Tôi nhớ gặp nhà báo Nguyễn Thanh Đạm lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm. Lần đó, tôi từ trại viết ở Nhà sáng tác Vũng Tàu sau khi bế mạc trại đã cùng hai đồng nghiệp quê Hà Tĩnh lên Đà Lạt chơi với Trần Thanh Hùng (bạn học với tôi ngày nhỏ và Trần Thanh Hoài (em Hùng nay là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Đồng)...
Tôi nhớ gặp nhà báo Nguyễn Thanh Đạm lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm. Lần đó, tôi từ trại viết ở Nhà sáng tác Vũng Tàu sau khi bế mạc trại đã cùng hai đồng nghiệp quê Hà Tĩnh lên Đà Lạt chơi với Trần Thanh Hùng (bạn học với tôi ngày nhỏ và Trần Thanh Hoài (em Hùng nay là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Đồng). Đêm đó Hoài tổ chức cuộc gặp gỡ giao lưu và tôi đã nâng ly chạm với Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng: Nguyễn Thanh Đạm. Anh Đạm bảo: Ở ngoài đó anh có biết Phan Thế Cải không? Biết chứ, Thế Cải là cây bút viết kỳ cựu của Báo Hà Tĩnh. Sau đó tôi nghe Nguyễn Thanh Đạm kể mới biết lúc anh Đạm vào học trường báo chí trung ương được tiếp quản căn phòng mà Phan Thế Cải trú ngụ và đang chuẩn bị ra ga Hàng Cỏ về quê thực tập cuối khóa với câu dặn dò: Đồ đạc của tôi nguyên vẹn cả đấy, tùy anh sử dụng để nhớ “hơi ấm” của bạn đồng nghiệp Hà Tĩnh nhé. Hai chữ “Hơi ấm” bao hàm cả thương mến của tình đồng nghiệp đã gợi cho tôi khi đọc hai tác phẩm của Nguyễn Thanh Đạm đều có hình ảnh sức lôi cuốn lan tỏa “Ngọn lửa” (tên tập thơ) đến tập truyện ngắn “Lửa muộn”. Còn một lẽ nữa có phải là Đà Lạt quanh năm bốn mùa sương khói, anh muốn thắp dậy trong mình tình yêu của ngọn lửa lòng để phần nào xua đi cái “ẩm” của nhiệt độ không gian. Cái ngọn lửa có lúc cháy bập bùng mà cũng có khi âm ỉ của lửa than nhưng mang lại ấm áp tin cậy - Hơi ấm của tình người ấm bền và có phần lặng lẽ. Hơi ấm của hoài niệm của buổi đầu bùng lên ngọn - lửa - thơ và sau đó đượm cháy lửa than bền lòng bao ký ức để lan tỏa lay thức, để cộng cảm sẻ chia của mạch văn tha thiết tỏa nhiều nhánh nhiều tầng nhưng quy tụ lại vẫn là hồn Đà Lạt, con người Đà Lạt, thiên nhiên Đà Lạt. Đà Lạt của nhiều kỳ tích địa danh, qua nhiều góc nhìn khác nhau của trầm tích lịch sử quá khứ, của bao hứa hẹn tương lai đều được chiếu dọi qua lăng kính của một người làm báo chuyên nghiệp mà tâm hồn thăng hoa chất lãng mạn văn chương...
Tôi xin bắt đầu khơi lên ngọn - lửa - thơ của anh. Những câu thơ anh hái được, chắt chiu được tri âm, tri kỷ của mình từ lộng gió “Mấy phương bạt về”. Anh vốn là người làm báo nên có nhiều điều kiện đi nhiều vùng đất, gặp nhiều cảnh ngộ đời thường và tích lũy nhiều chiêm nghiệm sống của “Phần đời gió sương”. Cũng như khi viết văn xuôi thì cảnh đời, con người của vùng đất nhiều huyền tích, huyền thoại đó là chất liệu sống tươi rói rạo rực thổi vào anh niềm cảm hứng say mê của nghiệp văn từ nghề báo. Và chính anh đã cùng các đồng nghiệp của mình “thổi hồn” vào trang văn nghệ báo “Lâm Đồng cuối tuần” một diện mạo riêng, ghi dấu ấn rất rõ của người Tổng Biên tập thu hút được nhiều cộng tác viên tài năng, tâm huyết, thân thiết mọi vùng quê đất nước. Đà Lạt như một “Hợp chủng quốc” của ngôi đền văn học nghệ thuật luôn rộng mở và tỏa sáng lung linh.
