Ðồng tiền đẻ mắn

08:09, 26/09/2019

Cách đây chừng hơn một năm, sáng ấy ông Kha đang thả lưới bắt cá mương ở bờ hồ thì cô Lam đi bộ tới. Cô tươi cười dừng lại hỏi:...

Cách đây chừng hơn một năm, sáng ấy ông Kha đang thả lưới bắt cá mương ở bờ hồ thì cô Lam đi bộ tới. Cô tươi cười dừng lại hỏi:
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Được nhiều không hả bác? 
 
Ít lắm cô ạ. May ra đủ bữa riêu!
 
Bỗng cô cúi xuống thì thầm:
 
- Thôi, bác đừng làm cái việc này nữa, chẳng bõ bèn gì mà lại mang tiếng. Có một việc rất hợp với bác, kiếm được nhiều tiền, bác có muốn làm thì tối bảo bác gái sang nhà em nhé!
 
Tối ấy vợ ông từ nhà cô Lam trở về nói: Cô ấy có công ty nước giải khát trên Hà Nội, mỗi tháng lãi hàng trăm triệu. Cô ấy đang làm thủ tục mở một chi nhánh về tỉnh mình, sẽ mời ông làm chân bảo vệ. Trước mắt cô ấy đang kêu gọi vốn, sẽ trả gấp ba lần lãi ngân hàng. Nhà mình nếu có tiền cho vay, cô ấy sẽ trả lãi trước cho mà tiêu. 
 
- Ôi giời, vay với mượn. Làm ăn lớn thì phải có tiền chứ sao lại phải đi vay tư nhân nhỉ. Thôi, kệ cô ấy. Tôi cũng chả cần làm bảo vệ.
 
Đêm ấy bà Giang cứ triền miên suy nghĩ. Cái câu tiền đẻ ra tiền chính là cô Lam nói chứ bà không nghĩ ra, vậy mà nó cứ găm mãi vào trí tưởng tượng của bà. Hay là đem bán…
 
Vài hôm sau ai tinh lắm mới biết tai bà Giang đã không còn đôi vòng vàng nữa. Bà cũng không nói với ông, lẳng lặng chờ số vàng ấy sẽ sinh con đẻ cháu. Hai tháng trôi qua, món tiền lãi gần bằng một chỉ vàng được đích thân cô Lam trao cho bà. Tờ giấy vay hai chỉ vàng do chính tay cô Lam viết vẫn còn nguyên. Lúc ấy bà mới dám khoe với chồng. Ông Kha nhìn tờ giấy rồi nhìn mớ tiền lãi xem ra rất hài lòng. Ngẫm ngợi một lúc, ông bảo:
 
- Làm ăn như vậy cũng được đấy. Giờ thì tôi cũng tin cô Lam mở chi nhánh công ty nên cần tiền đầu tư. Hay là mình đi vay ngân hàng giúp cô ấy nhỉ.
 
- Ông vay được ngân hàng ư?
 
- Mang cái bìa đỏ ra thế chấp là vay được thôi. Cô ấy trả lãi gấp ba ngân hàng nghĩa là mình trả lãi ngân hàng một phần, vẫn còn được hưởng hai phần. Chả mấy mà số tiền lãi lại to bằng tiền vốn bà ạ. 
 
 Sau khi giao cho ngân hàng cái bìa đỏ, ông mang về mấy cục tiền. Tối đó hai ông bà cùng mang tiền sang nhà cô Lam. Viết giấy biên nhận xong, cô Lam đếm tiền rồi lấy ra năm triệu đặt vào tay ông Kha, nhẹ nhàng nói:
 
- Đây là tiền lãi tháng đầu của hai bác. Hai bác có hai trăm rưỡi, được lãi tròn năm triệu.
Cầm số tiền lãi mà hai tay ông Kha cứ run bần bật. 
 
Từ hôm ấy nhà ông Kha như được đổi đời. Một hôm ông ngồi trầm ngâm rồi bảo với bà:
 
- Này, hồi trước tôi thấy bà nói cái câu tiền đẻ ra tiền hay thế nhỉ. Sao bây giờ bà không nghĩ cách cho tiền đẻ tiếp đi.
 
- Nghĩ gì nữa. Còn vốn liếng đâu mà mong nó đẻ.
 
- Tôi bảo nhé. Bà chịu khó về quê, nói với họ hàng rằng mình xây lại cái nhà, hỏi xem ai có thì mượn, ít nhiều cũng mượn, trả lãi cho người ta bằng với lãi suất ngân hàng. Hoặc mượn vài cái sổ đỏ để mình tự đi vay. 
Mắt bà Giang sáng lấp lánh:
 
- Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra. Ngày mai tôi về quê ngay. 
 
