Sáng tác 23 kịch bản sân khấu đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống"

04:06, 20/06/2019

(LĐ online) - Chiều 19/6, tại Đà Lạt, Bộ Công an đã tổ chức trọng thể lễ bế mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Cục Hậu cần - Bộ Công an;...

(LĐ online) - Chiều 19/6, tại Đà Lạt, Bộ Công an đã tổ chức trọng thể lễ bế mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Cục Hậu cần - Bộ Công an; Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; 23 nhà văn, nhà biên kịch dự trại cùng 120 cán bộ, chiến sĩ Công an Lâm Đồng.
 
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước phát biểu bế mạc
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước phát biểu bế mạc
 
Trong thời gian trại sáng tác, các nhà viết kịch đã đi thâm nhập thực tế tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Qua đó, hiểu hơn về truyền thống xây dựng, thực tế chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”. Những ngày ở Đà Lạt được coi là thời gian “rút ruột nhả tơ”, các tác giả tập trung cho sáng tác, hoàn thiện tác phẩm. 23 kịch bản sân khấu đã ra đời, trong đó có 22 kịch nói, 1 cải lương, các tác phẩm đều đi theo thể loại chính kịch, anh hùng ca, tâm lý xã hội; nội dung: ngợi ca phẩm chất, phong cách người công an nhân dân (CAND) bản lĩnh, nhân văn, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; những tấm gương dũng cảm, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an; đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong lực lượng CAND; biểu dương sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và Nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” mà lực lượng CAND làm nòng cốt. 
 
Toàn cảnh lễ bế mạc
Toàn cảnh lễ bế mạc
 
Đánh giá chất lượng tác phẩm, PGS.TS. Phạm Duy Khuê - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật sân khấu - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nhấn mạnh: Ở mỗi tác phẩm, tác giả đã tìm tòi những hình thức sáng tác mới, không lấy nhân vật để kể câu chuyện mà đã dùng câu chuyện để kể các nhân vật; triển khai các tình huống đậm tính kịch, con người, nhân vật tự sống đời sống của nó, tự bộc lộ cá tính của nó. Đời sống của nhân vật hiện ra không chỉ ở phần đời hữu thức, mà đã có sự kết nối giữa hữu thức và vô thức, lấy thực tả hư, lấy hư tả thực; bớt đi khá nhiều những lời tự sự không cần thiết, để nhân vật tự sống đời sống của nhân vật, kiệm lời, tăng cường tính hành động, tăng tiết tấu, tính đa nghĩa của lời kịch. Qua đó, các tác giả đã tái hiện đời sống của vở kịch chứ không tái tạo. 
 
Kết thúc thời gian mở trại sáng tác, BTC sẽ dành thêm 15 ngày để các tác giả tiếp tục đầu tư hoàn thiện kịch bản của mình; sau đó Hội đồng Nghệ thuật sẽ thẩm định chất lượng của từng tác phẩm để tiến hành trao giải thưởng, với cơ cấu: 2 giải A, 3 giải B, 5 giải C và một số giải khuyến khích. Các kịch bản từ trại sáng tác sẽ trở thành nguồn chất liệu để các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên dàn dựng tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” lần thứ IV do Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 - 19/8/2020). Qua đó, đưa hình tượng người chiến sĩ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh thầm lặng lên sân khấu; làm cho hình ảnh người chiến sĩ CAND ngày càng đẹp hơn, gần gũi hơn trong lòng Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, chia sẻ, hỗ trợ; từ đó đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
 
QUỲNH UYỂN