Phát huy dân chủ cho tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay

07:07, 04/07/2019

Văn học nghệ thuật là phạm trù rộng lớn, hàm chứa nhiều chuyên ngành nghệ thuật. Bàn về sứ mệnh, chức năng, vai trò to lớn của văn học, nhà văn Xô viết M.Gorki đã khẳng định...

Văn học nghệ thuật là phạm trù rộng lớn, hàm chứa nhiều chuyên ngành nghệ thuật. Bàn về sứ mệnh, chức năng, vai trò to lớn của văn học, nhà văn Xô viết M.Gorki đã khẳng định: “Văn học là nhân học”, nhà văn Ban-dắc (Pháp) nhận xét “Nhà văn là người thư ký của thời đại”. Bàn về thơ, nhà thơ Hy Lạp Yanot Rixot đúc rút: “Nếu công việc của nhà thơ có được một giá trị nào đấy thì những giá trị ấy biểu hiện ở chỗ ta đã đi vào những nỗi đau khổ của kiếp người để mang lại hy vọng cho mọi đau đớn. Thơ đó là nền nghệ thuật chia sẻ với con người”... Thực tế cho thấy tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.
 
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng dự trại sáng tác năm 2019. Ảnh: Minh Đạo
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng dự trại sáng tác năm 2019. Ảnh: Minh Đạo
 
Với thiên chức ấy, phát huy truyền thống mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là đồng hành cùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ giành độc lập, tự do; nhất là trong hơn 30 năm qua nền văn nghệ nước nhà đã trực tiếp tham gia, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, văn học nghệ thuật Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm”. Đây là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Sự dân chủ trong sáng tạo minh chứng hoàn toàn không có sự áp đặt, ép buộc văn nghệ sĩ phải thực thi một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời. Ngược lại văn nghệ sĩ đã và đang thực thi một sứ mệnh đặc biệt, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu).
 
Như chúng ta biết, tác phẩm văn học nghệ thuật không bao giờ hành trình đơn phương trong đa chiều quan hệ xã hội, mặc dù nó luôn phải tự dấn thân cô đơn trong sáng tạo. Lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ là sự lao động độc lập, in rõ nét dấu ấn cá nhân - Điều này thể hiện rõ nét tính dân chủ của quá trình lao động sáng tạo. Qua sự hòa mình, trải nghiệm hay gọi là vốn sống, thông qua “lăng kính” chủ quan, tài năng khám phá bản chất vấn đề, sự nhạy cảm nắm bắt diễn biến quy luật vận động, dự báo kết quả phát triển, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của văn nghệ sĩ là thế giới hiện thực khách quan đã được tác giả lựa chọn, sắp đặt lại, tái cấu trúc theo một định hướng, một chủ đích sáng tác nhất định. Tuy nhiên, tác phẩm văn học nghệ thuật đích thực, sống với thời gian và đi vào lòng người phải hàm chứa 3 chức năng bản chất cơ bản, đó là các bản chất xã hội nhân văn, bản chất văn hóa và bản chất thẩm mỹ.
 
Nghệ sĩ hoàn toàn dân chủ trong tư duy, trong lao động sáng tạo song sự dân chủ ấy phải hướng tác phẩm tới mục đích gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề dân chủ trong quan hệ với quyền con người - nhân quyền và dân quyền. Dân chủ phải nằm trong mối quan hệ mật thiết với tự do, công bằng và bình đẳng. Dân chủ cũng không thể tách rời dân tộc và độc lập dân tộc. Trên phương diện con người - cá nhân chủ thể, dân chủ thể hiện thành quyền của con người, quyền của công dân, quyền được sống, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng. Mặt khác, dân chủ không chỉ là vấn đề lợi ích, quyền lực và thể chế gắn với chế độ nhà nước, luật pháp mà còn là những giá trị làm người, giá trị thuộc về phẩm giá, nhân cách, tự trọng và tự chủ của con người. 
 
Về thực chất, bản chất của dân chủ, theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân. Trong tác phẩm nổi tiếng “Dân vận” viết năm 1949, Hồ Chủ tịch khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích thuộc về dân. Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân. Quyền hành và lực lượng là ở nơi dân... Bản chất của dân chủ là một bản chất nhân văn (đề cao giá trị con người) và một bản chất pháp lý (nhà nước pháp quyền với luật pháp là tối thượng để bảo vệ dân). 
 
Chỉ xuất phát từ nhận thức như trên, văn nghệ sĩ mới thực sự sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị cao. Phát huy dân chủ trong tư duy, trong sáng tạo văn học nghệ thuật là một bài học kinh nghiệm thực tiễn to lớn và vô cùng sâu sắc trong gần 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng. Trong giai đoạn đổi mới đất nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Do vậy, tăng cường công tác định hướng, phát huy dân chủ cho tư duy sáng tạo là động lực hết sức quan trọng để văn học nghệ thuật tham gia tích cực vào công cuộc “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” như Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã đề ra. 
 
