Tôi có một gia đình. Mọi người trong gia đình tôi sống rất hòa thuận, hết lòng che chở cho nhau...
Tôi có một gia đình. Mọi người trong gia đình tôi sống rất hòa thuận, hết lòng che chở cho nhau. Tất cả đều lấy làm hãnh diện và thích phô trương cho thiên hạ thấy mình thuộc loại con nhà gia giáo. Không hiểu các vị có tin hay không, chứ vợ tôi gọi mẹ chồng là má. Dì tôi xưng hô với cô tôi bằng cả tên lẫn phụ danh. Bố tôi thường hôn tay mẹ tôi khi chào hỏi. Đúng là một gia đình kiểu mẫu, niềm hân hoan của mấy tay nhà báo vốn tâng bốc gia đình tôi lên tận mây xanh.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Mới đây, tôi đến lượt được mua một chiếc xe hơi. Sau khi nhận phiếu báo của cửa hàng, tính lạc quan truyền thống của tôi tiêu tan hết sạch.
- Sao trông con mặt mũi ỉu xìu thế kia? - Nhạc mẫu hỏi với vẻ hoài nghi.
- Làm thế nào mà không ỉu xìu được - Tôi rầu rĩ nói - Xe hầu như có rồi đấy. Song tiền thì lại không đủ.
- Thế còn thiếu bao nhiêu nữa?
- Tốt nhất là mẹ hãy hỏi xem chúng con hiện có bao nhiêu!
- Năm trăm rúp - Vợ tôi nhanh nhẩu đáp.
- Với số tiền ấy thì chỉ đủ mua bốn chiếc lốp - Nhạc mẫu hách dịch tuyên bố.
- Với cả săm nữa chứ - Tôi bổ sung.
- Con đừng buồn, ta cho con thêm một cầu trước và một cầu sau - Nhạc mẫu nói.
- Thế tôi là ai đối với nó? - Mẹ tôi hét toáng lên, tay cầm cuốn sổ tiết kiệm.
- Tôi thì thua gì những người khác - Nhạc phụ vừa lầu bầu nói vừa rút ví ra.
Em gái tôi chạy đi tìm chồng của nó rồi hai người cùng nhau lôi ra một món tiền.
Vợ tôi làm một phép cộng còn nhanh hơn máy tính rồi kêu lên:
- Còn thiếu hai nghìn nữa!
- Có dì đây, các cháu ạ! - Dì tôi vội nói và giơ lên một nắm công trái quốc gia.
… Và thế là trong sân nhà chúng tôi xuất hiện một chiếc ô tô mới khự màu cánh cam.
Suốt một tuần, các thành viên trong gia đình tôi không chui ra khỏi xe. Thậm chí người ta còn quy định trình tự xem ai, đi đâu, lúc nào đi và bao nhiêu lâu. Tôi lái xe mệt bở cả hơi tai. Nhạc mẫu bảo: “Con ơi, chúng ta sẽ đi Dzhvani!” - Và tôi cho xe leo lên núi. Mẹ tôi rủ đến Svekhovili, bố tôi thì thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Anamini, cô tôi lại rất mê vùng Galati, còn dì tôi thì hết lời ca ngợi tu viện Ilorski…
Trong suốt một tuần, vợ tôi vẫn chưa được một lần nào ngồi vào xe. Trên cơ sở đó đã nổ ra một cuộc xung đột giữa hai vợ chồng tôi:
- Chỉ thiếu một chút nữa là họ hàng nhà cô sẽ biến chiếc ô tô này thành buồng ngủ - Tôi mở đầu một cách khá ôn hòa.
- Có thể nghĩ rằng họ hàng nhà anh ngồi trong cốp xe đấy hẳn! - Vợ tôi nhận xét.
- Bà dì của cô trắng trợn đến mức là bắt đưa xe xuống phà và cứ thế vượt sông về làng mình - Tôi nói.
- Thế anh muốn dì tôi bơi qua sông hay sao? - Vợ tôi thốt lên.
- Thôi được - Tôi hét thật to và quên cả phép lịch sự truyền thống - Từ mai trở đi, cả họ hàng nhà tôi lẫn nhà cô cấm được ngồi vào xe của tôi. Tôi còn bao nhiêu là việc phải làm. Tôi đâu phải người lái taxi mà là phó phòng của một cơ quan có tầm cỡ. Không hiểu khi tôi chưa có chiếc “Zhiguli” này thì họ sống như thế nào?
Đúng lúc ấy mẹ tôi bước vào phòng.
- Này con - Bà nói - Sáng mai chúng ta sẽ đi Gori. Người ta bảo rằng táo ở đó rẻ lắm.
- Chồng tôi không phải tài xế của bà - Vợ tôi quát.
Nhạc mẫu và dì tôi bước vào phòng.
- Này anh bạn, sáng mai anh hãy đưa chúng tôi đến Viện thủy lợi - Mẹ vợ tôi nói.
- Chồng của con gái bà không phải là tài xế của bà đâu nhé - Tôi hét lên.
… Đêm hôm ấy, tôi đánh một giấc ngủ ngon. Sáng sớm mai thấy sảng khoái khi tỉnh dậy, và với cảm giác của người giành được tự do, tôi bước ra ban công. Tôi nhìn xuống sân, nơi đậu chiếc ô tô và suýt nữa thì ngất xỉu.
Mấy gã lực lưỡng như bò mộng dưới sự chỉ huy của tất cả các thành viên trong đại gia đình hòa thuận của tôi đang tháo tung chiếc xe của tôi ra từng bộ phận. Dì tôi khuân đi đâu đó tấm kính trước và tấm kính sau. Mẹ vợ tôi và bố vợ tôi dùng xe bò kéo đi chiếc cầu trước và cầu sau. Còn bố mẹ tôi thì đặt ở giữa sân tấm đệm trước và tấm đệm sau và đang ngồi sưởi nắng ấm ban mai…
Khi tôi chạy ra tới sân thì cái ô tô chỉ còn trơ lại bốn chiếc lốp. Có lẽ cả săm nữa.
Truyện ngắn: AVTADIL ADEISHVILI (GRUZIA) LÊ SƠN dịch