Chiếc xe chạy chậm lại rồi đỗ xịch trước một trạm kiểm lâm. Tiến tài xế hỏi: "Phải đây không anh?". Tôi xuống xe vào hỏi thăm thì được biết Thuận đã chuyển công tác về làm việc ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, được ba năm nay rồi...
Chiếc xe chạy chậm lại rồi đỗ xịch trước một trạm kiểm lâm. Tiến tài xế hỏi: “Phải đây không anh?”. Tôi xuống xe vào hỏi thăm thì được biết Thuận đã chuyển công tác về làm việc ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, được ba năm nay rồi. Cái chức trưởng trạm kiểm lâm đã giao lại cho một chiến sĩ khác. Chúng tôi lại ngược lên Khu Du lịch Bidoup - Núi Bà.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Trời đã ngả về chiều, không khí ở đây thật mát mẻ, dễ chịu, không như ở thành phố Sài Gòn luôn luôn ồn ào, nóng bức. Trước vẻ đẹp thiên nhiên mà huyền ảo của núi rừng Tây Nguyên, mọi người ai cũng có vẻ thích thú. Nhìn lên đỉnh núi, bầu trời như một mặt hoa cương lặng lẽ, màu xanh dịu của những tán lá cây tạo thành các bóng râm cheo leo trườn ra vách đá. Tất cả như một bức tranh vĩ đại mà tạo hóa đã ban cho vùng đất Tây Nguyên này. Ngọc Linh mê say ngắm cảnh, miệng cứ tấm tắc khen hết chỗ này lại chỗ khác. Chiếc xe dừng ngay trước một tòa nhà lớn. Đây là nhà khách của Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Cách đây hơn mười năm, nơi đây còn rất hoang sơ, chưa được xây dựng nhiều như bây giờ. Chúng tôi được các anh em nhân viên tiếp đón ân cần. Thuận bước ra bắt tay tôi cười cười với vẻ mặt bối rối xen lẫn ngạc nhiên. Tôi vẫn yên lặng xem anh có nhận ra tôi không. Tôi kéo tay áo lên, đưa cánh tay trái với vết sẹo dài ra trước mặt Thuận. Vài giây thôi, Thuận vỗ vai ôm chầm lấy tôi la lên:
- Phong… Phong hả? Có... có phải… Phong lục lâm không? Trời ơi, ngọn gió nào đưa anh tới đây?
Tôi cười hinh hích nửa đùa nửa thật: - Ngọn gió tình thù, ngọn gió của lòng dũng cảm… Sao khỏe không? Trông anh khác quá.
- Ừ, thì khác chứ, cũng xấp xỉ mười năm rồi còn gì. Anh cũng vậy, ra vẻ ông chủ quá, không giống tên lục lâm ngày xưa nữa.
Hai chúng tôi cùng cười vui. Bỗng Thuận quay sang hất đầu đưa mắt nhìn tôi có vẻ dò hỏi, tôi hiểu ý liền đưa tay giới thiệu từng người trong nhóm: “Đây là chú Tiến tài xế, đây là anh Quang, anh họ tôi, còn đây là Ngọc Linh - bà xã”. Tôi nói với Thuận sau những thăng trầm của cuộc đời, tôi bây giờ là chủ một trung tâm trang trí nội thất của Thành phố Hồ Chí Minh. Thuận chúc mừng và đưa chúng tôi lên phòng nghỉ ngơi rồi hẹn xong việc sẽ cùng bày trò nhậu một bữa hoành tráng.
Hơn mười năm trôi qua như một giấc mơ. Đúng là một giấc mơ dài. Tôi làm sao quên được cái ngày định mệnh của đời một tên lâm tặc. “Phong lục lâm” là biệt danh mà nhóm làm gỗ lậu đặt cho tôi.
