(LĐ online) - Sau 20 ngày diễn ra tại Đà Lạt, Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã bế mạc với nhiều kết quả đáng kể...
(LĐ online) - Sau 20 ngày diễn ra tại Đà Lạt, Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã bế mạc với nhiều kết quả đáng kể. Tham dự trại viết, 14 văn nghệ sĩ là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã được xâm nhập thực tế sáng tạo tại cao nguyên Di Linh, cao nguyên Lâm Viên. Những người con đến từ quê hương Đồng Khởi (Bến Tre) với rừng dừa, đồng lúa mang theo xúc cảm đồng bằng được đứng trước đồi núi chập trùng đã tạo nên niềm cảm hứng sáng tạo mới. Rung cảm trước thực tiễn sinh động, đời sống lao động sản xuất, văn hóa tinh thần của đồng bào miền cao nguyên, 63 tác phẩm đã ra đời gồm nhiều thể loại: Bút ký, truyện ngắn, thơ, kịch bản sân khấu, ca khúc, tranh, ảnh nghệ thuật, công trình nghiên cứu về nghệ thuật cải lương.
|
Các văn nghệ sỹ tặng tác phẩm hội họa cho Nhà sáng tác Đà Lạt |
Trong số 63 tác phẩm gặt hái được của trại viết, có hơn 2/3 tác phẩm được các văn nghệ sĩ đã trải lòng cùng Đà Lạt, núi đồi Tiêu biểu có thể kể: Đà Lạt nỗi nhớ, Đà Lạt dấu yêu (thơ Nguyễn Thái Thiên), Cam Ly (thơ chữ Hán, Tục Tâm), Ngày đầu đông, Đà Lạt nhớ (nhạc Thanh Sử), Lặng lẽ bên hồ, Phượng tím vườn xưa (nhạc Võ Trung Lưu), Về Đà Lạt mộng mơ, Mai tôi xa Đà Lạt (nhạc Tấn Thiện)... Nhiều bài hát hay, nhiều vần thơ đẹp dành cho Đà Lạt đã được các văn nghệ sĩ trình bày tại lễ bế mạc.
Dù sáng tác văn chương là một lao động đặc thù, trong một thời gian rất ngắn không thể đòi hỏi các văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm để đời, nhưng tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc trong những ngày mưa bão, giá lạnh nối tiếp nhau vừa qua đã nói lên niềm đam mê, tình yêu với văn chương, tình yêu với Đà Lạt của những văn nghệ sĩ đến từ quê hương cụ Đồ Chiểu.
QUỲNH UYỂN