Tôi đã đến nhà anh dự một cuộc rượu với một cô bạn gái có một tâm hồn rất thi sĩ ở Đà Lạt và nhận ra ngôi nhà gia đình anh ở “Tựa tổ chim treo trên vách núi”. Nhưng đây là tổ chim Yến, nơi đó có loài chim quý đã kết tụ chắt lọc những áng văn, mạch thơ để khơi dậy thắp lên “ngọn lửa” thành tinh huyết cho đời. Và anh đã “Vượt lên hàng trăm bậc/Tôi đã tìm thấy tôi”. Anh đã tìm thấy “Vương miện” khi “Hành hương” “Khi ta trở về hạt cát”, anh đã tìm thấy “Đôi mắt B’lao” từ “Một ngày ta lạc” để “Độc ẩm” với bao “Ưu tư” khi “Không thể nào có thể”. Tự mình với “Câu thơ cúi hái bên đường”, cũng có lúc tự dặn mình: “Thôi xin đừng nhìn lại” ở “Phía không nhau” bởi: “Sóng cũng nỗi niềm” khi bất chợt với “Nhịp xòe rung Mường La”. Cũng có lúc từ “Cảm tác Hàng Châu” đến “Suy tư với Vạn lý Trường Thành”, tất cả đều bùng cháy lên “Ngọn lửa” của “Thơ”... Cũng có khi anh trách khéo “Sao vội thế một lần về Đà Lạt” để rồi tự hỏi: “Bao giờ trở lại chạm cao nguyên”. Tôi rất thích những câu cảm thán và tự vấn ngỡ như vu vơ mà không bâng quơ chút nào. Tôi đã thử làm một phép cộng các cung bậc tâm hồn của các đầu đề thơ anh thì thấy có một Nguyễn Thanh Đạm rất thống nhất từ cõi lòng mình chạm đến với cõi người. Một sự chân thành dấn thân da diết, một thổn thức “Vừa có tình có lý” như nhà thơ Phạm Vũ nhận xét. Thơ anh giống như một cuốn nhật ký tâm hồn nhưng anh không ghi lại mà ký thác lại bao dấu ấn tâm trạng. Bởi cái trực giác nhạy cảm của một người làm báo không chỉ phát hiện ra sự kiện mà còn linh cảm được những điều “có thể” thơ anh như một năng lượng giải tỏa. Tôi cũng mới hiểu vì sao Thanh Đạm viết nhiều thơ hồi trẻ và văn xuôi lại viết lúc gần về già như lõi trầm vậy. Tôi rất xúc động khi đọc bài thơ “Bất tử” anh viết về “Ngã ba Đồng Lộc” hay “Khúc tình ca về đất và người” mà ở đó: "Mỗi làng hoa là một chương của bản giao hưởng”. Thơ Nguyễn Thanh Đạm nhiều âm vực mà điệu thứ trội hơn điệu trưởng. Vì thế có nhiều nhạc sỹ đã đồng cảm phổ nhạc thành công bởi hình tượng ngôn ngữ gợi nhiều liên tưởng của tính thẩm mỹ độc đáo. Đọc thơ là “Đọc người” tôi hình dung ra một Nguyễn Thanh Đạm dáng người gầy, chân thành cởi mở và rất yêu quý trân trọng bạn bè. Một người luôn chu đáo ân tình trong các ứng xử. Tôi còn mang theo bên mình chiếc áo nhung com lê màu trắng mà anh đã khoác lên tôi trong đêm lạnh chia tay với Đà Lạt để về với Hà Tĩnh. Hơi ấm của ngọn lửa lòng, tình bạn và tình đồng nghiệp đó theo tôi đi suốt cuộc đời.