* * *
Tôi choàng tỉnh trong một trạng thái mơ mơ hồ hồ. Toàn thân ê ẩm, đau buốt. Tôi vùng ngồi dậy, nhưng không được, tay chân và đầu nặng như đeo đá. Đôi mắt mở trừng trừng, nhưng mọi vật trước mắt cứ như con rối, chao chao lượn lượn. Cổ họng thì khô cứng như ngậm dăm bào. Tôi vùng ngồi dậy lần nữa, cũng chưa được. Chợt một bàn tay ấn mạnh tôi xuống, có tiếng nói đâu đó gần bên tôi, mà tôi nghe cứ như vọng lên từ một cõi nào. “Chưa ngồi dậy được đâu”. Tôi lại mở to mắt lần nữa, một hình người lúc to lúc nhỏ, lúc xa lúc gần cứ choang choáng trước mặt tôi. Tôi thều thào: “nước… nước”. Một lúc sau, tôi được dựng đầu dậy uống một hơi nước mát, tôi nghe rõ dòng nước chảy len lỏi vào từng ngõ ngách của cơ thể. Tôi được đặt nằm lại đúng vị trí. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Rồi lại bị dựng đầu dậy, lần này tôi được nuốt từng muỗng từng muỗng một chất gì sền sệt, nong nóng, rồi lại một dòng nước âm ấm chạy len vào cơ thể. Tôi lại được đặt nằm xuống. Cái bát sền sệt đó hẳn là cháo, tôi như được bơm thêm sức mạnh, tôi vùng ngồi dậy, lần này tôi nghe tiếng nói rõ hơn một chút: “Ổng tỉnh dậy rồi anh à”. Tôi thấy cồm cộm ở cánh tay trái, đưa tay sờ soạng thì ra cánh tay bị băng rịt lại, miếng băng vẫn còn thấm máu.
Trước mặt tôi là một anh kiểm lâm trẻ:
- Ổng tỉnh rồi anh Nam ơi!
Một người đàn ông khoảng trên bốn mươi, mặc áo sơ mi kẻ sọc xanh nhìn tôi đăm đăm. Tôi đã hơi tỉnh, tôi biết mình đang nằm trong một căn phòng lạ, mọi vật đều lạ, mấy người đang đứng trước mặt tôi cũng lạ. Còn bọn người đi với tôi đâu mất cả rồi, tôi chẳng thấy một ai, tôi nói nhưng cổ họng rất đau rát:
- Tôi ở đâu đây? Các anh là ai?
- Anh cứ nằm nghỉ đi, đừng cử động nhiều vết thương sẽ ra máu lại. Chiều nay sẽ có bác sĩ đến thăm - Người đàn ông có tên là Nam nói thế. Rồi ông ta kéo anh kiểm lâm ra ngoài to nhỏ gì đó coi bộ rất nghiêm trọng.
Buổi sáng hôm ấy trời thật oi bức, tôi nghĩ ngợi phân vân không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi nghe tiếng rền rỉ của một cơn gió, đưa mắt nhìn ra cửa sổ, nhìn những tia nắng chiếu những làn bụi cuốn xoáy trôn ốc trên từng đọt cây ngoài sân. Tôi được một anh lính kiểm lâm cho biết đây là trạm kiểm lâm Hòn Giao là nơi giao nhau giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Khánh Hòa. Các chiến sĩ kiểm lâm đã tìm thấy tôi trong rừng sâu với cánh tay bị trúng đạn. Tôi được chăm sóc ở đây hai ngày rồi, hôm nay nữa là ngày thứ ba. Tôi đã dần dần hồi nhớ lại những chuyện đã xảy ra trước đó. Anh Hai là ông trùm của bọn tôi, anh quyết định chọn khu rừng này để “hạ trại” vì ở đây có nhiều gỗ quí, nhất là pơ-mu, thông đỏ, trắc… và còn có mấy cây cổ thụ lâu năm nữa, dễ chừng có cây cũng trên trăm năm tuổi, đốn được vài cây này là tiền tỷ của bọn tôi. Bọn chúng tôi chỉ là những thằng làm thuê cho anh Hai, anh Hai chỉ đâu là bọn tôi cắm dùi ở đó, chứ ít khi tìm hiểu rừng này hay rừng kia tên gì. Vụ nào trót lọt thì chia nhau phè phỡn. Bọn tôi trót lọt nhiều chuyến nhưng không ngờ, chuyến này lại nuốt không vô. Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp cùng kiểm lâm tỉnh đã mật phục. Một số chạy thoát, một số bị bắt. Tôi bị bỏ lại giữa rừng mặc sống mặc chết, còn đám “anh em sinh tử” thì hồn ai nấy lo, những lúc như thế này tìm ra một tình huynh đệ khó lắm. Một chiến sĩ kiểm lâm ở đây tên là Thuận đã đưa tôi về chăm sóc. Hôm nay tôi cảm thấy đỡ nhiều, viên đạn chỉ sượt qua phần mềm của cánh tay. Trong lúc hỗn chiến với cảnh sát tôi định hạ một kiểm lâm để thoát thân, nhưng không hiểu phát đạn từ đâu bay trúng cánh tay, tôi ôm cánh tay chạy vào một bụi rậm, máu ra nhiều quá, tôi ngất đi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể biết được, phát đạn bay ra từ nòng súng nào? Cảnh sát? Kiểm lâm? Đồng bọn? Tôi chưa hiểu vì sao ở đây các chiến sĩ kiểm lâm lại chăm sóc tôi tận tình, giữa tôi với họ rõ ràng là một nghịch lý. Hay họ có âm mưu gì đây. Người đàn ông mặc thường phục có tên là Nam bước vào, tôi chộp ngay lấy anh ta hỏi:
- Những người kia đâu cả rồi? Sao tôi chưa bị bắt?
- Bọn họ vác linh hồn chạy cả rồi, một số chuẩn bị vào nghỉ dưỡng trong nhà đá. - Người đàn ông tên Nam lạnh lùng trả lời.
Anh kiểm lâm trẻ chen vào nói: - Những kẻ phá rừng kia bị bắt hết rồi. Anh cũng bị bắt rồi đó. Nhưng vì chúng tôi cần cứu người trước. Không nỡ để anh bỏ mạng trong rừng. Anh đã tỉnh, anh sẽ phải nói chuyện nhiều với chúng tôi trước khi nói chuyện với cảnh sát.
Nghĩ đến những hệ lụy tiếp theo, tôi biết tội của tôi sẽ phải đối mặt với pháp luật, tôi sẽ phải ngồi tù. Tôi nhớ đến mẹ tôi. Người đàn bà chịu thương chịu khó nuôi tôi lớn khôn. Cha tôi đã bỏ mẹ con tôi đi theo người đàn bà khác từ khi tôi còn rất nhỏ. Tôi căm thù tất cả. Mẹ tôi đâu ngờ rằng tôi là một tên lâm tặc. Rồi tôi lại nhớ đến Ngọc Linh, người tôi yêu tha thiết. Nhà nghèo. Tôi cố đi một hai chuyến nữa khi có tiền cưới vợ thì tôi sẽ giải nghệ luôn. Nếu ngồi tù thì coi như mất tất cả, mất tất cả. Tôi ôm đầu đau đớn. Tôi chồm tới cầm tay người đàn ông tên Nam cầu xin: - Anh Nam ơi, đừng giao em cho cảnh sát, em van các anh. Nhà em nghèo lắm, mẹ em đang đau nặng, em cần tiền để chữa bệnh cho mẹ, em cũng cần tiền để cưới vợ. Xin các anh thương em, đừng giao cho cảnh sát, em hứa...
- Anh hứa gì? Bộ anh tưởng tôi tin lời anh sao.
- Em nói thật mà, em định đi chuyến này có tiền rồi là em thôi luôn.
