Trần Nhã Thụy rót quê nhà vào ly

06:09, 26/09/2019

"Chiều chiều vo gạo nấu cơm / Ngồi trong xó bếp nghe thơm nỗi buồn". Có một nhà văn từ Sài Gòn thỉnh thoảng làm thơ nhớ về quê nhà rao rát miền Trung.

“Chiều chiều vo gạo nấu cơm / Ngồi trong xó bếp nghe thơm nỗi buồn”. Có một nhà văn từ Sài Gòn thỉnh thoảng làm thơ nhớ về quê nhà rao rát miền Trung.
 
Nhà văn Trần Nhã Thụy và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Nhà văn Trần Nhã Thụy và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
 
Tảo tần chữ nghĩa
 
Mấy nhà văn Việt tôi quen đều có gốc gác nhà quê. Có lẽ nông dân và nhà văn gặp nhau ở cái “cày”. Trần Nhã Thụy và tôi cùng thế hệ 7X, trùng nghiệp “tay báo, tay văn”, dân miền Trung nguyên tắc “đã xáp vô là làm tới”. Cày ở đâu không biết, thỉnh thoảng gặp nhau ngõ nhỏ Sài Gòn, tôi đều thấy một Trần Nhã Thụy bơ ngơ bên ly cà phê, vẻ như uống, vẻ như không. Lại thỉnh thoảng văn đàn lóe lên một đầu sách Thụy. Ý tưởng chắt chiu, gây được chút dư luận, bạn bè trong nghề đánh giá “được”, nhà sách bán tương đối. 
 
Với hàng chục đầu sách (truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn) và kịch bản phim đã chiếu, Trần Nhã Thụy đang là một nhà văn sung sức tiêu biểu ở phía Nam. Vẫn biết, anh nhìn mình không phải người lành mạnh cho lắm, bởi mọi chuyện đều vì cuộc mưu sinh và cuộc chơi lông ngông của chính anh. Thực ra, Thụy làm báo để nuôi gia đình, nuôi văn; điều còn lại của một nhà văn là thái độ lao động và tác phẩm. 
 
Thụy còn có món giải trí hơi bị hay: làm thơ trên điện thoại. Kiểu như “Ra đi là mất quê hương / Nửa đời ngoái lại, con đường vời xa”, “Mỗi người có một vết thương / Mỗi người có một quê hương để về”, “Chiều chiều vo gạo nấu cơm / Ngồi trong xó bếp nghe thơm nỗi buồn”, “Mỗi người có một cõi tình / Mỗi người có một một mình mình thôi”, “Bạn bè dăm đứa bôn ba/ Chiều nay ngồi rót quê nhà vào ly”,... Tóm lại, những câu thơ thẩn bất chợt của Thụy luôn lộ “ý đồ” nhớ quê, một miền đất của mẹ cha, cật ruột. Chính miền nhớ này giúp anh thăng bằng giữa cuộc mưu sinh và sáng tạo nghệ thuật nơi thị thành.
 
Một kiểu “giải trí” nữa của Thụy là viết tạp văn ghi lại những chợt nhớ chợt nghĩ đời mình. Ví như, kể khổ chuyện đi xe máy mùa triều cường phố thị, anh tếu táo “Có đêm nằm đuối quá bèn… thỏ thẻ với vợ rằng: “Em à, anh xin phép được đổi vợ trong mùa triều cường này được không?”. Thoạt nghe vợ không hiểu, nhưng biết là mình đang đùa chuyện gì đó. Tất nhiên là mình đang đùa. Mình nói với vợ là phải chi em sở hữu cặp chân dài thì đời anh bớt khổ, chân ngắn quá thì sao có thể cưỡi xe... chèo chân vào mùa triều cường. Nghe nói vậy vợ chỉ cười: “Nhiều chuyện quá”!...” (Triều cường chân ngắn và rau sạch). Biết cười đời, cười mình cũng là một tâm thế của Thụy - chàng trí thức nhà quê lên phố. 
 
