Lưu giữ giá trị truyền thống

07:07, 04/07/2019

Sáng chủ nhật nào cũng vậy, Tổ dân phố 8B, thị trấn Ðạ Tẻh luôn vang lên tiếng đàn, tiếng hát dân ca cuốn hút người nghe...

Sáng chủ nhật nào cũng vậy, Tổ dân phố 8B, thị trấn Ðạ Tẻh luôn vang lên tiếng đàn, tiếng hát dân ca cuốn hút người nghe. Lúc í a điệu chèo, khi tích tịch đàn tính, lúc lại ngân nga quan họ, thiết tha điệu hò... Tiếng hát ấy phát đi từ nhà vợ chồng ông Ðào Văn Ngát (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Dung - đôi vợ chồng nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống. 
 
CLB sinh hoạt định kỳ vào sáng chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Q.Uyển
CLB sinh hoạt định kỳ vào sáng chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Q.Uyển
Làm đậu khuôn “nuôi” dân ca
 
Vì nặng lòng mà cách đây 2 năm, ông Đào Văn Ngát đứng ra thành lập CLB đàn và hát dân ca thị trấn Đạ Tẻh do ông làm chủ nhiệm với sự cho phép của Trung tâm Văn hóa huyện. CLB nhanh chóng tập hợp được hơn 24 nghệ nhân trong huyện. Từ đó, sáng chủ nhật hàng tuần, nhà ông bà cũng trở thành nơi sinh hoạt, tập luyện định kỳ của CLB. 
 
Vợ chồng ông Ngát từ quê hương Hà Tây vào Đạ Tẻh lập nghiệp đã hơn 30 năm. Có “máu” hát chèo trong người từ những ngày thơ bé, nhưng buổi đầu trên quê mới, đời sống khó khăn, con nhỏ, có nhớ chiếu chèo quê hương cũng chỉ đành gác lại. Để rồi một ngày, khi cuộc sống đã no đủ, ông bà “bỏ tiền túi” 120 triệu đồng sắm dàn âm thanh, micro, loa nén, tăng âm, nhạc cụ dân tộc (đàn bầu, sáo, nhị...), trang phục biểu diễn làm cơ sở cho CLB hoạt động. 
 
Để có tiền “nuôi sống” những giá trị tinh thần, từ 2 giờ sáng, khi mọi người chìm vào giấc ngủ sâu nhất là lúc ông bà thức dậy nổi lửa, xay, lọc, vắt, nấu, ép, để 6 giờ sáng có đậu ra lò cho các mối đến nhà lấy mang ra chợ bán. Từ nghề đậu khuôn truyền thống mà nhà cửa được kiến thiết, các con lớn lên, được học hành, trưởng thành. Ngừng tay làm đậu, họ lại bước lên sân khấu cùng nhau hóa thân vào trích đoạn chèo Dương Lễ tiễn vợ là Châu Long đi “nuôi bạn thay chồng” trong chèo cổ Lưu Bình - Dương Lễ. Giọng hát của vợ chồng ông bà vẫn mượt mà, nảy, vang như thời còn trẻ. 
 
Khoảng sân rộng trước ngôi nhà khang trang của gia đình cũng được làm mái che tránh mưa nắng là nơi luyện tập của CLB cho tiếng đàn tiếng hát thường xuyên được ngân lên. Bậc tam cấp thềm nhà nền gạch hoa sạch là sân khấu rộng rãi để các nghệ nhân ngồi đàn hát; khoảng sân trở thành khán đài thu hút bà con đến xem khiến chủ nhật nào nhà cũng vui như hội.
 
Những người nông dân buông tay liềm, tay cuốc trở thành nghệ sĩ. Ảnh: Q.Uyển
Những người nông dân buông tay liềm, tay cuốc trở thành nghệ sĩ. Ảnh: Q.Uyển
 
Làm sống lại tình yêu với dân ca
 
Được ông Ngát “truyền lửa”, tình yêu dân ca trong mỗi thành viên như trỗi dậy. Dù ở độ tuổi từ 50 - 75, nhưng 25 nghệ nhân là 25 bầu nhiệt huyết, say mê. Mỗi nghệ nhân đến từ nhiều miền quê khác nhau, mang đến CLB những làn điệu dân ca của mỗi vùng miền. Chị Hà, chị Hành, anh Lân trong trang phục áo chàm truyền thống của người Tày, khiến người xem khó quên khi vừa gẩy đàn tính vừa hát làn điệu then, lượn, sli của dân tộc mình. Họ đem cả tình đất, tình người, cốt cách của núi rừng Việt Bắc vào Tây Nguyên. Chị Thanh Mai sâu lắng, nghĩa tình trong làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh. Chị Ngọc Hoa ấn tượng bởi nón quai thao, khăn mỏ quạ và dân ca quan họ. Giọng hát của chị Hồng Năm (hàng xén) bao nhiêu năm chỉ vừa sàng gạo lẩm nhẩm theo tivi, tưởng rằng “ngủ quên” thì giờ đây lại vang lên. Nghe chị lẩy bài chèo “Cúc ơi” trong 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc với làn điệu luyện năm cung luyến láy, ngọt ngào, đã gây xúc động người nghe. Chị Kim Chung, Ngọc Hoa, Thanh Mai, tuổi trên dưới 50 hát các làn điệu chèo và các đàn anh, đàn chị Kim Cúc, Công Uẩn, Ngọc Phượng, Thanh Tịnh, Kim Nhung tuổi trên 60 cùng nhau làm sống dậy miền chèo và dân ca đồng bằng Bắc Bộ. 
 
