Tính toàn diện về giá trị cộng đồng của văn hóa dân tộc bản địa (Bài 1)

07:07, 05/07/2019

Văn hóa (VH) bản địa của các sắc tộc là những dòng chảy lớn nhỏ khác nhau, nhưng nó làm nên dòng VH chủ lưu của một dân tộc-quốc gia. Văn hóa là cội rễ của dân tộc nói riêng (như là sắc tộc) và nói chung (đại diện một quốc gia). 

Văn hóa - từ chủ thể, khách thể đến thực tế tại Lâm Ðồng 
 
Văn hóa (VH) bản địa của các sắc tộc là những dòng chảy lớn nhỏ khác nhau, nhưng nó làm nên dòng VH chủ lưu của một dân tộc-quốc gia. Văn hóa là cội rễ của dân tộc nói riêng (như là sắc tộc) và nói chung (đại diện một quốc gia). 
 
Cô dâu đeo vòng cho chú rể trong lễ cưới của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Ảnh: P.Nhân
Cô dâu đeo vòng cho chú rể trong lễ cưới của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Ảnh: P.Nhân
“Cốt lõi của sức sống dân tộc là VH với nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả hệ thống chính trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự hấp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1994, tr.16). Vì vậy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản VH của các dân tộc là tất yếu. Tháng 12/1994, Hội nghị lần thứ VIII của Ủy ban Quốc gia về Thập kỉ Quốc tế phát triển VH của Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chủ trì, đã tập trung thảo luận chủ đề Bảo vệ và phát huy di sản VH Việt Nam, đặc biệt là di sản VH phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, thẳng thắn nói rằng, vẫn còn những khoảng trống, khoảng mờ nhạt trong các biện pháp, giải pháp để bảo tồn và phát huy di sản VH nói chung và VH dân tộc bản địa nói riêng. 
 
Nghệ nhân Ya Tuất là người cuối cùng giữ gìn nghề làm nhẫn bạc truyền thống của dân tộc Churu. Ảnh: M.Đạo
Nghệ nhân Ya Tuất là người cuối cùng giữ gìn nghề làm nhẫn bạc truyền thống của dân tộc Churu. Ảnh: M.Đạo
Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể văn hóa
 
Để nhận thức rõ vấn đề, cần thiết dẫn một vài điểm tựa khoa học quan trọng và gần gũi. Chúng tôi không bàn rộng đến định nghĩa VH, bởi ngay từ năm 1952, hai nhà dân tộc học của Mĩ là A.L. Kroibơ (Kroeber) và C.L. Klúchôn (Kluckhohn) đã trích lục được trên dưới 300 định nghĩa của các tác giả nhiều nước (dẫn theo PGS Nguyễn Từ Chi - Từ định nghĩa của VH trong cuốn Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH, H. 1996, tr.53). Trong công trình Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, (Nxb Văn hóa thông tin, H. 1993), PGS Phan Ngọc khẳng định: “Không có cái vật chất gì gọi là VH cả và ngược lại bất kì vật gì cũng có cái mặt VH. Văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác. Nét khác biệt giữa các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau, tạo thành những nền VH khác nhau là độ khúc xạ” (tr.24). Còn GS Trần Quốc Vượng, với vai trò chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, (Nxb Giáo dục, H. 2002) cho rằng: “Con người một mặt sáng tạo ra VH (nghĩa vụ), mặt khác con người là đối tượng của VH (quyền lợi - văn hóa vì con người)”, tr.13. Nghĩa là quan hệ giữa con người và VH bộc lộ ở khía cạnh quan trọng: là tư cách chủ thể sáng tạo (của VH); là sản phẩm của VH và là đại biểu mang giá trị VH do con người sáng tạo ra. Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của VH. Trên cơ sở phân tích các định nghĩa VH, PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã nêu bật 4 đặc trưng quan trọng của VH, gồm tính hệ thống, tính giá trị, tính lịch sử và tính nhân sinh: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP HCM, 1995, tr.27).
 
