chu Ru là DTTS tại chỗ ít nhiều còn giữ được một số nét bản sắc văn hóa truyền thống. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa dân tộc Chu Ru có cơ hội hội nhập và giao lưu với nền văn hóa của các dân tộc khác để làm giàu và khẳng định bản sắc riêng của mình. Song, hơn lúc nào hết, đây cũng là giai đoạn mà các giá trị văn hóa của dân tộc Chu Ru đối diện với nguy cơ mai một, mất đi. Vấn đề này đặt ra một thách thức lớn cho cộng đồng Chu Ru cũng như các tổ chức, các cấp, ban, ngành.
|
Múa truyền thống của người Chu Ru. Ảnh: P.Nhân |
Vài nét về văn hóa truyền thống
Nhà ở truyền thống xưa kia của người Chu Ru là ngôi nhà sàn, ở dưới sàn thường là nơi chất củi. Bình thường có hai ngôi nhà là nhà trên và nhà dưới. Nhà trên là nhà để ở, nhà dưới chính là nhà bếp. Hai ngôi nhà này nối với nhau bởi một cái Lơnhan (giống như thang).
Về trang phục ngày xưa rất đơn giản. Phụ nữ quấn ùi trắng làm áo, ùi màu làm váy. Đàn ông thường để người trần hoặc dùng ùi màu vắt chéo người, phía dưới quấn ùi trắng. Y phục của người Chu Ru chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ các tộc người sống lân cận... Tuy nhiên, người Chu Ru sáng tạo một nét văn hóa riêng biệt dù họ sử dụng sản phẩm dệt của các cư dân khác, góp phần thể hiện rõ nét nhất đặc điểm này là cách mặc của họ.
Người Chu Ru ăn ba bữa một ngày với thức ăn chính là cơm. Thức ăn trước kia thường được nấu trong ống tre ống nứa, về sau mới có nồi đất, nồi đồng và nồi gang thay thế. Canh là món rau được trộn với gạo người ta gọi là pàj. Một món nữa mà mọi người rất thích ăn và cũng được coi là món hiếm là Cơ lí M’xắp (Da trâu, bò muối). Sở dĩ được coi là món hiếm bởi vì khi làm lễ ăn trâu mới có món này. Về thức uống, cũng như các anh em trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, rượu cần chính là thức uống của người Chu Ru.
Tự chế tạo các vật dụng phục vụ đời sống thường ngày là đặc điểm của người Chu Ru trước kia. Người đàn ông đan gùi, nơm đó. Người phụ nữ đan nia, sàng sẩy gạo, túi đựng cơm. Ngoài ra, một số làng vẫn chế tác được nhẫn bạc để dùng và trao đổi, trong khi hầu hết các DTTS anh em khác rất hiếm hoặc không có nghề thủ công mỹ nghệ này.
Do trình độ phát triển xã hội còn thấp, người Chu Ru tin rằng mọi mặt đời sống của mình đều có thế lực siêu nhiên quyết định. Họ tin rằng thần thánh luôn bảo vệ và giúp đỡ con người, còn ma quỷ luôn tìm cách hãm hại con người. Tuy nhiên, thần thánh vẫn sẽ trừng phạt con người nếu con người có ý xúc phạm hoặc làm trái ý thần. Khi đó nếu gặp sự bất trắc người ta sẽ cho rằng do thần linh sai ma quỷ trừng phạt họ. Yàng (Pô) luôn chiếm vị trí tối cao trong lòng của người Chu Ru, tất cả các sự vật ngoài thiên nhiên họ đều tin rằng có Yàng trú ẩn bên trong nên họ luôn có sự kính trọng đến tất cả các sự vật ấy, như Yàng Lơ hú (thần đất), Yàng Kơh (thần dốc), Yàng Chơk (thần núi),...
Người Chu Ru còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán như việc thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Lễ cúng tổ tiên (pơ thi mó cay) ở đây khác hẳn với lễ cúng tổ tiên của người Kinh. Việc hành lễ không có ngày tháng nào nhất định. Có thể hai, ba năm hay hai, ba mươi năm mới cúng một lần, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Trong nhà cũng không có bàn thờ hay bài vị. Họ chỉ lập bàn thờ và tiến hành nghi lễ vào một dịp nào đó ngoài nghĩa địa (kốt a tâu).
Việc tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cổ truyền bao gồm cúng thần đập nước (Bơ mung), thần mương nước (Rơ vọak) để ăn mừng lúa mới, cúng sau mùa gặt. Trong đó, đáng chú ý nhất là lễ cúng thần Bơ mung. Trong mỗi vùng cư trú có một nơi dành riêng để thờ cúng vị thần này. Hàng năm, khoảng tháng hai âm lịch, tất cả mọi người trong làng đều đến đấy làm lễ cúng. Dân làng thường cúng bằng dê, còn chủ làng thường phải cúng bằng trâu hoặc bò.
