Giúp bà con bảo tồn văn hóa truyền thống

06:11, 19/11/2019

Công tác bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn xã Đinh Lạc (Di Linh) đã có nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ giúp bà con ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn góp phần giới thiệu đến với bạn bè gần xa.

Công tác bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn xã Đinh Lạc (Di Linh) đã có nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ giúp bà con ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn góp phần giới thiệu đến với bạn bè gần xa.
 
Qua hoạt động giao lưu, góp phần giúp bà con bảo tồn văn hóa hiệu quả. Ảnh: N.Brừm
Qua hoạt động giao lưu, góp phần giúp bà con bảo tồn văn hóa hiệu quả. Ảnh: N.Brừm
 
Những năm qua, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án bảo tồn của tỉnh, một số địa phương ở huyện Di Linh, đặc biệt là xã Đinh Lạc luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc bản địa cũng như các dân tộc từ các tỉnh về đây sinh sống. Cụ thể, vài năm gần đây, bên cạnh việc tổ chức lớp truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho thanh niên, xã Đinh Lạc đã đứng ra tổ chức các “Đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng” với các xã lân cận, tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn có dịp giao lưu, sinh hoạt cồng chiêng. Theo anh Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc: “Mặc dù tổ chức trong phạm vi 3 xã (Đinh Lạc, Tân Nghĩa và Bảo Thuận), nhưng qua 2 lần đã thu hút khoảng 200 thành viên với 4 đội cồng chiêng tham gia và trên 2.500 người dân trong vùng đến xem, cổ vũ nhiệt tình”. 
 
Là những người tâm huyết với văn hóa truyền thống, già làng K’Tiếu ở thôn Duệ không chỉ nhiệt tình trong việc truyền dạy, ông còn được địa phương giao nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ. Già K’Tiếu chia sẻ: “Mặc dù chỉ tái hiện những nét cơ bản nghi thức “Mang lúa về kho” của dân tộc K’Ho (Kơ Ho), chúng tôi có cảm giác mình được sống lại với không gian xưa, trở về nguồn cội. Điều đó luôn nhắn nhủ chúng tôi phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn”. 
 
Không chỉ già làng K’Tiếu, các nghệ nhân cồng chiêng, các thành viên trong các đội cồng chiêng ở các xã cũng đã bày tỏ niềm vinh dự lớn lao khi được chứng kiến tái hiện nghi lễ truyền thống của dân tộc, được diễn tấu cồng chiêng và tham gia điệu múa tam nia... “Qua những lần tham gia giao lưu, không chỉ cá nhân tôi mà nhiều chàng trai, cô gái đến từ các đơn vị bạn đều có chung niềm vui. Là thành viên trong đội cồng chiêng được chọn đi tham gia biểu diễn là một niềm vui và hãnh diện vì có thêm cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân và chia sẻ, truyền đạt lại cho thế hệ kế cận”, anh K’Brối, Đội cồng chiêng thôn Duệ chia sẻ. 
 
Còn theo ông K’Bróp - Bí thư Chi bộ thôn Kao Kiul và cũng là thành viên của Đội cồng chiêng thôn Kao Kuil, xã Đinh Lạc: “Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã Đinh Lạc rất quan tâm đến việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. Thời gian qua, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch về công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, được bà con trong thôn nhiệt tình làm theo. Mới đây, trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thôn Ka Kuil chúng tôi cũng đã lồng ghép sinh hoạt đánh cồng chiêng...”.
 
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, xã Đinh Lạc đã khuyến khích bà con phục dựng các lễ hội truyền thống, nghề đan lát, nghiên cứu truyền dạy tất cả các bài chiêng cho các thành viên trong đội cồng chiêng... Đến nay xã Đinh Lạc đã thành lập được Câu lạc bộ cồng chiêng và định hướng hoạt động, duy trì tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng dân cư đạt hiệu quả; thời gian qua, Đội cồng chiêng thôn Duệ, xã Đinh Lạc được huyện Di Linh chọn đại diện huyện đi tham gia biểu diễn tại các cuộc giao lưu, liên hoan do tỉnh tổ chức. 
 
Với vai trò, trách nhiệm, các già làng, nghệ nhân... không những là người đi đầu trong việc truyền dạy cồng chiêng, điệu múa, mà còn giáo dục con cháu chú trọng lưu giữ chữ viết, tiếng nói, sưu tầm bài hát, các làn điệu dân ca...
 
Trong thời gian tới, ngoài việc lưu giữ văn hóa cồng chiêng thì cấp ủy, chính quyền địa phương xã Đinh Lạc sẽ tiếp tục triển khai, xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu “Đêm hội làng ta” lồng ghép với lễ hội cúng đình... Tại đây, Nhân dân trên địa bàn sẽ có dịp giao lưu hát chầu văn, ca trù, chèo... nhằm tạo sân chơi bổ ích, góp phần bảo tồn văn hóa của người Kinh Bắc; tạo sự hòa quyện, đa dạng, sinh động trong hoạt động sinh hoạt văn hóa tại địa phương.
 
NDONG BRỪM