 Chuyến về quê của bà Giang thu kết quả ngoài sức mong đợi. Nào bác, nào chú, nào cô, nào dì, nào thím đều nhiệt tình cho mượn. Họ không có nhiều nhưng mỗi nhà cũng góp được vài chục triệu. Có người ra ngân hàng rút hết sổ tiết kiệm về giao cho bà Giang. Có người vừa cho mượn tiền, vừa cho mượn sổ đỏ. Nói đến lãi lờ, người ta đều gạt đi: “Hộ hai bác trên ấy, khi nào làm được nhà to, khao chúng tôi một bữa cỗ là xong”.
 
Sau một tuần ở quê, bà Giang mang về hơn ba trăm triệu với ba tấm bìa đỏ. Vậy là nhà ông Kha đã có gần hai tỷ đồng cho cô Lam vay. 
 
Bà Giang xưa nay vẫn là người biết tằn tiện. Bây giờ biết chỗ cho tiền đẻ ra sòn sòn như vậy thì bà càng ham. Mới năm tháng trôi qua, gom số tiền lãi đã đủ cho cô Lam vay thêm trăm triệu. Bà thầm nghĩ, đây là lứa tiền con đầu tiên, rồi vài tháng nữa lại có lứa tiền cháu lớn lên. 
Một hôm mé đầu phố bỗng ồn ào, nhốn nháo. Nhiều người mặt đỏ phừng phừng, nhiều người mặt xanh như tàu lá, quây kín ngôi nhà ba mặt phố của cô Lam. Một người gào thật to:
 
- Bà Lam ơi bà Lam, bà có nhà thì ra mở cửa đi. Mở cửa ra nói chuyện với chúng tôi!
 
Hai ba lần réo gọi không thấy tiếng trả lời, nhiều tiếng sừng sộ:
 
Bà không mở thì chúng tôi phá đấy. Đừng có gan mà thiệt thân.
 
- Mày định cướp tiền của chúng tao à?
 
Hàng xóm, hàng phố lúc này mới nhớn nhác:
 
- Cô Lam cướp tiền á? Sao thế được? Quanh đây có ai nhiều tiền bằng cô Lam. Họ nhầm rồi.
 
Đám đông ồn ĩ một lúc thì có hai cảnh sát khu vực tới. Rồi tổ trưởng dân phố cùng đại diện một số ban ngành cũng có mặt. Bác thợ khóa được nhờ cậy, chỉ vài thao tác, ổ khóa đã rời ra. Hai cánh cửa mở bung, trước mắt họ là căn phòng rộng hoác và trống rỗng. Bộ sa lông đắt tiền với ti vi, tủ lạnh, xe máy đi đâu cả. Tầng hai cánh cửa chỉ khép hờ, giường chiếu còn nguyên nhưng các đồ đạc quí thì như có cánh, bay đi hết. Mọi người sững sờ, có người nổi giận, có người ngồi bệt xuống đất gào khóc, chửi rủa. Những người hàng xóm bây giờ lũ lượt kéo đến, trước cảnh tượng này, họ cũng mắt tròn mắt dẹt, lập cập hỏi nhau:
 
Cô ấy đi đâu, bà có biết không? Ông có biết không?
 
- Không! Nào có thấy cô ấy chào hỏi gì đâu. Mà có khi cô ấy bận việc cơ quan, hoặc đi du lịch ít ngày thì sao?
 
- Du lịch với bận việc, mà đồ đạc cũng đi du lịch sao?
 
- Chết rồi, có thể nhà cô ấy bị trộm khoắng sạch rồi. 
 
Trong đám đông có một người hét tướng lên:
 
- Trộm cái con khỉ. Nó trốn rồi. Đã ba ngày nay tôi không thể liên lạc được với nó. Bao nhiêu cuộc điện thoại thì bấy nhiêu câu trả lời “ngoài vùng phủ sóng”. Chắc là nó đã đi đến tận Hồng Kông, hay Thái Lan rồi chứ đâu còn ở nước mình. 
Mấy người hàng xóm vẫn ngơ ngơ ngác ngác:
 
Là thế nào hả các bác? Cô ấy mượn tiền hay… mượn vàng.
 
- Tiền, vàng, sổ đỏ nó ôm tất. Các ông bà có một người hàng xóm tốt thế mà không biết ư?
 
