(LĐ online) - Nhiều năm trước, anh em văn nghệ sĩ TP.HCM lần đầu gặp nhà thơ Phan Vũ hẳn có chút e dè trước dáng vẻ bặm trợn, râu tóc rậm rạp, mặc jean rách bụi phủi… Và thi sĩ ấy, mặc nhiên phải - là - của - Hà - Nội, trong suy nghĩ nhiều người, vì không chỉ cốt cách Bắc, giọng Bắc, đến từ phương Bắc, ông đã in dấu mình sâu đậm với "Em ơi Hà Nội phố".
(LĐ online) - Nhiều năm trước, anh em văn nghệ sĩ TP.HCM lần đầu gặp nhà thơ Phan Vũ hẳn có chút e dè trước dáng vẻ bặm trợn, râu tóc rậm rạp, mặc jean rách bụi phủi… Và thi sĩ ấy, mặc nhiên phải - là - của - Hà - Nội, trong suy nghĩ nhiều người, vì không chỉ cốt cách Bắc, giọng Bắc, đến từ phương Bắc, ông đã in dấu mình sâu đậm với “Em ơi Hà Nội phố”.
Và thi nhân của Hà Nội phố ấy, sáng nay, hẳn đã về với những hoài niệm lung linh, xưa cũ nhưng chưa bao giờ phai tàn mà từ hàng chục năm trước ông đã yêu thương gửi gắm trong thơ cho đến những năm cuối đời vẫn mong một lần về lại.
Bài thơ mang dấu ấn đậm sâu
|
Nhà thơ Phan Vũ |
Em ơi, Hà Nội phố là có số phận khá đặc biệt. Bài thơ này gần nửa thế kỷ mới được công khai trên báo và được tác giả chọn in sách khi đã quá nổi tiếng. Làm từ năm 1972, trong bài thơ, tác giả ẩn chứa lời nhắn nhủ, là dẫu thế nào vẫn còn em, tức là vẫn còn Hà Nội. Nhưng vì bị “suy diễn”, không cho đăng báo. Trong một thời gian dài, bài thơ gồm 24 đoạn này không được in trong bất kỳ tập thơ nào, chỉ đến khi nhạc sĩ Phú Quang trích vài đoạn để phổ nhạc (ca khúc Em ơi, Hà Nội phố) vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu và sau thập niên 90 được chắp cánh xa hơn với giọng Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Bằng Kiều… Mãi đến năm 2008, bài thơ mới in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB Văn học).
“Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ được xem là một trong những bài thơ hay nhất về Hà Nội. Hẳn phải có con mắt lành nghề của cả họa sĩ, đạo diễn, thi nhân, ông mới có thể vẽ nên một bức tranh thơ, với những đoạn cảmm xúc gợi mở chân thực như những thươsc phim quay chậm:
Em ơi Hà Nội phố…
Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa...
Tác giả từng chia sẻ: Ngày 17/12/1972 là ngày sinh nhật 46 của tôi. Nhưng lúc đó, chẳng ai còn tâm trí mà kỷ niệm sinh nhật, vì “mùi” của bom đạn đã rất gần Hà Nội. Lúc đó, tôi đang làm đạo diễn ở Xưởng phim truyện Việt Nam, sống trong ngôi nhà số 52 Hàng Bún, gần sát nhà máy điện Yên Phụ- Khu trắng, rất nguy hiểm, nằm trong vị trí cần hủy diệt của Mỹ ở Hà Nội. Lúc đó, chúng tôi cũng đã được phổ biến tình hình, có thể Mỹ sẽ đưa B.52 vào hủy diệt Hà Nội với lời hăm he “Đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”. Và đêm 18/12, khi những trận bom B.52 vừa dứt, khi tin ta đã hạ được B.52 rơi ngay trên bầu trời Hà Nội, trong căn phòng nhỏ tôi khởi viết những câu đầu tiên: “Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa...”, thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới, máu người Hà Nội đổ trên phố phường. Ta còn em... là còn những hoài niệm tình yêu của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian..
Bài thơ gồm 25 khổ thơ, như 25 câu chuyện, 25 cảm xúc về Hà Nội, được ông viết trong 12 ngày đêm tháng Chạp lịch sử 1972. Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, trong tiếng thông báo với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Trong đêm khi ngòai phố lập lòe ánh sáng của các lưới lửa phòng không bảo vệ bầu trời Hà Nội. Tất cả được nhà thơ ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt… Có lẽ vì thế mà 25 khổ thơ, có nhiều khổ tròn đầy như một bài thơ riêng biệt, trọn vẹn cảm xúc, trọn vẹn ý tứ, khi ráp lại lần lượt kề bên nhau trở thành một giai điệu đẹp rất duyên và riêng.