Người Chu Ru ở Lâm Đồng đa số là làm ruộng nên các nghi lễ nông nghiệp ở đây được tiến hành vào các khâu làm ruộng. Khi gieo giống người ta phải mơ nhumpla ơgalk (uống gieo giống hay lễ gieo giống). Tiếp đến là lễ một tập thể của làng, thường được tổ chức dưới một ngọn núi vào lúc lúa đã mọc đầy đồng để tạ ơn thần linh đã ban cho mưa thuận gió hòa. Lễ có tên là Mơ nhum vơthai chă tiếp đến là Mơ nhumbok ơpiek. Lễ này được cử hành khi mùa lúa bắt đầu trổ bông, cầu cho lúa ra nhiều bông và cho chuột đừng phá phách. Lễ được thực hiện trên đồng ruộng. Khi lúa đã chín, mownhum plathukl (lễ trồng cây nêu) được tiến hành và cúng ngay trên chính mảnh ruộng của gia đình mình.
Người Chu Ru cũng có những nhạc cụ đặc sắc: Ngoài trống, kèn (rơkel), đồng la (săl)... còn có r’tông, kwao, tenia... Trong những ngày vui, họ thường tấu nhạc với điệu Tam - nha, một vũ điệu điêu luyện mang tính cộng đồng, hầu như người nào cũng biết và ưa thích.
Trong đời sống sinh hoạt của người Chu Ru thì “Ơ khan T’rơ can” (kể truyện cổ) đã trở thành một phong tục đẹp được diễn ra một cách phổ biến trong cuộc sống của họ. Dù thời gian và không gian Ơ khan T’rơ can có đôi chút thay đổi nhưng trên hết, giá trị mà nó mang lại chính là góp phần củng cố đời sống tinh thần. Nó có ý nghĩa bồi dưỡng đạo đức, ý thức dân tộc cho mọi thành viên trong cộng đồng nhớ về nguồn cội, để xứng đáng với cha ông, với đất trời, với tổ tiên của tộc người. Trong mỗi câu chuyện được truyền kể, những bài học bổ ích, những lời nhắn nhủ không ngừng được truyền đi, mang thông điệp gửi đến mỗi lớp người mới nối tiếp nhau của bản thân dân tộc. Những giá trị tinh thần mà Ơ khan T’rơ can mang lại như một tấm gương soi chiếu lời dạy của tổ tiên đến với mỗi người con của mình.
Người Chu Ru có một kho tàng ca dao, tục ngữ (Pơ đik, pơ đoa), câu đố, truyện cổ tích (T’rơ can) phong phú, phản ánh cuộc sống sinh hoạt cũng như phong tục tập quán, chủ yếu được lưu truyền bằng miệng. Kho tàng văn học nghệ thuật dân gian không chỉ có giá trị về mặt văn học nghệ thuật, mà còn là một nguồn tư liệu lịch sử quý giá giúp chúng ta tìm hiểu nhận thức, quan điểm và quá trình tiếp cận cuộc sống của họ.
Các giá trị văn hóa đã mất hoặc có nguy cơ mai một
Hiện tượng tín ngưỡng đa thần trước đây vốn được người Chu Ru thờ cúng một cách rất nghiêm túc và nó luôn hiện hữu trong đời sống tính ngưỡng thường ngày của Nhân dân. Nhưng hiện nay, một số tôn giáo đang phát triển sâu rộng trong vùng người Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng. Nhiều nghi lễ cúng bái đã bị bỏ, chỉ một nghi lễ quan trọng mà cho đến hiện nay dân tộc Chu Ru vẫn tiến hành là cúng bái tổ tiên (pơ thi ơ tau). Nhưng thật buồn thay, bởi đó chỉ còn là một bữa tiệc đãi khách với hàng chục mâm ăn do một nhà hàng tiệc cưới nào đó phụ trách. Pơ thi ơ Tau chỉ còn là: Thuê thợ xây lại một ngôi mộ đẹp đẽ, đãi một bữa tiệc linh đình. Hiện nay, gần như không còn bất cứ lễ hội nào tồn tại. Không còn lễ hội cồng chiêng, không còn lễ hội mừng lúa mới, không còn lễ hội cúng cây nêu… không còn gì cả. Có chăng cũng là một lễ hội được tổ chức: có sự sắp xếp và dàn dựng, không còn cái hồn, không còn cái gốc rễ.