- Hả? Cả sổ đỏ ư? Mà… không lo đâu, cô ấy còn cả một công ty lớn, làm ăn phát đạt lắm. 
 
- Ui dào! Công ty ở đâu, ông có biết không, bà có biết không? Có mà công ty ma ấy. Nó cũng biến cả mất rồi.
 
- Trời ơi, công ty ma ư? Cô ấy vẫn bảo mỗi tháng công ty lãi hàng tỷ đồng, nuôi cả một bộ máy vài trăm người cơ mà…
 
Một anh công an nói:
 
- Nhận được tin báo của bà con, chúng tôi đã xác minh bên cơ quan X, nơi cô Lam đang công tác. Họ cho biết cô Lam đã xin nghỉ phép một tuần nay rồi. Chính họ cũng không thể liên hệ được với cô ta. Bây giờ chúng tôi lập biên bản và tạm thời niêm phong căn nhà này. Mời bác tổ trưởng dân phố đến đây. Còn bà con, ai có vướng mắc gì với chủ căn nhà này thì mời về trụ sở công an phường, làm đơn trình báo.
 
Bà Giang bắt đầu run. Hóa ra cô ấy bỏ nhà đi thật ư? Hàng ngày tươi cười niềm nở, chị chị em em, hứa hẹn bao điều tốt đẹp. Vậy mà… Bà tần ngần, bụng bảo dạ “còn ngôi nhà to vật đấy, mình sẽ giữ để đòi tiền”. Nghĩ như vậy rồi bà lại chột dạ vì công an vừa nói sẽ niêm phong nhà rồi, mình giữ làm sao đây. Với lại đám người lúc nãy toàn chủ các sạp hàng ở chợ, nghe nói họ đã hùn vốn cho cô Lam mấy năm nay rồi, chắc cũng mất những khoản tiền to nên mới giận dữ như thế, ngôi nhà này họ cũng chẳng để yên. Bà muốn khụy xuống nhưng cố gượng đi nhanh về nhà, vội vàng đến ban thờ, rút ba thẻ hương thắp lên rồi rì rầm khấn: “Con lạy thần linh thổ địa, con lạy chư vị bồ tát, hãy giúp con, xui giục cô Lam về mau...”.
Vừa lúc ấy thì nghe tiếng ông Kha oang oang:
 
- Bà Giang ơi! Tôi bảo cái này! Bà biết chuyện nhà cô Lam chưa, có biết cô ấy đi đâu không?
 
- Tôi nghe loáng thoáng người ta nói cô ấy trốn. Nhưng tôi không tin.
 
- Cô ấy mà trốn thì số tiền nhà mình cho vay sẽ mất trắng? Lại còn sổ đỏ nữa. Bà tính sao?
 
- Ô hay, sao ông lại hỏi tôi. Mong là cô ấy không trốn, còn chẳng may… thì đành nhờ công an họ đòi giúp.
 
- Nhờ công an á? Nếu trình báo công an vụ này, khéo không mình cũng bị bắt ấy, bà nghĩ kỹ xem.
 
- Ối giời ơi, sao lại bị bắt?
 
- Bị bắt vì bà cũng đi vay của người khác rồi ăn lãi cao. Giờ không có tiền trả nợ thì chẳng phải đã phạm vào tội lừa đảo ư? 
 
- Ối giời ơi, thế thì chết mất. Mà cũng tại ông chứ tại ai. Chính ông bảo tôi về quê vay của họ hàng làng xóm chứ có phải tự tôi nghĩ ra đâu. 
 
- Tại!.. tại!... tại cái cô Lam ấy, cái con mụ Lam ấy lừa đảo. Tôi bảo nhá. Giờ cứ im lặng đã, xem công an họ giải quyết thế nào. Đừng có lộ ra việc vay mượn của mình, bà hiểu chưa? Tuyệt đối im lặng!
 
-Vâng! Tôi biết rồi! Nhưng không báo với công an thì mình bị oan, lấy tiền đâu để trả họ hàng hả ông? - bà nấc nghẹn, cố kìm tiếng khóc bật ra.
 
 Ông Kha ngồi mãi ở phòng khách, miệng lẩm bẩm “tiền đẻ ra tiền, gần hai tỷ bạc, nó cuỗm sạch rồi”. Bỗng hai tay ông ôm chặt lấy đầu, dường như cơn đau bất chợt xuất hiện khiến ông đau đớn lắm.
 
TRUYỆN NGẮN: ÐỖ THỊ HIỀN HÒA