Nhưng thơ Phan Vũ không chỉ có Em ơi Hà Nội phố, dù đa số biết đến ông là bài thơ này…
Ấn tượng đẹp về nhà thơ gốc Bắc
Phan Vũ viết thơ tình rất lãng mạn, đầy yêu thương. Có lẽ vì với tình yêu, người đàn ông ấy luôn dành hết mình, thủy chung, trọn vẹn. Thi sĩ Phan Vũ có hai cơn cớ để làm thơ là hai người phụ nữ ơn nghĩa phu thê với ông: Phi Nga và Diễm Chi. Người vợ đầu của ông – diễn viên Phi Nga nổi tiếng từ năm 22 tuổi với vai Hoài trong bộ phim “Chung một dòng sông”, “Vật kỷ niệm”, “Trên vĩ tuyến 17”, “Rừng O Thắm”, “Vợ chồng anh Lực”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”… Sau khi làm đám cưới với thi sĩ Phan Vũ được 2 năm và sinh cho ông 2 người con, diễn viên Phi Nga phải rời khỏi màn ảnh vì căn bệnh tim bẩm sinh. Bà rơi vào tình trạng nằm một chỗ sau một cơn tai biến khi chưa tới 30 tuổi. Bà mất khi vừa 49 tuổi. Phan Vũ luôn ân cần chăm sóc người vợ đau ốm suốt 20 năm. Ông viết bài thơ “Đã có lần anh nói thương em” với đề từ “Gửi theo hương hồn Phi Nga” nhiều day dứt: “Câu nói buồn hơn tiếng khóc/ Nước mắt vẫn là chút trống không/ Hòn đá nhỏ lăn vào vô định/ Lời chì chiết tội tình/ Giữ lại mãi trong anh”.
Sau diễn viên Phi Nga, mối tình với người vợ thứ hai của nhà thơ Phan Vũ cũng khiến dân văn chương báo chí nể phục. Chị là nhà báo đi phỏng vấn viết bài về ông và phải lòng nhà thơ. Họ cưới nhau khi nàng 37, chàng đã 73 tuổi và luôn dành những lời ngọt ngào khi nhắc về nhau. Với nhà báo Diễm Chi, nhà thơ trải lòng mình với những câu thơ tình rất đẹp: “Thời tiết yêu chợt mưa chợt nắng/ Phần riêng em một trận gió cuồng/ Lặng lẽ em vào khu rừng cấm/ Khai quật nỗi niềm/ Bới tìm lõi đá/ Nào ngờ tình yêu chỉ là mảnh vá/ Ngày ngày đắp đổi cơn đau”…
Tôi gặp nhà thơ Phan Vũ vài lần, lúc ông ngoài 80 tuổi vẫn thường qua hội quán văn nghệ sĩ TP.HCM ở 81 Trần Quốc Thảo hoặc ở vài cuộc hội họp hội nhà văn. Ông mặc jean, bước chân nhanh, dáng đi thẳng, giọng nói ấm trầm và vẻ mặt dường như ẩn một nụ cười khi nhìn người đối diện. Phan Vũ có cách gọi những người trẻ khá ấn tượng. ông xưng “anh – em” với hết thảy, từ những cô U20 cho tới U60, 70… Một lần, khi biết cháu ngoại ông học chung lớp đại học với tôi, tôi trêu bạn: Này, hôm qua ông cậu nhất định gọi tớ bằng em nhé. Cậu bạn nói: Xời, 15 ông còn gọi là em mà. Với ông tôi, mãi mãi là thanh niên.
Lúc đầu mọi người còn lạ lẫm trước dáng vẻ “già gân” nhưng càng tiếp xúc càng yêu mến, nể phục khí chất hào sảng, trẻ trung và tầm kiến thức rộng mà ông luôn cởi mở, nhẹ nhàng sẻ chia. Những bạn trẻ, những nhà thơ không còn trẻ… vẫn có thể ngồi chung và nghe Phan Vũ chia sẻ hết mình về thơ. Ông không bao giờ có ý cho mình là nhà thơ nổi tiếng mà luôn chia sẻ: Giữa thơ và đời không có khoảng cách nào hết. Với tôi, thơ không phải là thứ đi thuyết giảng cho đám đông. Tôi từng ngừng đọc thơ giữa chừng vì thấy xung quanh mình quá ồn ào và thơ vô tình bị xem như thứ trang sức. Và tôi không làm thơ theo kiểu tưởng tượng vịnh lá, tả hoa..., tôi chỉ viết ra giấy khi có những sự việc ám ảnh ray rứt hay chấn động đời mình.
Vì thế mà thơ của Phan Vũ không nhiều, nhưng đọng lại một vệt sáng lung linh, ấm áp và ấn tượng trong độc giả yêu thơ.
Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926. Năm 20 tuổi, ông đi bộ đội vào chiến trường miền Nam. Trong chiến tranh, ông có viết kịch, làm thơ, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ, như kịch Lửa cháy lên rồi (giải nhì Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955), kịch bản phim Dòng sông âm vang… ; là đạo diễn của các phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại… Chỉ với một bài thơ Em ơi, Hà Nội phố được Phú Quang phổ nhạc cho bài hát cùng tên đưa tên tuổi nhà thơ trở nên nổi tiếng. Ông từng viết kịch và đạo diễn, hoạt động ở cả sân khấu lẫn điện ảnh, hội họa, nhưng đọng lại nhất ở vai trò thi sĩ: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”; “Gã - xòe tay che một đời mưa/ Một đời nắng chân trần rát bỏng/ Sợi thòng lọng trên đầu phận số/ Chênh vênh bờ vực lối đi về”. (Thơ Phan Vũ) |
KHÔI NGUYÊN THẢO