Các nghi lễ trong cưới hỏi và tang ma cũng mất đi những giá trị tinh thần. Nghi thức bắt chồng chẳng còn thiêng liêng nữa khi buổi tối ấy đã được thông báo trước bằng một cuộc điện thoại. Nếu như trước đây, người con gái hồi hộp ở nhà chờ đợi thì giờ thản nhiên đi cùng mọi người vì “tụi nhỏ quen nhau trước rồi”. Nếu như trước đây, bắt chồng là một cuộc đấu trí giữ hai dòng họ dưới hình thức nói bóng nói gió, dùng những câu Pơ Dik- Pơ đoa (gần như tục ngữ - thành ngữ)… thì giờ chỉ là vài câu trao đổi sáo rỗng. Các lễ vật thách cưới của nhà trai đã không còn là ùi, là nhòng, là nhẫn bạc hay cồng chiêng, chum chóe mà là vàng 4 số 9, là tiền… Tiệc cưới không còn chóe rượu cần, pài và cháo chua, không còn cồng chiêng cùng điệu múa Tăm nhia nữa mà là nhà hàng tiệc cưới phục vụ, dàn nhạc sống xập xình, rượu trắng và hàng loạt các loại bia từ bia Tiger, Sài Gòn đến 333. Cái ùi, Jo ví gạo viếng người mất đã được thay thế bằng phong bì. Vậy phong tục tập quán hôn nhân và tang ma của người Chu Ru rốt cuộc còn lại cái gì? Điều an ủi duy nhất là hiện nay, nghệ nhân Ya Tuất ở xã Ma Đanh của huyện Đơn Dương, vẫn cần mẫn chế tạo nhẫn bạc (Sơ rí và Cơ Ră). Nhưng sẽ còn lưu giữ được bao lâu nữa khi các tiệm kim hoàn đã bắt đầu bày bán những chiếc nhẫn bạc với các mẫu mã y hệt và giá rẻ hơn.
Ơ khantơ rơ can và H’ri in đậm trong cuộc sống của mỗi cá nhân ngay từ khi còn nhỏ trong những thời khắc sinh hoạt thường ngày. Chính vì lẽ đó, trong vô thức của mỗi người, Ơ khan T’rơ can đã trở thành một phần không thể thiếu dệt nên những hình ảnh đẹp và sống động về quê hương và con người của dân tộc mình. Chính điều này đã gieo vào lòng họ niềm tin và sự kiêu hãnh sâu sắc về dân tộc mình, khiến họ tự tin vững bước hòa nhập với cuộc sống. Nhưng chỉ là trước đây, hiện nay H’ri, Ơ khan chẳng còn hiện hữu bên cạnh bếp lửa bập bùng trong căn nhà sàn ấm cúng. Ti vi với những chương trình hấp dẫn đã thay thế hoàn toàn nếp sinh hoạt Ơ khan, H’ri...
Giống như các dân tộc anh em khác sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, dân tộc Chu Ru cũng có vốn văn nghệ dân gian phong phú và đa dạng bao gồm: truyện cổ, thơ ca trữ tình, múa, hát đối đáp, các câu ca dao, tục ngữ, câu đố... đúc kết những kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm về thiên nhiên cũng như về đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi, văn hóa của người Chu Ru đang bị mai một, pha trộn, lai căng. Văn học dân gian cũng là một trong những yếu tố văn hóa đang dần bị biến mất...
Những vấn đề đặt ra trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
Xã hội của người Chu Ru hiện nay đang thay đổi từng ngày và nếu không có biện pháp thích ứng nào để duy trì các giá trị văn hóa xứ này thì chắc chắn các giá trị truyền thống sẽ bị mai một và mất đi theo thời gian. Vấn đề của chúng ta hiện nay không phải cố gắng xây dựng nhà văn hóa có cấu trúc như nhà sàn, không phải cố gắng tổ chức các lễ hội chỉ mang tính hình thức… mà điều quan trọng là làm sao giữ được những giá trị văn hóa đó trong lòng những người con dân tộc Chu Ru. Tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kho tàng văn học dân gian… tất cả đều rất quan trọng. Nhưng sẽ được gì khi chúng ta cố gắng sưu tầm tất cả các tác phẩm văn học dân gian nhưng không còn ai muốn nghe kể, không còn ai muốn thưởng thức! Tu sửa nội tâm mới là vấn đề cốt yếu.
Làm thế nào để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng Chu Ru nói riêng, các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng nói chung là câu hỏi mà tất cả chúng ta - những người làm công tác quản lý xã hội, quản lý văn hóa, những người yêu văn hóa… phải trăn trở. Bởi vậy, để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Chu Ru, văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần có chính sách đặc thù để gắn giáo dục với văn hóa của dân tộc Tây Nguyên trong đó có văn hóa truyền thống của người Chu Ru. Nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ Tây Nguyên - những chủ nhân tương lai của vùng đất đỏ ba-zan. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông đặc biệt là hệ thống các trường dân tộc nội trú các vấn đề về văn hóa dân tộc; giải pháp về giáo dục được coi là tiên phong và là yếu tố then chốt, quyết định đến sự tồn vong của các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng.
Hai là, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa sự phát triển của tôn giáo và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Chu Ru ở Lâm Đồng vì tôn giáo và tâm linh là một nét đặc trưng, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của người Chu Ru ở khu vực này.
Ba là, có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa dân tộc Chu Ru vào trong cuộc sống, để các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng được phát huy và vững bền.
Ths MA HIÊNG