Nguyễn Vĩnh Nguyên nói rằng, mình không mắc nợ nơi chốn nào và cũng không ai bắt anh phải dấn thân cho cuộc "hành xác" chữ nghĩa...
Nguyễn Vĩnh Nguyên nói rằng, mình không mắc nợ nơi chốn nào và cũng không ai bắt anh phải dấn thân cho cuộc “hành xác” chữ nghĩa. Chỉ đơn giản, viết là một trong những cuộc du hành giữa cuộc đời mà anh đã lựa chọn và đến thời điểm này, Nguyên khẳng định là đang còn thú vị. Trên cuộc du hành văn hóa, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dùng một vài phương tiện, lúc là tiểu thuyết, khi truyện ngắn, thơ, tạp bút… và bây giờ là những tập biên khảo.
|
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tại Thư viện tổng hợp Lâm Đồng. Ảnh: U.T.B |
Cuộc du hành văn hóa thú vị
- UÔNG THÁI BIỂU: Một nhà văn đã thể hiện rất nhiều thể loại, thế rồi bất ngờ anh xê dịch qua một lĩnh vực mới: biên khảo văn hóa. Với cá nhân anh, đây là sự tiếp nối công việc đã làm, cuộc làm mới mình hay đánh dấu sự dịch chuyển cảm xúc, tư duy? Điều gì đã thúc giục anh đến với con đường này?
- NGUYỄN VĨNH NGUYÊN: Cuộc khám phá về hình thức, lối viết với những tác phẩm hư cấu trong những năm tháng còn trẻ đã cho tôi cảm giác được giải tỏa năng lượng, nhưng bây giờ tự thấy bão hòa. Tôi đã bốn mươi tuổi. Ở vào thời điểm này, tôi lại ưa đặt ra cho mình những câu hỏi khá cụ thể về thời gian và sự đổi thay trong đời sống. Khi tự đặt ra các câu hỏi, nghĩa là đã khởi đầu của những cuộc tìm kiếm khác. Con người của cảm xúc, của năng lượng phóng chiếu chủ quan đã bị tiết chế để thay thế bằng những phẩm tính khác. Tôi thích từ tốn và tĩnh tại. Biên khảo với tôi trước hết là để tự trả lời các câu hỏi, tự nhận thức; sau, là một loại công việc phù hợp với khuynh hướng sống của mình lúc này.
- Nói tiếp về biên khảo, anh cho sự viết như một cuộc du hành văn hóa thú vị. Trong cuộc du hành ấy hẳn anh đã phải đối diện với tâm trạng của người vừa bình tĩnh xử lý những sự thật khách quan xảy ra trong quá khứ, vừa phải kìm nén và tiết chế cảm xúc trước những mảnh ký ức xưa cũ mà anh đã cố công tìm kiếm và chia sẻ với công chúng?
- Tôi sẽ không dám nhắc về trách nhiệm khoa học, điều đó quá lớn lao; vả lại, tôi hiểu khoa học không phải là chân lý tất định mà là một hành trình, phương pháp tìm kiếm. Tuy nhiên, đã có những đòi hỏi thuộc về chuẩn mực của thể loại biên khảo quy định trở ngược lại với người viết. Tôi được phép cá nhân hóa tới đâu để những trình hiện đạt tới sự khả tín ở góc độ phương pháp, và đồng thời, có thể lý tính tới đâu để bảo đảm những điều viết ra vẫn có sức hấp dẫn. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để lựa chọn một lối viết sao cho không sa vào ê a cảm tính lại không nghiêm trọng, tháp ngà.
- Có lẽ vậy. Với tác phẩm của anh, công chúng tiếp cận một giọng điệu riêng, văn phong riêng, cách xử lý tư liệu riêng và người đọc bị cuốn hút theo cách kể. Hình như đọc anh, người đọc suy tư nhiều hơn, dày cảm xúc hơn. Đó là ý đồ hay tạng bút?
- Như đã nói, đó là một sự chọn lựa có chủ ý về lối viết và cấu trúc tổng thể. Anh sẽ thấy điều này rất rõ khi đặt các biên khảo bên cạnh nhau. Ở Đà Lạt, một thời hương xa, tôi chọn một cách thể hiện hơi thiên về tùy bút (tôi gọi đó là du khảo) để không gian tái hiện “phần bề nổi” của sinh hoạt văn hóa một thành phố qua các hiện tượng, chân dung, lĩnh vực được có cảm giác cởi mở, sống động và uyển chuyển. Thủ pháp liên văn bản được sử dụng cũng có tính toán, bởi chất liệu văn bản trước tác của các nhân vật trong đó (như Phạm Công Thiện, Nguyễn Bạt Tụy, Trịnh Công Sơn…) sẵn đủ sức thở ra cái không khí rất đặc biệt của một thời kỳ văn hóa. Tôi đóng vai người dẫn chuyện và chú giải cho các văn bản trong chuyến đi vào phần nội tâm lịch lãm của một thành phố. Đến Đà Lạt, bên dưới sương mù, tôi chọn một giọng điệu khác - giọng điệu của một người khai mở những bí mật, kiến giải và xử lý những hồ sơ trong kho tàng - khi mà chất liệu chính yếu làm nên cuốn sách này là những văn bản gốc, những sự kiện ẩn mật, hoặc ít, hoặc chưa được biết đến.