Quê nhà mát dịu
 
Không khó để bắt gặp một Trần Nhã Thụy lặng lẽ với bao đầu việc, lặng lẽ viết giữa ồn ã Sài Gòn. Mà hồn vía vẫn như gởi về đâu đó, nơi có địa chỉ vừa cụ thể vừa thăm thẳm quê nhà. “Tôi ngồi viết những dòng này trong một quán cà phê ồn ã giữa Sài Gòn. Đây là những ngày không có nồi cá kho của má, không có bánh tráng nướng bẻ giòn… Chỉ có một nỗi nhớ giăng đầy. Trong nỗi nhớ, không hiểu sao lại thấp thoáng những bụi bờ thơ dại, rưng rưng” (Nồi cá đồng kho của má và những bụi bờ thơ dại). 
 
Nhà văn Trần Nhã Thụy tên thật Trần Trung Việt, sinh năm 1973 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi; Ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng chi nhánh phía Nam NXB Hội Nhà văn. Sách đã in: truyện dài thiếu nhi (Thị trấn có tháp đồng hồ); các tập truyện ngắn (Lặng lẽ rừng mai, Những bước chậm của thời gian, Chàng trẻ măng ở phố treo đầu); các tập tạp văn (Gối đầu trên mây, Cuộc đời vui quá không buồn được, Mùi, Triều cường chân ngắn và rau sạch); các tiểu thuyết (Sự trở lại của vết xước, Hát),...

Trong tiểu thuyết “Hát” (NXB Hội Nhà văn, 2014), Trần Nhã Thụy vẽ mình trong nhân vật Kỳ - một người có học, trầm mình sống ở thị thành và luôn “ư ư” mơ về một cõi lãng du miền quê xa ngái. Kỳ hình như muốn tồn tại, hình như lạc lối; hình như ham sống, hình như tan biến; hình như mạnh mẽ, hình như yếu ớt… Hình ảnh người “có học” hiện lên thật mong manh, tội nghiệp, chán ngắt. Cũng như nghề báo “có số má” đã và đang nuôi mình nhưng Thụy lại mong “ước gì mình không viết báo”. Rồi giờ này Thụy chuyển sang làm nghề xuất bản, dĩ nhiên, công việc viết lách đã trở thành… nghiệp chướng, mọi lúc, mọi nơi.

Một lần, Trần Nhã Thụy bộc bạch: “Tôi yêu đến cháy lòng vùng đất Quảng Ngãi, Bình Định. Một nơi là quê sinh ra tôi, một nơi là quê sinh ra vợ. Một nơi là tuổi thơ, một nơi là những ngày học cấp 3 rồi chập chững vào đời. Cái kiểu ăn, kiểu nói của tôi lúc nào cũng rặt chất hai vùng đất này. Quê nhà luôn có cách làm mát dịu bởi tình thân bạn bè, sự chân thành và vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết”.
 
Cũng như ngoài đời, Thụy phải lao mình vào “đất chật” để mưu sinh rồi chắt bóp mua cái nhà ở Quy Nhơn để “quy miền Trung”. Thế nhưng lại vẫn mãi dùng dằng chung sống chốn Sài Gòn. Rồi Thụy thở hắt: “Viết, là tự “lưu đày bản thân” hay “tự sát thương” mình. Quả là buồn khi người đọc chỉ chăm chú theo dõi truyện kể gì, mà không hề để ý tới việc tác giả ứng xử với câu chữ như thế nào”. 
 
Nhiều khi, tôi cũng chả hiểu “câu chữ” là cái thứ gì, bởi giấc mơ làng quê vẫn mãi là giấc mơ đời Trần Nhã Thụy; quan trọng là anh ứng xử ra sao với cuộc đời mình.
 
ĐÀO ĐỨC TUẤN