Đam Rông xưa là đại ngàn thâm u, tĩnh lặng, là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà và 3 xã Đầm Ròn của Lạc Dương...
Đam Rông xưa là đại ngàn thâm u, tĩnh lặng, là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà và 3 xã Đầm Ròn của Lạc Dương. Chỉ mới cách đây 20 năm thôi, đồng bào K’Ho ở Đầm Ròn (Lạc Dương lúc bây giờ) - 3 xã Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long (Đam Rông hôm nay) sống biệt lập giữa đại ngàn. Để “kết nối” với thế giới bên ngoài chỉ có con đường mòn trập trùng đồi dốc lên Lạc Dương với đôi chân trần đi bộ 1 ngày đường, hoặc vượt sông Krông Nô qua Đắk Lắk. Vắt rừng và ruồi vàng, nghèo đói và bệnh tật... Nhạc sĩ Krajan Dick là người con của đại ngàn, lớn lên dưới chân núi mẹ LangBian (Lạc Dương), hơn ai hết anh chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu trên miền đất Đam Rông. Những con đường tỏa khắp núi rừng, ánh điện soi sáng muôn nơi, đồng bào không còn những ngày đói cơm, lạt muối. Đam Rông như một sơn nữ ngủ vùi ngàn năm bừng tỉnh giấc... Đó là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Krajan Dick viết nên tác phẩm “Thức giấc Đam Rông” đầy chất thơ này.
|
Nhạc sĩ Krajan Dick |
Ca khúc mở đầu bằng cảnh hoàng hôn trùm ánh vàng xuống Bằng Lăng (tên một loài hoa thân gỗ) và là thị trấn non trẻ của Đam Rông. “Chiều nghiêng bóng Bằng Lăng, nắng dịu xuyên nắng vàng, lòng ai chợt lắng hoàng hôn/Thời gian vụt thoáng qua, nhắc tôi ngày đã xa/Làn gió khẽ ngân nga lời ca/Và tôi đã trở lại, con đường xưa nối dài/ Nguồn nước về lắng hồ xanh/Lời mong ước từ lâu, chắp muôn màu cánh sao”... Bức tranh không gian, thời gian, con người, thiên nhiên, nắng vàng, làn gió, mặt hồ cùng rung lên mạch xúc cảm như một lời tự tình hồi tưởng quá khứ khi tác giả bất chợt bắt gặp một Đam Rông tươi mới “Kìa Đam Rông tỉnh giấc, sức sống vươn cao”.
Quá khứ chưa xa lại hiện về trong tâm tưởng “Chuyện xưa, ánh đuốc trong đêm soi lối rừng mờ/Câu truyền khấn, cây nêu, dáng trâu, rượu cần, cõi linh”. Cồng chiêng, ngọn lửa, cây nêu, đầu trâu, rượu cần, lời khấn cầu cõi linh, rừng là 7 yếu tố đầy đủ của một không gian văn hóa, mà ở đó con người hòa vào đại ngàn thành một thực thể. Trong khó khăn, sống tựa vào thiên nhiên, phụ thuộc vào thiên nhiên, đồng bào đã sáng tạo và “tắm gội” trong văn hóa đại ngàn. Di sản văn hóa truyền thống cũng là niềm tin, sức sống bền bỉ, tiếp nghị lực trong hành trình chinh phục thiên thiên của đồng bào bản địa K’Ho, M’Nông.
Đam Rông của hiện tại bừng sức sống mới: “Và nay, vui đón bình minh, em thơ đến trường/Khắp nương đồi vườn sai hoa trái, thơm nồng khát vọng”. Niềm vui trước Đam Rông đổi thay như cuộn lên trong từng ca từ, thúc giục người người chung tay cống hiến xây dựng quê hương. “Ngày mai, vóc dáng quê hương, thêm lớn từng ngày/Ánh điện sáng rộng mở trí, nhân tâm, tình muôn phương /Này em, ta hiến tuổi xuân cho sông núi này/ Nối công trình, làng buôn ta đó, nơi nơi sáng bừng”. Những thành tựu 15 năm thành lập huyện (2004), 10 năm xây dựng nông thôn mới là những con số có thể đo đếm, nhưng không thể cụ thể hóa trong lời ca, tác giả đã thổi vào ca từ một niềm cảm hứng, lòng người rộng mở, ánh điện xua tan màn đêm u tịch, những con đường nối những miền xa - Một khí thế mới về một Đam Rông đã “thức giấc” vươn dậy.