Sự nhất quán để độc giả tìm thấy một “tạng chất” trong lối viết là quan trọng, nhưng với tôi, điều quan trọng hơn, là sự chuyển động lý tính và nhuần nhuyễn trong cách thể hiện. Người viết cảm giác được chính sự “di chuyển” của mình đem lại nguồn hứng thú của việc viết.
- Anh hãy kể một chút về hành trình tìm kiếm tư liệu của mình để thấy rằng làm được điều như anh đã làm là không dễ dàng gì… Ví như Đà Lạt bên dưới sương mù, tập biên khảo như một biên niên ký 25 năm về Đà Lạt (1950-1975) và Đà Lạt, một thời hương xa chuyện ở một thời rất xa, rất nhiều người lần đầu tiên được tiếp xúc với những sử liệu, những đồ án, những bản quy hoạch, những câu chuyện “lạ”…
- Tôi di chuyển thường xuyên giữa Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh. Có rất nhiều chuyến đi - về tay không. Tôi mang máy tính vào Trung tâm Lưu trữ ngồi làm tài liệu để tiết kiệm chi phí và cũng ngồi lì nhiều ngày để thuyết phục in sao lại một tấm ảnh hay một bộ tài liệu - kiên định trong vai của một kẻ làm phiền…
Ngoài sự kiên trì, thì càng đi vào thế giới công việc này, tôi càng tin vào cái duyên. Có những trang văn bản then chốt về một sự việc không tìm được ở một văn khố đồ sộ sau vài tháng trời lùng sục, một hôm lại “hiện ra” trong một đống sách cũ trên vỉa hè Sài Gòn…
Không nên từ chối những tri thức quá khứ
- Tại sao anh chọn đô thị làm đối tượng cho các biên khảo của mình? Và tại sao lại là Đà Lạt cho những tác phẩm khởi đầu?
- Chính xác là các đô thị miền Nam. Lịch sử các đô thị miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 đã có những khoảng bị che đậy, diễn dịch bằng định kiến vì nhiều lý do, trong một thời kỳ khá dài. Sự khiếm khuyết đó dễ dẫn đến những lệch pha về nhận thức và đi đến những diễn giải phiến diện, gia tăng những đứt gãy trong văn hóa. Điều này cũng sẽ tạo ra các sai lầm về định hướng phát triển. Đà Lạt với tôi là một khoanh vùng tinh gọn, hàm súc, một điển cứu có tính biểu trưng trong bức tranh đô thị miền Nam có thể giải ảo được. Đà Lạt cũng có một câu chuyện đủ hay, gợi nên một tình yêu đủ lớn trong nhiều người để có thể chạm vào.
- Đà Lạt, hay nơi chốn nào đó, chỉ tình yêu thôi chưa đủ, cần có sự hiểu biết. Khi trò chuyện với anh, tôi nhớ câu nói của học giả người Pháp Jacques Dournes: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Anh đã nối dài cái tình yêu của thời tuổi trẻ bằng cách “lặn sâu” vào dòng ký ức đô thị để diễn giải nó theo cách của mình…
- Lại nói về tình yêu. Đúng ra, đó là một nguồn dưỡng chất không thể thiếu cho những cuộc du hành. Nhưng có một điều gần như vị kỷ mà càng ngày tôi càng nhận ra, cái gọi là tình yêu, nó chỉ làm cho tôi yêu chính cuộc du hành hơn là mọi điểm đến. Chúng ta nuôi tình yêu với cuộc du hành để tìm thấy hưng phấn khi tiếp cận, hiểu và kiên trì với những điểm đến chăng?
- Đi tìm xưa, anh đã cảm nhận được những sự mất mát, đúng không? Nhưng chúng ta thống nhất với nhau là trong khi tỏ thái độ trân trọng quá khứ thì cần phải ý thức và vận hành tư duy đầy đủ về tiến trình phát triển? Quan điểm của anh về vấn đề này?
- Nếu nhìn bằng tư duy phân kỳ lịch sử, chúng ta sẽ giải thích các hiện tượng văn hóa trong tính bối - cảnh - hóa - cắt - khúc. Nhưng mọi cái nhìn thấu đáo hơn về lịch sử sẽ không hoài phí khi có những xâu chuỗi liền lạc để xử lý các thách đố của hiện tại và tương lai sao cho hài hòa, bền vững. Điều quan trọng là, nếu chúng ta khước từ tri thức về quá khứ, cầm tù những giá trị hôm qua trong não quyển của định kiến thì cũng sẽ tạo ra những hệ lụy nguy hiểm không khác gì tự làm cho mình an thần nhưng mất trí; và biết đâu, tương lai cũng sẽ ứng xử với chúng ta đúng theo cách đó. Không ai tự khiến mình trở nên nghèo nàn và rách nát.
Đà Lạt hiện tại cần biết mình đã giàu có như thế nào ở phương diện văn hóa. Trong công việc của một người làm biên khảo, tôi chỉ mong những dữ liệu, câu chuyện được trình hiện về một Đà Lạt giàu có văn hóa của hôm qua sẽ bổ sung phần nào những thiếu hụt, hàn gắn phần nào những đứt gãy, để chúng ta “đọc thành phố” kỹ hơn, tránh sa vào những thái cực độc đoán.
- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên với câu chuyện cởi mở và thú vị!
UÔNG THÁI BIỂU (thực hiện)