Một lần tôi cay sè mắt khi nghe cô bạn thân kể chuyện gia đình. Bố mẹ bạn rơi vào hoàn cảnh éo le: Bố bạn đi bộ đội, bặt tin người yêu cũ đã hứa hôn với nhau...
1. Một lần tôi cay sè mắt khi nghe cô bạn thân kể chuyện gia đình. Bố mẹ bạn rơi vào hoàn cảnh éo le: Bố bạn đi bộ đội, bặt tin người yêu cũ đã hứa hôn với nhau. Mấy chục năm sau ông mới có điều kiện trở về quê, người ấy đã là người đàn bà một nách hai con, bị chồng ham mê tửu sắc phụ rẫy. Lúc này bố bạn cũng đã có gia đình riêng, mẹ đã sinh ra hai chị em bạn.
Chị Hai bạn vắn số, mất sau một trận sốt ác tính khi vừa lên 4. Bố bạn, vì lí do gì không rõ, ông ở lại ngoài quê, rổ rá cạp lại cùng người đàn bà thề non hẹn biển một thời. Mặc mẹ bạn vò võ đợi chờ với một khoảng lặng không thể nào hiểu nổi. Bạn lớn lên trong sự thiếu thốn tình cha, sự nghèo túng của hai mẹ con. Thời đó, phụ nữ bị phụ rẫy, làm mẹ đơn thân là một sự sỉ nhục, bất hạnh lớn. Mẹ bạn, chẳng biết có phải vì sự vô tình của người thương, hay vì sự khắc nghiệt của cuộc sống, trở thành người đàn bà cộc cằn, cay nghiệt. Mỗi khi gặp chuyện khó khăn hay không may mắn, những lời cay nghiệt dành cho đời, cho người ra đi, buông theo những lời than thân trách phận. Đứa con gái không may mắn - là bạn tôi - là sọt rác để bà mẹ trút hết những bức xúc, trắc ẩn của mình vào đó.
Bạn tôi lớn lên trong nước mắt. Và may mắn trở thành người phụ nữ bản lĩnh. Nói may mắn, vì bạn bảo lắm phen cũng nghĩ chuyện chết quách đi cho rồi, bỏ nhà đi cho rồi... Bao cô bé rơi vào cảnh của bạn chọn con đường như thế.
Bạn vừa kỷ niệm Ngày Gia đình (28/6) bằng chuyến đi lên Đà Lạt cùng bố mẹ bạn. Người đàn ông năm xưa của mẹ, ngày gặp lại con riêng, con chung nheo nhóc, đã bỏ vợ - bỏ mối tình mà ông đánh đổi cả vợ con, cả sự liêm sỉ của mình. Họ gặp lại nhau, tình yêu hẳn không thể nhen lại. “Nhưng kiểu gì thì ông cũng là bố mình” - bạn nói. Họ gặp nhau cũng đã hơn 10 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên bạn dành cho bố, mẹ và chính mình một chuyến đi chung lên Đà Lạt. Đi, và hiểu rằng, trời ơi, cả hai người đàn bà và người đàn ông khắc khổ ấy đều thích đi du lịch biết bao, dù “du lịch” không hề có trong từ điển suy nghĩ cuộc đời ba mẹ. Đi, và hiểu rằng, có những giá trị là vô giá, như một sáng mai thức dậy, nhìn thấy bố đọc sách bên ô cửa sổ ngút ngàn thông xanh, nhìn thấy mẹ từ lâu lắm, lại là người đàn bà hết sức dịu dàng, nhỏ nhẹ với con cháu và người đàn ông duy nhất trong đời mình. Chỉ thế thôi mà ấm lòng, cay mắt.
Tôi cũng cay mắt, nhất là khi cách đây ít lâu, tôi nghe bạn kể, bố đang chiến đấu với căn bệnh ung thư đã di căn. Sự tha thứ, yêu thương có thể không kéo dài cuộc sống nhưng chắc chắn làm tăng thêm nhiều giá trị sống.