Tôi nhớ có nhà thơ nổi tiếng khi đánh giá một nhà thơ. Ông nói: “Anh thử nhặt ra cho tôi những câu thơ hay nhất thì tôi nhận xét chính xác người thơ đó thế nào”. Thì đây, tôi lựa chọn ngẫu nhiên một số câu thơ của Nguyễn Thanh Đạm đã ám ảnh lưu vào ký ức mình. Bắt đầu từ: “Câu thơ cúi hái bên đường/Nổi chìm ngọn gió mấy phương bạt về” (Câu thơ cúi hái bên đường) một động thái khiêm nhường, một ứng xử nâng niu trìu mến biết bao. Đó còn là cả một nhân cách sống. Rồi: “Xin nguyện chín đến tận cùng hương sắc/Từ những gian lao, những khoảnh khắc ngọt ngào/Của nghiệt ngã gió sương và nắng táp” (Ngọn lửa) một tâm huyết, một trăn trở bền lòng với nhiều chiêm nghiệm sống. Thơ đến với ông từ: “Có tứ thơ mang hình mảnh vụn thiên thạch/Rơi xuống hồn thi nhân/Từng cạnh sắc cứa chà cảm xúc/Thơ ùa về có lành những nỗi đau”. Khi thơ đã là cứu cánh thì sức mạnh tiềm tàng nội tâm của nó mạnh đến mức: “Vịn câu thơ mà đứng dậy” như trong thơ Phùng Quán. Thật tinh tế và sâu sắc anh mới viết được: “Nâng chén rượu biết ngày trong hay đục/Trước sắc hoa cảm nhận nỗi vui buồn” (Ưu tư) thanh lọc và chắt như mật ong hút hết mọi buồn vui của thế gian chắt cho đời vị ngọt nhưng không phải ai cũng dễ nhận ra được. Trong thơ Nguyễn Thanh Đạm có rất nhiều sắc màu ám ảnh của một vùng đất mà thiên nhiên đã ban tặng: “Trời đang độ hoa vàng/Mà hồn tôi xanh lá” (Chiều phố núi). Anh là người lắng nghe được, thẩm thấu được không chỉ hương sắc mà cả ngọn gió vô hình: “Gió không từ hướng biển/Lộng thổi từ phía em”. Ngọn gió thơ của anh thổi dài suốt cả một thời trai trẻ. Cái thời dễ rung động, dễ nổi sóng lòng, dễ bùng lên khát khao thì hơn 10 năm lại nay tôi lại được đọc các truyện ngắn của anh in rải rác trên các báo và tạp chí.
Và cũng thật bất ngờ vui mừng khi được anh tặng tập truyện ngắn và ký “Lửa muộn”. 8 truyện ngắn trong tập sách này như một khúc vĩ thanh về những cảnh ngộ cảnh đời, thân phận. Cái hay của truyện ngắn Nguyễn Thanh Đạm là đã “tải” được không gian và con người, cảnh vật và chiều sâu lịch sử của Đà Lạt từ xưa đến nay như một tấm “phông” cho các nhân vật hoạt động. Sức hấp dẫn của truyện ngắn là anh làm sống dậy những địa danh lịch sử, những sự tích như “Vườn hoa Đà Lạt” như nhân vật Yersin huyền thoại - người đầu tiên tìm ra Đà Lạt. Tôi thật thú vị khi đọc anh mới biết đến hai chữ Đà Lạt phiên âm từ chữ Đà Lac (Đồng bào dân tộc bản địa phát âm Đà Lạch): Đà là nước, suối, sông; Lạch - tên bộ lạc dưới chân núi Langbian. Các nhân vật trong truyện thường là trí thức (kỹ sư vật lý, nhà giáo...), là các văn nghệ sĩ (họa sĩ, kiến trúc sư, nhà văn...). Tôi tin rằng tác giả là người rất yêu âm nhạc và hội họa, vì thế trong các truyện ngắn của anh khi để diễn tả những cung bậc tình cảm khó tả thì thường có những lời bài hát chen vào hay là những sắc màu, sắc hoa chiếu dõi lấp lánh. Và ít nhiều tôi thấy thấp thoáng hình dáng của nhạc sỹ Đình Nghĩ và họa sỹ Vi Quốc Hiệp sau những trang viết của anh dù họ không hiện diện thành nhân vật nhưng cũng gợi cho anh nhiều cảm xúc. Hay nhân vật nhà biên kịch có cuộc đời trắc ẩn tên là Tùng trong truyện “Hồi Quang” là nguyên mẫu của một nhà thơ gốc người Kinh Bắc rất thân thiết với tác giả mà tôi được biết. Nguyễn Thanh Đạm thật có lý khi lấy tên truyện ngắn “Lửa muộn” làm đầu đề cho cả tập, rất nhiều mối tình bi kịch đều đến với nhau sau khi đã muộn màng với nhiều thử thách của thời gian và chính lòng độ lượng đã cứu rỗi nhân ái của bao thân phận cơ nhỡ. Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Đạm như những khúc hoài niệm từ xưa tới nay qua các không gian văn hóa vượt ngoài biên giới mà đặc biệt là Pháp - Việt. Tiêu biểu là hình ảnh biểu tượng Nhà thờ Con gà. Tôi cho rằng ngòi bút của anh đậm đà “Thiên tính nữ” như có nhà văn đã nói: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Truyện ngắn của anh giàu chất thơ và mô-típ điện ảnh. Chất thơ bởi lòng nhân ái, nhân hậu, tình người nhưng lại được viết bằng những rung động của tâm hồn thi nhân chia sẻ nên có sức giao cảm tâm tình cộng hưởng. Chất điện ảnh bởi những “lát cắt” hồi tưởng đan xen dẫn dắt nhiều bất ngờ, nhất là các đoạn kết tạo ra âm ba day dứt trong tâm tưởng. Chỉ có duy nhất một truyện ngắn viết về nghề báo là “Bài báo không đăng” cho ta thấy “Hậu trường” khá phức tạp của “Một nghề nguy hiểm” như có nhà báo nước ngoài đã nói. Bởi tác giả là một nhà báo, một người đã từng làm công tác quản lý nên truyện ngắn này không chỉ là hồi ức mà còn là “ấm ức”, một tự vấn đáng quý để cho ta thêm yêu hơn đội ngũ những người làm báo chân chính. Có thể nói đọc xong chùm truyện ngắn cho ta hình dung ra một Đà Lạt thật sống động với nhiều cung bậc âm thanh, sắc màu. Dù không gian truyện có khi vượt ngoài biên giới Đà Lạt thì sự giao thoa văn hóa hướng tâm về Đà Lạt càng tôn vinh, tô đậm thêm bản sắc hấp dẫn của vùng đất này ở nhiều góc độ khác nhau. Vì thế truyện của anh có đời sống sinh động không chỉ chất liệu mà còn ở nội tâm, ở nhiều tầng ký ức đến nội hàm ngôn ngữ. Chất ký bay bổng là đòn bẩy cho mạch văn thăng hoa. Chỉ có duy nhất một bài bút ký cuối tập tô đậm thêm dấu ấn bản sắc con người nơi đây.
Họa sỹ vẽ bìa thật có lý khi chọn chân dung thiếu nữ với nhiều cung bậc tâm trạng với tông màu đỏ phần nào thể hiện được các câu chuyện tình trắc trở nhuốm màu bi kịch. Hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn của anh rất đẹp: Dịu dàng, chung thủy nhưng cũng đầy bản lĩnh và trắc trở đó chính là “Ngôi nhà của ngọn lửa ấm” như ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Cảm ơn nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm đã khơi dậy trong tôi ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, yêu mảnh đất Đà Lạt mà có lần một nhân vật trong truyện ngắn của anh đã nhắc lại câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở đất chỉ là đất ở,/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. “Hồi quang” của “Ngọn lửa” (thơ) cùng với “Lửa muộn” (văn xuôi) sẽ là một phổ - ánh - sáng lan tỏa, thức dậy trong ta bao nồng ấm khi đến với vùng đất Đà Lạt thân yêu.
NGUYỄN NGỌC PHÚ