- Tôi không giao nộp anh cho cảnh sát, đồng bọn của anh đã khai ra anh rồi. Chẳng qua tôi và anh em kiểm lâm ở đây thấy anh gặp nạn lại bị đồng bọn bỏ rơi nên cứu giúp anh thôi. Đừng ép tôi phải mang tội danh che giấu tội phạm.
Tôi biết mình sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn đây. Trong đời một tên giang hồ lâm tặc tôi chưa bao giờ biết cầu xin ai. Nhưng tôi không muốn vào tù. Tôi phẫn nộ hét lên: - Vậy… vậy sao anh không bắn tôi lúc đó đi.
Ông Nam lạnh lùng nói: - Bắn anh ư. Tôi không có súng.
- Anh bảo vệ rừng mà không có súng à.
- Chính quyền sở tại có phát súng nhưng tôi không nhận. Cầm súng để làm gì. Để bắn những thằng phá rừng như anh à. Nếu bắn thì bao nhiêu đạn cho đủ. Chúng tôi giữ rừng bằng lòng dũng cảm, bằng tình yêu thương đồng loại. Tôi muốn chính những kẻ phá rừng một ngày nào đó sẽ quay lại bảo vệ rừng. Nên tôi không cần súng. Anh nói anh cần tiền để lo cho mẹ, để còn cưới vợ ư. Tôi có thể tin anh được không, vì có lúc người ta làm những việc sai trái vì một lý do đúng đắn.
Bất chợt, tôi nhớ đến khẩu súng ngắn của tôi, không biết nó lọt vào tay ai rồi, tôi định hỏi thì ông Nam nói: - Khẩu súng của anh, tôi đang giữ đây, chắc chắn phải giao cho cảnh sát. Với khẩu súng này anh đã đến bao nhiêu nơi rồi.
Tôi thản nhiên đáp: - Chỗ nào tôi cũng đến rồi, chỉ trừ địa ngục là chưa.
- Vì anh sợ đến đó chứ gì. Tôi cứu anh vì lòng nhân đạo. Việc còn lại là của anh và phòng cảnh sát bảo vệ môi trường.
Sáng hôm sau, xe cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường dừng trước trạm kiểm lâm. “Phong lục lâm” tra tay vào còng một cách ngoan ngoãn. Tuần lễ sau, tôi bị di lý về phòng cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh, vì đó là nơi thường trú của gia đình tôi.
Hai năm sáu tháng ngồi nghỉ dưỡng trong nhà đá của tôi cũng đã kết thúc. Sau này tôi mới biết chính ông Nam đã đệ đơn xin tòa giảm án cho tôi vì lý do tôi chỉ là kẻ vận chuyển thuê cho bọn đầu gấu cưa gỗ lậu và còn phải nuôi mẹ già đang đau ốm, cũng mới vi phạm lần đầu. Từ bốn năm chỉ còn hai năm sáu tháng.
* * *
Người đàn ông trông bề ngoài có một vẻ lạnh lùng, nhưng đó chỉ là cái vỏ bọc của một tấm lòng nhân hậu, của hơn mười năm về trước, cho đến bây giờ ông Nam vẫn là một cán bộ bảo vệ rừng phòng hộ của khu du lịch sinh thái này. Trông anh khác hẳn hồi đó, có phần mập mạp hơn xưa. Nghe Thuận giới thiệu về tôi, nhưng ông Nam vẫn cứ ngờ ngợ. Thuận nói: - Anh chưa nhớ ra thật sao? “Phong lục lâm” của gần mười năm về trước đó. Anh em mình đã “nhặt” được anh ta trong rừng Hòn Giao…
Cán bộ Nam sững sờ thốt: - À, nhớ rồi nhớ rồi. “Phong lục lâm”. Trời ơi, đổi khác quá.
Tôi giới thiệu những người cùng đi với tôi. Ông Nam bắt tay từng người rất thân thiện.