Bản sắc văn hóa là sức mạnh cội nguồn sẽ chính là nền tảng vững chãi, là niềm tự hào để Đam Rông phát triển đi lên. Tiếng cồng chiêng hòa điệu cùng tiếng trống, những vòng xoang nồng say không dứt “Đinh đong chiêng vẳng vang, bung bập trống rộn ràng/Dịu dàng xoang đều tay, vòng xoay phía cội nguồn/Sức xuân đã tràn về, cùng anh vươn tới, bình yên quê mới, trọn niềm vui với đất trời”.
Nhạc sĩ Krajan Dick là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, nguyên là Phó Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, anh từng đoạt nhiều giải thưởng cao của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội VHNT các DTTS Việt Nam với các tác phẩm: Men tình xuân, Nồng nàn cao nguyên, Cánh sóng và chuyện tình, Lời suối gọi, Sim Kring, Chào Mimosa, Chư Yang Sing, Gọi gió... Tác phẩm của anh mang đậm âm hưởng cồng chiêng, hơi thở đại ngàn và dân ca các dân tộc Tây Nguyên. |
Lời hát khi tự tình, kể chuyện, lúc róc rách như suối, lúc ầm ào thác đổ. Gam màu xanh hy vọng của mùa xuân bao trùm lên cả đoạn kết. Chung riêng, quá khứ, hiện tại, tương lai xen lẫn nhau làm nên cái hay của bài hát. “Sức xuân đã tràn về”, “sắc xuân đã tràn trề”, “cùng nhau vươn tới”, “trọn niềm vui với đất trời”, “hòa lời ca với đất trời”... Lời hát như truyền cho người nghe tình yêu với quê hương Đam Rông, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Là người được đào tạo âm nhạc bài bản, cộng với sự lao động sáng tạo nghiêm túc, ở tác phẩm nào, nhạc sĩ Krajan Dick cũng “lao tâm khổ tứ” với đứa con tinh thần của mình bằng những thủ pháp nghệ thuật khác nhau. “Thức giấc Đam Rông là một giai phẩm đẹp, có giai điệu trẻ trung, sôi nổi; điểm nhấn tiết tấu là âm hưởng chiêng 6, Sơgơr Nam Tây Nguyên; có 3 đoạn rõ ràng, mạch lạc. Giai điệu phát triển theo nội dung tư duy của ca từ, các đoạn được liên kết với nhau một cách hài hòa hợp lý. Đoạn một êm dịu, như lời kể chuyện, đoạn 2 tiết chế nâng dần về cao độ, trường độ, có điểm rơi nhịp, đảo phách tạo sự khắc khoải của bức tranh trong quá khứ, những đổi thay trong hiện tại và ước nguyện cho tương lai, tác giả đã cố tình rung nền, hòa thanh mềm mại để diễn đạt sự chông chênh của quá khứ thiếu lạc quan, gợi hiệu ứng chuỗi âm thanh như lạc lõng, buồn; sau đó tác giả lại đột ngột tạo nút thắt tinh tế bởi hòa thanh bất thường, với chuỗi giai điệu có quãng cao, tuôn trào, để rồi chuyển mạch lạc quan bằng thanh âm cồng chiêng, nối mạch một tương lai bừng sáng cho đoạn kết. Kết thúc, hòa vào đặc thù âm nhạc chiêng 6 Nam Tây Nguyên với giai điệu quãng 2 hẹp đan cài hòa điệu cùng nhịp trống da trâu bám trụ, giai điệu phát triển cao dần, dồn dập, thôi thúc, tin tưởng, khẳng định tương lai của một miền đất.
Mong muốn một Đam Rông phát triển với những khát khao, những điều tốt đẹp, nhạc sĩ Krajan Dick đã viết lên ca khúc “Thức giấc Đam Rông” bằng cả tình yêu của mình dành cho mảnh đất này. Tác phẩm vừa ra đời vào tháng 10/2019, Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu cùng bạn đọc.
QUỲNH UYỂN