2. Một người bạn khác của tôi thường hay chia sẻ trên facebook những khoảnh khắc cả gia đình bạn chụp hình bên nhau. Ở công viên trung tâm thành phố, ở bờ hồ gần nhà khi ánh nắng vàng chạng vạng buông nhẹ trên làn nước... Ba bạn, ngồi trên một chiếc xe lăn. Vợ, con gái dịu dàng, con trai mạnh mẽ bên cạnh. Tôi nhìn thấy hết thảy gương mặt họ toát lên vẻ an nhiên đến mềm lòng.
Ba bạn vốn là nhà khảo cổ học. Không thể đếm nổi bước chân ông lên rừng xuống bể, đi muôn nơi. Ấn tượng nhất một tết năm nào đó, khi chúng tôi còn rất nhỏ, đang ngồi gói bánh chưng bên nhà bạn thì thấy ba bạn bước vào nhà. Cao lớn, miệng cười thật rộng, trên vai là ba lô sờn bụi, trên tay lúc lỉu vài cân thịt tươi sống. Ông nói cứ như đùa khi kể đã đi bộ suốt gần hai ngày đêm, khoảng 100 cây số từ miền núi về xuôi vì ngày tết khó bắt được xe đò và vì muốn để dành thêm chút tiền mua thịt cho con ăn tết. Cái tết nghèo, người bố đi bộ và cân thịt cầm trên tay như một câu hát thật ngọt trong tuổi thơ chúng tôi. Người bố ấy với đôi chân tưởng chừng như không bao giờ biết mệt thì cuối cùng cũng đến lúc phải dừng lại, nghỉ ngơi rồi. Cô bạn nhỏ ngày xưa cũng như tôi, làm mẹ, đủ để hiểu lòng cha mẹ vô hạn đến chừng nào. Bạn nói, mùa hè của bạn trước đây thật ngọt ngào với những chuyến du lịch thú vị khi lên rừng, khi xuống biển, những nơi bố làm việc, được bố cõng trên lưng khi mỏi. Mùa hè của bạn bây giờ ngọt ngào hơn nữa khi được cùng mẹ và em trai bên bố, làm “cái chân” của bố, mỗi khi bố chán ngồi xe lăn. Chỉ là ngắm hoàng hôn trên bờ hồ gần nhà, dạo chơi công viên thôi, cũng đủ đầy niềm vui và hạnh phúc như bất kỳ chuyến du lịch thú vị nào.
3.
Tôi thường có nhiều xúc cảm khi nhìn những bức hình bạn bè chia sẻ kỷ niệm một chuyến đi chơi nào đó có bố, mẹ đi cùng. Có không ít bạn bè tôi, đẩy bố mẹ đi xe lăn đến một vùng đất mới. Có anh bạn ngoài 40, vẻ mặt hạnh phúc rạng ngời khi cõng mẹ đi chơi trên một đồi cỏ rộng.
Là vì, tôi có rất ít cơ hội được đi du lịch cùng bố, mẹ. Khi tôi nhận ra được ý nghĩa điều này thì mẹ đã không còn và bố đã quá mỏi chân, kèm theo chứng bệnh liên quan đến não nên bác sĩ chỉ định tránh những chuyến đi xa. Và tôi cố vớt vát lại việc cùng bố đi ra bờ sông, công viên gần nhà cùng đám cháu nhỏ, bất cứ khi nào chân bố không mỏi. Ở bờ sông ấy, ông cháu, bố con có thể cùng ngắm mặt trời, ngắm rặng dừa nước mọc giữa cồn nhỏ, đón những cơn gió mát lành mang theo mùi lục bình ngai ngái. Tôi hiểu được những buổi chiều ấy sẽ càng ngày càng trở nên giá trị hơn khi những đứa con càng lớn thì ông ngoại càng già, và những khoảnh khắc bên nhau chẳng thể đi ngược quy luật thời gian, sẽ chẳng còn là mãi mãi.
Bạn à, bạn đã bao giờ đi du lịch với bố, mẹ chưa? - Cô bạn mà tôi kể đầu bài hỏi bè bạn trên facebook của mình như vậy đấy. Và bạn ấy nhắn rằng, hãy đi, khi chân bố, mẹ chưa mỏi, hãy cùng ăn một miếng ngon khi răng bố, mẹ hãy vẫn còn...
VÕ THU HƯƠNG