Hôm sau, đích thân Thuận và ông Nam hướng dẫn chúng tôi đi tham quan rừng và một số địa điểm chính yếu của Vườn quốc gia. Phong cảnh ở đây quá đẹp, Ngọc Linh trầm trồ hết lời. Càng đi càng thấy thích thú, càng khám phá ra nhiều điều mới lạ và huyền diệu của rừng. Chúng tôi chẳng ai than mệt cả. Đúng là dân thành phố, suốt đời cứ đối mặt với lo toan, với tính toán, với bụi xe, với những khoảnh khắc không bình yên… mấy khi mới được thưởng thức mùi rừng, nghe âm thanh của rừng, hòa mình vào tiếng róc rách của suối, rộn rã lòng khi nghe tiếng hót của các loài chim… Trong một khoảnh khắc của tiềm thức, mọi việc tôi đã làm trước đó lướt nhanh qua tâm trí tôi. Bỗng dưng tôi rùng mình kinh hãi.
Trong bữa cơm thân mật chiều nay, tôi thật sự cảm động khi mà các anh em luôn quan tâm đến tôi. Ông Nam cầm một ly rượu lên đưa trước mặt nói với tôi: - Ly này chúc mừng “Phong lục lâm” đã lột xác. Cám ơn Phong đã không quên những người anh em của núi rừng Tây Nguyên này”. Tôi cũng cầm một ly lên xúc động nói: “Cuộc sống vốn có nhiều ngã rẽ. Con người ta có thể đi bất cứ nơi đâu, nhưng cuối cùng cũng chỉ có một nơi chốn để quay về”. Tôi quay sang Ngọc Linh: “Phải thế không em”. Ông Nam hỏi thăm về mẹ tôi. Tôi kể hết mọi thăng trầm trong thời gian qua. Khi tôi thụ án được hơn một năm thì mẹ tôi mất. Anh Quang đi cùng tôi đây, tôi có giới thiệu là anh họ, thực chất anh ấy là công an khu vực của tôi, anh đã bảo lãnh cho tôi được về tang ma cho mẹ xong sẽ trở vào thụ án tiếp. Còn Ngọc Linh vẫn vào thăm tôi, nàng quyết chờ đợi tôi ra tù. Sau khi ra tù được một năm thì chúng tôi kết hôn. Cha mẹ vợ giúp đỡ nhiều. Hai chúng tôi giờ là chủ một trung tâm mua sắm đồ trang trí nội thất của thành phố. Thuận quay sang nói với Ngọc Linh:
- Chị thấy không? Tình yêu luôn có một sức mạnh phi thường. Anh Phong đã làm tất cả… kể cả… để có chị ngày hôm nay.
Ngọc Linh cười nhẹ nói: - Dạ em biết chứ. Đôi khi người tốt cũng có thể làm việc xấu, nhưng đã là người xấu thì khó mà làm được việc tốt anh à.
Những sự việc đáng tiếc xảy ra cách đây hơn mười năm tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, với tôi như một ảo ảnh. Khi ảo ảnh đó tàn đi, tôi mới nghiệm ra một điều: Chúng ta đều là một sự tổng hợp của những người mà ta đã gặp trong đời. Không có một vực thẳm nào, không có một thiên kiến nào ngăn cách được lòng nhân ái của con người. Nhất là những con người hiền hòa, đáng quí đang sống và đang ngày đêm canh giữ bảo vệ núi rừng Nam Tây Nguyên này. Trên đường về, tôi im lặng nhìn cảnh vật hai bên đường, tất cả đã lùi lại sau lưng như giã từ quá khứ của tôi. Câu nói của cán bộ Nam cứ xoáy mãi, xoáy mãi trong tâm trí: “Tôi muốn chính những kẻ phá rừng, một ngày nào đó sẽ quay lại bảo vệ rừng”. Tôi tự hỏi không biết mình đã quay lại chưa.
Truyện ngắn: ĐẶNG THỊ THANH LIỄU