Cây đàn bầu một dây đã làm nghệ nhân Duy Thảo say mê từ thời trẻ; giờ đây tuổi gần 70 mới có dịp “sống” lại với nó, ông không vắng buổi tập nào. Tiếng đàn bầu của ông lúc nhặt, lúc khoan, thánh thót theo tất cả các làn điệu dân ca. Tiếng sáo trúc dìu dặt ngân dài của nghệ nhân Vũ Chí Ngâm cũng khiến các nghệ nhân trong CLB như được tiếp lửa, hát thêm hay. Ngoài sáo trúc, ông Ngâm còn chơi cả đàn bầu, nhị. Nghệ nhân Phạm Văn Được đánh được cả đàn cò (nhị) và đàn nguyệt; nghệ nhân Nguyễn Thượng Thiêm chơi thuần thục nhiều nhạc cụ dân tộc, ông còn chuyển tông nhuần nhuyễn điều chỉnh tiếng đàn theo cung bậc cao thấp tùy vào giọng hát thăng hay trầm. Các nghệ nhân Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Hân chơi bộ gõ, giữ nhịp trống phách. Bao nhiêu năm, giờ mới sống lại cùng các nhạc cụ, đánh gẩy say sưa theo từng nhịp phách, làm sống dậy những miền văn hóa. Tất cả làm nên một dàn nhạc dân tộc hoàn chỉnh cả bộ dây, khí, gõ... hòa quện vào nhau bởi những nghệ sĩ thành thạo âm luật, đã làm nên hồn cốt cho CLB. 
Đa số các nghệ nhân đều là nông dân, chỉ có 4 cán bộ công chức nghỉ hưu, nhưng cứ sáng chủ nhật buông tay liềm, tay cuốc họ lại trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Tiếng đàn hòa cùng tiếng hát, họ say sưa tập luyện quên mặt trời đã gần đứng bóng. Mỗi tháng CLB lại tổ chức liên hoan mặn một lần để các thành viên ngồi lại cùng ăn cơm, trò chuyện, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm cấy trồng, CLB thêm gắn bó. Để có kinh phí duy trì hoạt động CLB, tập luyện, biểu diễn, họ tự nguyện đóng quỹ, vợ chồng ông Ngát, bà Dung đã hỗ trợ phần nhiều. 
 
Mong muốn trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau
 
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, CLB đã tổ chức 7 buổi biểu diễn, khi thì ở Nhà văn hóa Trung tâm huyện, lúc ở hội trường tổ dân phố, thu hút đông đảo bà con đến xem, cổ vũ nhiệt tình. 7 đêm diễn là 7 chương trình hoàn toàn mới, không lặp lại, được dàn dựng công phu bằng cả công sức, trí tuệ của cả CLB. Trước sự đón nhận và những tràng pháo tay của người xem, là nguồn động viên khích lệ để các nghệ nhân quệt vội những giọt mồ sau khán đài, say sưa biểu diễn. 
 
Để làm nên những chương trình biểu diễn đa dạng các tiết mục, hội đủ dân ca trên mọi miền đất nước, Ban Chủ nhiệm CLB đã phát huy tinh thần tập thể, không áp đặt. Mỗi nghệ nhân sẽ dựa vào khả năng của mình đề xuất các tiết mục, cùng bàn bạc dàn dựng các tiết mục múa hát. Trong quá trình tập luyện, mọi điểm yếu sẽ được chỉnh sửa, uốn nắn, góp ý để khi bước lên sân khấu, tiết mục sẽ luôn là tròn trịa nhất. Các bài dân ca cổ, trích đoạn chèo cổ như Lưu Bình - Dương Lễ, Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính, Thoại Khanh Châu Tuấn... là những bài hát, những tích truyện nhiều người đã từng xem, từng hát nhưng nay xem lại các nghệ nhân trong CLB biểu diễn vẫn luôn tươi mới. Bên cạnh đó, dựa theo các làn điệu dân ca ba miền, các nghệ nhân đã đặt lời mới ngợi ca quê hương, đất nước, ngợi ca Đảng, Bác Hồ, tình cảm gia đình, tình đồng chí, đồng đội được lồng ghép cùng các điệu múa truyền thống: múa quạt, múa nón, múa lụa... làm cho dân ca có sức sống mới, chương trình luôn có sức hấp dẫn, không gây nhàm chán. 
 
Nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Đạ Tẻh đánh giá cao chất lượng nghệ thuật của CLB và tinh thần cống hiến, ý thức trách nhiệm gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của các nghệ nhân. Nhạc sĩ nhấn mạnh: Gần 2 năm qua, CLB không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của các nghệ nhân, mà đã góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong huyện. 
 
Cùng với rất nhiều loại hình giải trí, phương tiện giải trí, làm cho các làn điệu dân ca của dân tộc đang thưa dần người diễn xướng, nghệ nhân Đào Văn Ngát luôn mong muốn lớp trẻ tham gia vào CLB để trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống quý báu cha ông để lại cho mai sau.
 
QUỲNH UYỂN