Một nhà văn rất có lý khi viết: Tại sao anh lại làm hướng đạo khi không biết gì trên đường mình đi? Văn học nghệ thuật với chức năng định hướng, dẫn dắt con người đến với Chân - Thiện - Mỹ, do vậy đặt ra những yêu cầu rất cao về Tâm - Tài - Tầm đối với chủ thể sáng tạo là văn nghệ sĩ. 
 
Để thực sự phát huy dân chủ cho tư duy sáng tạo văn học nghệ thuật thì cần chú trọng những điều kiện cần và đủ sau:
 
Thứ nhất, phải đầu tư chiều sâu cho yếu tố con người. Có thể nói, phần lớn văn nghệ sĩ ở các tỉnh, thành và trong đó có Lâm Đồng đến với sáng tạo văn học nghệ thuật xuất phát từ yếu tố năng khiếu - tự phát. Đây là điều rất quý và hiếm, thế nhưng nếu không được đào tạo cơ bản về lý luận, bồi dưỡng thì tác giả cũng khó đi được xa trên chặng đường sáng tạo nghệ thuật dài tít tắp. Nhất là để có dân chủ thực sự trong sáng tạo thì văn nghệ sĩ phải hiểu tường tận thế nào là dân chủ, dân chủ phải được đặt trong mối quan hệ tổng hòa của xã hội... và đặc biệt mục đích sáng tác có vì lợi ích Nhân dân, quốc gia, dân tộc hay không? Cuộc sống vận động, biến đổi không ngừng; đời sống xã hội luôn đan xen cái tốt - cái ác, cái đẹp - cái xấu, cái hiện tượng - cái bản chất, cái mới cái cũ... rất cần được văn nghệ sĩ phát hiện, phản ánh kịp thời với chính kiến xác đáng để định hướng dư luận xã hội... Vì vậy, cần thường xuyên nâng cao chất lượng văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực như nhận thức chính trị, trình độ văn hóa, trình độ chuyên ngành... Học, học mãi, học nữa từ trường lớp, cuộc sống, tác phẩm, đồng nghiệp! Có vậy mới giúp cho văn nghệ sĩ có một nhân sinh quan, thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn, khách quan và khoa học khi sáng tạo, thể hiện chính kiến trong tác phẩm. 
 
Thứ hai, phải động viên, khích lệ văn nghệ sĩ thâm nhập, gắn bó với thực tế đời sống, chia sẻ tâm tư tình cảm với Nhân dân; nắm bắt kịp thời những vấn đề, xung đột nảy sinh, được xã hội quan tâm. Tuy hoạt động của văn nghệ sĩ là độc lập, mang tính cá nhân, song việc thường xuyên mở các trại thực tế, sáng tác chuyên đề ở các địa phương, cơ sở là rất cần thiết để nâng cao tính định hướng, đưa cuộc sống vào tác phẩm.
 
Thứ ba, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận phê bình một cách thẳng thắn, chân thành và khoa học. Đây là lĩnh vực hiện chúng ta còn rất yếu, còn sa vào tình trạng khen nhiều, chê ít mà có chê thì ngại va chạm, cả nể nên chung chung, thiếu cụ thể. Chú trọng khâu này sẽ khắc phục tình trạng phổ biến lâu nay là “văn mình, vợ người” mà không hiểu “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta”...
 
Thứ tư, phải chú trọng công tác động viên, khen thưởng kịp thời cả về vật chất - tinh thần đối với các tác giả có tác phẩm tốt. Phát hiện tài năng gửi đi đào tạo, bồi dưỡng...
 
Thứ năm, tăng cường giao lưu với các Hội văn học nghệ thuật các tỉnh trong khu vực, trong nước và thế giới nhằm tránh nguy cơ tụt hậu, thiếu cập nhật cái mới, cái tích cực trong sáng tạo văn học nghệ thuật. 
 
Thời gian qua, Hội VHNT Lâm Đồng đã từng bước tăng cường tính định hướng, phát huy dân chủ cho tư duy sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra vấn đề cần đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tạo nên những tác phẩm chất lượng cao ngang tầm khu vực, trong nước. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, Hội VHNT Lâm Đồng sẽ tiếp tục làm tốt công tác định hướng, phát huy cá tính sáng tạo của văn nghệ sĩ, nhằm hoàn thành tốt nhất vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật - Đó là, dân chủ trong sáng tạo nhưng tác phẩm phải đặt trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng kinh tế phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; mở rộng quan hệ đối ngoại... Mặt khác, phải chú trọng tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, tìm phương thức phù hợp để hội tụ mọi sự sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất: Nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.
 
ÐAN THANH