Đồng bào Kơ Ho giới thiệu nghề đan tấm cói cho sinh viên. Ảnh: M.Đạo
Đồng bào Kơ Ho giới thiệu nghề đan tấm cói cho sinh viên. Ảnh: M.Đạo
 
Văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Ðồng
 
Nếu không tính đến giao thoa giữa các vùng đệm thuộc sườn phía Tây dãy Trường Sơn thì tỉnh Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh thuộc VH vùng Tây Nguyên “đậm chất”. Dân cư bản địa khu vực Tây Nguyên gồm các dân tộc thiểu số chủ yếu là Ba Na, Jrai, Êđê, Kơ Ho, Mạ, Churu, Xơđăng, Mơnông..., chiếm khoảng 25% tổng dân số khu vực. Tiêu chí xác định thành phần tộc người này căn cứ các mặt: sự cộng đồng về ngôn ngữ; có các đặc điểm chung về sinh hoạt - văn hóa; có ý thức tự giác tộc người (Lê Sĩ Giáo và các cộng sự - Dân tộc học đại cương, Nxb Giáo dục, H. 1999, tr.137). Đối với tỉnh Lâm Đồng, số liệu cuối năm 2018 do ông Bon Yo Soan - Phó Ban Dân tộc tỉnh cung cấp cho chúng tôi là: đồng bào dân tộc thiểu số nói chung 70.656 hộ với 314.104 nhân khẩu; chiếm tỉ lệ 24,03%. Trong đó, dân tộc bản địa Tây Nguyên có số lượng lớn nhất, gồm: Kơ Ho 12%; Mạ 2,5% (hai dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khơ me) và Churu 1,5% (ngữ hệ Malayô-Pôlinêdiêng). 
 
Về đặc điểm VH bản địa vùng, Lâm Đồng cũng như 4 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, do chi phối vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan, khái niệm “văn hóa dân tộc”, theo GS Trần Quốc Vượng, “thực chất là VH dân gian Tây Nguyên có mặt trong mọi hoạt động của con người với những mật độ thưa, mau tùy theo từng thời gian trong năm” (sđd, tr. 254). Những biểu hiện đó là, qua lễ cầu an cho đời sống nói chung của con người và những gì liên quan đến đời sống như cây trồng, vật nuôi, đồ dùng, phương tiện, sông, núi, vườn, rẫy... theo hướng “siêu nhiên hóa”. Cùng đó, là những nghi lễ ăn mừng với sự kiện của vòng đời người như sinh ra, trưởng thành, cưới xin, mất đi...; hay vòng đời của cây trồng, của vật nuôi như gieo trồng, thu hoạch mùa màng.v.v... Phương tiện được chuyển tải trong nghi lễ bao gồm cả biểu tượng tinh thần (VH phi vật thể): dân ca, dân vũ...; những sản vật (VH vật thể) như rượu cần, chóe, các loại nhạc cụ, thổ cẩm, cây nêu, nhà sàn, nhà rông, nhà cúng,.v.v...; các nghề thủ công như dệt vải, đan lát, làm gốm, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ...; và nhiều sản phẩm của nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt tinh hoa của VH được thể hiện qua chiêng và không gian sinh tồn của hoạt động cồng chiêng. Chiêng và những thể hiện từ nó, đóng vai trò chủ đạo như là một ngôn ngữ để con người trò chuyện, tâm giao với thiên nhiên; gắn kết “đời người dài theo tiếng chiêng”. Với đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên, hiện thực và huyền thoại đan xen, hòa quện. Thú vị và tiềm tàng bởi đây là “chất liệu” của VH, nó đẩy cuộc sống lên ở tính bay bổng, tính lãng mạn; lại vừa đạt đến cấp độ của tính bền vững, trên nền của niềm tin tưởng và trong mối quan hệ tương tác, bình đẳng giữa con người với môi trường. Chính cái chất hoang sơ, huyền thoại, cổ truyền này làm nên giá trị của VH, đó là phẩm chất “bản thiện”, khi nó “chưa bị tha hóa” (K.Mác). Đấy cũng là “mảnh đất” tươi tốt tạo nên tố chất nghệ sĩ, tiềm năng sáng tạo về cái đẹp đa dạng và phong phú của con người Tây Nguyên với tư cách là chủ thể VH. Chúng tôi dừng lại vài nét chấm phá mang tính phác họa như trên để đi đến kết luận quan trọng của GS Trần Quốc Vượng , khơi dòng nhiều ý tưởng thú vị và rộng lớn cho giới nghiên cứu: “Đến Tây Nguyên ít nhiều có cảm giác như đang sống trong không gian VH Đông Sơn vậy. Vùng VH Tây Nguyên hay còn có thể gọi là vùng hậu duệ rõ nét nhất của VH Đông Sơn ở Việt Nam” (sđd, tr. 265). 
 
Bài 2: Khôi phục và bảo tồn không chỉ dựa vào chủ thể văn hóa
 
PHAN MINH ÐẠO